Với giá thành cao ngất ngưởng, nhiều người vẫn sẵn sàng chi tiền để sở hữu gốc bonsai độc đáo từ cây tre, cây trúc.
Vốn là loài cây quen thuộc xuất hiện nhiều ở vùng quê Việt Nam, cây tre, khóm trúc ngày nay lại được nhiều gia đình dùng để trang trí sân vườn, làm tiểu cảnh bonsai cho không gian nhà thêm sinh động. Bởi bên cạnh là hình ảnh kiên cường, bất khuất tượng trưng cho đất nước Việt Nam, tre còn mệnh danh là loài cây phong thủy mang lại sự may mắn và thịnh vượng. Qua bàn tay biến hoá tài tình của những nghệ nhân làm cây kiểng, bonsai tre trở thành kiệt tác đẹp mắt, tuy vậy vẫn giữ được nét điểm xuyết mộc mạc và giản dị vốn có của cây tre làng quê.
Bonsai tre vừa giữ được nét mộc mạc, mảnh khảnh vốn có, lại được uốn thành những dáng tỉ mỉ và đẹp mắt.
Hình dáng nhỏ gọn và tỉ mỉ của cây tre bonsai tạo nên một cảm giác thanh lịch và tinh tế. Điểm đặc biệt là mỗi cây tre tiểu cảnh lại sở hữu một dấu ấn riêng, thể hiện sự khác biệt và cá nhân hóa mà người trồng gửi gắm vào trong đó. Với sự sáng tạo của nghệ nhân, nhiều thế bonsai từ cây tre độc nhất vô nhị ra đời như dáng rồng, dáng hình bản đồ chữ S,... Có người thích chơi phôi độc lạ, một số khách thì lại thích sự mềm mại, rũ rượi của tán tre vươn thẳng lên hoặc uốn cong, tất cả phụ thuộc vào gu thẩm mỹ của mỗi người.
Mỗi gốc bonsai thường có giá vài trăm tới vài triệu đồng. Riêng những sản phẩm có phôi lạ mắt thì giá gấp 3, 4 lần là chuyện bình thường. Thậm chí với những cây mọc cong quẹo, đặc biệt là xoắn ốc, các đốt san sát nhau thì thuộc vào hàng "quái dị" hay đột biến, những dòng này lên đến từ 70-80 triệu đồng/cây.
Tre, trúc thuộc họ cây thân gỗ, rỗng ruột nên rất dễ để định hình được dáng cây cảnh đẹp mắt. Mỗi bonsai tre là một phiên bản thu nhỏ của cây tre thông thường, được tạo dáng và chăm sóc theo một quy trình nghệ thuật đặc biệt. Nhờ quá trình này, cây tre bonsai có hình dạng và kích thước nhỏ gọn, tạo nên một sự tinh tế và duyên dáng.
Những chậu bonsai tre mini thích hợp trang trí trên bàn trà, bàn làm việc hay bậu cửa sổ. Còn những gốc to, dáng đẹp mắt hay độc lạ thì lại được nhiều tay chơi cây kiểng “kỳ cựu" săn đón. Dịp Tết 2023, nhiều gốc bonsai tre được rao bán trên mạng xã hội để mọi người mua về trưng trong nhà. Tuy giá thành cao nhưng vẫn xảy ra tình trạng cháy hàng liên tục.
Sở hữu niềm đam mê với cây kiểng, anh Phạm Quốc Huy (34 tuổi), sống ở TP.Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, thường đi tìm mua phôi tre của nông dân về làm bonsai kiếm thêm thu nhập bên cạnh công việc chính là thiết kế nội thất.
Nhiều thế bonsai đa dạng được anh Huy uốn để đáp ứng sở thích, gu thẩm mỹ khác nhau của mỗi người.
Điểm mới lạ mà không phải cây kiểng nào cũng có là tre có phần phôi đẹp, hình thù độc đáo tựa những bonsai lâu năm, nhưng phần thân vẫn rũ rượi, mềm mại. Sau một thời gian tìm hiểu, anh Huy nhận ra tiềm năng của phôi cũng như bonsai tre không tốn quá nhiều công chăm sóc trong quá trình nuôi dưỡng.
"Dáng phôi càng độc lạ thì mình bán được giá càng cao, có những bonsai tre phần đế hình thù gồ ghề, được tạo tác bởi thiên nhiên hay do mọt ăn thì lên đến 80 triệu đồng/cây", anh Huy nói.
Anh Huy cho biết thêm, để bonsai tre có giá trị cao, người trồng phải lựa chọn phôi có màu xanh của bánh tẻ, không quá non hoặc quá già, đặc biệt ít sâu bệnh. Sau khi đem về, tỉa bớt những phần rễ già, để rễ non có không gian phát triển sau này. Người nghệ nhân phải cẩn thận để tránh tỉa toàn bộ, giữ lại những rễ còn sống, không giập nát. Sau đó bắt đầu quy trình ủ cho ra thêm rễ rồi mới bắt đầu trồng và tạo dáng cây.
Những phôi càng lạ thì anh Huy lại bán được với giá càng cao.
Cũng nhận thấy tiềm năng từ cây tre cảnh, anh Phạm Văn Tùng (33 tuổi, Quảng Ninh) đã theo nghề làm bonsai tre đã nhiều năm nay. Từ một nhân viên vận chuyển hàng hoá, anh Tùng giờ đây ngày ngày thức dậy với công việc trồng tre cảnh. "Có những đợt mình không tìm mua được phôi tre nên phải nhờ anh em chia lại để về trồng. Mình còn tập trung vào phần tán, lá cây để sản phẩm hoàn thiện hơn", anh Tùng nói.
Sau khi mua phôi về, anh Tùng sẽ ủ cho ra rễ, rồi mới định hình bằng dây nhôm để giữ cho măng không gãy cũng như tạo tác cho tán, cành tre sau này ra dáng đẹp. Để nâng cao giá trị cho bonsai tre, anh còn kết hợp sản phẩm với rêu, tượng đá. Có lần vừa đăng bán gốc bonsai tre có hình dạng xoắn tự nhiên từ phôi lên cành, có khách đã vào hỏi mua với giá 40 triệu đồng.
Những cây tre mini với giá chỉ vài trăm ngàn đồng dùng để trang trí bàn uống trà mang đậm nét cổ xưa.
Cây tre có nhiều loại phù hợp để tạo bonsai, như cây tre nguyên gốc (non) được chọn khi cây tre còn non trẻ và dễ dàng tạo dáng theo ý muốn; cây tre nguyên gốc (giữa) là những cây tre đã trưởng thành nhưng vẫn giữ được sự linh hoạt với đường cong mềm mại; cây tre nguyên gốc (cổ) là những cây tre đã trở thành cây cổ, mang đến một vẻ đẹp cổ điển và độc đáo nhưng đòi hỏi nghệ nhân phải khéo léo trong tạo hình. Mỗi loại cây tre mang lại những đặc trưng và vẻ đẹp riêng, tạo nên sự đa dạng và sự lựa chọn cho người trồng bonsai.
Với những dáng “quái dị”, nhiều người sẵn sàng chi vài chục triệu để sở hữu.
Tre tượng trưng cho sự mảnh mai thanh nhã, thích hợp với nhiều không gian và phong cách thiết kế khác nhau. Nhiều người mua bonsai tre về trưng trong nhà để làm tăng vượng khí, từ đó tạo ra một không gian sống thoải mái và an toàn. Đặc biệt, tre không cần chăm sóc kỹ nhưng vẫn có thể sinh trưởng tốt cả bốn mùa.