Nhìn những vết sẹo chằng chịt trên cổ tay và cơ thể, Xiao Meng biết rằng chính tình yêu thương của cha mẹ đã kéo cô trở lại cuộc sống này giữa ranh giới sự sống và cái chết.
Bóng tối tuổi thơ khó xóa nhòa
Xiao Meng vừa bước sang tuổi 34 vào ngày 20/4. Cô hiện sống ở Ngạc Châu, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Không giống bạn bè cùng trang lứa, cô hiện không đi làm, vẫn độc thân và sống một mình cùng 2 chú chó nhỏ. Hàng ngày, Xiao Meng ngoài thời gian dắt chó đi dạo sẽ làm sách nói. Cuộc sống thật đơn giản và tự do.
Nghĩ lại những ngày tháng đã qua, đôi mắt của Xiao Meng chợt đỏ lên rồi nhòe đi. Dù trôi qua đã lâu nhưng những ký ức tuổi thơ ấy chưa bao giờ mờ đi trong tâm trí cô.
Năm đó, khi đang học tiểu học, Xiao Meng bị cô lập vì mâu thuẫn với bạn cùng lớp. Một ngày nọ, trên đường đến trường, một người bạn cùng lớp nói rằng muốn làm bạn với cô. Đó thực sự là ngày rất hạnh phúc với Xiao Meng, cô vui vẻ chia sẻ đồ ăn nhẹ với các bạn.
Tuy nhiên, chỉ ngay buổi chiều hôm đó, người bạn cùng lớp lại nói với Xiao Meng chuyện buổi sáng chỉ là đùa cô. Mọi thứ như một giấc mơ, đẹp đẽ nhưng ngắn ngủi, sớm tan vỡ. Có lẽ kể từ giờ phút đó, Xiao Meng rất sợ xung đột với người khác, luôn khao khát có bạn bè dù cho có bị người kia giễu cợt, lợi dụng.
Tình hình dần trở nên khó khăn hơn. Khi bị người khác chế giễu hoặc nói lời xúc phạm, Xiao Meng không thể chống trả hoặc khéo léo xử lý mà chỉ biết im lặng. Sau rất lâu, khi cô có thể nghĩ ra biện pháp đối phó thì mọi chuyện đã trôi quá xa.
Xiao Meng có một trái tim rất nhạy cảm. Cô biết rằng mình không thể nói điều gì có thể gây tổn hại cho người khác nhưng ngược lại, những người khác dường như luôn có thể nói điều đó với cô một cách dễ dàng.
Xiao Meng hiện sống một mình cùng 2 chú chó nhỏ.
Xiao Meng nhớ đã không biết bao lần cô tỉnh dậy sau khi thiếp đi vì khóc. Một áp lực nữa đè nặng tâm trí cô chính là mẹ. Bà Ye Yi trước khi nghỉ hưu là một cán bộ và có yêu cầu rất cao đối với con gái mình. Trong lòng Xiao Meng, mẹ là người rất quyền lực.
Biết được rõ những kỳ vọng cha mẹ đặt vào mình, cả cuộc đời Xiao Meng luôn mong được cha mẹ chấp thuận. Từ khi còn nhỏ, cha mẹ luôn nói rằng mọi việc họ làm đều là vì Xiao Meng, cô phải ngoan, phải học hành và làm việc chăm chỉ. Xiao Meng biết những gì cha mẹ nói đều là sự thật, cô không có ý phản bác nhưng nó giống như một bàn tay vô hình, ôm chặt lấy cô, khiến cô cảm thấy rất áp lực.
Cha Xiao Meng là người rất ngăn nắp. Mọi thứ trong nhà luôn phải sạch sẽ gọn gàng, đồ đạc sau khi sử dụng phải trả về chỗ cũ, ga giường phải phẳng phiu, không có nếp nhăn sau khi ngủ dậy… Ngay cả khi Xiao Meng đã trưởng thành và ở một mình, nó vẫn trở thành nỗi ám ảnh, khiến cô phải chuẩn bị tinh thần mỗi khi nghe tin cha mẹ đến.
Xiao Meng không ít lần cố gắng nổi loạn. Một lần ở quê ngoại, cô cố tình đi chơi cả đêm với bạn bè, kết quả là hôm sau mẹ đã khóc lóc cả một ngày. Để có được tự do, sau khi tốt nghiệp đại học, Xiao Meng đăng ký vào một lớp kế toán để có thể ở riêng trong thời gian học tập ở Vũ Hán.
Nhưng “cuộc nổi dậy” ấy không thực sự thắng lợi. Vì công việc không mấy khả quan, cuối cùng, Xiao Meng phải nhờ sự giúp đỡ của mẹ trở lại Ngạc Châu làm việc.
Mất ngủ và lo lắng biến thành trầm cảm
Xiao Meng thực sự có nhận thức về căn bệnh trầm cảm vào năm 2021. Lần đó, khi xảy ra mâu thuẫn với cấp trên, Xiao Meng tức giận đến mức lập tức thu dọn đồ đạc cá nhân, một mình đi lại trên đường. Cô thường tự trách mình về những vấn đề trong công việc, luôn nghĩ đến một câu: “Tại sao người khác làm được còn mình thì không?”.
Ngày hôm đó, Xiao Meng cảm thấy cuộc sống thật sự rất nhàm chán. Đã rất lâu rồi cô không muốn đi làm, khoảng cách với cấp sếp ngày càng xa, nỗ lực thì không được công nhận. Sự khó khăn trong công việc khiến cô càng khó được cha mẹ công nhận hơn. Căng thẳng và lo lắng cùng với chứng mất ngủ mãn tính khiến cô thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, bất lực.
Sau đó, Xiao Meng thay đổi công việc. Tuy nhiên, các triệu chứng của căn bệnh ngày một xuất hiện nhiều hơn. Khi ở nơi đông người, tim Xiao Meng đập rất nhanh, cơ thể run rẩy, thậm chí cô còn cảm thấy buồn nôn và muốn đập đầu vào tường. Các triệu chứng càng lúc càng dữ dội, chứng mất ngủ trở nên trầm trọng hơn. Những đêm thức trắng không còn xa lạ với Xiao Meng ngày đó.
Sau khi được tư vấn tâm lý, Xiao Meng cùng gia đình đến Vũ Hán để khám và được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm ở mức độ vừa. Sau đó, cô nhập viện điều trị. Trong giai đoạn nghiêm trọng nhất, Xiao Meng không thể nói được, mọi giao tiếp với cha mẹ và bác sĩ đều phụ thuộc vào việc đánh máy.
Sau khi ở bệnh viện ở Vũ Hán được một tháng, cô chuyển về nhà điều trị. Lúc này, Xiao Meng bắt đầu có dấu hiệu tự hành hạ bản thân và dùng dao cứa vào tay mình. Cô biết mình bị bệnh nhưng không còn động lực để cố gắng, luôn lơ lửng trên ranh giới sự sống và cái chết. Một lần, khi đang lái xe, cô đột nhiên có cảm giác muốn đạp ga lao ra ngoài, tạm biệt thế giới nhưng thật may, cuối cùng cô dừng xe và gọi cảnh sát hỗ trợ.
Tình yêu của cha mẹ dẫn lối con trở về
Trong thời gian Xiao Meng điều trị tại nhà, bà Ye Yi luôn ở bên con gái. Ngày 20/4/2022, sinh nhật của Xiao Meng và cũng là lúc bệnh tình của cô đang trong giai đoạn tái phát, bà Ye Yi đã viết trong nhật ký:
“32 năm trước, mẹ đã sinh ra con. Khi con lớn lên, mẹ cũng dần trở nên bận rộn hơn với nhiều công việc. Con ơi! Hãy tha thứ cho mẹ. Khi đó, mẹ đã lo lắng, đã thiếu kiên nhẫn và phớt lờ cảm xúc của bạn. Dần dần, con đóng cánh cửa trái tim mình lại, không còn tìm đến mẹ khi gặp khó khăn nữa mà âm thầm chịu đựng một mình.
Xiao Meng yêu! Con là một đứa trẻ ngoan, nhạy cảm và tốt bụng. Con luôn cố gắng hết sức để làm hài lòng cha mẹ và bỏ qua cảm xúc của chính mình. Mẹ muốn nói với con rằng, con có thể lười biếng, có thể bướng bỉnh và có thể thả lỏng bản thân khi con muốn. Con không cần phải luôn lo lắng về cảm xúc của người khác, hãy chăm sóc bản thân mình nhé!”
Một "người bạn thân" của Xiao Meng.
Với bà Ye Yi, hy vọng lớn nhất giờ đây là con gái được khỏe mạnh và hạnh phúc, như những gì bà viết trong nhật ký: “Con không cần phải tự trách mình về quá khứ và cũng không cần phải lo lắng về tương lai. Con có thể chọn sống độc thân hoặc kết hôn. Giờ đây, mẹ biết yêu là thấu hiểu và chấp nhận, yêu là tôn trọng và tin tưởng, yêu còn là buông bỏ và tự do. Mẹ sẽ không còn nắm chặt tay con nữa mà buông tay và để con được tự do”.
Xiao Meng nói rằng, cô không biết mình đã bị trầm cảm như thế nào nhưng cô biết rằng chính tình yêu thương của cha mẹ đã đưa cô trở lại với sự sống từ bờ vực của cái chết. Có thể cô không trở thành một người vĩ đại với những thành tựu lớn lao nhưng là một người bình thường, sống cuộc sống bình thường với cô đã là đủ.
(Tên nhật vật trong bài đã được thay đổi).