Các nước đã chi ra khoảng 44 triệu USD trong cuộc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích. Đây được xem là cuộc tìm kiếm tốn kém nhất trong lịch sử hàng không.
Theo Reuters, các nhà phân tích quốc phòng và Lầu Năm Góc ước tính trong một tháng qua, đã có ít nhất 44 triệu USD được chi ra để triển khai tàu quân sự và máy bay của Australia, Trung Quốc, Việt Nam... cho các nỗ lực tìm kiếm MH370 ở Ấn Độ Dương và Biển Đông.
Con số này dựa trên thống kê lực lượng quốc phòng với chi phí theo giờ của các loại tài sản, ước tính bởi các nhà phân tích quốc phòng và chi phí báo cáo của Lầu Năm Góc.
Con số này tương đương với chi phí mà nhà chức trách Pháp đã đổ để tìm máy bay mang số hiệu AF447 của hãng Air France, rơi xuống Đại Tây Dương hồi năm 2009. Cuộc tìm kiếm này kéo dài 2 năm với những đợt tìm kiếm kéo dài vài tháng.
Tuy nhiên trên thực tế con số 44 triệu USD chưa bao gồm chi phí triển khai phương tiện quốc phòng ở các nước Anh, Pháp, New Zealand và Hàn Quốc cũng như nhiều chi phí khác.
Hơn 1 tháng trôi qua nhưng tung tích chiếc máy bay mất tích vẫn bí ẩn
Giới phân tích cho rằng, chi phí thực sự cho cuộc tìm kiếm và trục vớt chiếc máy bay bị rơi của Air France có thể cao gấp 3-4 lần so với con số chính thức.
Con số 44 triệu USD chi phí tìm kiếm MH370 không bao gồm các tài sản quốc phòng được sử dụng bởi các quốc gia trong đó có Anh, Pháp, New Zealand và Hàn Quốc, và nhiều chi phí khác như máy bay dân sự, chỗ ở cho hàng trăm nhân viên và các chi phí cho các nhà phân tích tình báo trên toàn thế giới.
Theo các chuyên gia, hiện không có nghị định hay văn kiện quốc tế nào quy định về việc chia sẻ chi phí tìm kiếm trong các vụ tai nạn hàng không.
Ông Oh Ei Sun, nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Quốc tế Singapore, cho biết về mặt lý thuyết thì quốc đứng đầu công tác điều tra (tức Malaysia) sẽ phải trả hết chi phí tìm kiếm.
26 nước đã tham gia vào cuộc tìm kiếm MH370 kéo dài một tháng qua kể từ khi máy bay biến mất trong không trung sáng sớm 8/3 trên đường từ Kuala Lumpur sang Bắc Kinh.
Các chính phủ và chuyên gia quân sự nhận định rất khó để đưa ra được một ước tính đầy đủ về chiến dịch tìm kiếm đang diễn ra, nhất là khi có nhiều chi phí thông thường nhằm duy trì hiệu quả năng lực tìm kiếm cứu hộ.