Sau khi trúng số, chàng trai thợ hồ vẫn duy trì nếp sống giản dị như xưa. Anh vẫn đi dép lê, mặc áo phông và dùng điện thoại “cùi bắp”.
Trúng số là niềm ao ước của tất cả người dân Việt Nam. Song không ít người quan niệm rằng hễ ai hưởng “lộc trời” sẽ sớm rơi vào cạm bẫy của các cuộc ăn chơi trác táng, vung tiền không tiếc tay... rồi nhanh chóng quay trở về “máng lợn”. Nhưng thực tế không phải vậy, bởi có người sau khi được thần may mắn... gõ cửa lại biết cách chi tiêu khiến tất cả phải ngưỡng mộ, giống như chàng thợ hồ tên Th quê ở Quảng Trạch (Quảng Bình).
Giữa tháng 6/2018, sau một ngày đi làm công trình vất vả, anh Th đã dành chút thời gian ngồi dò chiếc vé số đã mua ủng hộ bà lão bán vé số hồi sáng. Thấy trúng ba số, anh run lẩy bẩy, tim đập thình thịch. Và đến khi cả dãy 6 số trùng với giải Jackpot, anh rưng rưng ngấn lệ và vỡ òa sung sướng.
Anh chạy vội vào nhà nói với mẹ: “Con trúng 44 tỷ rồi”. Nhưng người mẹ già một mực không tin vì ở đời có mấy ai được may mắn trúng độc đắc, lại lên tới hàng chục tỷ đồng như thế. Bà bảo không biết Vietlott là công ty nào, cũng không nghĩ có giải thưởng lớn... Vì thế bà dặn con trai đừng mừng vội, phải thật cẩn thận kẻo xã hội đen đến “làm trò”...
Nghe mẹ nói vậy Th cất tấm vé số vào hộc tủ, cố gắng giữ bình tĩnh sang ăn đám cưới nhà hàng xóm. Anh hiểu rằng bản thân mình đã trở thành tỷ phú vé số nhưng không dám khoe với bất cứ ai. Sau đó, anh phải nhờ người dẫn đi lĩnh thưởng bởi quanh năm ở nhà lao động chân tay đâu có biết ngoài xã hội tốt xấu như thế nào?
Căn nhà cấp 4 được Th sửa chữa lại và chiếc ô tô xịn.
Chàng trai miền Trung nắn nót viết tên tuổi, số chứng minh thư vào mặt sau tấm vé để khẳng định mình là chủ nhân của 44 tỷ đồng rồi cất gọn trong chiếc túi, giữ chặt bên người sốt chuyến bay từ Đồng Hới vào Sài Gòn.
Ngày lên công ty xổ số nhận tiền thưởng, Th mặc chiếc áo sơ mi được là phẳng phiu, đeo mặt nạ trắng. “Mặc dù tôi giấu mặt che tên nhưng lúc nhận giải vẫn có người nhận ra. Thậm chí người dân sống cách nhà tôi đến 40km cũng biết tin tôi trúng độc đắc. Nhiều hội nhóm, bạn bè, người không quen đã kéo đến nhà tôi đề nghị xin hỗ trợ hoặc vay tiền khiến cuộc sống của gia đình đảo lộn. Người thân khuyên tôi chuyển đi nơi khác tạm lánh, chờ ngày yên bình rồi quay trở lại. Tôi từ chối. Tôi trúng số chứ có làm gì vi phạm pháp luật đâu mà phải trốn tránh chứ”, Th từng tâm sự.
Sau khi trúng số, chàng trai thợ hồ vẫn duy trì nếp sống giản dị như xưa. Anh vẫn đi dép lê, mặc áo phông và dùng điện thoại “cùi bắp”. Anh bảo thi thoảng lại mở vài tờ báo đọc tin chuyện anh “đổi đời” rồi bật cười. “Có tiền, tôi đã bỏ làm nghề xây dựng vì quá vất vả. Nhiều người khuyên tôi đứng lên nhận công trình làm chủ thầu nhưng tôi làm công ăn lương, chưa thạo nghề nên không dám làm ăn lớn. Có lẽ sự kiện quan trọng nhất sau khi trúng độc đắc đó là cưới được vợ”, anh chàng miền Trung thật thà nói.
Anh Th đã đầu tư tiền xây dựng khu vui chơi cho trẻ em ở quê.
Nhắc đến việc “giải ngân” 44 tỷ đồng, anh Th cho biết anh nghe lời mẹ đã góp toàn bộ chi phí xây đình làng còn thiếu và lo hương khói hàng năm hết chừng 1 tỷ đồng. Tiếp đó anh chia 15 tỷ đồng cho các anh chị trong nhà xây nhà riêng, sắm ô tô. Còn gia đình anh và mẹ chỉ thay ngói và sơn lại căn nhà cấp 4. Phía trước nhà, anh đặt tấm phản gỗ mới, cạnh đó là chiếc xe ô tô xịn.
“Số tiền còn lại, tôi ưu tiên cho việc kinh doanh. Tôi nhờ người quen đứng ra mua giùm khu đất rộng 860m vuông cạnh cuốc lộ với giá 3.6 tỷ đồng. Tôi chi thêm 4 tỷ đồng để xây dựng khu đất này thành khu trung tâm vui chơi cho trẻ em ở quê. Bên trong tôi chia làm hai phân khu: một bên là tiệm trà sữa, bên còn lại bày biện cầu trượt và nhà hơi”, vị tỷ phú nói.
Thấy anh Th tiêu tiền như vậy, hàng xóm đã không khỏi ngỡ ngàng. Bởi họ vẫn nghĩ có tiền, chàng thợ hộ sẽ thay tính đổi nết, bắt đầu cuộc sống vương giả.
Thi thoảng, anh Th vẫn duy trì thói quen mua vé số với quan điểm giúp đỡ người bán vé, đồng thời thử vận may của bản thân xem còn... số đỏ hay không? Thậm chí anh đùa rằng vẫn nằm mơ thấy mình lên nhận giải thưởng vài chục tỷ đồng.