Từ đứa trẻ bị lũ nhóc trong làng cô lập tới người tài xế 18 năm rong ruổi tìm cha mẹ ruột

Bảo Anh. - Ngày 05/06/2024 00:00 AM (GMT+7)

Từ nhỏ, người đàn ông này đã không nhận được tình yêu thương từ cha mẹ nhưng phải đến năm 14 tuổi, anh mới biết mình thực sự không phải con ruột của gia đình.

“Dù xa đến mấy, tôi cũng muốn tìm lại”, “Tôi ước có cỗ máy thời gian để cùng nhau quay về tuổi thơ”…

Cuối tháng 5, tại Vũ Hán, Nam Kinh, Thành Đô, Thiên Tân, Hợp Phì, Quảng Châu, Thượng Hải, Tô Châu (Trung Quốc), hàng trăm xe taxi trực tuyến đã treo những khẩu hiệu như vậy để hỗ trợ các gia đình tìm trẻ em mất tích. Người khởi xướng hoạt động phúc lợi cộng đồng này là Peng Zhihua, một tài xế xe trực tuyến và là người đã tìm kiếm người thân suốt 18 năm qua.

Trong quá trình tìm kiếm cha mẹ ruột, anh cũng đã giúp 2 gia đình tìm thấy con. Vậy nhưng cả 2 lần, anh đều từ chối xuất hiện nhận thưởng. Anh nói: “Tôi sợ mình sẽ khóc. Tôi cũng muốn tìm lại cha mẹ, muốn tìm lại cảm giác mình là một đứa trẻ trước mặt họ dù chỉ một lần thôi cũng đủ mãn nguyện”.

Đứa trẻ bị lũ nhóc trong làng cô lập nhỏ

"Tôi tên là Peng Zhihua, năm nay không biết bao nhiêu tuổi, cũng không biết mình từ đâu đến...”.

Peng Zhihua cho biết năm nay anh khoảng 40 tuổi, sống ở một vùng nông thôn thuộc tỉnh Hồ Bắc. Cha nuôi anh làm bánh, mẹ nuôi anh ở nhà nội trợ. Ngay từ nhỏ, anh đã bị lũ trẻ trong làng cô lập vì không có cha mẹ, thậm chí còn chế ra những bài hát nhằm chế nhạo anh.

Anh nhớ lại, ngày đó, mỗi khi phạm lỗi hoặc làm điều gì khiến cha mẹ nuôi không hài lòng, anh sẽ bị đánh bằng gậy tre, nếu anh dám xin hai người chị em đồ ăn, anh cũng sẽ bị đánh. Vì thế, anh gần như chưa từng cảm nhận được hơi ấm từ cha mẹ. Người duy nhất yêu thương anh là bà nội. Mỗi lần anh bị đánh, bà nội đều lén an ủi, xoa những chỗ đau cho anh.

Từ đứa trẻ bị lũ nhóc trong làng cô lập tới người tài xế 18 năm rong ruổi tìm cha mẹ ruột - 1

Năm 11, 12 tuổi, cha mẹ nuôi yêu cầu anh bỏ học và theo một người họ hàng đi làm rồi đưa tiền cho họ. Năm anh 14 tuổi, anh bị họ hàng lừa và không lấy lại được tiền lương, cha nuôi đã đánh anh không thương tiếc, mẹ nuôi thì giận dữ mà hét lên rằng: "Ngươi không phải là con ruột của ta".

Không biết “mình là ai”, Peng Zhihua chọn Trung thu làm sinh nhật

Peng Zhihua lớn lên từng ngày, nỗi bất hạnh thời thơ ấu cùng câu hỏi “tôi là ai” mãi ám ảnh anh. Vì mong mỏi được đoàn tụ, anh đã ấn định sinh nhật của mình vào ngày Trung thu năm 1984. “Tôi không biết năm, ngày sinh cụ thể của mình nên tự ấn định vào ngày 15/8 âm lịch. Mọi người trên khắp đất nước đều muốn ăn mừng ngày đoàn tụ”, anh nói.

Năm 2005, anh lập gia đình riêng, vợ anh là cháu gái của mẹ nuôi. Anh cũng biết được một phần hoàn cảnh của mình từ mẹ vợ. Bà nói đã thấy chị gái mang một cậu bé về nuôi. Thời đó xã hội trọng nam khinh nữ nên bà nghĩ Peng Zhihua không thể bị cha mẹ ruột bỏ rơi. Bà cũng cố gắng tìm hiểu thêm thông tin từ mẹ nuôi của anh nhưng không được.

Một năm sau, gia đình nhỏ của Peng Zhihua đón thành viên mới. Anh hết lòng yêu thương con trai, vừa dành cho con tình yêu thương của người cha, vừa nhớ về cha mẹ ruột của mình. Anh quyết định đi tìm gia đình và bắt đầu hành trình dán thông báo khắp nơi.

Năm 2009, anh tình cờ tìm kiếm gia đình trên mạng và gặp được nhóm tình nguyện Baby Come Home. Từ việc xuống đường phát tờ rơi tìm kiếm người thân, đăng lên diễn đàn thông báo người mất tích, cho đến phát sóng trực tiếp trên Douyin, Peng Zhihua đều đã thử. Hai lần anh tưởng chừng có tia hy vọng nhưng rồi kết quả đều nói rằng anh và họ không có huyết thống.

Từ đứa trẻ bị lũ nhóc trong làng cô lập tới người tài xế 18 năm rong ruổi tìm cha mẹ ruột - 2

Vào thời điểm đó, Peng Zhihua đã được nhiều người quan tâm và nhận được không ít thông tin. Bên cạnh việc tìm lại gia đình, anh bắt đầu giúp đỡ các gia đình khác tìm kiếm người thân.

Trong 10 năm qua, Peng Zhihua đã trở thành một người có hai danh tính: một là người đi tìm gia đình và một là tình nguyện viên đưa trẻ bị lạc về với nhà của họ. Anh đã giúp đỡ được 2 gia đình đoàn tụ.

Vợ Peng Zhihua cho biết, chồng cô có vẻ ngoài mạnh mẽ nhưng mỗi đêm, chỉ cần xem video ghi lại cảnh các gia đình đoàn tụ, anh sẽ khóc một mình rồi trằn trọc suốt đêm. Cô cũng biết chồng mình luôn cố gắng làm việc chăm chỉ và duy trì sự cân bằng giữa chăm lo gia đình nhỏ và tìm lại cha mẹ ruột.

“Tôi thực sự mong tìm được cảm giác mình là một đứa trẻ trước mặt cha mẹ dù chỉ một lần”, Peng Zhihua nói.

Peng Zhihua làm việc 16 giờ một ngày với hy vọng có thể mang những thông báo tìm kiếm gia đình đến nhiều nơi hơn. Anh cũng không có thông tin gì nhiều về việc tìm kiếm người thân của mình, chỉ có thể tự giới thiệu đặc điểm nhận dạng của bản thân: Có một nốt ruồi ở góc dưới bên trái mắt trái và một nốt ruồi trên sống mũi gần má trái. Ngoài ra còn có một nốt ruồi ở bên phải khuôn mặt và một vết bớt màu đen nhạt cỡ lòng bàn tay ở bắp chân phải...

Từ đứa trẻ bị lũ nhóc trong làng cô lập tới người tài xế 18 năm rong ruổi tìm cha mẹ ruột - 3

Đường về nhà chỉ 20 km nhưng người đàn ông này đã đi tìm suốt 70 năm
Sau 70 năm xa cách, người đàn ông này cuối cùng đã tìm được gia đình ruột thịt. Ông tự nhận mình may mắn khi được cha mẹ nuôi hết lòng yêu thương...

Tin tốt sáng nay

Theo Bảo Anh.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tốt sáng nay