Nhiều nhà tuyển dụng ảo yêu cầu ứng viên chuyển khoản tiền với lý do mở tài khoản ban đầu và sẽ được hoàn lại trong quá trình làm việc, nhưng sau đó là chiêu thức lừa đảo tinh vi, lợi dụng đưa "con mồi" vào tròng.
Mạng xã hội hiện là một trong những kênh tìm ứng viên phổ biến và hữu hiệu của các nhà tuyển dụng. Rất nhiều diễn đàn được tạo ra dành riêng cho việc tuyển dụng việc làm ở nhiều ngành nghề khác nhau. Những người có nhu cầu tìm việc làm cũng dễ dàng hơn trong việc tiếp cận, trao đổi và ứng tuyển với phía nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, biến tướng tuyển dụng trên mạng xã hội khiến không ít người sập bẫy những nhà tuyển dụng online với công việc ảo.
Thời gian gần đây, những công việc tại nhà, viết bài online được quan tâm khi nhiều người có nhu cầu làm việc từ xa, không cần lên công ty hay bị ràng buộc giờ giấc. Đánh vào tâm lý này, trên các hội nhóm tìm kiếm việc làm, nhiều nhà tuyển dụng mời chào ứng viên đầy hấp dẫn, phù hợp với đối tượng học sinh sinh viên có nhu cầu làm việc, không yêu cầu bằng cấp.
Những bài đăng cảnh báo về chiêu thức lừa đảo thông qua đăng tin tuyển dụng cộng tác viên online trên mạng xã hội
Với chiêu thức rất tinh vi, sau khi đăng tin tuyển dụng lên hội nhóm, nếu có người liên hệ sẽ được tư vấn nhiệt tình để nhận việc ngay, chỉ cần qua một bước tạo tài khoản để đẩy bài có mất phí sẽ được nhận việc, sau đó sẽ hoàn lại tiền phí trong quá trình làm việc. Với những ai chưa tìm hiểu kỹ thông tin về hoạt động sản xuất content (nội dung), có thể dễ dàng nghe theo, chuyển khoản tiền cho người tuyển dụng để mở tài khoản mà không biết rằng đang bị lừa.
Anh Nguyễn Trung Hiếu - Nhà báo, Chuyên gia - Giảng viên Content Marketing kiêm quản trị viên diễn đàn “Thuê viết bài - Cộng đồng Copywriter Việt Nam” cho biết, thực trạng lừa đảo tuyển dụng cộng tác viên online đang diễn ra rất nhiều, đa phần nhắm đến những bạn trẻ, có trình độ chuyên môn chưa cao, muốn vừa làm vừa học hỏi.
Các đối tượng lừa đảo sẽ thực hiện hành vi qua nhiều hình thức như: yêu cầu góp vốn, gửi cọc, tạo tài khoản trên hệ thống có mất phí, lập tài khoản ngân hàng, hướng dẫn khảo sát nội dung không liên quan đến lĩnh vực tuyển dụng… Điểm chung của những kẻ lừa đảo là dùng nick ảo hoặc nick thật hack được. Sau khi bị phát hiện thì nâng cấp thủ đoạn là tuyển CTV tìm người, những người còn thiếu kinh nghiệm kiến thức, nghe theo hứa hẹn được trả tiền thì làm để đi tuyển dụng cho kẻ lừa đảo.
“Dù muốn hay không thì việc MXH phát triển kéo theo các diễn đàn, cộng đồng tìm kiếm công việc, tuyển dụng cũng đã đang và sẽ hoạt động mạnh mẽ. Khi đó, nó mang lại lợi ích cho nhà tuyển dụng lẫn ứng viên, nhưng đồng thời phải chấp nhận mặt trái khi các đối tượng lợi dụng với những mục đích xấu.
Các bạn trẻ hãy lưu ý cảnh giác để không bị lừa. Nên tự học hoặc đi học nâng cao trình độ, để nhận những công việc có tính phân loại, cấp độ cao hơn. Vì khi có trình độ thì thù lao cũng tốt hơn, có cơ hội phát triển, đầu quân cho các agency, team content của doanh nghiệp, khi đó sẽ ít yếu tố lừa đảo hơn.
Bất kể khi nào thấy yêu cầu đóng cọc, gửi vốn, mở tài khoản, làm khảo sát không liên quan đến chuyên môn công việc, cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng thì hãy dừng lại ngay vì có dấu hiệu lừa đảo. Với những nơi tuyển dụng đàng hoàng bạn chỉ cần cung cấp CV là đủ và làm vài bài test, không yêu cầu cọc hay khảo sát gì cả” - anh Nguyễn Trung Hiếu chia sẻ.
Anh Nguyễn Trung Hiếu - Giảng viên Content Marketing
Trên thực tế, không chỉ ở mạng xã hội mà ngoài đời, chiêu thức lừa đảo tuyển dụng theo hướng yêu cầu chuyển tiền cọc trước, mở tài khoản sử dụng, hoạt động, đồng phục, hồ sơ… xảy ra thường xuyên, số tiền sẽ từ vài trăm cho đến vài triệu đồng. Với đối tượng học sinh, sinh viên và người đang có nhu cầu tìm việc làm, đây là những số tiền không hề nhỏ.
Theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc 1 trong các trường hợp sau đây thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều từ 168 - 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
Nếu việc đăng tin lừa đảo được cụ thể hóa thành hành vi, thỏa mãn các điều kiện vừa nêu trên, cá nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù lên đến 3 năm.
Ngày càng nhiều những chiêu thức lừa đảo thông qua tuyển dụng làm việc
Tuy nhiên những kẻ lừa đảo tuyển dụng khá tinh vi khi yêu cầu ứng viên chuyển những khoản tiền nhỏ khoảng vài trăm, thậm chí là vài chục nghìn đồng mỗi lần, để không nằm trong phạm vi xử phạt của pháp luật nếu có tố giác, kiện cáo. Nhiều người “sập bẫy”, số tiền sẽ tăng lên.
Ngoài ra, người lao động không có hợp đồng lao động chính thức, khoản tiền lừa đảo ở mức nhỏ từ vài trăm đến vài triệu nên các bị hại thường ngại không muốn gửi đơn thư tố giác lên cơ quan chức năng.
Chính vì vậy khi tìm kiếm việc làm trên mạng xã hội, người lao động cần tìm hiểu kỹ công việc trước khi tham gia. Đặc biệt là trong những trường hợp bị yêu cầu đóng các khoản tiền trước khi đi làm thì không nên tin. Điều cần thiết là sự tỉnh táo, cẩn thận ở các ứng viên đang có nhu cầu tìm kiếm việc làm, tránh những mất mát, thiệt hại về tiền bạc ban đầu.
Một số lưu ý dành cho những người tìm việc làm thông qua mạng xã hội:
- Bài đăng tuyển dụng nhiều người cùng một lúc, mô tả công việc mơ hồ, chung chung, không rõ ràng, không cung cấp thông tin địa chỉ công ty, vị trí công việc
- Không có lịch phỏng vấn cụ thể, không đưa ra yêu cầu với ứng viên
- Kiểm tra lại thông tin về tên công ty, trang facebook, web,... của đơn vị tuyển dụng thật kỹ
- Khi có yêu cầu chuyển khoản tiền trước để đặt cọc, mở tài khoản, làm hồ sơ… hãy cân nhắc và tìm hiểu kỹ, nếu được hãy tránh những công việc yêu cầu chuyển tiền cọc trước
- Hãy yêu cầu ký hợp đồng lao động, hợp đồng thử việc để đảm bảo tính pháp lý cho đôi bên, có cơ sở để xử lý nếu có phát sinh vấn đề
Không cung cấp thông tin cá nhân như số điện thoại, chứng minh nhân dân/căn cước công dân, địa chỉ nhà ở… nếu đơn vị tuyển dụng không có đủ uy tín, độ tin cậy.