Tết Nguyên đán năm nay là cái Tết đoàn viên thứ hai của hai cha con “người rừng” Hồ Văn Thanh cùng anh em, họ hàng, làng xóm.
Cuộc sống những ngày biệt lập ở rừng sâu bây giờ chỉ còn hoài niệm, nhưng mỗi khi hướng mắt về phía rừng sâu, cha con ông Thanh vẫn đau đáu một nỗi nhớ…
Sau hơn 40 năm sống tách biệt ở rừng sâu, hai cha con “người rừng” Hồ Văn Thanh (82 tuổi) và Hồ Văn Lang (43 tuổi, trú tại xã Trà Phong, Tây Trà, Quảng Ngãi) đã được đưa về hòa nhập với cộng đồng vào đầu tháng 8/2013.
Hai cha con “người rừng” đã dần hòa nhập với cộng đồng sau 40 năm sống tách biệt trong rừng sâu.
Hơn một năm về làng từ rừng sâu
Một ngày đầu xuân, vượt qua hàng chục kilômét đường rừng trắc trở, chúng tôi tới thôn Trà Nga, xã Trà Phong, huyện Tây Trà để thăm cha con “người rừng” Hồ Văn Thanh và Hồ Văng Lang sau hơn một năm trở về làng từ rừng sâu.
Cách đây hơn 40 năm, cựu binh Hồ Văn Thanh trở về buôn làng, hay tin cả gia đình đã thiệt mạng sau một trận bom. Buồn bã, tuyệt vọng, ông mang đứa con trai là Hồ Văn Lang khi đó chưa tròn 2 tuổi bỏ vào rừng sâu, tránh xa bom đạn, xa lánh con người. Cuộc sống của hai cha con người rừng hoàn toàn tách biệt với xã hội hiện đại. Cứ mỗi khi thấy có bóng dáng con người xuất hiện thì ông Thanh lại mang con đi sâu vào rừng hơn.
Trong hơn 40 năm đó, cũng có vài lần ông Thanh trở về buôn làng. Nhưng mỗi lần trở về đều rất nhanh chóng. Người thân chưa kịp thăm hỏi, chưa kịp theo dấu thì ông đã đi mất.
Trận bom năm 1972, ông Thanh tưởng rằng vợ con đều thiệt mạng, nhưng thực tế, họ đều còn sống. Thế nhưng có lẽ tổn thương tinh thần quá lớn đã khiến ông không tin được vào sự thật. Nhiều lần trở về, người thân, làng xóm nói với ông là vợ ông, con trai út vẫn còn ở nhà đấy, về đi, về sống với gia đình đi. Nhưng ông không nghe!
Anh Hồ Văn Tri, anh con trai út, cho đến bây giờ vẫn nhớ không quên những ngày đó: “Khi đó mình còn nhỏ, chưa biết gì. Chỉ thấy ông cụ về, mọi người bảo vào nhà ông không vào. Ông bảo mình không phải là con ông. Đến giờ ông vẫn không nhận mình là con. Ông chỉ có anh Lang thôi”.
Sống xa người từ nhỏ, nên anh Lang hầu như không nói được nhiều. Mọi giao tiếp chỉ thông qua người em trai Hồ Văn Tri. Còn ông Hồ Văn Thanh một phần tuổi tác đã già, bị lãng tai nên cũng ít trò chuyện, tuy nhiên phần lớn là ông sợ con người. Có người lạ là ông tránh. Ông chỉ tiếp xúc với anh Lang. Hoàn toàn mọi giao tiếp đều diễn ra trong im lặng. Họ hiểu nhau hơn là nói chuyện với nhau.
Hơn 40 năm cuộc đời đã qua, anh Hồ Văn Lang chỉ bầu bạn với chim muông, thú rừng và người cha thường xuyên bị hoảng loạn, sợ hãi. Họ tìm mọi cách để sinh tồn giữa chốn rừng thiêng nước độc. Các hạt giống được cất giữ trong các ống tre. Quần áo, chăn chiếu đan từ lá cây, vỏ cây khô. Mọi vật dụng hái lượm, săn bắn đều tái chế từ các mảnh kim loại cũ, mảnh bom, đạn rơi vãi trên đường đi kiếm ăn của hai cha con. Tất cả gia tài sống của hai cha con người rừng, khi trở về gói gọn trong một cái gùi cũ nát được đặt ở góc giường trong ngôi nhà mới khang trang chừng 60 m2 được các tổ chức từ thiện xây tặng vào cuối năm 2013.
Anh Lang không muốn vào rừng nữa!
Mặc dù đã về làng sống với bà con, làng xóm nhưng ông Hồ Văn Thanh vẫn đau đáu nhớ về nơi ở cũ trong rừng sâu. Ảnh: Đức Hoàng
Khi hỏi “người rừng” Hồ Văn Lang rằng anh có muốn về rừng nữa không? Anh chỉ cười mỉm lắc đầu. Dù đang sống ở một vùng quê thuộc diện nghèo, đời sống còn rất nhiều khó khăn, nhưng với vài bó củi đi lượm trong rừng, anh vẫn có thể đổi gạo, cá, mắm để có bữa no, bớt cực khổ hơn những ngày đói lạnh ở chốn rừng sâu trước kia.
Hàng ngày, ông Hồ Văn Thanh chỉ ngồi trong góc phòng nhai trầu, mắt nhìn vô định. Cuối ngày, ông thường lôi tất cả vật dụng trong cái gùi để ngay đầu giường ra, xếp ngay ngắn thành hàng, có phân loại rõ ràng theo thứ tự lớn bé… Ông xếp tất cả xung quanh mình, rồi lại ngồi lặng lẽ nhìn vào khoảng không. Anh Hồ Văn Tri nói: “Ông già hay đòi về rừng lắm! Có bữa anh Lang đang nấu cơm, ông vào bắt anh Lang về rừng!”. Sau mấy chục năm sương gió trong rừng sâu, ông Thanh vẫn có sức khỏe tốt. Anh Tri cho biết, ông cụ từ khi về làng, đã được đưa đi khám sức khỏe, chăm sóc y tế, không có bệnh tật gì, không bao giờ đau ốm. Chỉ có điều ông bị nặng tai. Ai nói ông cũng chẳng nghe thấy gì.
Ngôi nhà mới được các tổ chức từ thiện xây lên nhằm giúp đỡ cho hai cha con “người rừng”.
Khác với không khí vui vẻ, phấn khởi của bà con chòm xóm và người thân lúc mới đón cha con “người rừng” trở về; bây giờ, trong ngôi nhà được chính quyền và các nhà hảo tâm quyên tiền xây tặng, lặng lẽ mỗi ngày trôi qua chỉ có hai cha con “người rừng”. Ngày nắng, anh Lang vào rừng kiếm củi đổi gạo, mắm, cá. Ngày mưa thì hai cha con ngồi trong nhà, ai thương cho gạo ăn, không thì cũng đói. Hàng xóm không ai ghé chơi vì hỏi ai cũng bảo: Ông già đấy có nói chuyện với ai đâu. Ông chỉ chửi bới suốt ngày…
Anh Hồ Văn Tri sống ngay căn nhà bên cạnh cùng vợ và 3 đứa con nhỏ. Mấy đứa con anh Tri cũng chịu khó học hành. Anh tự hào khoe mấy bằng khen của con chị cả treo trên tường. Nó ngoan học giỏi vậy, cũng biết thương ông nội. Nhưng ông nội chưa bao giờ nhận nó, chưa bao giờ nói chuyện với nó. Bây giờ anh Lang cũng không dám nói chuyện với ông già vì sợ ông già bắt đưa về rừng. Thỉnh thoảng những khi chỉ còn hai anh em ngồi tâm sự với nhau, anh Lang cũng “hờn trách” ông già vì đã bắt anh sống trong rừng lâu như vậy. Bây giờ anh chẳng bao giờ vào rừng sống nữa. Vừa lạnh, vừa đói, lại sợ thú. Sống ở nhà đói thì đi kiếm củi, đi chặt lồ ô là cũng đổi được gạo ăn. Vào rừng chẳng biết kiếm gì ăn. Khi mới về anh Lang còn bỡ ngỡ nhiều thứ. Chứ giờ thì đã quen với cuộc sống ở đây lắm rồi. Anh đi làm, đi rẫy, về nấu cơm rất khéo. Anh cũng thích xem tivi và cười đùa với bọn trẻ.
Mấy chục năm trong rừng sâu cũng không làm cho anh Lang “quên” đi được cái khao khát tình thân ấm áp của gia đình. Cuộc sống cơ cực, lo ăn từng bữa, nhưng có anh em, họ hàng, người rừng vẫn cảm thấy mãn nguyện, nụ cười tươi luôn thường trực trên môi…
Tết Nguyên đán Ất Mùi năm nay là cái Tết đoàn viên thứ hai của hai cha con “người rừng”. Anh Hồ Văn Tri cho biết, Tết năm ngoái là vui nhất. Mặc dù chưa biết Tết là gì nhưng anh Lang sau khi nghe kể thì rất vui. Cha và anh Lang tập gói bánh chưng, bánh tét cùng bà con làng xóm để ăn. “Theo anh Lang kể thì khi ở trong rừng anh ấy và cha cũng ăn Tết nhưng là Tết Ngã rạ của người Kor chứ không phải Tết của người Kinh. Để ăn Tết Ngã rạ (mỗi năm một lần), ông Thanh thường đi bắt ếch, chuột về nướng và nấu xôi nếp để cúng thần linh vụ mùa mới”, anh Tri cho biết.
Nói về dự định cho năm mới, anh Hồ Văn Tri cho biết, mong đến lứa, bán được con bò, có tiền sắm sanh vật dụng trong gia đình. Và sang năm, hi vọng anh Lang có người thương để được chia sẻ cuộc sống, bầu bạn những ngày còn lại.