Một nam thanh niên vào cửa hàng nước hoa ở Bình Dương mua hàng, sau đó làm giả màn hình chuyển khoản tiền thành công và rời đi. Tuy nhiên chủ cửa hàng đã nhanh chóng phát hiện vấn đề và đòi lại được số hàng đắt tiền.
Chị N.T.T (31 tuổi) chủ cửa hàng nước hoa ở Bình Dương đã lên tiếng cảnh báo, đặc biệt với những người kinh doanh giống mình về việc bị lừa đảo bằng hình thức giả mạo chuyển khoản ngân hàng.
Cảnh báo chiêu thức giả mạo chuyển khoản ngân hàng để lấy hàng
Theo lời kể từ chị T., vào ngày 5/2/2023, một nam thanh niên vào cửa hàng hỏi mua nước hoa. Như bao khách hàng khác, chị T. tiếp đón, giới thiệu sản phẩm và cho dùng thử để chọn mùi phù hợp.
“Khi vào cửa hàng, bạn nam đó nói là có 25 triệu, nhờ mình chọn cho vài chai nước hoa đúng số tiền này là được. Sau khi thử, bạn ấy chốt 4 chai. Xong khi thanh toán, bạn đó nói rằng vì người yêu chỉ đưa 25 triệu nhờ đi mua nước hoa tặng sinh nhật nên chỉ được mua đúng số tiền này nên mình có bớt đôi chút.
Sau khi hai bên thống nhất, bạn nam bắt đầu thanh toán bằng hình thức chuyển khoản. Mình thấy bạn ấy ngồi quét mã rồi bấm bấm giao dịch gì đó như bình thường, mất khoảng 10 phút thì đưa cho mình hình ảnh giao dịch ngân hàng thành công và nói đang vội phải đi gấp. Lúc đó thấy khách vội mình cũng bị tâm lý. Mình có kiểm tra 1 lần vì thấy tiền chưa vào nên nói chụp lại màn hình giao dịch. Sau đó vào app để xem vẫn chưa thấy cộng thêm số dư nên đã chạy theo xe bạn đó để hỏi lại” - chị T. kể lại sự việc.
Nam thanh niên mua hàng và tiến hành thanh toán chuyển khoản, sau đó làm giả hình ảnh giao dịch thành công chưa cho chủ shop
Chị T. cho biết nam thanh niên này thuê xe ô tô, may mắn khi ra đến xe bác tài chưa chạy và mở kính cửa xe để chị nói chuyện với khách. Khi chị T. nói rằng vẫn chưa nhận được tiền, nam thanh niên quyết định trả lại hàng rồi rời đi và nói: “Thôi chị giữ mấy chai nước hoa của chị đi, khi nào tiền qua tài khoản chị thì trả lại cho em”. Chị T. đồng ý và xin số tài khoản, thông tin liên lạc của vị khách này, tuy nhiên một lúc sau nam thanh niên gọi lại nói rằng giao dịch không thành công, tiền đã trả về tài khoản rồi.
Chị T. chia sẻ, ban đầu không nghĩ là bị lừa vì có nhiều khách hàng đến mua cũng từng chuyển khoản như vậy nhưng tiền chưa qua ngay lập tức, hoặc nếu có lỗi gì khách sẽ chuyển lại. Tuy nhiên sau khi tìm hiểu có trường hợp ở Bình Dương cũng từng bị lừa như vậy, chị T. mới cảm thấy bản thân may mắn khi vẫn giữ được sản phẩm có giá trị hàng chục triệu đồng của cửa hàng.
Đáng chú ý, nam thanh niên đến cửa hàng của chị T. làm giả chuyển khoản ngân hàng từng xuất hiện ở nhiều nơi khác và sử dụng chiêu thức tương tự. Thậm chí, người lái xe ô tô chở anh chàng này đi “mua đồ” cũng bị lừa. Chị T. cho biết người tài xế đã liên hệ lại với chị và kể việc bị thanh niên này yêu cầu chở đi nhiều nơi, giá cước lên đến vài triệu nhưng sau đó cũng giả mạo chuyển khoản ngân hàng thành công để lừa tiền.
Chị T. cẩn thận chụp lại màn hình giao dịch và kiểm tra, sau đó đòi lại được số hàng có giá trị vài chục triệu đồng
Chị T. cho biết vì sử dụng khá nhiều ngân hàng, nên thường sẽ vào app để xem biến động số dư khi khách chuyển khoản. Vì chưa mất tài sản nên chị T. quyết định không trình báo cơ quan chức năng về sự việc xảy ra ở cửa hàng của mình. Tuy nhiên muốn chia sẻ rộng rãi để mọi người cảnh giác, đặc biệt với những ai đang mở cửa hàng kinh doanh và áp dụng hình thức chuyển khoản thanh toán tương tự.
Hiện tại cửa hàng của chị T. tiếp tục kinh doanh bình thường, đồng thời vẫn nhận thanh toán bằng chuyển khoản nhưng sẽ cẩn thận hơn trong quá trình kiểm tra giao dịch.
“Đối tượng lừa đảo sử dụng chiêu thức thao túng tâm lý, vào cửa hàng xác định rõ ràng món đồ muốn mua và nhu cầu sử dụng, giới thiệu sản phẩm nào khác cũng không đồng ý, thể hiện bản thân không có ý đồ xấu, trộm cắp, tạo sự tin tưởng. Chính vì vậy mọi người cần đề phòng cảnh giác, đặc biệt trong quá trình thanh toán, phải xác định rõ số tiền đã vào tài khoản hay chưa rồi mới cho khách lấy hàng” - chị T. chia sẻ.
Video: Nam thanh niên "thao túng tâm lý", làm giả giao dịch chuyển khoản tại một cửa hàng ở Bình Dương
Trên thực tế, việc giả hình ảnh giao dịch thành công là chiêu trò lừa đảo tinh vi đã từng xảy ra. Đối tượng thường giả làm khách hàng, phát sinh giao dịch mua bán sau đó chụp màn hình điện thoại về thông tin chuyển khoản tiền phải thanh toán cho bên bán thành công thông qua ngân hàng trực tuyến hoặc ngân hàng di động.
Trước đó vào tháng 12/2022, tại cửa hàng bỉm sữa của chị T.T.L tại xã Cẩm Long (huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa) có 2 đối tượng nam nữ lạ mặt vào mua hàng, thanh toán bằng hình thức chuyển khoản, tổng 5,6 triệu đồng (bao gồm cả tiền hàng và tiền rút thêm). Tuy tài khoản ngân hàng chưa báo nhận được tiền, nhưng do tin tưởng nên chị L. vẫn đưa hàng và tiền cho 2 đối tượng trên. Sau khi 2 đối tượng trên đi thì chị L. phát hiện mình đã bị lừa.
Cần cẩn trọng với hình thức thanh toán chuyển khoản khi giao dịch mua bán
Để tránh rơi vào “bẫy thanh toán” tương tự, cần nâng cao cảnh giác bằng việc:
- Khi nhận tiền thanh toán qua tài khoản ngân hàng cần có các thao tác kiểm tra để chắc chắn rằng tài khoản của mình đã nhận được tiền thông qua các cách như: Đăng nhập ứng dụng ngân hàng để kiểm tra biến động số dư tài khoản. Kiểm tra tin nhắn báo biến động số dư của ngân hàng gửi đến số điện thoại đăng ký liên kết với tài khoản.
- Yêu cầu người chuyển tiền sau khi đăng nhập vào ứng dụng ngân hàng thì thực hiện thao tác chuyển tiền trước mặt người nhận tiền…
- Khi người chuyển tiền giơ điện thoại để chứng minh đã chuyển tiền thì không vội tin và giao hàng mà cần kiểm tra lại như các cách trên, đề phòng việc cắt ghép, chỉnh sửa ảnh giao dịch chuyển tiền giả mạo hoặc tự tạo tin nhắn giả mạo ngân hàng báo trừ tiền.