Những bức tượng 12 con giáp nhiều người chê “cũng là khỏa thân cơ mà không có tính thẩm mỹ” nhưng xấu hay đẹp tùy thuộc vào ý chí con người, mỗi người một góc nhìn, rõ ràng tác giả thấy đẹp, người trưng bày nó thấy đẹp mới sử dụng chúng.
Cái chuyện tượng khỏa thân ấy mà, có gì đâu để ầm ĩ lên nhỉ. Con người ta sinh ra đã “cuổng trời” rồi, trong cuộc sống cũng bao lúc phải cởi bỏ quần áo để làm việc cho thuận lợi ví dụ như là…tắm chẳng hạn. Vậy thì cái sự mấy bức tượng không được mặc váy hay mặc quần âu cũng là chuyện thường tình, đâu đáng để dư luận ồn ào đến vậy!
Sinh thời, một trong những tác phẩm để đời của Michelangelo là “David”. Tượng mô tả một thanh niên tuấn tú với cơ thể săn chắc gọn gàng và đặc biệt là cũng khỏa thân với phần “tế nhị” được tạo tác một cách chi tiết.
Sau khi bị phản ánh là phản cảm, những bức tượng 12 con giáp này được mặc váy
Đến khi ông được đức Giáo Hoàng mời trang trí cho trần nhà nguyện Sistine ở Vatican, bao kẻ dèm pha ông là một nhà điêu khắc thì sao mà vẽ được. Điên tiết lên ông đuổi hết phụ việc, một mình tự lần mò trong hơn 4 năm để cho ra siêu phẩm 9 bức tranh trên diện tích hơn 500m2 với hơn 300 nhân vật. Rất nhiều nhân vật trong đó gần như khỏa thân.
Đương nhiên những bức tranh như vậy xuất hiện trong một công trình tôn giáo đã tạo ra không ít sự phẫn nộ của nhiều người trong giáo hội.
Tương truyền một vị hồng y vốn ghét Michelangelo, đã chống đối quyết liệt nhất, bắt ông phải sửa. Họa sỹ đã sửa bằng cách lấy gương mặt ông này gán lên nhân vật Satan, và để giảm bớt sự hở hang thì cho một con rắn quấn hai vòng quanh người rồi ngóc đầu lên cắn… đúng chỗ hiểm.
Quá thâm! Thậm chí người ta còn có cả dự án sửa chữa các bức tranh bằng cách vẽ thêm trang phục cho các nhân vật. Nhưng mà may quá, dự án này chỉ dừng ở mức “tiền khả thi” nên đến nay mỗi năm nhiều triệu người mới có cơ hội chiêm ngưỡng kiệt tác này.
Sau đó lại trang trí bằng chùm lá và hoa quả
Quay trở lại với những bức tượng 12 con giáp ở Hải Phòng. Đầu tiên người ta chê chúng “cùng là khỏa thân cơ mà không có tính thẩm mỹ!”. Ấy thế nhưng nếu để nhận xét đẹp hay xấu là phụ thuộc vào ý chí của mỗi người chứ khó mà lấy chuẩn mực chung được.
Mỗi người sẽ đánh giá trên góc nhìn riêng của mình. Rõ ràng tác giả thấy đẹp, những người đồng ý trưng bầy nó thấy đẹp thì mới sử dụng chúng chứ. Đến hoa hậu còn lắm kẻ khen người chê cơ mà!
Tiếp theo có ý kiến lại bảo những bức tượng “không phù hợp thuần phong mỹ tục dân tộc Việt Nam”, nhưng nếu lần ngược lại quá trình lịch sử thì cái chuyện “không quần áo” là chuyện hết sức bình thường với một dân tộc từng tôn thờ tín ngưỡng phồn thực. Khác biệt chăng chỉ là cách mô tả các “sinh thực khí” mà thôi. Cái này là quyền tư duy sáng tác của mỗi người.
Bên cạnh đó, những tượng này đã hiện diện cả chục năm nay, trong khuôn viên riêng của một khu nghỉ dưỡng chứ không phải một công trình công cộng nào đó. Khi ta đến một tư gia thì trước tiên phải tôn trọng chủ nhà.
Quan điểm thẩm mỹ của chủ nhà có thể không phù hợp với ta, nhưng ta cũng chỉ nên cười nhẹ một cái là cùng. Hoặc lấy quyền của khách hàng đối với nhà cung cấp dịch vụ là tôi chẳng thèm bỏ tiền đến đây nữa. Không nên biến nó thành vấn đề của cả xã hội với sự góp mặt của các ban ngành.
Bức tượng được gắn chùm lá để che chỗ "nhạy cảm"
Đầu những năm 2000, khi công viên Loveland (hay còn gọi là Công viên tình yêu/ Công viên tình dục) được xây dựng ở đảo Jeju cũng đã gặp phải những sự phản đối gay gắt của người Hàn.
Những hình ảnh, bức tượng, các hiện vật mô tả về cơ thể nam nữ hay chuyện ái ân được trưng bày công khai…khiến nhiều người cảm thấy bị xúc phạm, họ cho rằng như thế là đi ngược lại văn hóa truyền thống, thể hiện sự suy đồi.
Nhưng người ta vẫn quyết tâm giữ gìn nó. Giờ nó là vẫn là một điểm thu hút khách du lịch Hàn quốc cũng như quốc tế với quan niệm đó là một trong những hình thức giáo dục giới tính trực quan và sinh động.
Còn nhớ một lần tôi tặng cô bạn vật lưu niệm nhỏ là bức tượng một thằng bé trần truồng đang ưỡn chim đái. Cô bạn phẫn nộ gay gắt “Bậy bạ!” khiến tôi sững người, vì đó đơn thuần chỉ là biểu tượng “Cậu bé tè” của thành phố Bruc-xen.
Chợt nhớ cô ấy và tôi cùng là nạn nhân của thế hệ e ngại đề cập đến các vấn đề giới tính. Khi học sinh học đến bài “Cấu tạo cơ thể người”, thấy giáo chỉ đơn giản viết tiêu đề lên bảng và tuyên bố “Các em về tự đọc sách giáo khoa”!.