Là vị đại thần quyền cao chức trọng, dưới một người mà trên vạn người nhưng chỉ với một chữ của Càn Long, Hòa Thân đã run sợ.
Hòa Thân còn được gọi là Hòa Khôn, là một vị đại thần dưới triều vua Càn Long. Ông được biết đến như một vị tham quan khét tiếng nhất trong lịch sử phong kiến Trung Quốc. Rất nhiều giai thoại xung quanh Hòa Thân đã được sử sách ghi chép lại, thu hút sự quan tâm lớn của hậu thế.
Khi vào cung, Hòa Thân xuất thân chỉ là một thị vệ nhỏ nhoi. Sau đó, nhờ có trí thông minh của mình, Hòa Thân được vua Càn Long chú ý đến và bắt đầu sủng ái. Cũng có giai thoại kể lại rằng Hòa Thân có ngoại hình nho nhã, da trắng, môi hồng, chẳng khác gì nữ nhân, được mệnh danh là "Mãn Châu đệ nhất tuấn nam", khiến vua Càn Long tưởng nhớ về một vị phi tần từng vì mình vì chết, do đó mới giữ Hòa Thân bên mình để bù đắp.
Tranh vẽ Hòa Thân.
Sự nghiệp của Hòa Thân lên như diều gặp gió, từ một thị vệ trở thành tể tướng, dưới một người mà trên vạn người, quyền thế lộng hành khắp nơi. Được hoàng đế Càn Long dung túng và bao che, Hòa Thân ngày càng làm càn, liên tục vơ vét và thao túng, nhận hối lộ, tham nhũng của cải của nhà nước. Sau này, dân gian còn tương truyền lại câu nói: "Cái Càn Long có Hòa Thân có, cái Càn Long không có chưa chắc Hòa Thân không có", để ám chỉ sự giàu có và mức độ ảnh hưởng khủng khiếp của Hòa Thân.
Giữ trọng trách quan trọng trong triều đình, được hoàng đế trọng dụng, lại nắm quyền thế khắp nơi, không ai dám chống lại, Hòa Thân khi ấy khiến nhiều người khiếp sợ. Thế nhưng không phải Hòa Thân không biết sợ. Chỉ với một chữ của vua Càn Long, Hòa Thân đã từng phải tái xanh mặt mày.
Tương truyền trong một lần thiết triều, hoàng đế Càn Long đột nhiên viết một chữ "Thiện" trước mặt tất cả bá quan văn võ. Khi ấy, mọi người đều cười vì nghĩ rằng chữ "Thiện" ở đây là thiện ý, ý tốt. Thế nhưng, duy chỉ có Hòa Thân lập tức thay đổi sắc mặt, trở nên sợ hãi và hoảng loạn.
Hoàng đế Càn Long.
Hóa ra, chỉ có mình Hòa Thân hiểu được chữ "Thiện" mà hoàng đế Càn Long viết không phải có nghĩa là thiện ý, mà là thiện vị - tức nhường ngôi.
Vua Càn Long vô cùng sùng bái tổ phụ (ông nội) Khang Hy, thậm chí tình cảm còn sâu đậm hơn cả với bố mình Ung Chính, còn thường xuyên học theo cách cai trị đất nước của Khang Hy. Lúc sinh thời, Càn Long tự hứa rằng bản thân sẽ không tại vị lâu hơn ông mình. Sự thật là Càn Long đã nhường ngôi khi nắm quyền được 60 năm, trong khi Khang Hy lên ngôi tổng cộng 61 năm. Nhiều người cho rằng việc Càn Long chủ động nhường ngôi mặc dù vẫn còn khỏe và hoàn toàn có thể tiếp tục nắm quyền là bởi không muốn bất kính với ông mình.
Vậy tại sao Hòa Thân lại sợ sệt khi nghe tin hoàng đế Càn Long sắp nhường ngôi? Hóa ra là do Hòa Thân mải vơ vét của cải, được vua trọng dụng, lại thường xuyên chia bè kéo cánh, xúi giục hoàng đế làm chuyện không đúng, khiến mối quan hệ của ông ta với các hoàng tử không được tốt đẹp. Do đó, dù bất cứ hoàng tử nào của Càn Long lên ngôi thì Hòa Thân vẫn phải đối mặt với nhiều sóng gió và khó khăn, không thể lộng hành như trước nữa.
Hình tượng Hòa Thân trên phim ảnh.
Và quả thật sau này, khi vua Càn Long qua đời, con trai ông là Gia Khánh lên ngôi đã quyết định xử tội tham quan Hòa Thân. Ngày 12/2/1799, Hòa Thân cùng tướng Phúc Trường An bị bắt. Sau khi luận tội, vua Gia Khánh đã xử Hòa Thân tội lăng trì.
Tuy nhiên, nể tình Hòa Thân từng có nhiều đóng góp cho đất nước, lại được Càn Long hết mực yêu quý, cuối cùng vua Gia Khánh đã miễn cho Hòa Thân không phải chịu cái chết man rợ. Thay vào đó, Hòa Thân bị bắt tự vẫn ngay tại nhà mình.