Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng không chỉ việc tăng phí Quốc lộ 5 là vô lý mà cần phải xóa bỏ các trạm thu phí trên đường này bởi không thể vì cứu một doanh nghiệp mà hình thành một “quyền lợi đặc thù” cho nhà đầu tư.
Từ ngày 1-4, Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) tiếp tục tăng mức phí lưu thông trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Quốc lộ (QL) 5 với mức tăng trung bình ở cao tốc là 25% và QL 5 là 50%.
Không tăng sẽ phá sản?
Lý giải cho việc tăng phí, ông Đào Văn Chiến, Chủ tịch HĐQT Vidifi (đơn vị đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng), cho biết nếu không tăng phí thì tài chính của công ty sẽ bị ảnh hưởng bởi doanh nghiệp (DN) phải vay với lãi suất thương mại cao, dư nợ ngân hàng có thể gấp 4-5 lần tổng mức đầu tư bỏ ra làm đường.
“Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có tổng mức đầu tư hơn 45.000 tỉ đồng, vay vốn với lãi suất bình quân 10,5%-11,4% trong thời gian 30 năm. Nếu không kiểm soát được phương án tài chính thì dễ dẫn đến phá sản” - ông Chiến phân trần. Ngày 16-3, Vidifi công bố mức phí mới áp dụng từ ngày 1-4 đối với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và QL 5. Theo đó, mức phí thu tuyến cao tốc 2.000 đồng/km xe tiêu chuẩn, là mức phí mà Vidifi khẳng định theo lộ trình phù hợp với phương án tài chính xây dựng tuyến đường đã được các bộ, ngành phê duyệt.
Mức thu phí trên Quốc lộ 5 đã tăng thêm 50% kể từ ngày 1-4 (Ảnh: Văn Duẩn)
Cụ thể, trên tuyến cao tốc, chặng Hà Nội đến cuối tuyến (cảng Đình Vũ) có mức phí thấp nhất là 210.000 đồng/lượt với xe buýt và xe dưới 12 chỗ ngồi; cao nhất là 840.000 đồng/lượt đối với xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe container 40 feet. Đối với mức phí 2 trạm BOT trên QL 5, mức phí thấp nhất với xe dưới 12 chỗ là 45.000 đồng/lượt (trước ngày 1-4 là 30.000 đồng/lượt); cao nhất là xe tải trên 18 tấn, xe container có vé lượt 200.000 đồng/lượt (trước ngày 1-4 là 160.000 đồng/lượt).
Ông Chiến cũng cho biết đợt gần nhất QL 5 tăng phí là vào ngày 1-12-2015 do chỉ số giá tiêu dùng tăng và việc tăng phí hoàn toàn đúng quy định của Bộ Tài chính. Ông Chiến nói việc tăng phí trên QL 5 theo lộ trình được thực hiện từ ngày 1-1 nhưng do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải có văn bản yêu cầu các nhà đầu tư chưa tăng phí nên Vidifi lùi lại đến ngày 1-4 mới áp dụng.
“Chúng tôi hiểu thắc mắc của người dân là đi QL 5 nhưng phải đóng tiền cho cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Nếu nhà nước bảo không thu phí QL 5, chúng tôi chấp hành ngay vì không muốn thu phí QL 5 làm gì” - ông Chiến bày tỏ.
Không thể chấp nhận
Theo ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hải Phòng, địa phương này có khoảng 1.200 DN vận tải với 14.000 phương tiện thường xuyên hoạt động trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng. Nhiều DN vận tải bức xúc về tình trạng phí đường bộ tăng quá cao khiến DN khó khăn.
Dẫn ví dụ từ DN do mình làm chủ với khoảng 50 đầu xe container, ông Tiến cho biết trước đây, phí đường bộ là 160.000 đồng/lượt, nay tăng lên 200.000 đồng/lượt, mỗi tháng DN phải bỏ thêm từ 150 - 200 triệu đồng chi phí. Theo ông Tiến, cao tốc được xây dựng từ vốn BOT của chủ đầu tư nhưng nhà nước lại cho phép DN này thu phí đường QL 5 để hỗ trợ hoàn phí. “Không thể bắt người dân sử dụng dịch vụ khác để trả tiền cho một dịch vụ mà họ không được hưởng. Nếu tăng thì không nên tăng nhiều như vậy. Chưa kể chất lượng QL 5 chưa xứng với mức phí mà người dân bỏ ra” - ông Tiến bày tỏ về việc tăng phí QL 5.
Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty Vận tải Đất Cảng (Hải Phòng), cho biết việc phí trên QL 5 tăng thêm 50% sẽ làm khó, tạo áp lực rất lớn đối với DN. “Với 80 đầu xe chạy tuyến Hà Nội - Hải Phòng, chúng tôi sẽ phải chịu mức phí đội thêm khoảng gần 1 tỉ đồng/tháng” - ông Hải bày tỏ và khẳng định mặc dù phí tăng nhưng đơn vị chưa tăng giá vé vì hiện tại, giá xăng dầu đang ổn định, nếu tăng giá vé thì khách sẽ lựa chọn hãng khác. “Mọi DN phải bình đẳng. Tại sao vì một DN mà sẵn sàng đẩy hàng ngàn DN khác vào thế khó khăn?” - ông Hải bức xúc.
Ông Phạm Văn Lục, Giám đốc Công ty TNHH Hải An, chia sẻ với bình quân 600 chuyến container/tháng vận tải tuyến Hà Nội - Hải Phòng, việc tăng phí khiến chi phí của DN ông cũng đội lên khoảng 1 tỉ đồng/tháng, còn hợp đồng đã ký theo năm nên việc điều chỉnh với đối tác phải có lộ trình.
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, bày tỏ bức xúc: “Mức phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng ở thời điểm hiện tại có thể thấy là quá sức của dân. Gánh nặng này đè trực tiếp lên vai các DN vận tải cũng như nhân dân có nhu cầu đi lại. Trong trường hợp này, cơ chế đang bảo vệ nhà đầu tư chứ không bảo vệ người dân”. Ông Liên cũng cho rằng hiện có quá nhiều trạm thu phí BOT rồi các trạm này lại lần lượt tăng phí theo lộ trình thì người dân sẽ “ngạt thở”.
Còn theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, không chỉ việc tăng phí QL 5 là vô lý mà cần phải xóa bỏ các trạm thu phí trên đường này; không thể vì cứu một DN mà hình thành một “quyền lợi đặc thù” cho nhà đầu tư khiến cả hệ thống vận tải lao đao, điêu đứng.
Vidifi xin giảm phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng Vidifi cho biết đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải tạm thời giảm 35% mức phí đối với xe từ 18 tấn trở lên, xe chở container 40 feet trong năm 2016 trên tuyến cao tốc này sau khi bị DN vận tải kêu dù một tuần trước đó, chính Vidifi đã công bố tăng mức thu phí đồng loạt trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và QL 5. Như vậy, với mức dự kiến trước đây cho 5 loại xe chạy toàn tuyến là 840.000 đồng/lượt, nếu đề xuất trên được chấp nhận, mức phí mới sẽ giảm gần 300.000 đồng/lượt. Theo chủ đầu tư, việc đề nghị giảm phí này nhằm thu hút nhóm xe này đi trên cao tốc nhiều hơn, giảm tải cho QL 5 để khai thác hiệu quả đầu tư. Ông Phạm Văn Lục cũng nhận định việc chủ đầu tư xin giảm phí tạm thời là nhằm dồn các DN vận tải đi vào đường cao tốc để tăng hiệu quả thu hồi vốn đầu tư. |