Chủ quan khi đi tiểu bị rát, bà bầu suýt phải bỏ con vì nhiễm nấm

Ngày 22/11/2016 12:00 PM (GMT+7)

Di tiểu bị rát và không thoải mái nhưng chị Hòa nghĩ rằng đó là do mình đang mang thai nên chủ quan. Khi thấy có những dấu hiệu bất thường, đi kiểm tra chị tá hỏa khi bác sĩ thông báo có nguy cơ sảy thai vì nhiễm nấm.

Hiện nay phụ nữ nói chung và phụ nữ mang thai nói riêng nhiễm Chlamydia chiếm tỷ lệ khá cao. Đặc biệt, có khoảng 75% bà bầu nhiễm Chlamydia không có triệu chứng và chỉ phát bệnh sau 1-3 tuần sau khi bị nhiễm. Nếu các bà bầu chủ quan với những triệu chứng ban đầu của bệnh thì sẽ rất nguy hiểm, thậm chí có nguy cơ phải đình chỉ thai nghén.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hòa (Trung Kính – Cầu Giấy – Hà Nội) là một ví dụ điển hình. Chỉ vì chủ quan với biểu hiện ban đầu là khó tiểu, tiểu rát mà chị suýt phải đình chỉ thai do nhiễm nấm Chlamydia.

Trước đó, chị Hòa có xuất hiện triệu chứng khó tiểu, đi tiểu rát, nhưng chị nghĩ do sự thay đổi trong thời kỳ mang thai nên cũng không quan tâm. Chỉ khi thai được 14 tuần, chị cảm thấy có nhiều biểu hiện bất thường như có dịch tiết âm đạo, xuất hiện mủ nên mới vội vàng đi khám.

Chủ quan khi đi tiểu bị rát, bà bầu suýt phải bỏ con vì nhiễm nấm - 1

Bà mẹ bị nhiễm Chlamydia không được điều trị, khi sinh con ra dễ bị hỏng mắt, viêm phổi thậm chí sảy thai khi đang mang bầu.

Sau khi làm các xét nghiệm cần thiết tại một phòng khám tư trên đường Trần Duy Hưng, các bác sĩ thông báo chị bị nhiễm Chlamydia. “Không tin vào kết quả đó, tôi đi khám lại tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, các bác sĩ cho làm lại hết tất cả các xét nghiệm và kết quả vẫn như cũ”, chị Hòa chia sẻ.

Theo chị Hòa, may mắn là chị phát hiện kịp thời và được điều trị kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ, nếu không sẽ gây nguy hiểm đến thai nhi, thậm chí còn đối mặt với nguy cơ sảy thai hoặc phải đình chỉ vì khi bị nhiễm Chlamydia sinh con ra dễ bị một số biến chứng.

Theo các chuyên gia, Chlamydia là bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến có thể lây nhiễm cho cả nam và nữ. Bệnh có thể gây ra tổn thương vĩnh viễn, nghiêm trọng đến hệ sinh sản của phụ nữ, làm cho phụ nữ khó hoặc không thể mang thai về sau. Chlamydia cũng có thể gây ra hiện tượng thai ngoài tử cung (mang thai bên ngoài dạ con) có thể gây tử vong tiềm ẩn.

PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Đức, Viện trường Viện Sức khỏe Sinh sản và Gia đình cho biết, phụ nữ mang thai nhiễm Chlamydia có xu hướng bị nhiễm trùng túi ối và dịch ối, sinh non và vỡ ối sớm, thậm chí cũng có thể làm sảy thai.

Chủ quan khi đi tiểu bị rát, bà bầu suýt phải bỏ con vì nhiễm nấm - 2

Hiện có thể điều trị hiệu quả Chlamydia bằng kháng sinh.

Đặc biệt, với những em bé sinh ra qua âm đạo từ người mẹ chưa được điều trị Chlamydia cũng sẽ bị lây nhiễm. Nếu bị lây nhiễm Chlamydia, sẽ có từ 25 đến 50% trẻ sơ sinh sẽ bị nhiễm trùng mắt (viêm kết mạc) trong vòng vài ngày đến vài tuần sau sinh, thậm chí là bị mù. Có khoảng 5 đến 30% bé sơ sinh bị nhiễm chlamydia trong quá trình sinh nở sẽ mắc chứng viêm phổi trong vài tuần đến vài tháng sau sinh. Vì thế phát hiện các triệu chứng ban đầu để có biện pháp can thiệp kịp thời là vô cùng quan trọng.

Theo PGS Đức, những dấu hiệu nghi ngờ nhiễm Chlamydia ở phụ nữ bao gồm: cảm giác đau rát âm đạo khi đi tiêu, chảy máu âm đạo bất thường, xuất hiện mụn li ti quanh âm đạo...

“Nếu có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm Chlamydia cần nhanh chóng đi khám và tiến hành các xét nghiêm. Thông thường, xét nghiệm lấy một mẫu từ vùng bị nhiễm bệnh như dịch ở cổ từ cung để xác định bệnh. Ngoài ra, làm xét nghiệm nước tiểu cũng có thể cho kết quả chính xác”, PGS Đức cho biết.

Về điều trị khi nhiễm Chlamydia, PGS Đức cho hay, hiện có nhiều loại kháng sinh có thể chữa trị Chlamydia hiệu quả. Tuy nhiên, với phụ nữ mang thai cần phải tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ định của bác sĩ. Về lâu dài, để phòng tránh Chlamydia các cặp vợ chồng nên quan hệ tình dục an toàn, một vợ một chồng và nên sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h