“Tôi hiến tạng vì tôi biết nguồn tạng đó có thể cứu được nhiều người cùng một lúc, ngoài ra tôi không quan tâm đến điều gì khác”, câu nói trên khiến không ít người phải suy nghĩ và khâm phục chàng trai này.
Đường là bạn, võng là giường và gốc cây là nhà
Gặp chàng thanh niên Trần Hữu Dương (sinh năm 1990, ở Thanh Hóa), người vừa hoàn thành hành trình đi bộ hơn 2.000km từ Mũi Cà Mau đến Lạng Sơn, chắc hẳn ai cũng khâm phục ý chí và lòng quyết tâm của Hữu Dương.
“Tôi đi bộ xuyên Việt vừa là thực hiện đam mê của mình, nhưng mục đích chính của chuyến đi này là nhằm vận động quyên góp giúp đồng bào nghèo ở miền Trung đang gặp khó khăn”, Dương trả lời câu hỏi của phóng viên khi được hỏi về mục đích của chuyến đi.
Tiếp tục câu trả lời, nguyên nhân nào, động lực nào khiến em từ bỏ cả công việc để làm điều mà tưởng chừng chỉ có trong những bộ phim như vậy? Hữu Dương nói khiến nhiều người xúc động: “Nhà tôi nghèo lắm, từ hồi bé tôi đã được các anh chị tình nguyện, các tổ chức từ thiện giúp đỡ từ cái chăn, quần áo, rồi đến cây bút, cuốn sách tôi đều được tặng để dùng.
Đến khi lớn lên, biết suy nghĩ tôi đặt mục tiêu cho cuộc đời mình là phải làm gì đó để mình cũng có thể giúp được những người nghèo giống như những gì ngày xưa mình đã nhận và tôi đã quyết định hành trình đi bộ xuyên Việt để kêu gọi mọi người ủng hộ”.
Trần Hữu Dương tại cột mốc biên giới ở Lạng Sơn sau khi kết thúc hành trình đi bộ của mình ngày 12/7.
Nói về hành trình xuyên Việt của mình, Dương cho biết, anh bắt đầu đi từ ngày mùng 5/5/2016 và đến đích ngày 12/7/2016, hành trình của anh trải qua 32 tỉnh/thành phố. Trong hành trình đó, anh gặp không ít người tốt cho ăn, ngủ nhờ và thậm chí cho cả kinh phí.
“Đặc biệt, có nhiều bạn khi biết hành động của tôi, họ sẵn sàng đi cùng tôi cả 1 ngày hoặc vài chục km để cổ vũ tinh thần tôi, trong đó có em nhỏ 12 tuổi nhưng cũng đã cùng tôi đi bộ 20km”, Dương kể lại.
Nói về những khó khăn, Dương tâm sự: “Có những hôm không xin được chỗ ngủ, sẵn võng trong ba lô, tôi tìm gốc cây mắc võng nằm ngủ để tránh mưa. Những lúc đó mình cũng sợ những người không tốt làm hại, nhưng tôi nghĩ rằng, mình đã quyết đi như thế này thì phải đương đầu và chấp nhận tất cả, kết quả cuối cùng tôi đã đến được đích an toàn”.
Không chỉ hiến tạng, còn muốn hiến cả xác
Sau khi hoàn thành mục đích kêu gọi ủng hộ giúp đỡ đồng bào nghèo miền Trung, chàng thanh niên Hữu Dương đã quay trở về Hà Nội ngay ngày hôm sau để đăng ký hiến tạng tại Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia.
Trần Hữu Dương đăng ký hiến tạng.
Tại đây, trước câu hỏi vì sao lại biết và quan tâm đến việc hiến tạng, anh Dương đáp: “Tôi biết thông tin này từ một người bạn đạp xe xuyên Việt để kêu gọi, vận động hiến tạng. Từ khi gặp bạn đó, trong đầu tôi mới có ý niệm hiến tạng, chứ mục đích ban đầu của chuyến đi xuyên Việt không hề liên quan gì đến hiến tạng cả”.
Tuy không biết gì về những quyền được hưởng khi hiến tạng, nhưng khi đến trung tâm cầm tờ giấy đăng ký trên tay, sau khi đọc hết nội dung, Dương hỏi người hướng dẫn: “Anh ơi, hiến tạng khi còn sống là như thế nào, hiến cái gì khi còn sống, em muốn hiến khi còn sống được không?” Câu hỏi khiến tất cả những người trong khán phòng đều lặng im và thán phục chàng thanh niên xứ Thanh.
Sau khi được giải thích về những quy định và những cái được, cái mất của việc hiến tạng khi còn sống một lần nữa, chàng thanh niên này lại khiến chúng tôi “chết lặng”: “Giờ em đã đăng ký hiến tạng xong rồi, em muốn hiến xác thì làm thủ tục như thế nào và hiến ở đâu?”.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc - Phó GĐ Trung tâm Điều phối, ghép tạng Quốc gia tặng hoa chúc mừng Trần Hữu Dương.
Phải mất vài giây định hình, cán bộ trung tâm mới đưa ra những tư vấn và giải thích về việc hiến xác cho Dương, dù phòng nhận xác của Đại học Y đã hết chỗ, và thủ tục khá phức tạp khi tiến hành hiến xác, nhưng rõ ràng mục tiêu của Dương khi đưa ra những quyết định đó khiến mọi người ngồi bên đều cảm thấy bé nhỏ, vì việc làm của chàng thanh niên này là quá cao cả và không phải ai cũng đủ dũng cảm để làm.
Cuối cùng khi ra khỏi phòng, tôi có đi gần Dương và hỏi: Vì sao em lại quyết định hiến tạng, trong khi bản thân mình chưa có nhiều kiến thức về vấn đề này? Dương trả lời mà không cần một giây suy nghĩ: “Em chỉ thấy người ta bảo, một người hiến tạng có thể cứu sống được 4,5 thậm chí là 6 người khác thì em làm thôi, chứ em không quan tâm đến các vấn đề khác”.
Câu trả lời của Dương khiến tôi day dứt mãi vì trước đó, khi tôi đặt bút đăng ký hiến tạng, bản thân tôi cũng phải đấu tranh và suy nghĩ rất nhiều trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.