Đã 12 ngày kể từ khi hai bệnh nhân bị suy tim, suy gan giai đoạn cuối may mắn được ghép tim, gan trong ca ghép tạng “xuyên Việt” lần hai.
Để hồi sinh sự sống cho hai cuộc đời này (cũng như nhiều người khác nhận tạng từ nam thanh niên 20 tuổi chết não tại TP HCM) các bác sĩ trong kíp mổ, vận chuyển, ghép tạng đã trải qua những giây phút tưởng chừng không thể thực hiện nổi…
Nguồn tạng có rủi ro, giao thông vận chuyển tắc nghẽn…
Trước đó, bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu (Bệnh viện Chợ Rẫy- TPHCM) thông báo: Có bệnh nhân nam 20 tuổi, chết não, hiến tạng có nhóm máu O, trong đó Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ nhận 2 quả thận và 2 giác mạc, tim và gan sẽ được Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người tổ chức điều phối.
Hai bệnh nhân may mắn được tìm kiếm trong danh sách chờ ghép quốc gia lần này là hai cán bộ ngành công an (đã về hưu). Người nhận gan là một bệnh nhân nam, 54 tuổi, bị suy gan giai đoạn cuối. Còn bệnh nhân nhận tim năm nay 64 tuổi, bị suy tim giai đoạn cuối, đặt stents 9 lần. Sự sống của cả hai bệnh nhân này đều tính bằng ngày, đã nhập viện chờ ghép tạng từ gần một tuần trước.
Khi đã xác định được người nhận tạng, điều khiến các bác sĩ lo lắng lại là… nguồn tạng của người hiến. Bởi khác với nguồn tạng trong ca ghép tạng “xuyên Việt” lần thứ nhất, lần này vì nam thanh niên bị tai nạn giao thông, chấn thương sọ não, chết não đã sang ngày thứ 6 nên nguồn tạng có nhiều rủi ro. Trong khi thế giới khuyến cáo, thời gian lấy tạng tốt nhất là 13 tiếng kể từ thời điểm chết não.
Chia sẻ thêm về ca ghép đặc biệt này, PGS.TS Nguyễn Hữu Ước – Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch và lồng ngực (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) - người trực tiếp bay vào TPHCM để lấy, vận chuyển và ghép tạng trong ca ghép này cho biết, từ 9h30 -10h30 sáng 26/4, kíp bác sĩ từ Hà Nội vào TPHCM để lấy tạng và vận chuyển tạng đã phải hội chẩn rất nhiều với các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy. Đó là bởi khi người hiến tạng đã bị tai nạn giao thông, chết não đến ngày thứ 6, nguồn tạng sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí có giai đoạn sốc chấn thương tương đối nặng, huyết áp tụt gần 10 tiếng nên khi tiến hành lấy thận thì đã có biến chứng suy thận chức năng, có tổn thương phổi có thể do nhồi máu phổi, tắc mạch máu phổi.
Bệnh nhân ghép gan tỉnh táo, trò chuyện cùng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, chiều tối 6/5. Ảnh: V.Thu
“Một là có lấy tạng hay không, hai là phân chia các tạng cho các bệnh viện ra sao, rồi những vấn đề như suy thận chức năng liệu có lấy và ghép được không? Chúng tôi cũng phải hội chẩn rất nhiều ngay trong buổi sáng đoàn từ Hà Nội vào”, PGS.TS Nguyễn Hữu Ước kể lại.
Một khó khăn khác khiến kíp bác sĩ trong chuyến đi vận chuyển tạng đặc biệt này nhiều phen “thót tim” đó là tình hình giao thông tắc nghẽn từ Bệnh viện Chợ Rẫy ra sân bay Tân Sơn Nhất khiến thời gian vận chuyển, chờ đợi càng lâu hơn, mất tới 2,5 giờ đồng hồ quý giá. Tắc đường cũng khiến thời gian thiếu máu nóng trong tim của người cho hơi dài (7h15 phút), nhưng may mắn, hai tạng tim, gan của người hiến vẫn còn rất tốt, phù hợp người nhận.
PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, chuyên gia của Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho hay, ngay khi từ “đầu cầu” TPHCM báo đã vận chuyển tạng lên máy bay từ sân bay Tân Sơn Nhất, các bác sĩ từ “điểm cầu” Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tiến hành mở ổ bụng, lồng ngực người nhận tạng. “Nhưng sợ tạng vận chuyển ra Hà Nội hỏng nên ngoài này khi mở gan chỉ phẫu tích chứ đường mật, mạch máu vẫn để nguyên, đề phòng trường hợp khi gan vận chuyển ra bị hoại tử, không ghép được thì đóng lại. Ngay cả khi ra tới Hà Nội, nhận lá gan của người hiến, các bác sĩ đánh giá gan bị hoại tử nhiều nhưng vẫn trong giới hạn cho phép của thế giới nên vẫn quyết định ghép”, PGS. TS Nguyễn Tiến Quyết nhớ lại.
Thót tim vì ngày thứ hai, tạng được ghép lại…“trở chứng”
Cuộc ghép tim và gan rất thuận lợi, chỉ mất chưa đầy 4 tiếng đồng hồ cho cuộc ghép gan, và 6 tiếng 30 phút cho ca ghép tim. Nhưng điều khiến các bác sĩ được phen “hú vía” là bởi, chỉ ngày thứ hai, gan – tim người được nhận bỗng nhiên… “trở chứng”.
Đối với ca ghép gan, sau khi nối mạch máu, đường mật, gan đã hồng hào, hoạt động tốt, bệnh nhân đã rút nội khí quản, diễn biến tốt. Tuy nhiên, đến ngày thứ hai, gan hoàn toàn mất chức năng, không tiết nước mật, đông máu xuống đến mức tối đa, men gan tăng cao. Ngay lúc đó, các bác sĩ đã tham vấn ý kiến của chuyên gia nước ngoài và nhận được lời khuyên chờ hồi sức cho bệnh nhân, tìm nguồn tạng khác để ghép lại, tỷ lệ biến chứng này xảy ra trên thế giới khoảng 3-4%o.
Lúc này, GS.TS Nguyễn Quốc Kính, Giám đốc Trung tâm Gây mê và Hồi sức ngoại khoa (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) - Trưởng kíp gây mê, hồi sức của ca ghép tạng “xuyên Việt” lần hai, đã triệu tập một loạt các kíp khác gồm ngoại khoa, gây mê hồi sức, truyền máu, huyết học, sinh hóa, ghép, giải phẫu bệnh… để tiến hành hồi sức.
Còn đối với ca ghép tim, PGS.TS Nguyễn Hữu Ước cho biết, người nhận tim là bệnh nhân nam 64 tuổi, đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức từ 6 ngày trước trong tình trạng tim suy đến mức nhão ra, phù phổi, suy thận. Bệnh nhân có tiền sử 9 lần đặt stents trên 5 chỗ hẹp từ năm 2005. Được đánh giá là hết khả năng điều trị, sự sống của bệnh nhân chỉ được tính bằng ngày, không còn giải pháp nào khác ngoài ghép tim.
“Trong khi tiến hành ghép thì rất thuận lợi, nhưng cuối cuộc mổ, huyết động khi tim đập lại không tốt so với các ca ghép khác. Phải nói, 24h đầu sau mổ cực kỳ nặng nề. Có 3 phương pháp hiện đại nhất thì cả 2 đã dùng cho người bệnh. Chúng tôi phải dùng phương pháp bóng đối xung hiện đại nhất Việt Nam, động mạch chủ, dùng các phương tiện cầm máu hỗ trợ rất phức tạp và vất vả. Phương pháp cuối cùng là ECMO cũng được chỉ định dùng nhưng không thể tiến hành vì phương pháp này phải giảm đông máu rất nhiều, bệnh nhân đang chảy máu rất nặng sẽ chết. Ngày đầu tiên sau mổ, chúng tôi phải mở để cầm máu tăng cường cho vết mổ tới 2 lần, dùng thuốc trợ tim liều rất cao, túc trực không rời... Sau 24 giờ, như có phép màu, mọi chuyện đều ổn định, từ từ tốt dần lên. Đến ngày thứ 6, bệnh nhân đã có thể ngừng máy siêu lọc, bóng đối xung, ngày thứ 8 đã rút máy thở”, PGS.TS Nguyễn Hữu Ước kể lại.
“Trong mấy ngày lễ 30/4-1/5, kíp gây mê hồi sức của ca ghép tạng “xuyên Việt” đã quyết tâm, hoạt động thường xuyên, túc trực không rời bệnh nhân, nên đến nay cả hai bệnh nhân trong ca ghép đã ăn uống, nói chuyện tốt, có thể an tâm về sức khỏe. Dự kiến, 1 tuần nữa các bệnh nhân có thể xuất viện”, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người chia sẻ. |