Đà Nẵng cho học sinh nghỉ học, dừng tham quan bán đảo Sơn Trà; Thừa Thiên - Huế đưa tất cả tàu cá vào bờ...
Ngày 18/9, từ sáng sớm Đà Nẵng có mưa lớn dẫn đến ngập cục bộ nhiều tuyến đường và khu dân cư. Các tuyến đường trung tâm tại quận Hải Châu, Sơn Trà xảy ra ngập cục bộ khiến giao thông hỗn loạn. Trong khi đó, tại các khu dân cư thấp trũng của các quận Thanh Khê, Liên Chiểu ngập lụt đã xảy ra, người dân được yêu cầu sẵn sàng di dời khi mưa lớn tiếp diễn. Nhiều hộ dân ở khu vực “rốn lũ” ở Đà Nẵng trên đường Mẹ Suốt (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) 2 ngày qua tất bật lo dọn dẹp, kê cao đồ đạc để sẵn sàng ứng phó với bão. Lo sợ tái diễn ngập nặng như đợt mưa bão tháng 10/2022, nhiều người có ô tô, mô tô đắt tiền đã nhanh chóng đưa đến nơi cao ráo.
Bộ đội tại TT-Huế giúp dân hộ đê Mai Dương. Ảnh: Ngọc Văn
Tại khu vực âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà), hàng trăm tàu thuyền của ngư dân đã về neo đậu để trú tránh bão. Một số tàu thuyền, ghe gắn máy bị vào nước, hàng trăm người dầm mưa bơm, tát nước để kéo tàu thuyền lên.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP. Đà Nẵng ngày 18/9, còn 62 tàu, thuyền của Đà Nẵng với 617 người đang hoạt động trên biển. Trong đó có 41 tàu cá/452 người ở vùng bắc biển Đông và Hoàng Sa; 10 tàu/71 người đang ở giữa biển Đông và Trường Sa. Bộ đội Biên phòng thành phố duy trì thông tin, liên lạc với các phương tiện trên, thông báo hướng dẫn di chuyển vào bờ để tránh trú an toàn hoặc vòng tránh khỏi khu vực nguy hiểm.
Kiểm tra thực tế công tác phòng chống mưa bão tại huyện Hòa Vang, ông Nguyễn Đình Vĩnh - Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu địa phương chuẩn bị kịch bản mưa bão xấu nhất có thể xảy ra, để chuẩn bị cơ sở vật chất, các địa điểm kiên cố sẵn sàng di dời dân.
Đà Nẵng: Cho học sinh nghỉ học
Ngày 18/9, Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho học sinh nghỉ học. Trẻ mầm non, học sinh, học viên trên toàn thành phố nghỉ học chiều 18/9 và cả ngày 19/9. Các trường đại học tư thục căn cứ tình hình thực tế chủ động quyết định việc đi học của sinh viên. Sở cũng yêu cầu các trường, trung tâm thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến tình hình áp thấp nhiệt đới và mưa lớn hiện nay; giữ liên lạc qua nhiều kênh thông tin để chủ động ứng phó một cách an toàn, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn gây ra. Cùng ngày, cơ quan chức năng đã tạm dừng đón khách tham quan bán đảo Sơn Trà.
Quảng Nam: Một tàu hàng bị chìm
Ngư dân Đà Nẵng dầm mưa neo đậu tàu thuyền tại âu thuyền Thọ Quang. Ảnh: Nguyễn Thành
Chiều 18/9, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam cho biết, tàu hàng An Bình Phát 68 khi đang chở 4.000 tấn đá bột từ Thanh Hóa đi Quảng Ngãi đến vùng biển Quảng Nam thì bị sóng lớn đánh chìm, 8 thuyền viên tàu kịp lên phao bè cứu sinh.
Lúc 13h42 tàu hàng An Bình Phát 68 khi cách xã Bình Hải, huyện Thăng Bình, Quảng Nam 4 - 5 hải lý thì bị sóng đánh nghiêng tàu rồi chìm hẳn, 8 thuyền viên trên tàu đã kịp lên bè cứu sinh, tàu yêu cầu cứu nạn khẩn cấp. Lúc 14h20, hai tàu CSB 2016 và CSB 601 thuộc Cảnh sát biển Vùng 2 đã cơ động ra vị trí tàu bị nạn để cứu các thuyền viên.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP Hội An cho hay, đã yêu cầu tàu thuyền tạm dừng ra đảo Cù Lao Chàm để đảm bảo an toàn. Các phương án ứng phó đã được ban hành, trong đó đặc biệt chú trọng bảo vệ các di tích.
Thừa Thiên-Huế: Tất cả tàu cá đã vào bờ
Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), ngày 18/9, lực lượng chức năng đã kêu gọi xong toàn bộ 1.884 tàu cá với 10.685 lao động địa phương hoạt động trên biển vào nơi neo đậu an toàn.
Theo ghi nhận của PV, các khu neo đậu Thuận An (TP. Huế), Phú Hải, Phú Thuận (huyện Phú Vang) đã có hàng trăm tàu thuyền đánh cá vào neo đậu, trú tránh bão. Ngoài ra còn có 21 tàu hàng, 23 tàu đánh cá ngoại tỉnh vào neo đậu tại các cảng biển Thuận An, Chân Mây và các khu neo đậu khác.
Tại các vùng bãi ngang, hàng trăm người chạy đua với thời gian khẩn trương di chuyển các ghe, thuyền cỡ nhỏ đến các cồn cát, đường giao thông, rừng phi lao khuất gió. Anh Ngô Văn Pháo (45 tuổi, ngư dân xã Phú Thuận, Phú Vang) cho biết “Chúng tôi vừa giúp nhau, vừa kiểm tra xem còn ai đi biển chưa về để tìm cách liên lạc, thông báo cho họ chủ động phòng tránh bão”.
Ông Nguyễn Quang Dân, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận (huyện Phú Vang), cho biết, xã đã chuẩn bị lực lượng sẵn sàng sơ tán người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm khi có tình huống khẩn cấp.
Tại huyện Quảng Điền - địa bàn thấp trũng xung yếu, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Quảng Điền đã huy động gần 30 sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, phối hợp dân quân xã Quảng Phước gấp rút chuyển nhiều khối đá hộc, làm các rọ đá thành bờ kè kiên cố để chống sạt lở cho đê Mai Dương. Đoạn đê Mai Dương dài gần 100m đã bị các đợt bão lũ trước đó ăn mòn, làm hở hàm ếch sâu vào chân móng đường giao thông, nguy cơ sạt lở rất lớn.
Bộ CHQS tỉnh TT-Huế cũng chuẩn bị sẵn sàng lực lượng 750 cán bộ, chiến sĩ và hàng nghìn dân quân tự vệ, dự bị động viên để tham gia phòng, chống mưa bão. Các đơn vị Biên phòng tại TT-Huế hiện duy trì quân số gồm 380 cán bộ, chiến sĩ, cùng nhiều xe cộ, tàu thuyền, phương tiện cứu hộ, cứu nạn nhằm sẵn sàng ứng cứu, hỗ trợ người dân khi xảy ra mưa bão.
Quảng Bình họp khẩn Ngư dân xã Bảo Ninh thuê phương tiện cẩu tàu cá lên bờ, đưa về nhà tránh bão. Ngày 18/9, UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức cuộc họp trực tuyến đến cấp xã nhằm triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 4. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng chỉ đạo: Chạy đua với bão, giảm thiểu thiệt hại, bảo vệ tính mạng, ổn định đời sống người dân. Theo báo cáo, Quảng Bình hiện có 164 điểm sạt lở và nguy cơ sạt lở núi, khu dân cư, bờ sông, bờ biển, trong đó, 10 điểm có nguy cơ cao, đặc biệt nguy hiểm. Trong 151 hồ chứa, hiện có 35 hồ hư hỏng, xuống cấp, trong đó có 2 hồ không được phép tích nước là hồ Dạ Lam và hồ Hóc Chọ. Mực nước hiện tại của các hồ chứa đạt khoảng 28% dung tích thiết kế. Đối với hơn 280km đê với 220 cống và 10 cống tràn qua đê, các điểm xung yếu đã được xử lý tạm thời, không có các điểm xung yếu có tính nguy cơ cao. Tỉnh có 2.990ha diện tích nuôi trồng thủy sản đang thả nuôi và hơn 2.340 lồng, bè nuôi trên sông. Đến 10 giờ ngày 18/9, đã có 7.262 phương tiện tàu thuyền neo đậu tại bến. Trên biển hiện có 51 phương tiện, trong đó ở vùng biển phía nam Vịnh Bắc Bộ có 43 tàu và 287 lao động, dự kiến chiều 18/9 các tàu vào bờ; vùng biển từ Quảng Trị trở vào có 8 phương tiện với 40 lao động đang neo đậu tránh gió ở tỉnh Quảng Ngãi. Các công việc ứng phó bão số 4 phải hoàn thành chậm nhất vào chiều 18/9. |
Cồn Cỏ phòng chống bão Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cồn Cỏ hỗ trợ gia cố nhà cửa cho người dân trên đảo Cồn Cỏ. Các lực lượng tại huyện đảo Cồn Cỏ của tỉnh Quảng Trị khẩn trương ứng phó với áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão. Ngày 18/9, Trung tá Nguyễn Đình Cường-Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cồn Cỏ (Bộ đội Biên phòng Quảng Trị) thông tin, để ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, từ ngày 17/9, các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tại huyện đảo Cồn Cỏ đã hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cây xanh, đưa tàu thuyền vào nơi neo đậu an toàn. Hơn 20 cán bộ, chiến sĩ Biên phòng cắt tỉa cây xanh trên đảo, sử dụng bao cát để hỗ trợ người dân, các cơ quan gia cố mái lợp. Ngoài ra, Đồn Biên phòng Cồn Cỏ phối hợp với lực lượng chức năng hỗ trợ người dân đưa phương tiện đánh bắt thủy hải sản như ghe, thuyền thúng lên bờ, vào khu neo đậu; đưa người dân đến những khu nhà kiên cố. Ông Võ Viết Cường-Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ cho hay, trên địa bàn hiện có hơn 20 hộ dân sinh sống với gần 100 nhân khẩu. Ngoài đánh bắt thủy sản, người dân còn sản xuất, chăn nuôi theo chương trình dự án giảm nghèo bền vững. |
Xem thêm video ngư dân ven biển TT-Huế ứng phó bão số 4 (Nguồn: Tiền Phong)