Hai năm đầu tiên, Mí Tính tự làm mọi thứ, từ việc quay, dựng cho đến đăng tải lên kênh. Gần một năm nay, cậu rủ thêm người em họ phụ giúp. Người này đảm nhiệm công việc quay phim, còn cậu kết nối và đóng vai trò là người trò chuyện với "nhân vật".
Hiện nay, nghề YouTuber - dành cho những người chuyên sáng tạo, sản xuất ra các sản phẩm dưới dạng video và đăng tải lên nền tảng YouTube ngày càng trở nên phổ biến, được nhiều người theo đuổi bởi thu nhập không hề nhỏ. Các YouTuber thường phát triển sản phẩm xoay quanh chủ đề khác nhau trong cuộc sống, giải trí hoặc vấn đề xã hội quan tâm... Song rất hiếm người chia sẻ khoảnh khắc đời thường của người dân tộc thiểu số ở vùng núi cao hoặc có chỉ đơn giản là vài ba video lên đó trải nghiệm.
Vậy mà, ở Mèo Vạc (Hà Giang) có một chàng trai dân tộc Mông theo đuổi công việc làm YouTuber dù chỉ học hết lớp 10, đọc - nói tiếng Kinh chưa thành thạo. Đó là Thò Mí Tính (24 tuổi) - chủ kênh YouTube Ngọc Tính Schannel với gần 70.000 lượt đăng ký theo dõi.
Sau thời gian dài liên hệ với Mí Tính không nhận được sự phản hồi, một ngày gió mùa về, chúng tôi bất ngờ thấy tin nhắn trả lời của chàng trai dân tộc Mông. Cậu viết tiếng Kinh chưa thông thạo nhưng cố gắng gõ từng chữ, từng dòng để trò chuyện với "người lạ". Và khi chúng tôi đặt vấn đề muốn tìm hiểu về công việc làm YouTuber cũng như cuộc sống ở vùng cao, cậu niềm nở đồng ý.
Vợ chồng Mí Tính.
"Kênh YouTube của mình luôn lưu giữ những nét độc đáo về phong tục tập quán, văn hoá, ẩm thực du lịch, cuộc sống vùng cao núi đá hoang sơ... Mình mới chỉ đạt thành tựu nho nhỏ so với các anh chị YouTuber khác, luôn cố gắng truyền tải những nội dung hay nhất đến mọi người thông qua video mộc mạc và chân thật", Mí Tinh chia sẻ về kênh riêng của chính mình.
Trước câu hỏi: "Là chàng trai dân tộc, hẳn tiếp xúc với điện thoại thông minh - máy quay hạn chế, vậy cơ duyên nào khiến Tính lựa chọn công việc trở thành YouTuber?", cậu cười: "Từ năm lớp 9, mình đã biết đến mấy thứ thông minh kia rồi, thậm chí còn hiểu sơ sơ về việc làm clip. Mình còn ước sau này cũng làm công việc ấy bởi bản thân là người thích khám phá, đi nhiều nơi để trải nghiệm.
Song lúc đó gia đình mình nghèo, bố mẹ làm gì có tiền mua cho dùng như các bạn dưới thành phố. Vì vậy mình đành tạm gác ước mơ lại, gắng học xong cái chữ mới hết khổ được". Kết thúc kỳ I của lớp 10, Mí Tính tiếp tục tạm gác ước mơ đến trường vì gia đình quá nghèo, không có tiền đóng học phí. Sau đó cậu theo đám thanh niên trong bản sang Trung Quốc làm thuê, kiếm tiền gửi về cho bố mẹ nuôi các em ăn học.
Ở đó, cậu làm công việc lọc túi bóng thành từng loại với mức lương bèo bọt 3 triệu đồng/tháng. "Ở quê mình, ai có sức khoẻ đều tìm đường sang Trung Quốc làm thuê cả. Công việc ấy nghe thì nhàn nhã nhưng thực chất vất vả lắm, bị chủ bóc lột sức lao động thậm tệ mà đồng lương ít ỏi. Mình làm bên đó 6 năm, không được tăng lương lần nào nên quyết định về quê làm nương rẫy", Mí Tính thật thà.
Vợ chồng cặp đôi Mí Sình và người đàn bà góa 52 tuổi trong chuyến đi chơi cùng Mí Tính.
Khi ấy, Mí Tính bỗng nghĩ đến ước mơ ngày học cấp II, lại có tí vốn nên đã quyết định thử sức với công việc YouTuber. Cậu bảo rằng công việc mới mẻ nhưng được gần với bố mẹ, vừa cảm nhận được cuộc sống cùng bà con đồng bào, giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn.
"Ban đầu, mình lấy tiền mua một chiếc điện thoại thông minh để quay cảnh đời sống của người đồng bào quê mình. Mình hí hửng chờ đợi sản phẩm "ra lò" thì ngớ người khi không biết phải đăng lên như thế nào vì trong bản cách đây 3 năm chưa có mạng. Mình phải đi bộ gần 2km ra điểm có sóng wifi. Thế rồi mình dần dần học từng tí kiến thức về YouTube trên mạng. Cuối cùng mình đã lập được kênh riêng, ngày nào cũng ra video", Mí Tính kể khó khăn lúc vào nghề.
Tiếp tục với câu hỏi: "Đa phần các YouTuber phải dựng hình trước khi đăng tải, Mí Tính chỉ học đến lớp 10, không hiểu biết về công nghệ thì phải làm sao?", chàng trai 24 tuổi thừa nhận: "Mình không biết gì thật! Mình chỉ biết lên mạng tìm hiểu rồi học dần dần từng tí một. Nhiều người nói mình có cả một ê-kip chuyên nghiệp ở đằng sau nhưng thực tế chỉ có mình mình thôi. Mình học hỏi mọi thứ, từ một người chẳng biết gì thành một YouTuber như hiện tại".
Hai năm đầu tiên, Mí Tính tự làm mọi thứ, từ việc quay, dựng cho đến đăng tải lên kênh. Gần một năm nay, cậu rủ thêm người em họ phụ giúp. Người này đảm nhiệm công việc quay phim, còn cậu kết nối và đóng vai trò là người trò chuyện với "nhân vật".
Hai gia đình có quan hệ thân thiết kể từ sau khi Mí Tính giúp đỡ vợ chồng Mí Sình.
Ba năm gắn bó với nghề, đi mọi nẻo đường vùng cao, mòn biết bao đế dép, Mí Tính đã có hàng trăm sản phẩm với lượt xem "siêu khủng". Cậu đã trở thành tấm gương sáng cho đám thanh niên trong bản, trở thành "con nhà người ta" trong mắt bậc phụ huynh.
"Công việc hiện tại của mình tự do hơn hồi sang Trung Quốc làm, không vất vả như làm cửu vạn, có tiền hơn trồng ngô khoai... Nhưng thực tế nó không dễ dàng chút nào cả.
Có những hoàn cảnh ở vùng cao trên núi đá, xe máy không đi được phải đi bộ khoảng 1 tiếng hoặc 3 tiếng. Hoặc có chuyến đi đường đèo nguy hiểm, chỉ cần bất cẩn chút là ngã xuống vực mất mạng.
Lúc đó mình thấy nản chí và mệt vô cùng nhưng vì đam mê và người ta mà cố gắng thôi. Mình biết chỉ cần đăng lên kênh, họ sẽ được mạnh thường quân giúp đỡ, cuộc sống cải thiện phần nào", YouTuber người Mông nói.
Công việc làm YouTuber của Mí Tính không hề đơn giản.
Trong cuộc trò chuyện, Mí Tính thẳng thắn tiết lộ mức thu nhập từ công việc làm YouTuber. Mỗi tháng, cậu được nhận 18 triệu đồng tiền lương. Số tiền đó với người đồng bào không phải nhỏ nhưng ít ai biết được cuộc sống của cậu vẫn khó khăn muôn trùng. "Mình đã kết hôn, có một con trai 3 tháng tuổi. Mẹ mình mới qua đời, bố lại già yếu chẳng làm được gì. Vì thế mình vẫn trồng ngô, lo cho gia đình từng bữa ăn, cái áo mặc. Mình phải phân bổ thời gian làm sao làm tốt công việc chính mà không "bỏ quên" gia đình", cậu thẳng thắn.
Nhắc đến 2 cặp đôi trai tân lấy người phụ nữ lớn tuổi xôn xao dư luận thời gian qua, Mí Tính cười: "Đó có phải là Mí Sình 25 tuổi cưới người đàn bà goá 52 tuổi và A Sính 24 tuổi lấy chị Kía 51 tuổi không? Hai cặp vợ chồng đó có hoàn cảnh và câu chuyện đặc biệt, ở cách nhà mình vài cây số, đi bộ mất nửa ngày đó! Mình tình cờ biết đến tình yêu không tuổi tác của họ nên muốn ghi lại để chia sẻ với mọi người. Qua đó mình muốn gửi gắm thông điệp tình yêu dù ở bất cứ nơi đâu cũng chân thành, chẳng phân biệt giàu sang, nghèo hèn. Hơn cả họ cùng có hoàn cảnh khó khăn, mình muốn ai đó thương mà giúp đỡ".
Kết thúc cuộc trò chuyện, Mí Tính không có hi vọng gì ngoài mong ước người đồng bào Mông ở Mèo Vạc vượt qua cái lạnh sắp tới và đón Tết Nguyên đán thật sung túc.