“Bây giờ chúng ta không thể lùi được nữa, lãnh thổ là thiêng liêng”, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh quân khu IV nói.
Ngày 1/5, Việt Nam phát hiện giàn khoan nước sâu HD 981 và lực lượng bảo vệ của Trung Quốc đặt khoan thăm dò trái phép, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phát đi thông điệp phản đối hành động của Trung Quốc tại Biển Đông. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu ra khỏi vùng biển của Việt Nam.
PV có cuộc trao đổi với Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh quân khu IV để có thêm góc nhìn về sự việc này.
Thưa ông, phía Trung Quốc đã đưa giàn khoan nước sâu HD 981 và lực lượng bảo vệ đến xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Không những vậy, lực lượng bảo vệ của Trung Quốc còn có hành động mở bạt pháo đe dọa, uy hiếp và chủ động đâm va với các tàu kiểm ngư đang thực hiện nhiệm vụ trên biển của Việt Nam. Ông nhận định thế nào về tình hình này?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Tôi cho rằng, hành động trái pháp luật này của phía Trung Quốc không phải là việc đơn lẻ mà là âm mưu có hệ thống của Trung Quốc đối với Biển Đông. Có thể thấy, hành động này mang bản chất, ý đồ độc chiếm Biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam cùng với vùng lãnh hải của Việt Nam.
Trung Quốc đã đưa giàn khoan đến xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tàu cá vũ trang và tàu quân sự của Trung Quốc còn vào cách đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) từ 50 – 60 hải lý (hơn 100km). Đảo Lý Sơn cách đất liền khoảng 15 hải lý (khoảng 24km).
Với tốc độ tàu đi 20 hải lý/h, sau vài giờ họ có thể đặt chân lên đảo Lý Sơn, một tiếng sau có thể đặt chân lên lãnh thổ Việt Nam. Không còn cách nào khác, Việt Nam phải kiên quyết phản đối. Chúng ta càng nhân nhượng, họ càng lấn tới, bây giờ chúng ta không thể lùi được nữa, lãnh thổ là thiêng liêng.
Tàu Trung Quốc bắn vòi rồng vào tàu công vụ Việt Nam
Theo ông, vì sao Trung Quốc lại chọn thời điểm này để đưa giàn khoan xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Trung Quốc chọn thời điểm xuất hiện trong bối cảnh Hội nghị ASEAN sắp tới đây, Trung Quốc và ASEAN sẽ bàn về Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông (COC).
Cho nên, hành động này của Trung Quốc có tính chất giành sự áp đảo khi thảo luận trong Hội nghị. Nếu người dân Trung Quốc tỉnh táo, có thể vạch trần ý đồ xấu xa của Nhà nước Trung Quốc trong thời điểm này.
Bên cạnh đó, cũng có thể trong khi nội tình Trung Quốc đang có “vấn đề”, đó là những cuộc khủng bố đẫm máu ở Tân Cương. Cho nên, cũng có thể Trung Quốc muốn đưa mâu thuẫn ra bên ngoài để che giấu sự phản kháng bên trong, nhằm giảm áp lực bên trong.
Thực hiện việc làm trái pháp luật và công ước quốc tế, Trung Quốc sẽ mất những gì, thưa ông?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Tôi nói thêm về thời điểm, đây là sai lầm của Trung Quốc khi hành động của họ cũng vào thời điểm Việt Nam đang kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Trong cuộc chiến này, có những người Trung Quốc đóng góp công sức cho Việt Nam. Cho nên, việc Trung Quốc có hành động trái pháp luật này, chính là đi ngược lại phẩm chất, tình ưu ái của người Trung Quốc đối với Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Bài học từ Chiến thắng Điện Biên Phủ cho thấy, giai đoạn đầu chống Pháp, Bác Hồ nói: “Chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới”. Pháp đã không nghe, cuối cùng, Pháp thất bại.
Bộ mặt giả dối của Trung Quốc càng ngày càng bộc lộ. Chính Nghị quyết của Đảng Cộng sản Trung Quốc khi bàn về Biển Đông đã nói rằng, Trung Quốc sẽ quay trở lại hòa hiếu với các nước láng giềng. Nghị Quyết nói một đằng, nhưng làm thì một nẻo, họ tự lừa dối mình và lừa dối nhân dân Trung Quốc. Người dân Trung Quốc hiểu được bản chất, chắc chắn sẽ không đồng tình.
Cái mất lớn nữa của Trung Quốc, đó là mất uy tín, lòng tin với cả thế giới. Trung Quốc nói một đằng làm một nẻo, thì ai còn tin Trung Quốc được nữa. Mỹ đã lên tiếng, các nước đều bày tỏ lo ngại trước hành động ngang ngược, trái pháp luật của Trung Quốc.
Trong nước, có học giả Trung Quốc đã lên tiếng phản đối hành động của chính Nhà nước họ ở Biển Đông. Họ là người có trình độ, tri thức, có tầm cao về chiến lược mà phản đối vậy, cho thấy ngay bản thân người dân chân chính Trung Quốc cũng phê phán hành động xấu xa đó.
Ông đánh giá thế nào về các phản ứng của Việt Nam trước hành động trên của Trung Quốc và theo ông, chúng ta cần có hành động gì tiếp theo?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Tôi được biết, phía Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng, trao đổi với phía Trung Quốc về vụ việc trên. Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã điện đàm với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng gửi Công hàm phản đối...
Tôi nghĩ rằng, những phản ứng của Việt Nam là kịp thời và thể hiện thái độ kiên quyết hơn so với trước. Nhưng tôi cho rằng, như thế vẫn là chưa đủ.
Chúng ta dùng sức mạnh của đấu tranh chính trị, ngoại giao, kể cả sức mạnh pháp lý. Việt Nam không chỉ dựa vào sức mạnh của bản thân mà còn nên đưa ra để thế giới có tiếng nói.
Đây là việc chung của 90 triệu dân, cho nên các đoàn thể, nhà khoa học, lịch sử, tôn giáo, nhân dân được lên tiếng đấu tranh trước sự việc này. Tất nhiên, chúng ta không rơi vào âm mưu dùng vũ lực để giải quyết.
Xin trân trọng cảm ơn ông!