Về khó khăn khi làm nghề, Phương Thảo khẳng định: “Nhiều người cho rằng làm nhà nước nhàn nhã, không vất vả, ngồi chơi xơi nước đợi đến cuối tháng lĩnh lương nhưng thực tế không phải vậy".
Tốt nghiệp loại Giỏi của Khoa Luật (nay là trường Đại học Luật) – Đại học Quốc gia Hà Nội, Phương Thảo (SN 1993, Quảng Ninh) lựa chọn “con đường” làm trái ngành. Cô không theo nghề liên quan đến luật pháp như trở thành luật sư, kiểm sát viên, tư vấn viên,... giống các bạn đồng môn. Ngược lại cô quyết định thi tuyển để trở thành viên chức nhà nước.
“Mình có bằng Cử nhân Luật liền xin vào làm tại một công ty luật vừa mới thành lập, chuyên tư vấn mảng doanh nghiệp, hôn nhân gia đình... Ngày đó công ty khó khăn, mình mới ra trường lại chưa có kinh nghiệm nên bước đầu khá chật vật để vừa có thể cân bằng cuộc sống vừa học vừa làm nghề", cô gái 30 tuổi tâm sự.
Trong lúc đang loay hoay với ước mơ có một công việc và cuộc sống ổn định ở Thủ đô, Thảo vô tình đọc được thông báo tuyển dụng của một cơ quan hàng không. “Mình đến với công việc hiện tại ban đầu chỉ là sự tình cờ, vì bản thân cũng chưa có hiểu biết gì về ngành hàng không, trong khi đây lại là một ngành khá đặc thù và có những yêu cầu nhất định.
Sau 8 năm làm việc và gắn bó với nghề, mình thầm cảm ơn cái “duyên” đã đưa mình đến với công việc và trưởng thành như hiện nay”, Thảo chia sẻ.
Cô gái đất mỏ xin nghỉ việc ở công ty, dành ba tháng trời tập trung ôn thi với hi vọng có thể trở thành viên chức nhà nước. Cô miệt mài học tập, tìm hiểu kiến thức pháp lý về công việc cũng như các tình huống pháp luật có thể xảy ra và cách giải quyết.
Những chuyến đi công tác gắn bó với đặc thù nghề nghiệp của Thảo.
Khi ấy một vài người bạn đánh giá Thảo là người kém năng động, không chịu được áp lực công việc. Cô im lặng với suy nghĩ mỗi người một thế mạnh và có cách lựa chọn con đường đi khác nhau. “Có người nói mình kém cỏi, chưa làm đã chán hoặc dè bỉu chiếc bằng ưu tú chỉ là lý thuyết, còn thực tế không làm được.
Mình im lặng, tập trung ôn thi để đạt kết quả tốt nhất. Nếu mình không trúng tuyển vẫn có thể tìm việc gì đó ở các công ty luật để làm và trau dồi kinh nghiệm”, cô gái nói.
Thế rồi Phương Thảo đã làm được. Cô trúng tuyển và làm việc tại cơ quan, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hàng không. “Mình và đồng nghiệp không trực tiếp điều khiển tàu bay như các phi công, phục vụ hành khách như những tiếp viên hàng không hoặc điều hành bay như các kiểm soát viên không lưu... nhưng lại có nhiệm vụ chính là kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định của pháp luật về hàng không dân dụng: an ninh, an toàn hàng không, chất lượng dịch vụ ...của các đơn vị, doanh nghiệp tại nhiều cảng hàng không khu vực miền Bắc. Nhiệm vụ của cơ quan mình thường được ví von là những người góp phần nâng cánh bay giữa biển trời bao la”, Thảo nói.
Ban đầu, Phương Thảo làm ở bộ phận Pháp chế, sau đó chuyển sang bộ phận Tổ chức nhân sự. Nhắc đến chuyện làm công việc về nhân sự trong khi tuổi đời còn trẻ có gặp áp lực hay khó khăn gì hay không, cô thành thật: “Thời điểm vào đây, mình là nhân viên trẻ nhất cơ quan, kinh nghiệm làm việc lẫn kỹ năng sống còn kém. Mình đã được các chú, anh chị hướng dẫn và chỉ bảo nhiệt tình.
Nhờ đó, mình dần thành thạo công việc, không ngại khó. Giờ mình chỉ cần không hiểu vấn đề gì đó sẽ sẵn sàng đi hỏi bậc tiền bối. Khi phát sinh vấn đề có nhiều ý kiến trái chiều, mình cùng các chú, anh chị sẽ trao đổi, thảo luận và tranh luận để đi đến cách giải quyết thống nhất, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành”.
Ngoài đời, Thảo có phong cách rất trẻ trung, ưa thích du lịch.
Gần 8 năm trở thành viên chức, Phương Thảo luôn coi cơ quan như ngôi nhà thứ hai. Cô luôn biết ơn mọi người đã truyền cảm hứng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm và sống hết mình vì công việc chứa đựng những gian nan, áp lực nhưng cũng cũng thật ý nghĩa và tự hào này.
Thảo khẳng định: “Nhiều người cho rằng làm nhà nước nhàn nhã, không vất vả, ngồi chơi xơi nước đợi đến cuối tháng lĩnh lương nhưng thực tế không phải vậy. Chúng mình cũng như bao người làm nghề khác ngoài xã hội, có vất vả, có khó khăn và đôi lúc cảm thấy chán nản.
Cơ quan mình phải thực hiện nhiệm vụ 24/7, cả ban đêm, ngày nghỉ lẫn ngày lễ, Tết. Điều đó có nghĩa khi mọi người được nghỉ ngơi cuối tuần, đi chơi dịp lễ thì chúng mình vẫn luôn trong trạng thái làm việc, tập trung 100% để góp phần đảm bảo hoạt động bình thường của sân bay".
Về mức thu nhập hàng tháng, Thảo cho biết nghề này được tính theo hệ số lương cơ bản do nhà nước quy định. Do đó, so với bạn bè đồng trang lứa làm các công việc năng động bên ngoài, thu nhập của cô có thể thấp hơn. Song vì tình yêu với nghề, cô chưa bao giờ có ý định xin nghỉ để ra ngoài làm công việc khác.
“Mình có đọc được câu "Sân bay chính là nơi chứng kiến nhiều nụ hôn chân thành hơn cả lễ đường". Vì thế mình luôn tự hào và cố gắng làm thật tốt công việc đang đảm trách. Còn thu nhập mình nghĩ cái đó tuỳ thuộc vào quan điểm mỗi người.
Mình cũng luôn tâm niệm và ghi nhớ lời dạy của các chú từ khi mình mới chập chững vào nghề rằng dù sống ở đâu, làm việc gì cũng cần cống hiến hết sức mình bởi cuộc đời mỗi người hơn nhau ở sự trải nghiệm", cô gái Quảng Ninh bộc bạch.
Nói về dự định trong thời gian tới, cô chuyên viên khẳng định vẫn tiếp tục gắn bó, cống hiến cho công việc cô yêu thích. Đồng thời, cô hy vọng sớm tìm được người đồng hành trên con đường phía trước.