Càng để lâu, những rủi ro của giàn khoan 981 càng lớn dần vượt sức chịu đựng của Trung Quốc.
Ngày 16/7, hãng thông tấn Tân Hoa Xã cho hay giàn khoan Hải Dương 981 đã “hoàn thành việc khai thác” và sẽ được di chuyển đến khu vực đảo Hải Nam của Trung Quốc.
Như vậy, sau 75 ngày hạ đặt trái phép bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc đã phải quyết định đưa Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển này sớm hơn 1 tháng so với kế hoạch với lý do “đã hoàn thành nhiệm vụ”.
Vì sao Trung Quốc lại bất ngờ quyết định đưa giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam, mặc dù kế hoạch do họ công bố từ đầu là giàn khoan này sẽ hoạt động cho tới ngày 15/8? Các chuyên gia quốc tế đã có những nhận định mổ xẻ về động thái bất ngờ này của Trung Quốc.
Trước hết, các chuyên gia phân tích quốc tế cho rằng việc Trung Quốc quyết định kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam không phải là một hành động vì mục đích kinh tế mà nó nhuốm đầy màu sắc chính trị.
Giàn khoan 981 chủ yếu phục vụ mưu đồ chính trị của Bắc Kinh
Trang CNBC của Mỹ dẫn lời một quan chức trong ngành dầu khí Trung Quốc cho hay: "Quyết định này thể hiện ý chí của chính phủ Trung Quốc và cũng liên quan đến chiến lược của Mỹ ở châu Á," và "Quyết định này không phải vì lý do thương mại. Nó không phải là quyết định của Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc."
Chính các quan chức Trung Quốc đã hé lộ ý đồ thực sự của họ khi kéo một giàn khoan trị giá tới gần 1 tỉ USD xuống một vùng biển được đánh giá là ít có tiềm năng lớn về dầu mỏ. Theo các chuyên gia phân tích, Bắc Kinh đang có âm mưu biến giàn khoan này thành một lãnh thổ di động nhằm thể hiện vai trò và chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông.
Hai chuyên gia Ernest Bower và Gregory Poling ở Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington cho rằng sự kiện giàn khoan này "cho thấy rõ quyết tâm của Bắc Kinh muốn thử phản ứng của Việt Nam, các nước trong ASEAN và Washington" đối với mưu đồ bành trướng lãnh thổ của họ trong khu vực.
Theo ông Bower, mục tiêu của Trung Quốc không phải là khoan dầu trên Biển Đông mà là thực hiện mưu đồ chiến lược: bành trướng lãnh thổ, thách thức Mỹ, thử phản ứng Việt Nam, tạo điều kiện đàm phán song phương tay trên, giảm áp lực trong nước.
Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu kiểm ngư Việt Nam
Sau hơn 2 tháng hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam, có vẻ như các phép thử đó của Trung Quốc đã có kết quả. Thế nhưng kết quả thu về được lại không như họ mong đợi.
Cho đến nay, Việt Nam không hề có bất cứ một sự nhượng bộ nào giống như những gì mà Bắc Kinh dự kiến. Bất chấp những luận điệu tuyên truyền của Trung Quốc, lực lượng thực thi pháp luật và ngư dân Việt Nam vẫn kiên quyết bám biển để đấu tranh trên thực địa.
Trên trường quốc tế, chính phủ Mỹ ngày càng kiên quyết hơn, mạnh mẽ hơn trong các tuyên bố ủng hộ Việt Nam và các nước Đông Á trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền trước âm mưu bành trướng của Trung Quốc.
Cảnh sát biển Việt Nam luôn kiên cường bám trụ bảo vệ chủ quyền
Các lãnh đạo Việt Nam cũng thể hiện rõ quyết tâm sử dụng mọi biện pháp hòa bình để bảo vệ chủ quyền, kể cả phương án kiện Trung Quốc ra trước tòa án quốc tế, một biện pháp mà Trung Quốc không hề mong đợi.
Theo chuyên gia Ian Storey, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), việc Trung Quốc đưa một giàn khoan khổng lồ cùng rất nhiều tàu bè hộ tống vào hoạt động trái phép trong vùng biển Việt Nam chứa đựng rất nhiều rủi ro, và những rủi ro này sẽ dần tích tụ vượt quá khả năng chịu đựng của Bắc Kinh.
Mỗi ngày hoạt động trên biển, giàn khoan Hải Dương 981 tiêu tốn tới hơn 300.000 USD ngân sách, và nếu tính thêm chi phí cho hơn 100 tàu hộ tống, máy bay, con người hoạt động trong môi trường khắc nghiệt, căng thẳng, Trung Quốc có thể phải chi ra tới 1 triệu USD mỗi ngày. Trong khi đó, hiệu quả kinh tế mà giàn khoan này thu được trong hơn 2 tháng hoạt động ở Biển Đông gần như bằng 0.
Trong khi đó, ông Storey cho rằng với việc lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam kiên trì bám biển, càng để lâu, chi phí hoạt động của Trung Quốc sẽ tăng cao đến mức không thể chịu đựng nổi.
Cũng theo chuyên gia này, Trung Quốc còn phải đối phó với một rủi ro khác cũng vô cùng nguy hiểm, đó là nguy cơ leo thang xung đột từ những sự cố bất ngờ. Trong tình trạng lực lượng chấp pháp của họ thường xuyên bị căng thẳng, bức bí, nguy cơ xảy ra những hành động bột phát xuất phát từ những tính toán sai lầm là rất cao.
Với việc ngày càng nhiều phóng viên, nhà báo quốc tế ra hiện trường chứng kiến các hành vi hung hăng, ngang ngược của tàu thuyền Trung Quốc, nếu lực lượng chấp pháp của Trung Quốc có những hành vi manh động hơn, chắc chắn những hình ảnh đó sẽ được tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng quốc tế.
Tàu Kiểm ngư Việt Nam bị tàu Trung Quốc hung hăng đâm va gây hư hỏng
Trong bối cảnh đó, uy tín quốc tế của Trung Quốc sẽ ngày càng giảm sút, và sức ép của cộng đồng thế giới sẽ ngày càng tăng cao hơn, cộng thêm sức ép từ dư luận trong nước có thể vượt quá tầm kiểm soát của Trung Quốc.
Dư luận Trung Quốc đã xuất hiện nhiều tiếng nói của các học giả, chuyên gia phân tích phản đối động thái kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam. Nếu Trung Quốc càng để giàn khoan này hoạt động lâu, những tiếng nói đó sẽ ngày càng mạnh lên, gây ra chia rẽ sâu sắc trong dư luận Trung Quốc.
Trong thời gian gần đây, chính quyền Trung Quốc đang đau đầu đối phó với phong trào tấn công bạo lực của các phần tử ly khai ở Tân Cương. Việc để dư luận tiếp tục nổi sóng vì vấn đề giàn khoan Hải Dương sẽ là một diễn biến bất lợi mà nhà cầm quyền Trung Quốc không hề mong muốn.
Ngoài ra, chuyên gia Storey nhận định càng duy trì giàn khoan cùng một lực lượng lớn tàu chiến, tàu hộ tống và các loại máy bay trinh sát trên Biển Đông lâu, Trung Quốc sẽ ngày càng có nguy cơ bị “lộ bài” trước các phương tiện trinh sát, do thám của Mỹ. Gần đây Mỹ đã quyết định cho máy bay do thám Global Hawk hoạt động tích cực hơn trên Biển Đông, khiến Trung Quốc rất dễ bị bộc lộ chiến thuật, lực lượng trước những “con mắt thần” của Mỹ.
Mỹ triển khai thêm máy bay trinh sát Global Hawk ở châu Á
Một lý do nữa khiến Trung Quốc phải sớm đưa giàn khoan ra khỏi Biển Đông là vì vùng biển này sắp bước vào thời kỳ mưa bão, điển hình như bão Rammasun sắp tiến vào đây. Cơ quan khí tượng Philippines cho biết trong quý 3 năm nay, sẽ có khoảng 9 cơn bão lớn sẽ hình thành ở Thái Bình Dương, quét qua Philippines và tiến vào Biển Đông. Mặc dù giàn khoan Hải Dương 981 được thiết kế để chống lại những trận siêu bão lớn, song đội tàu hộ tống của nó thì không có khả năng đó. Không có tàu hộ tống bảo vệ, Hải Dương 981 hoàn toàn đơn độc trên biển trước bất cứ mối nguy hiểm nào.
Hiện vẫn chưa rõ toan tính thực sự của Trung Quốc đằng sau động thái rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam, và cũng chưa ai dám chắc rằng giàn khoan này sẽ không còn quay lại. Trung Quốc luôn cố tìm cách che giấu ý đồ thật sự của mình, tuy nhiên, từ những phân tích trên, có thể thấy rằng việc rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là một động thái khôn ngoan mà lẽ ra họ đã phải thực hiện từ lâu.