Nghe thấy tên của loài này chắc chắn nhiều người sẽ e dè, không dám ăn. Nhưng ở An Giang, đây là đặc sản vô cùng nổi tiếng, có giá đắt đỏ.
Mùa nước lũ miền Tây kéo dài từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch hàng năm, mang theo về các sản vật như cá linh, cua đồng, lươn, rắn..., trong số đó nổi tiếng nhất phải kể tới rắn bông súng.
Rắn bông súng có tên khoa học là Enhydris enhydris, là một loài rắn thuộc họ nhà rắn nước rất hiền lành. Trên các sông ngòi, kênh rạch, rắn có nguồn thức ăn dồi dào nên nhanh lớn, béo mập.
Ở An Giang, người dân bắt và cầm rắn bông súng lên một cách dễ dàng. Mỗi lứa rắn bông súng đẻ từ 5 – 20 con rắn con. Hiện nay loài rắn này đang bị săn bắt quá mức cộng thêm ô nhiễm môi trường vì vậy số lượng trong tự nhiên đang sụt giảm. Song vì có giá trị kinh tế cao nên nhiều hộ gia đình ở An Giang bắt đầu nuôi rắn bông súng như một sản phẩm nông nghiệp.
Rắn bông súng ở An Giang nay thành đặc sản nổi tiếng được bán trên chợ mạng với giá đắt đỏ
Nhìn vẻ ngoài đáng sợ nhưng ở An Giang, rắn bông súng có thể chế biến thành nhiều món ăn vô cùng hấp dẫn. Vì tò mò, nhiều người thành phố tìm mua về đổi món cho gia đình hoặc làm món nhậu.
Trên chợ mạng có nhiều địa chỉ rao bán rắn bông súng với giá tới 400.000 đồng/kg. Chị Thương (người bán đặc sản miền Tây trên chợ mạng) cho biết rắn bông súng có 2 loại, rắn thịt và rắn trứng.
"Nếu ở những nơi khác nghe tới rắn người ta sẽ thấy sợ hãi, không nghĩ sẽ ăn được, không dám thử. Còn ở miền Tây, đặc biệt ở An Giang, rắn bông súng là đặc sản nổi tiếng. Đến mùa, người dân An Giang đi bắt rắn bông súng để bán cho các nhà hàng, quán ăn và thương lái.
Từ rắn bông súng có thể làm thành nhiều món ngon
Rắn thịt có giá 400.000 đồng/kg, còn rắn bông súng trứng có giá 300.000 đồng/kg. Rắn trứng hiếm hơn nên chỉ thỉnh thoảng tôi mới gom được một mẻ, nhiều người đặt hàng trước để mua rắn trứng", chị Thương chia sẻ.
Theo chị Thương, rắn bông súng thường hoạt động ban đêm nên người dân đi bắt vào buổi tối. Rắn bông súng xào sả ớt là dễ làm nhất. Thịt rắn khi được khử bỏ mùi tanh, rửa sạch, cắt thành từng khúc nhỏ. Ướp chung với các gia vị quen thuộc như hạt nêm, ớt sả băm nhuyễn, nước mắm, bột ngọt.
Rắn bông súng xào sả ớt
Sau đó bắc lên chảo xào cùng với hành và tỏi, phần thịt rắn sẽ săn lại. Đến khi phần sả ngả sang vàng thì tắt bếp là được. Với mùi vị thơm nồng của sả ớt, món này chắc chắn sẽ rất đưa cơm.
"Tôi đã làm sạch sẵn và cắt khúc, đóng túi zip cẩn thận rồi mới đăng bán trên chợ mạng, các chị em mua về có thể chế biến được luôn, vô cùng tiện lợi", chị Thương nói thêm.
Là người có kinh nghiệm bắt rắn bông súng ở An Giang, anh Hải (ở xã An Hảo, Tịnh Biên) chia sẻ trước đây rắn bông súng có nhiều nhưng bây giờ hiếm hơn. Vào mùa nước nổi, hôm nào may mắn mới bắt được chục cân rắn bông súng, còn bình thường chỉ bắt được vài cân.