Không chỉ nổi tiếng là một vị vua anh minh, sáng suốt và có công trị vì đất nước, Khang Hi còn là một hoàng đế với sự phong lưu, đa tình và nhiều bê bối tình dục.
Vua Khang Hi tên thật là Ái Tân Giác La Huyền Diệp, sinh năm 1654 và mất năm 1722, là một trong những vị vua thọ nhất triều đại nhà Thanh, cũng là người ngồi trên ngai vàng lâu nhất lịch sử Trung Quốc (61 năm). Ông được đánh giá là một trong những vị hoàng đế vĩ đại nhất trong lịch sử Trung Quốc và được xưng tụng là Khang Hi Đại đế.
Vua Khang Hi lên ngôi từ rất sớm, khi mới 8 tuổi. Chính vì vậy, gần như cả cuộc đời ông dành trọn cho sự nghiệp xây dựng đất nước, mở rộng lãnh thổ, bình ổn quốc gia, đem lại cuộc sống ấm no cho người dân. Về cả chính trị lẫn quân sự, Khang Hi đều tài giỏi, thao lược, khiến ai nấy bái phục. Có thể nói, Khang Hi là một vị hoàng đế anh minh, lỗi lạc, được người người kính trọng và ngưỡng mộ. Tuy nhiên bên cạnh đó, ông cũng được nhắc đến là một vị vua đa tình, phong lưu với số mỹ nữ trong hậu cung nhiều không đếm xuể.
Hoàng đế Khang Hi.
Theo sử sách ghi chép lại, trong hậu cung của vua Khang Hi có đến 49 vị từ quý nhân trở lên, 67 người nhận sắc phong chính thức còn những người từng hầu hạ vua nhưng lại ở phân vị thấp thì có không dưới 200 người. Tính về con cái thì ông có đến 55 người con, 35 hoàng tử và 20 công chúa.
Có tổng cộng 4 hoàng hậu
Vì yếu tố chính trị, vua Khang Hi lập hậu khi ông mới 12 tuổi. Người vợ đầu tiên của ông là Hiếu Thành Nhân Hoàng hậu Hách Xá Lý thị. Nhờ có vẻ ngoài xinh đẹp, lại thêm nhân cách trời ban, tính tình đoan trang hiền hậu, biết quản hậu cung, được lòng Thái hậu và Thái hoàng thái hậu, Hiếu Thành Nhân Hoàng hậu có thể nói là người vợ phù hợp nhất, cũng là người được vua Khang Hi vô cùng yêu thương, kính trọng. Chỉ đáng tiếc, bà không được thọ mệnh. Hiếu Thành Nhân Hoàng hậu sinh được 2 người con nhưng con trai đầu 4 tuổi đã qua đời. Khi bà hạ sinh đứa con thứ 2 thì bị băng huyết, ra đi khi mới 21 tuổi.
Sau sự ra đi của Hiếu Thành Nhân Hoàng hậu, hoàng đế Khang Hi quá đau lòng đến nỗi chẳng muốn lập hậu nữa. Tuy nhiên trước sức ép của thái hậu và quần thần, ông đành phải lập tân hậu và người được chọn là một phi tần thuộc dòng họ Nữu Hỗ Lộc, sắc phong làm Hiếu Chiêu Nhân Hoàng hậu. Tuy nhiên chỉ sau 6 tháng lên ngôi, Hiếu Chiêu Nhân Hoàng hậu đã qua đời ở tuổi 26 mà không có hậu duệ, nguyên nhân không được sử sách ghi chép lại.
Hiếu Thành Nhân Hoàng hậu.
Vị hoàng hậu thứ ba của vua Khang Hi là Hiếu Ý Nhân Hoàng hậu Đông Giai thị. Bà là em họ của Khang Hi, nhập cung làm Thứ phi, sau tiến phong làm Hoàng quý phi. Đông Giai thị hạ sinh được một công chúa nhưng bị chết yểu ngay lúc chào đời. Điều này đã khiến bà đau đớn khôn nguôi, sinh ra bệnh nặng. Năm 1689, Đông Giai thị được Khang Hi sắc phong làm hoàng hậu nhưng đáng tiếc chỉ sau 1 ngày, bà đã qua đời vì bệnh trọng. Đại điển sắc phong đột nhiên biến thành tang lễ, tang thương bàng hoàng bao trùm hoàng cung nhà Thanh. Từ đó trở đi, Khang Hi không lập thêm bất kỳ hoàng hậu nào nữa.
Tuy nhiên trong sử sách, vẫn ghi lại vị hoàng hậu thứ 4 của hoàng đế Khang Hi. Người này là Hiếu Cung Nhân Hoàng hậu Ô Nhã thị, mẹ của hoàng tử Dận Chân. Sau khi Khang Hi băng hà, tứ hoàng tử Dận Chân nối ngôi trở thành hoàng đế Ung Chính, đã sắc phong mẹ mình làm hoàng hậu. Chỉ tiếc lúc này, Khang Hi đã qua đời nên không được biết. Hiếu Cung Nhân Hoàng hậu Ô Nhã thị thọ tới 63 tuổi.
Thị tẩm 9 phi tần một đêm và "quả báo nhãn tiền"
Dưới thời vua Khang Hi, có tới gần 70 phi tần được sắc phong chính thức, nhưng đây mới chỉ là con số ước lượng dựa trên số lượng trong lăng mộ còn số liệu thực tế thì chưa một sử gia nào có thể khẳng định chắc chắn. Là người tại vị lâu nhất trong lịch sử, ngay cả khi đã về già, vua Khang Hi vẫn cho triệu những mỹ nhân xinh đẹp, trẻ trung vào cung hầu hạ mình.
Khang Hi nổi tiếng là vị vua phong lưu, đa tình.
Nói về những bê bối tình dục của vua Khang Hi, không thể không nhắc đến vụ "cửu phi liên châu". Chỉ trong một đêm, vị vua này đã thị tẩm 9 vị phi tần, bao gồm Tuệ phi, Bình phi, Lương phi, Vinh phi, Tuyên phi, Thuận Ý Mật phi, Thành phi, Thuần Dụ Cần phi và Huệ phi. Bên cạnh đó, còn có vụ "bát tần lâm ngữ", tức một đêm lâm hạnh với 9 mỹ nữ đều mang Tần vị.
Chưa dừng lại ở đó, hậu cung của vua Khang Hi còn từng ghi nhận 4 trường hợp chị em lấy chung chồng. Cụ thể, Hiếu Thành Nhân Hoàng hậu Hách Xá Lý thị là chị gái của Bình phi, Hiếu Chiêu Hoàng hậu là chị gái của Ôn Hi Quý phi, Nghi phi là chị gái của Quý nhân Quách Lạc La thị, cuối cùng Hiếu Ý Nhân Hoàng hậu là chị gái của Đông Quý phi. Trường hợp một vị vua lấy 2 chị em gái làm vợ vốn đã hiếm, vậy nên việc có tận 4 cặp chị em gái thì quả thực "có một không hai".
Phi tần trong hậu cung của Khang Hi nhiều không đến xuể (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên do quá phóng túng và đa tình, vua Khang Hi cũng nhận về không ít hậu quả, rõ ràng nhất phải nói đến tình trạng sức khỏe của ông. Do hậu cung quá nhiều phi tần, hoàng đế lại không biết tiết chế mà thị tẩm nhiều người một đêm khiến sức lực không khỏi hao tổn. Vào năm Khang Hi thứ 56 (năm 1717), sức khỏe của ông càng lúc càng đi xuống, mắc phải bạo bệnh khiến thái y của bó tay.
Mặc dù vậy, Khang Hi vẫn không tiết chế trong chuyện thị tẩm. Bằng chứng là ngay cả khi đã ở tuổi gần đất xa trời, hậu cung Khang Hi vẫn còn có Trần Quý nhân sinh hạ cho ông vị hoàng tử thứ 35. Chỉ tiếc là vị hoàng tử này đã bị chết yểu, nguyên nhân được cho là có liên quan tới thể trạng suy yếu và tinh lực suy nhược của hoàng đế.
Năm 1722, hoàng đế Khang Hi băng hà ở tuổi 69. Sau này, khi nhắc đến những giai thoại thị tẩm của ông, nhiều người cho rằng nếu biết tiết chế trong chuyện hậu cung, Khang Hi có thể còn sống thọ hơn nữa.