Văn phòng Chính phủ vừa có công văn đồng ý cho Bộ Y tế sử dụng lại vắc xin Quinvaxem trong Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Công văn này nêu rõ Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân có ý kiến chỉ đạo đồng ý với đề nghị của Bộ Y tế về việc tiếp tục sử dụng vắc xin Quinvaxem (vắc xin ngừa cùng lúc 5 loại bệnh gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, Hib và viêm gan siêu vi B) trong Dự án tiêm chủng mở rộng.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tổ chức tuyên truyền về an toàn tiêm chủng để phát hiện sớm, cấp cứu kịp thời nhầm hạn chế thấp nhất nguy hại đến sức khỏe và tính mạng trẻ em bị phản ứng sau tiêm chủng.
Ngoài ra, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xử lý theo thẩm quyền đối với việc cấp kinh phí để tiếp tục sử dụng các vắc xin đang sử dụng trong tiêm chủng mở rộng, kinh phí nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước trong chương trình sản phẩm quốc gia; kinh phí phát triển hệ thống y tế dự phòng. Nếu vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng chính phủ.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và công nghệ nghiên cứu báo cáo thủ tướng chính phủ về sản xuất vắc xin đa giá 6 trong 1 của Việt Nam cung cấp cho tiêm chủng mở rộng.
Trước đó, PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng ban Quan lý Dự án Tiêm chủng mở rộng cho biết, vắc xin Quinvaxem bắt đầu đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia tại Việt Nam từ năm 2010. Từ đó đến nay Việt Nam ghi nhận có 43 trường hợp trẻ gặp phản ứng nặng sau tiêm vắc xin Quinvaxem.
Kết quả đánh giá độc lập của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, trong số 43 ca phản ứng nặng sau tiêm thì có 27 trường hợp tử vong không liên quan đến tiêm chủng. Có 9 trường hợp có thể coi là có liên quan đến tiêm vắc xin nhưng đều hồi phục. Các trường hợp còn lại đều xác định không liên quan đến tiêm chủng và chất lượng vắc xin.
Chính phủ đồng ý cho Bộ Y tế tiếp tục sử dụng vắc xin Quinvaxem trong Dự án tiêm chủng mở rộng
Kết quả kiểm nghiệm của WHO khẳng định các lô văcxin 5 trong 1 Quinvaxem Việt Nam nhờ kiểm nghiệm sau khi xảy ra hàng loạt ca tai biến đều đạt tiêu chuẩn.
Trong một cuộc họp gần đây, trả lời nghi ngại liệu có phải vắc xin Qunivaxem có tính an toàn thấp nên dù là nơi sản xuất Hàn Quốc không sử dụng vắc xin này khi tiêm chủng trong nước,TS Takeshi, Đại diện WHO cho biết có hai lý do. Thứ nhất, Hàn Quốc có lịch tiêm chủng vắc xin khác với các nước khác. Ngoài ra, viêm gan ở Hàn Quốc cũng khác với các quốc gia vì vậy họ tiêm phòng viêm gan và các bệnh khác theo chu trình khác nhau nên họ không sử dụng loại vắc xin như Việt Nam.
TS Takeshi cũng lý giải cũng cho biết thêm, hai loại vắc xin phòng ho gà vô bào hay toàn tính đều cung cấp hiệu quả phòng bệnh tốt. Nhưng vắc xin vô bào mà Hàn Quốc đang sử dụng đắt hơn rất nhiều, đôi khi đắt gấp 10 lần văcxin mà Việt Nam đang sử dụng. Về phản ứng nhẹ thì vắc xin sử dụng tại Hàn Quốc ít hơn, Việt Nam nhiều hơn. Liên quan đến phản ứng nặng, thì cả hai loại vắc xin đều cho thấy tỷ lệ tương đương nhau.