Tốt nghiệp ngành Kinh tế - Quản lý ở một trường đại học danh giá tại Pháp, giỏi 3 ngoại ngữ, tuy nhiên ít ai biết Trang Pháp là tiểu thư trâm anh thế phiệt trong gia đình có truyền thống làm ngoại giao và nghiên cứu ngôn ngữ.
Gia thế khủng, học vấn đáng nể
Trang Pháp sinh năm 1989, tên thật là Nguyễn Thùy Trang, quê ở Hà Nội, sinh ra tại Pháp. Cô hoạt động trong nhiều vai trò như: diễn viên, ca sĩ, nhạc sĩ. Năm 17 tuổi, Trang Pháp gây chú ý khi đảm nhận vai Thảo Uyên xấu tính trong sitcom đình đám Nhật ký Vàng Anh.
Những năm gần đây, cô kín tiếng về đời sống cá nhân, khán giả ít thấy cô biểu diễn trên sân khấu. Nữ ca sĩ lùi về sau hậu trường chuyên tâm sáng tác. Cô góp phần tạo ca khúc chủ đề cho nhiều bộ phim điện ảnh đình đám như Gái già lắm chiêu 3, Bí mật thảm đỏ 1 và 2, Hoa hậu giang hồ…
Mới đây, Trang Pháp chính thức nhận lời tham gia mùa đầu tiên của chương trình Chị đẹp đạp gió rẽ sóng. Chương trình phiên bản Việt sẽ có sự tham gia của 30 "chị đẹp" là hoa hậu, doanh nhân, ca sĩ, diễn viên, MC...
Trang Pháp từng chia sẻ: “Gia đình tôi có truyền thống làm ngoại giao và nghiên cứu ngôn ngữ, nhờ vậy, tôi được tiếp xúc với ngoại ngữ khi còn nhỏ, từ đó có được nền tảng tốt về ngôn ngữ”.
Được biết, ông ngoại của Trang từng là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại nhiều quốc gia trên thế giới. Bố Trang Pháp là Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Quang, cũng là một trong những giáo sư ngoại ngữ. Ông đã có hơn 40 năm công tác, giảng dạy tại Đại học Ngoại Ngữ - Đại Học Quốc Gia Hà Nội. Những công trình nghiên cứu của ông về Giao tiếp giao văn hóa đã đóng góp nhiều cho ngành Giáo Dục tại Việt Nam.
Ông ngoại của Trang từng là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại nhiều quốc gia trên thế giới
Mẹ của Trang Pháp cũng là nhà ngoại giao như ông ngoại và đã có hơn 30 năm cống hiến cho ngành ngoại giao Việt Nam. Bà từng là Chánh Văn Phòng Tổng Lãnh Sự Quán Việt Nam tại Bruxelles, Bỉ, là Bí Thư thứ nhất phái đoàn UNESCO Việt Nam tại Paris - Pháp. Mẹ Trang Pháp cũng nói thành thạo tiếng Pháp và tiếng Anh.
Trang được thừa hưởng nền giáo dục tiên tiến tại Pháp từ nhỏ. Ngày còn đi học, Trang Pháp sở hữu thành tích học tập đáng nể. Bảng điểm học tập của cô hầu hết các môn học đều được đánh giá là "excellente" (xuất sắc) với số điểm cao gần như tuyệt đối, đặc biệt là những môn như Toán học, Tiếng Anh, Tiếng Tây Ban Nha...
Sau khi kết thúc chương trình phổ thông tại trường Quốc tế Pháp Alexandre Yersin, Trang Pháp thi đỗ vào trường Đại học Lyon II (Université Lumière Lyon II) của Pháp, chuyên ngành Kinh tế - Quản lý và tốt nghiệp sau 4 năm.
Trường đại học ở Pháp nơi cô theo học
Tốt nghiệp ngành Kinh tế - Quản lý ở một trường đại học danh giá, nhưng Trang Pháp lại nuôi trong mình niềm đam mê với nghệ thuật. Cô chia sẻ: "Từ nhỏ, gia đình mình luôn đặt việc học tập đặt lên hàng đầu. Khi vào đại học, không còn nhiều thời gian cho việc học ngoại khóa nữa mà phải tập trung toàn lực cho việc học đại học cũng là lúc mình dừng lại các hoạt đông nghệ thuật".
Vì quá yêu nghệ thuật nên Trang Pháp đã quyết định từ bỏ việc học Thạc sĩ ở Bỉ để theo đuổi con đường này trước sự ngăn cản của gia đình.
Ngành học “hot”, điểm chuẩn cao chót vót
Tại Việt Nam, khối ngành Kinh tế luôn dẫn đầu trong việc chọn ngành trong nhiều năm qua. Các chuyên ngành Kinh tế được lựa chọn nhiều nhất là: Thương mại, Quản trị kinh doanh, Tài chính…
Khối ngành kinh tế được phân thành 4 nhóm chuyên ngành: Nhóm ngành kinh tế quản trị; Nhóm ngành kinh tế tài chính; Nhóm ngành kế toán – kiểm toán; Nhóm ngành về lĩnh vực công.
Học ngành Kinh tế, sinh viên sẽ được dạy những kiến thức chuyên sâu về các hoạt động sản xuất, phân phối và tiêu thụ hàng hóa một cách tổng thể. Các chương trình đào tạo sẽ hướng dẫn bạn các phân tích và đánh giá sự ảnh hưởng cũng như mối tương quan của các hoạt động kinh doanh trong nền kinh tế xã hội.
Bên cạnh những kiến thức chuyên sâu, sinh viên còn được trang bị những kiến thức nghiệp vụ khác. Cụ thể là các kỹ năng mềm và các kỹ năng cần có theo từng chuyên ngành. Ví dụ, đối với ngành Kinh doanh quốc tế, sinh viên sẽ được học thêm về vấn đề thanh toán quốc tế, tranh chấp trong thương mại, bảo hiểm ngoại thương,…
Với nền kinh tế sôi động, có rất nhiều trường đào tạo chuyên ngành kinh tế như Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội; Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; Trường Đại học Ngoại thương; Học viện Tài chính; Học viện Ngân hàng; Trường Đại học Tài chính – Quản trị kinh doanh; Trường Đại học Thương mại; Trường Đại học Kinh tế – Luật – Đại học Quốc gia TP.HCM; Trường Đại học Kinh tế TP.HCM; Trường Đại học Mở TP.HCM… Điểm chuẩn ngành Kinh tế ở các trường top cao dao động 25-28 điểm.
Sau tốt nghiệp, các em sẽ có khả năng, kiến thức và cơ hội làm việc trong cơ quan, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế như: Các cơ quan quản lý kinh tế Nhà nước từ trung ương tới địa phương, những doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, các tổ chức tài chính, tín dụng, làm việc tại các trường Đại học, viện nghiên cứ, hoặc thậm chí làm ở các tổ chức xã hội, đoàn thể, hoặc thậm chí làm ở các tổ chức quốc tế, phi chính phủ
Nếu như bạn muốn đi sâu hơn về lĩnh vực kinh tế, bạn hoàn toàn có thể tiếp tục học ở các bậc sau đại học ở trong hoặc ngoài nước, học những chuyên ngành như: Kinh tế học; Kinh tế phát triển; Kinh tế & Quản lý công; Kinh tế Tài chính – Ngân hàng…
Một số vị trí nghề nghiệp cụ thể mà bạn có thể tham khảo như: Kế toán viên, kiểm toán viên, nhân viên kinh doanh, nhân viên ngân hàng, nhân viên bảo hiểm, nhà kinh tế học, cố vấn viên kinh tế tài chính…; giảng viên giảng dạy Kinh tế học vi mô, Kinh tế học vĩ mô, Lịch sử học thuyết kinh tế, cán bộ, công chức làm việc trong các tổ chức đoàn thể, xã hội…
Thu nhập của người làm trong ngành kinh tế sẽ phụ thuộc vào mỗi ngành nghề và cấp bậc vị trí mỗi người. Một sinh viên mới ra trường có thể đi làm mức lương khởi điểm từ 5-8 triệu đồng/tháng. Sau khi tích luỹ đủ kinh nghiệm, lên được những vị trí cao trong ngành thì việc kiếm được vài trăm triệu mỗi tháng là chuyện bình thường.