Dù đôi chân không còn lành lặn nhưng cậu bé Tân ngày ấy chưa bao giờ nản trí và chấp nhận đầu hàng số phận.
Vị khách đặc biệt của tài xế xe ôm công nghệ…
Mới đây, nam thanh niên chạy xe ôm công nghệ tên M.Đ đã đăng tải hình ảnh lẫn câu chuyện về vị khách đặc biệt gây xôn xao. Theo đó, tài xế này đã chở một sinh viên năm 2 trường Đại học Nguyễn Tất Thành từ quận 9 qua đường Nguyễn Hữu Thọ (quận 7, TP.HCM).
Quãng đường dài chừng 17 km với tổng số tiền là 62 nghìn đồng. Điều đặc biệt trong chuyến đi chính là vị khách bị mất cả 2 chân do lúc nhỏ không may gặp tai nạn.
“Cả đoạn đường đi nói chuyện với nhau thì mới biết cậu này nghị lực phi thường thế nào. Bình thường sáng cậu ruột chở đi học, nay ông bận gì đó nên mới đặt xe.
Đến trường, cậu có bạn cùng lớp cõng vào. Cậu học ngành dược để sau này cố gắng mở tiệm thuốc Tây vì bị như vậy khó học những ngành khác.
Không biết ước mơ của cậu có thành hiện thực không nhưng tôi hết sức khâm phục nghị lực của cậu này. Bị từ 5 tuổi mà học lên được tới đại học”, M.Đ bày tỏ.
Câu chuyện về vị khách đặc biệt xôn xao MXH (Ảnh chụp màn hình).
Kết thúc chuyến xe, cậu sinh viên hỏi M.Đ hết bao nhiêu tiền. Anh liền bảo: “Thôi, anh không lấy tiền đâu”. Khi ấy, mặt của cậu sinh viên ngành dược hiện rõ niềm vui khiến tài xế cũng cảm thấy nhẹ lòng. “Nói xong, tôi cõng cậu vào chỗ bảo vệ ngồi để đợi bạn rồi chào tạm biệt”, chàng trai trẻ nói.
M.Đ cho biết thêm, sau chuyến đi đó, anh lại tình cờ chở một cô bé sinh viên trường Nguyễn Tất Thành. Đặc biệt, cô bé học cùng ngành với cậu sinh viên ban nãy. Nhờ thế, anh biết được rằng cậu ấy học rất giỏi, luôn nằm trong Top đầu của khoa.
Câu chuyện ngay sau khi chia sẻ đã nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng. Ai cũng khen ngợi, trân quý hành động đẹp của tài xế M.Đ và cảm thương với hoàn cảnh của nam sinh viên.
Ai cũng khen ngợi, trân quý hành động đẹp của M.Đ và cảm thương với hoàn cảnh của nam sinh viên.
Theo tìm hiểu, cậu sinh viên trong câu chuyện trên là Ngô Nhật Tân (Duyên Hải, Trà Vinh). Tân hiện đang là sinh năm 2 khoa Dược, trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Tân có một tuổi thơ không mấy vui vẻ nhưng em luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, sống lạc quan.
Cậu sinh viên muốn học để thoát nghèo và thay đổi cái nhìn của mọi người
Tân cho biết, em đang sống cùng người cậu ruột ở quận 9. Thường ngày, em được cậu chở đi học rồi đón về. “Hồi đầu mới nhập học, cậu chở em đến trường rồi cõng từ cổng lên đến tận giảng đường. Các bạn ngạc nhiên lắm. Sau đó một bạn đã chủ động đề nghị em để bạn thay cậu cõng lên lớp.
Em rưng rưng nói không thành lời. Bởi trước đó em luôn lo sợ lên thành phố học sẽ bị mọi người xa lánh, giễu cợt và kỳ thị”, Tân xúc động nhớ lại.
Tân cũng có một tuổi thơ đẹp như bao đứa trẻ trong vùng. Và bi kịch bắt đầu đến với cuộc đời em lúc lên 5 tuổi. Khi ấy, em chẳng may trượt chân ngã vào chiếc máy bơm nước đang chạy trong ao nuôi tôm.
Tân có một tuổi thơ không mấy vui vẻ nhưng em luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, sống lạc quan.
“Chuyện xảy ra lâu nên em chẳng còn chút ký ức nào nữa! Em chỉ biết một chân bị cưa đến nửa đùi, chân còn lại bó bột, không thể cử động được”, Tân nói.
Dù đôi chân không còn lành lặn nhưng cậu bé Tân ngày ấy chưa bao giờ nản trí và chấp nhận đầu hàng số phận. Em bảo nếu bạn bè cố một thì em sẽ gắng 10 để không bị… coi thường.
“Cấp I, em được bố cõng đến trường. Lên cấp II, bố mua cho em một chiếc xe lăn để có thể tự đi học. Sau đó em nhờ thầy cô và các bạn cõng vào bàn học. Cuối cấp em không được ở nhà nữa, phải lên thị trấn ở nhờ nhà người thân.
Suốt 12 năm đến trường, em luôn tự nhủ phải học thật giỏi để không phụ lòng bố mẹ. Em biết chỉ có học mới là con đường giúp em thoát khỏi cái nghèo và thay đổi cái nhìn của mọi người về người khuyết tật”, chàng trai trẻ tâm sự.
Suốt 12 năm đến trường, Tân luôn tự nhủ phải học thật giỏi để không phụ lòng bố mẹ.
Bằng sự chăm chỉ và nỗ lực, Tân đã thi đậu ngành Dược, trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Em đã òa khóc vui sướng khi nhận tờ giấy báo nhập học rồi nhanh chóng lo lắng về thời gian sắp tới. “Hàng loạt những câu hỏi và nỗi sợ hãi hiện lên trong tâm trí em lúc ấy. Nào là chuyện ai sẽ đưa em đi học, ai sẽ cõng em vào lớp, các bạn trong lớp có xa lánh em hay không, cuộc sống sinh viên sẽ như thế nào…”, Tân cho biết.
Những ngày đầu nhập học, Tân không dám nói chuyện với bất cứ ai trong lớp vì luôn có cảm giác mọi người nhìn mình bằng ánh mắt hiếu kỳ. Thế nhưng chính câu nói “để tớ thay cậu cõng Tân nhé” của các bạn trong lớp khiến em xua tan những nghĩ suy.
Suốt 2 năm học đại học, Tân luôn chăm chỉ và đạt thành tích tốt. Điều đó chính là niềm hào của cậu sinh viên trẻ tàn nhưng… không phế.
Toàn bộ câu chuyện về vị khách đặc biệt của tài xế xe ôm công nghệ: “Câu chuyện về một vị khách đặc biệt... Hôm qua tôi có chở cậu này, học năm hai trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Chuyến xe xuất phát từ Đỗ Xuân Hợp quận 9 đi Đại học Nguyễn Tất Thành cơ sở Nguyễn Hữu Thọ. Đường kẹt xe phải đi hết đoạn đường tầm gần 17km (tổng là 62 nghìn đồng) trong một giờ đồng hồ. Điều đặc biệt ở đây là vì cậu này mất cả 2 chân (bị cắt tới đùi) do lúc nhỏ không may gặp tai nạn. Cả đoạn đường đi nói chuyện với nhau thì mới biết cậu này nghị lực phi thường thế nào. Bình thường sáng thì có ông cậu ruột chở đi học, nay ông bận gì đó nên mới đặt xe. Tới trường thì thường có bạn cùng lớp cõng vào. Cậu học ngành dược và cậu nói cậu học dược để sau này cố gắng mở tiệm thuốc Tây. Bởi cậu bị như vậy nên khó học những ngành khác. Không biết ước mơ cậu có thành hiện thực không nhưng tôi hết sức khâm phục nghị lực của cậu này. Bị từ 5 tuổi mà học lên được tới đại học luôn. Kết thúc chuyến xe, cậu hỏi tôi bao nhiêu tiền vậy anh. Tôi kêu: “Thôi, anh ko lấy tiền đâu!” Nhìn vẻ mặt cậu có vẻ rất vui, làm tôi cũng thấy nhẹ lòng. Nói xong, tôi cõng cậu vào chỗ bảo vệ ngồi để đợi bạn rồi chào tạm biệt. Chuyến tiếp theo tôi chở cũng 1 cô bé học Nguyễn Tất Thành và cùng ngành cậu lúc nãy. Cô bé nói là cậu này học rất giỏi, luôn nằm trong top đầu của ngành! Đấy, người ta bị tật cả 2 chân mà có nghị lực và sống lạc quan. Còn chúng ta còn sức khoẻ, còn bình thường thì hãy cố gắng sống thật tốt và bớt than phiền về cuộc sống này. Và hình như tôi cho đi thì tôi cũng sẽ được nhận lại.Tôi không lấy tiền cậu nhưng ngày hôm qua tôi được bo hơn 50 nghìn. Thôi thì mình cứ cho đi sẽ được nhận lại các anh em à! Chúc anh em có những ngày chạy thật nhiều may mắn. |