Ngày ngày miệt mài đi xin những chiếc xe đạp cũ để đem về tái chế thành xe mới, tặng cho các em học sinh nghèo trên khắp cả nước, anh Trần Quyết Thắng (Hà Tĩnh) tự nhận mình "bao đồng" nhưng bản thân anh lại thấy công việc này rất vui.
Lên facebook xin xe đạp cũ, tháo tung ra rồi... không lắp lại được
Bắt đầu thực hiện những dự án cộng đồng từ nhiều năm trước nhưng đến tháng 4/2020, anh Trần Quyết Thắng mới chính thức đăng bài lên facebook để xin xe cũ về tái chế thành xe mới, tặng lại cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Xin được 3 chiếc xe, anh Thắng tháo tung hết các bộ phận để tìm cách làm nhưng không được, anh đành đem ra tiệm sửa xe nhờ họ ráp lại. Thế rồi anh cũng theo đó mà học sửa xe, đến chiếc thứ 3 thì anh dần biết phân loại, lắp ráp.
Anh Trần Quyết Thắng bên những chiếc xe đạp. Ảnh NVCC
Công việc phục hồi xe cũ không hề đơn giản khi anh phải tháo đồng bộ tất cả xe nhận về, đánh giá mức độ sử dụng, tẩy gỉ sét, đánh bóng, phun sơn rồi lắp ráp lại. Công việc này tốn nhiều thời gian gấp 3 đến 4 lần so với việc lắp ráp xe mới, có nhiều xe cũ, ốc vít bị gỉ thì chỉ có thể dùng máy cắt ra chứ không thể tháo bằng tay.
Sau khi hoàn thành xong những chiếc xe đầu tiên, anh Thắng nung nấu làm nên một cộng đồng hoạt động bài bản để đem lại hiệu quả tốt nhất và giúp được thêm nhiều em học sinh có xe đến trường. Từ đó dự án "Hồi sinh xe cũ tặng học sinh đến trường" ra đời và những chiếc xe làm ra được gọi là Rebike for Kids (R4K). Để có được sự thành công như hiện tại, sự cộng lực chung tay của cộng đồng là sức mạnh to lớn, giúp nhóm có thêm nguồn tài chính để hoạt động, có thêm nhiều xe đạp từ khắp mọi miền đất nước gửi về.
Nhóm tặng xe cho một điểm trường tại Tây Nguyên
Xe đạp được làm mới trước khi trao tận tay các em học sinh
Anh Thắng chia sẻ tiêu chí chọn hoàn cảnh để trao tặng xe của nhóm khá đơn giản, học sinh xa trường nhất sẽ được ưu tiên, học sinh mồ côi, đến học sinh nghèo. Rebike for Kids đem xe đạp mới đến nhiều tỉnh thành từ miền ngược đến miền xuôi, trao gửi tình thương cho những em học sinh cần phương tiện đến trường, những người khó khăn cần phương tiện mưu sinh.
Bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí cho xã hội
Nhiều bạn bè, hàng xóm thấy anh Thắng miệt mài với công việc cống hiến cho cộng đồng cũng xông vào hỗ trợ, mỗi người một khâu khác nhau, dù mệt nhưng không khí lúc nào cũng rộn ràng vui vẻ. Khi được hỏi lý do vì sao lại chọn tái chế xe cũ mà không xin kinh phí để mua sẵn xe mới, anh Thắng bộc bạch rằng phần vì bản thân có đam mê với đồ cũ nhưng trên hết anh nhận ra được giá trị của những thứ bị xem là bỏ đi. "Việc tái sử dụng còn hạn chế rác thải, bảo vệ môi trường và tiết kiệm chi phí cho xã hội”, anh nói.
Một chiếc xe lăn cũ được nhóm tái chế.
Ngoài xe đạp, xưởng sẽ hướng tới hồi sinh các sản phẩm cơ khí khác, nhắm thúc đẩy tái chế, tái sử dụng vật dụng cũ, tiết kiệm tài nguyên. Bên cạnh đó, nhóm của anh Thắng còn tái chế xe lăn, sửa máy tính cũ, các đồ điện tử đã hỏng sẽ được lấy linh kiện để dùng khi cần đến.
Những chiếc xe cũ được gửi về từ nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Hiện nay có rất nhiều các tổ chức, hội nhóm tại Việt Nam đang nỗ lực từng ngày để thay đổi nhận thức về môi trường nhưng nhóm Rebike For Kids được cộng đồng mạng đánh giá cao bởi hoạt động rất thiết thực. Mỗi bài chia sẻ kêu gọi đóng góp xe đạp cũ trong nhóm Ý tưởng tái chế - tái sử dụng luôn nhận được lượng tương tác lớn. Không chỉ giúp các em học sinh có phương tiện để di chuyển, việc tái chế xe cũ là một hành động mang ý nghĩa cực kỳ to lớn trong việc bảo vệ môi trường.
"Công việc anh Thắng đang làm đem đến một tư duy mới, một cái nhìn khác lạ cho những người yêu môi trường như mình. Không chỉ là giảm thiểu sử dụng nhựa trong đời sống mà ngay cả những thứ như xe hỏng, máy tính hỏng vẫn có thể được hồi sinh để đến tay người cần chúng", bạn Huyền Trân, thành viên nhóm Ý tưởng tái chế - tái sử dụng viết.
"Việc tái chế phế thải sắt, linh kiện cũ là điều mà không phải ai cũng biết. Việc làm của anh và nhóm sẽ giúp lan toả đến nhiều người khác để nhân rộng mô hình này ra, góp phần vào việc giảm thiểu một lượng chất thải có hại ra môi trường", Trân nói thêm.
Lan tỏa yêu thương khắp mọi miền
"Ngày mà con và cô giáo nói chuyện với chú qua điện thoại, chú nói muốn gửi cho con một chiếc xe, chú có biết lòng con lúc đó như thế nào không. Con rất vui khi nghe chuyện đó, hằng ngày con luôn chờ đợi mà không thấy cô giáo trả lời con, con cứ tưởng chú sẽ không gửi cho con nữa. Khi nghe cô giáo nói là tại vì trời mưa bão, xe ô tô không đi được, lúc nào có xe cô sẽ nói địa chỉ cho con ra lấy. Nghe như vậy con mới thấy yên tâm chờ đợi và ngày 15/11 là ngày con nhận được chiếc xe chú ạ".
Đó là những lời viết ngây ngô nhưng đầy tình cảm được em Puih Vinh, lớp 8, người dân tộc Gia Rai, tỉnh Gia Lai gửi cho anh Thắng sau khi nhận được chiếc xe đạp để đến trường. Vinh có hoàn cảnh éo le, mồ côi cả bố mẹ từ nhỏ, em đang ở với chị gái. Mỗi ngày em đi bộ khoảng 5km mới đến nơi nhưng gần như không khi nào bỏ học, để đến lớp đúng giờ em phải dậy đi học từ rất sớm.
Em Puih Vinh, lớp 8, người dân tộc Gia Rai, tỉnh Gia Lai.
"Gia đình con rất biết ơn vì dù ở xa chú vẫn giúp con một chiếc xe để con đi học. Con sẽ cố gắng học thật giỏi để xứng đáng với tấm lòng của chú dành cho con. Dù khó khăn đến đâu, chỉ có học là con đường duy nhất cho con người chúng ta có được tương lai tốt đẹp đúng không chú" - Kết thư em viết.
Đó chỉ là một trăm hàng nghìn những hoàn cảnh được anh Thắng và nhóm R4K giúp đỡ. Ví như trường hợp của ông Huy (64 tuổi, Hương Sơn, Hà Tĩnh), đã hơn 30 năm làm nghề chăn bò và kiếm sống bằng nghề nhặt ve chai. Trong một lần ghé xưởng tái chế xe của anh Thắng để xin phế liệu, ông được anh Thắng tặng một chiếc xe mới vì chiếc xe của ông quá cũ, không còn an toàn.
Tặng xe cho người có hoàn cảnh khó khăn
Các em học sinh vùng cao nhận quà và xe đạp từ nhóm của anh Thắng
Anh Thắng tự nhận mình "bao đồng", gia đình người thân không phản đối những gì anh làm nhưng luôn lo lắng sự "bao đồng" đó khiến cho anh mãi không lập gia đình. Cuộc nói chuyện từ xa bị ngắt quãng vì anh đang giao hàng cho khách, công việc tại xưởng sơn tĩnh điện đem lại nguồn thu nhập chính, để anh tiếp tục với sứ mệnh tiếp bước cho ước mơ đến trường của hàng ngàn học sinh khó khăn trên khắp cả nước.
Người đàn ông này dù đã làm được rất nhiều việc ý nghĩa cho cộng đồng nhưng rất ngại "khoe". Dẫu cho được nhiều cơ quan truyền thông báo đài phỏng vấn nhưng mỗi khi được hỏi, anh vẫn không nói quá nhiều về mình mà chỉ muốn lan tỏa dự án này đến với cộng đồng, để ngày càng có nhiều người chung lòng, góp sức.