Giá thịt gà từ 115.000 đồng/kg đã tăng vọt lên 130.000 đồng/kg khiến không ít chị em nội trợ ngỡ ngàng.
Giá gà phi mã
Sáng 3.1, chị Lan không khỏi “giật mình” khi xách làn ra chợ. Gà ta còn sống nhốt trong chuồng, chị Lan vừa mua tuần trước ở chợ Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) chỉ 115.000 đồng/kg giờ đã tăng vọt lên 130.000 đồng/kg. Hỏi chị bán hàng, chị Lan mới biết loại gà này đang lên giá rất nhanh, chỗ khách quen nên bán giá hữu nghị, còn khách thường là 135.000 đồng/kg.
Nhưng theo khảo sát PV thì không chỉ có gà ta, các loại thịt bò, thịt lợn, hải sản và rau củ cũng đã tăng giá rất nhanh trong khoảng hai tuần qua.
Ở các chợ trung tâm như chợ Hôm, chợ Ngọc Hà, mức giá còn cao hơn, giá gà ta nhốt chuồng lên tới mức 140.000 – 145.000 đồng/kg. Các loại gà công nghiệp cũng tăng nhiều giá trong hơn một tuần trở lại đây. Gà công nghiệp giết sẵn tăng từ 65.000 đồng/kg lên 75.000 đồng/kg.
Thịt bò cũng tăng giá chóng mặt. Chỉ trong vòng hơn một tuần, thịt bò đã tăng thêm 20.000 đồng/kg lên mức từ 200.000 – 250.000 đồng/kg tùy loại. Các loại thịt lợn cũng không nằm ngoài vòng quay. Thịt lợn mông từ 90.000 – 100.000 đồng/kg, sườn cũng lên giá thành 120.000 đồng/kg.
Đặc biệt, giá rau xanh tăng mạnh không kém. Chị Hoa, bán hàng ở chợ Pháo Đài Láng (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, mặc dù đang là loại rau chính vụ nhưng su hào đã tăng từ 5.000 đồng/củ lên 7.000 đồng/củ. Đỗ từ 15.000 đồng/kg lên 18.000 – 20.000 đồng/kg. Củ cải trắng tăng từ 9.000 đồng/kg lên 11.000 – 12.000 đồng/kg.
Các tỉnh lân cận khác, được coi là nơi có nguồn cung rau xanh, thực phẩm dồi dào hơn như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Nam Định, giá thực phẩm và rau xanh cũng đang tăng rất nhanh.
Cũng theo khảo sát, đây không phải là tăng giá cục bộ ở các chợ bán lẻ mà thị trường bán buôn, giá cả cũng đang tiếp tục tăng. Chị Nguyễn Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Công ty TNHH Minh Hiền, chuyên cung cấp các loại thịt sạch cho các siêu thị Hà Nội cho hay, những ngày gần đây, giá thực phẩm tại Hà Nội “tăng nhanh kinh khủng”. “Chỉ trong thời gian ngắn, giá gà đã tăng tới hơn 20.000 đồng/kg, thịt lợn thì tăng tới 14.000 đồng/kg”, chị Hiền nói.
Giá gà tăng chóng mặt trong tuần qua (Ảnh Thu Hoài)
Gần Tết giá thực phẩm càng tăng cao
Sau gần một năm giá thực phẩm, rau xanh khá ổn định, lần tăng giá này khiến các bà nội trợ cảm thấy lo lắng.
Chị Lan cho hay, cuối năm lương thưởng hai vợ chồng đều bị giảm, chỉ hy vọng giá cả đừng tăng cao. “Giờ đi chợ thấy cái gì cũng tăng chóng mặt, mà bằng giờ mọi năm chưa phải là thời điểm sốt giá, tôi đang lo lắng không biết gần Tết Nguyên Đán, giá có sốt thêm nữa không”, chị Lan nói.
Nguyên nhân tăng giá gà ta, chị Minh, bán gà ở chợ Ngọc Hà (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, là do tác động chủ yếu khi bước vào mùa cưới, tiêu dùng gà tăng lên kéo giá tăng theo. Còn giá các loại rau và củ tăng do thời tiết lạnh, giá, lại có nhiều sương mù, rau phát triển chậm, cộng thêm một tuần trở lại đây, chủ yếu là tiết trời gió may, rất hại cho rau nên nguồn cung tạm thời bị giảm.
Tuy nhiên, giá các loại gà tiêu dùng bình thường khác như gà công nghiệp, gà đỏ… cũng tăng mạnh thì không phải do tác động của mùa vụ và thời tiết mà do biến động nguồn cung.
Ghi nhận của PV cho thấy, hồi tháng 7, tháng 8/2012 vừa qua, gà thải loại giá rẻ nhập từ Trung Quốc và Hàn Quốc vào Việt Nam rất nhiều kéo giá gà trong nước giảm mạnh, người chăn nuôi trong nước lao đao, buộc phải giảm đàn, bỏ chuồng. Trong 8 tháng đầu năm, chúng ta đã nhập tới gần 5.400 tấn gà dai thải loại từ Hàn Quốc, trong khi cả năm 2011 mới nhập có hơn 5.700 tấn. Còn đến hiện tại, khi người chăn nuôi đã thua lỗ và bỏ chuồng nhiều thì nguồn gà nhập khẩu lại bị siết lại làm cho nguồn cung không còn dồi dào như trước.
Ông Trần Văn Chiến, Chủ nhiệm hợp tác xã (HTX) dịch vụ Cổ Đông (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) cho hay, đàn lợn và gà của HTX này đã giảm tới 35-40% trong năm nay. Đàn gia cầm của hợp tác xã năm 2011 có hơn 1 triệu con, hiện chỉ còn 700.000 con.
Nguồn cung cùng lúc bị thu hẹp cộng với tâm lý tiêu dùng gần thời điểm dịp lễ Tết quan trọng nhất trong năm nên giá gà tăng cao đột biến trở lại.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN-PTNT cho hay, đúng là năm nay giá cả biến động, giá rẻ khiến người chăn nuôi tái đàn ít. Do đó, dù Tết Quý Tỵ năm nay, sức mua thực phẩm của người dân dự báo chỉ tăng 8-10% so với bình thường (trong khi các năm trước tăng 18-20%) nhưng giá cả vẫn có thể biến động khá nhiều.
Theo tin từ Bộ NN-PTNT, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã chỉ đạo Cục Chăn nuôi cho đến Tết, hàng tháng phải báo cáo kịp thời về nguồn thịt, trứng trong sản xuất để có phương án đảm bảo đủ thực phẩm cho tiêu dùng, tránh thiếu và tăng giá đột biến trong dịp Tết Quý Tỵ.
Mỗi tháng, thị trường trong nước sẽ có 240.000-250.000 tấn thịt xẻ đưa ra thị trường, cộng với một lượng nhập khẩu khoảng 40.000 tấn thịt. Trong lượng nhập khẩu trên sẽ chủ yếu là thịt gà nhằm đáp ứng đủ nhu cầu trong nước. Bộ NN-PTNT cũng sẽ cùng với Bộ Công Thương đưa ra quyết định cụ thể số lượng nhập khẩu thực phẩm phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới.