Chất độc có trong 132 mẫu hải sản ở miền Trung nguy hiểm thế nào?

Ngày 21/09/2016 00:20 AM (GMT+7)

Theo các chuyên gia, chất phenol còn tồn dư vượt ngưỡng trong các mẫu hải sản ở miền Trung là khá nguy hiểm, nếu bị ngộ độc với hàm lượng lớn có thể gây tử vong.

Sáng ngày 20/9, Bộ Y tế đã chính thức công bố về mức độ an toàn của hải sản vùng biển miền Trung bị ảnh hưởng sau sự cố môi trường do Formosa gây nên. Theo kết quả kiểm nghiệm được công bố, trong số 1.040 mẫu hải sản được lấy hàng ngày, ở tất cả các cảng cá, gò cá, các thuyền đánh bắt cá, đầm nuôi tại 4 tỉnh miền Trung.

Các mẫu được kiểm nghiệm các chỉ tiêu Xyanua, Phenol, thủy ngân, cadimi, chì, crom, asen và sắt tại Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia và Viện Dinh Dưỡng.

Trong số các mẫu được kiểm nghiệm, không phát hiện bất kỳ mẫu nào có Xyanua - chất được xác định là một trong những nguyên nhân gây ra cá chết hàng loạt.

Các chỉ số: thủy ngân, cadimi, chì, crom, asen và sắt trong hải sản ở 7 tỉnh trên (4 tỉnh miền Trung và 3 tỉnh đối chứng) đều nằm trong giới hạn cho phép, đảm bảo an toàn theo quy định. Các kết quả xét nghiệm đối với hải sản tại các đầm nuôi 4 tỉnh miền Trung đều đảm bảo an toàn.

Chất độc có trong 132 mẫu hải sản ở miền Trung nguy hiểm thế nào? - 1

Nhiều loại hải sản miền Trung vẫn chứa phenol quá ngưỡng cho phép. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, tất cả các mẫu hải sản tầng nổi (cá ngừ, cá thu, cá nục các loại, cá chỉ vàng, cá bạc má, cá hố, cá bò, cá cam, cá trích, cá đối, cá cơm và các loại hải sản khác sống ở tầng nổi) tại 4 tỉnh miền Trung đều không phát hiện mẫu nào có Phenol.

Phát hiện 132/1.040 mẫu hải sản của 4 tỉnh miền Trung có Phenol, bao gồm: ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá - đây là các loài hải sản sống ở tầng đáy.

Phân bố 132 mẫu hải sản có phát hiện Phenol đều nằm trong vùng từ 5-25 km (tương đương với khoảng từ 2,7 – 13,5 hải lý) với tỷ lệ mẫu nhiễm cao nhất tại Hà Tĩnh và Quảng Bình và thấp nhất tại biển Lăng cô – Thừa thiên Huế.

Trước kết quả kiểm nghiệm trên, nhiều người đặt ra đặt ra câu hỏi: Hải sản nhiễm phenol có nguy hiểm không? Và nếu có thì nguy hiểm đến mức độ nào? Không may ăn phải hải sản nhiễm phenol thì có sao không?

Theo các chuyên gia về hóa học và công nghệ thực phẩm, việc người dân lo ngại là hoàn toàn chính đáng và với việc công bố hải sản có hàm lượng phenol vượt ngưỡng thì đương nhiên là sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội) phenol là một tổ hợp nhiều chất, được sử dụng chủ yếu trong công nghiệp, với vai trò là dung môi hữu cơ sản xuất thuốc nhuộm, làm dung môi sản xuất sơn, chất dẻo, sử dụng trong chất tạo màu, do đó đây là chất cấm dùng trong thực phẩm.

PGS Thịnh cũng cho hay, tại Việt Nam, Bộ Y tế mới chỉ đề ra mức chuẩn phenol trong môi trường, cụ thể trong nước biển là 0,03mg/l và trong không khí 4mg/m3.

Cũng theo PGS Thịnh, phenol là chất độc nhưng mức độ ảnh hưởng đến cơ thể thế nào còn phụ thuộc vào nồng độ hấp thụ, chưa kể phenol khi vào cơ thể sẽ được bài tiết một phần qua da, nước tiểu.

Theo các chuyên gia, khi người dân sử dụng thực phẩm có chứa phenol thì sẽ gây ngộ độc, nếu nhẹ thì sẽ gây ra rối loạn tiêu hóa, rối loạn thần kinh, …còn nếu bị ngộ độc nặng sẽ khiến co giật, hôn mê, rối loạn tuần hoàn và hô hấp, sốc nặng…

Một vấn đề cũng được nhiều người quan tâm đó là: Làm sao để phân biệt cá nhiễm phenol? Về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, muốn phát hiện chính xác nhất cá có nhiễm phenol hay không thì chỉ có cách mang mẫu đi xét nghiệm.

Còn khi nghi ngờ cá nhiễm phenol, có thể kiểm tra nhanh bằng cách, xay (băm) nhuyễn cá nghi ngờ bị nhiễm, sau đó hòa vào trong nước cho thêm cồn, rồi nhỏ vài giọt chlroride sắt vào. Nếu xuất hiện màu xanh dương, xanh lá cây hoặc màu tím thì có thể kết luận cá có nhiễm phenol.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Cá chết hàng loạt ở miền Trung