Cứ đến mùa cải táng, tại các vùng quê lại xuất hiện những thầy cúng, cô đồng, bà cốt tự nhận mình là “người nhà trời” biết tất mọi chuyện cõi âm... Thậm chí, có “thầy” còn “soi” được người nằm dưới ba tấc đất đã “sạch sẽ” chưa, có muốn sang “nhà mới” hay không(?).
Bán trâu, bán gà để làm lễ giải oan
Lợi dụng tâm lý của các gia chủ có nhu cầu chọn ngày giờ đẹp để cải táng cho người quá cố, không ít thầy cúng đã phán kiểu hù dọa, những tai ương hiểm họa sẽ xảy ra nếu không cúng tế, làm lễ... Thực tế, nhiều gia đình đã phải bán sạch tài sản trong gia đình để cậy nhờ “thầy” làm lễ giải hạn, tạ đất, trấn trạch…
Cuối năm Âm lịch, bà Cầm Thị Phương (66 tuổi ở xã Vạn Xuân, huyện Bá Thước, Thanh Hóa) bàn bạc với gia đình tổ chức bốc mộ cho người chồng đã mất cách đây 4 năm. Vốn cẩn thận trong vấn đề tâm linh, bà đã tìm đến một thầy cúng ở xã bên để chọn ngày, giờ tiến hành cải táng. Sau 3 nén hương nghi ngút khói, thầy khấn lầm rầm trong miệng rồi lớn giọng phán: “Dòng họ này bây giờ không được cải táng mộ vì cứ hễ có một người được đào lên sẽ có một người nằm xuống”(?).
Câu chuyện này khiến bà Phương mất ăn, mất ngủ cả tuần. Bà cũng không dám kể cho con cháu vì sợ mọi người bất an, tai bay vạ gió. Mang nỗi lo sợ trong lòng, người phụ nữ với bản tính yếu đuối này tìm đến các thầy cúng, cô đồng quanh vùng để tìm cách giải hạn. Được một số người ở quê mách nước, bà Phương bán đi đôi gà trống chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán để làm lộ phí bắt xe khách sang tận huyện Mường Lát cậy nhờ một ông thầy bói có tiếng.
Ông Nguyễn Văn Hanh cho biết gần đây ở địa phương xuất hiện nhiều thầy cúng, cô đồng “ăn theo” mùa cải táng khiến gia chủ tốn kém.
Tại đây, ông thầy bói yêu cầu bà Phương đọc tên tuổi người quá cố và các thành viên trong gia đình, sau đó liên tục lắc hai đồng xu xem mặt âm – dương. Sau những phút căng thẳng, khuôn mặt ông thầy giãn ra khi thấy hai đồng tiền xu đều ngửa mặt dương. “May cho nhà chị đã được các “ngài” trên độ lượng. Muốn chồng được thay “áo mới” mà con cháu vẫn bảo toàn tính mạng thì phải lập đàn giải oan, giải hạn”, ông thầy bói quả quyết.
Sau khi nhẩm tính các chi phí lễ lạt khoảng 12 triệu đồng, bà Phương cứ lấn cấn trong lòng bởi gia đình vốn khó khăn, kinh tế phụ thuộc vào 6 sào nương rẫy. Nhưng với những lời chắc nịch của thầy bói và nghĩ đến viễn cảnh tai ương ập đến gia đình mình, bà tặc lưỡi làm theo. Về nhà, bà quyết định bán con bò với giá 9 triệu đồng và ứng số tiền 3 triệu đồng của một chủ buôn lúa gạo hẹn đến mùa thu hoạch sẽ trả. Gia đình bà mổ một con lợn, ba con gà, một mâm xôi cùng cau trầu, tiền vàng và mời thầy bói đến làm lễ, cúng bái suốt 1 ngày 1 đêm.
Một tuần sau, khi đã chọn được ngày giờ, gia đình bà tổ chức bốc mộ cho chồng. Rất may, mọi chuyện diễn ra êm đẹp với sự giúp đỡ của họ hàng, làng xóm. Ai cũng vui mừng vì người quá cố có “nhà mới”, chỉ riêng bà buồn rầu vì Tết nhất đến gần mà bò, lợn và cả đàn gà chăn nuôi cả năm trời đã “bay” sạch.
Mất hàng chục triệu đồng mong “mồ yên mả đẹp”
Một trường hợp khác chúng tôi gặp đó là chị Nguyễn Thị Huệ (39 tuổi ở Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội). Chị Huệ tâm sự: “Khi tôi đi xem ngày, giờ để bốc mộ cho mẹ chồng thì cô đồng cho hay âm trạch (nơi xây mộ mới) cho mẹ chồng tôi có vấn đề. Bây giờ trước hết phải “gọi hồn” bà lên để xin ý kiến”.
Sau khi tham vấn ý kiến họ hàng, chị Huệ quyết định bỏ 10 triệu đồng thuê cô đồng làm lễ. Chị kể: “Lúc làm tế lễ, tôi thấy cô đồng này giật giật hét lên rằng “Phải chuyển nhà cho tao lên khu đất cao phía Tây của nghĩa trang…”. Thế nhưng khi hỏi bà có mấy con trai, con gái thì người cô đồng này... không nói gì thêm. Về nhà, tôi và một số người thân trong gia đình đến nghĩa trang để xem khu đất cao hướng Tây. Thế nhưng thực tế, phía Tây của khu nghĩa trang là đất ruộng lầy dùng để chôn cất người mới chết. Khu đất để xây lăng mộ nằm ở hướng Nam và hướng Bắc. Biết bị lừa mất oan 10 triệu đồng, lại còn tốn nhiều công sức đi lại, gia đình tôi không dám quay lại nhà cô đồng mà chỉ mời nhóm phu mộ trong xã chọn giờ và tiến hành bốc mộ cho mẹ chồng như các gia đình khác”.
Chị Huệ cũng cho biết, việc những thầy cúng, cô đồng, bà cốt phán bừa khiến gia chủ khổ sở không phải là hiếm gặp. Có gia đình phải bỏ ra hàng chục triệu đồng để nhờ cô đồng “mở phủ” cho làm lễ trước khi cải táng cho người quá cố.
Gia đình bà Nguyễn Thị Bính (xã Tân Phú, huyện Quốc Oai, Hà Nội) từng phải khốn khổ, lao đao vì tin lời thầy bói phán. Ảnh: C.Tuân
Qua lời giới thiệu, chúng tôi đến gặp bà Nguyễn Thị Bính (42 tuổi ở xã Tân Phú, huyện Quốc Oai, Hà Nội). Trong căn nhà mái ngói phủ rêu xanh, người phụ nữ mệt mỏi kể lại câu chuyện cải táng cho người chồng bạc phận: “Cách đây mấy năm, con gái tôi đi xem bói, thầy bảo phải “sang cát” cho bố thì con cái mới khỏe mạnh, làm ăn phát đạt. Sau đó, tôi xin ý kiến anh em nhà chồng thì mọi người đều đồng ý vì ông nhà tôi mất cách đây đã hơn 6 năm rồi. Mọi việc không có gì nghiêm trọng trước khi đến gặp thầy bói xem ngày, giờ cải táng”.
“Bà ấy bảo lúc chồng tôi lâm bệnh có uống nước sâm nên cơ thể chưa phân hủy. Tôi thấy lạ vội hỏi lại rằng là trước khi mất ông ấy ốm cả tháng nhưng gia đình không hề cho uống sâm thì bà cô đồng cáu: “Đã bảo cơ thể chưa phân hủy mà cứ đòi bốc mộ thì chuốc họa cả họ”, bà Bính không giấu được nét mặt sợ hãi khi kể lại.
Sự việc hai thầy bói phán khác nhau khiến bà Bính lo lắng, mất ăn mất ngủ. Cẩn thận hơn, bà phải làm lễ nhờ thầy cúng khác cầu an cho con cháu. Chả hiểu sao, một tuần sau thầy cúng này nói cơ thể ông nhà đã “sạch sẽ” và có thể chuyển sang “nhà mới”. Sau khi thống nhất với các con cái, bà quyết định tin thầy bói thứ ba để cải táng cho chồng. Rất may, mọi công việc diễn ra thuận lợi, bình thường. Cảm thấy may mắn vì nhờ được người “có tài”, bà Bính lấy số tiền 5 triệu đồng dành dụm từ việc bán rau để tạ ơn thầy cúng.
Tại xã Đồng Quang (huyện Quốc Oai, Hà Nội), khi chúng tôi hỏi chuyện, ông Nguyễn Văn Hanh (60 tuổi) cho hay: “Mùa cải táng quê tôi xuất hiện nhiều thầy cúng lắm. Không chỉ xem ngày giờ đẹp để bốc mộ mà họ còn tự nhận có khả năng “soi” người nằm dưới ba tấc đất đã thực sự “sạch sẽ” hay vẫn còn chưa tiêu hủy hết (?). Có người chỉ mất vài gói bánh với 100.000 – 200.000 đồng, nhưng có người phải theo bà đồng để “trình đồng mở phủ” thì tốn hàng chục triệu làm lễ. Đã có nhiều thầy cúng có biểu hiện vụ lợi, mờ ám, gây bất bình ở địa phương”.
Bốc nhầm mộ vì tin lời thầy bói Trong những ngày đầu xuân Bính Thân 2016, dư luận được một phen hú vía khi nghe hung tin một gia đình ở phường Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa vì tin lời thầy bói đã bốc nhầm hai ngôi mộ của nhà khác. Điều đáng nói, sau khi sự việc bị phát giác gia chủ quyết không chịu trả lại vì thầy bói khẳng định đúng (?). Trước sự bức xúc của dư luận địa phương, ngày 8/1 vừa qua, chính quyền sở tại đã phải mời hai bên gia đình lên UBND phường để giải quyết và yêu cầu gia đình bốc nhầm mộ phải trả lại về vị trí cũ. GS.TSKH Trần Ngọc Thêm. Đừng tự chuốc lấy lo âu Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, một chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về văn hóa Việt Nam chia sẻ: “Việc cải táng, bốc mộ được coi là đại sự đối với nhiều gia đình vì họ coi đây là biểu hiện cho sự biết ơn, hiếu nghĩa của người sống đối với người đã khuất. Chính vì vậy, nhiều người cẩn thận nhờ thầy cúng xem ngày giờ nào đẹp để cất bốc mộ cho người thân. Vì đây là vấn đề văn hóa tâm linh phụ thuộc vào niềm tin của mỗi người do vậy không thể khẳng định đúng hay sai”. “Trong thời kỳ vàng thau lẫn lộn, thầy cúng, cô đồng quá nhiều thì cũng không ít người dựa vào tập tục cải táng của người dân để kiếm chác, trục lợi. Những người này thật đáng lên án khi bịa đặt chuyện, đưa thánh thần ra phán bừa nhằm moi tiền bạc của người khác. Còn với người dân, lễ lạt cốt lòng thành, người tốt sẽ được âm phù, dương trợ không nên quá coi nặng việc này mà chuốc lấy lo âu”, GS Trần Ngọc Thêm cho biết thêm. |
(Còn nữa...)