Suốt chặng đường kinh doanh, nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp không ít lần vướng vào vòng lao lý.
Để sở hữu chiếc xe Rolls-Royce, các đại gia Việt quyền lực và giàu có phải bỏ ra hàng triệu USD. Nhưng không ít đại gia sở hữu chiếc xe này vướng vào vận đen: sự nghiệp lao dốc, dính án, thậm chí vào tù ra tội... Và người ta gọi đó là “vận” mà những chủ nhân của chiếc siêu xế hộp phải đối diện.
Nữ đại gia đi lên từ hai bàn tay trắng
Bà Dương Thị Bạch Diệp (SN 1949) sinh ra tại TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định rồi theo gia đình tập kết ra Bắc và sinh sống học tập tại Hải Phòng. Năm 1971, bà tốt nghiệp Đại học Ngoại thương Hà Nội, bắt đầu sự nghiệp ở vị trí công chức tiền lương tại Chi nhánh Thủ công Mỹ nghệ Hải Phòng.
Năm 1975, bà Diệp cùng gia đình chuyển vào sinh sống và công tác ở An Giang. Sau đó bà chuyển lên TP.HCM làm việc tại Công ty Bao bì xuất khẩu, trực thuộc Bộ Ngoại thương (thời đó).
Trải qua nhiều năm làm công chức, cuộc sống của gia đình nữ đại gia vẫn luôn khó khăn do đồng lương thấp. Năm 1984, bà quyết định xin nghỉ việc để bắt tay vào khởi nghiệp kinh doanh.
Năm 1984, bà Diệp bắt đầu dấn thân vào việc mua bán bất động sản. Ban đầu, bà đi mua căn nhà hoặc chung cư cũ rồi cải tạo và bán với giá cao hơn. Thành công lớn cho việc mua bán này chính là mua bán căn chung cư trên đường Ký Con, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1 (TP.HCM).
Nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp.
Từ đó bà tiếp tục mua nhiều căn chung cư cũ khác, sửa sang bán lại và có được tích lũy tiền lời khá lớn. Sau đó bà lấn sang những sản phẩm bất động sản cao cấp hơn như trung tâm thương mại, văn phòng làm việc, chung cư cao cấp,…
Năm 2002, bà Diệp thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn bất động sản Diệp Bạch Dương (đường Hai Bà Trưng, phường 6, quận 3, TP.HCM) với nhiều dự án bất động sản có giá trị.
Đến năm 2004, công ty của bà Diệp vướng phải ồn ảo nợ nần, khi kiểm toán Nhà nước có báo cáo công bố khoản nợ hơn 3.700 tỷ đồng tại Agribank. Trước thông tin đó, bà Diệp đã lên tiếng khẳng định khoản nợ này là hoàn toàn bình thường đối với các doanh nghiệp làm ăn lớn. Nữ đại gia cho rằng với các tài sản bà đang sở hữu thì chỉ với một dự án hoàn toàn có thể trang trải hết khoản nợ.
Từ lúc khởi nghiệp kinh doanh đến nay, bà Diệp đã có 35 năm kinh doanh. Khối bất động sản tại các công ty bà nắm giữ lên đến hàng chục nghìn m2 nằm ở các vị trí đắc địa ngay trung tâm Sài Gòn. Điều này, đã làm nhiều đại gia bất động sản phải ngã mũ khâm phục và xem bà là một "Bông hồng vàng" một thời của giới doanh nhân nữ.
Vào cuối năm 2019, dữ liệu cho thấy, nữ đại gia là người đại diện theo pháp luật của 4 công ty, trong đó 2 doanh nghiệp đã dừng hoạt động.
Con đường tù tội của đại gia siêu xe Rolls-Royce Phantom
Nổi tiếng trong giới bất động sản TP.HCM từ những năm 90 của thế kỷ trước, nhưng cái tên Dương Thị Bạch Diệp chỉ được dư luận biết đến rộng rãi vào năm 2008 khi nữ doanh nhân này chi 2,3 triệu USD để mua chiếc xe siêu sang Rolls Royce Phantom biển số 77L-7777 vận chuyển từ Anh về Việt Nam qua đường hàng không.
Thời điểm đó, đây mới là chiếc Phantom thứ 6 được nhập về Việt Nam và có giá trị cao nhất. Bà từng cho biết đây là xe của con gái, con trai và con rể hùn hạp mua tặng nhân dịp sinh nhật bà và được thanh toàn qua ngân hàng nước ngoài.
Chiếc xe siêu sang Rolls Royce Phantom biển số 77L-7777 của nữ đại gia.
“Tôi mua xe từ năm 2007, 2008 bằng tiền cá nhân chứ không có chuyện mua xe bằng tiền vay của ngân hàng. Tôi thích xe này vì nó lạ chứ không hề ý thức giá trị và cũng không đánh bóng thương hiệu. Những tài sản mà công ty có cũng đủ để nói lên thương hiệu của tôi.
Có một công ty gia đình nào mà có tài sản khổng lồ bằng chính đồng tiền lao động của mình bỏ ra như gia đình tôi. Nhiều tin đồn biển số thất trùng và có ác ý với biển số xe này của tôi. Nhưng tôi thấy số 7 là con số đẹp. Trùng với mã biển số tỉnh Bình Định, quê hương mình nên tôi rất trân trọng”, bà Diệp lý giải.
Nữ đại gia đam mê siêu xe nổi tiếng nhiều mà tai tiếng cũng lắm. Suốt chặng đường kinh doanh, bà Diệp không ít lần vướng vào lao lý. Nữ doanh nhân gốc Bình Định từng 2 lần bị giam với cáo buộc "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Suốt chặng đường kinh doanh, bà Diệp không ít lần vướng vào lao lý.
Vào năm 1982 và 1994 bà Diệp đều bị giam về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Nhưng cả 2 lần đó bà sớm được tại ngoại vì cơ quan điều tra không thu thập đủ chứng cứ để có thể buộc tội bà.
Ngày 25/1/2019, Cơ quan điều tra Bộ Công an vừa ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại UBND TP.HCM, Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM, Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương...
Liên quan đến vụ án này, nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp, Chủ tịch Công ty Bất động sản Diệp Bạch Dương cũng bị bắt tạm giam để phục vụ quá trình điều tra.
Bà Diệp bị bắt còn kéo theo 5 nguyên cán bộ của TPHCM bị bắt cùng. Tất cả đều liên quan đến việc hoán đổi tài sản công tại Trung tâm ca nhạc nhẹ TP.HCM.
Ngày 9/1/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã gia hạn điều tra lần 3 đối với vụ án xảy ra tại Công ty TNHH bất động sản Diệp Bạch Dương và các đơn vị liên quan tại TPHCM. Thời gian gia hạn điều tra là 4 tháng.