"Hiện tại mình thấy công việc này cơ bản không có quá nhiều khó khăn và áp lực. Song thi thoảng mình vẫn phải “chịu trận” từ phía khách hàng khó tính”, cô gái trẻ tâm sự.
Nhiều người thường nghĩ học Luật sau này sẽ trở thành luật sư, thẩm phán, kiểm sát viên, viên chức nhà nước…. Điều đó đúng trong bối cảnh 15 năm về trước khi cơ hội nghề nghiệp của ngành này chưa rộng mở. Còn giờ đây, học Luật sẽ có rất nhiều công việc cho cử nhân lựa chọn sau khi ra trường.
Trong số đó, không thể không nhắc đến công việc chuyên viên tư vấn pháp luật. Đây là ngành nghề hot hiện tại, tưởng chừng rất đơn giản, chỉ cần am hiểu luật pháp có thể làm được, song thực tế nó chứa đựng nhiều khó khăn, đặc biệt đối với sinh viên mới tốt nghiệp.
Nguyễn Hòa (SN 1997, Hà Nội) – có 3 năm kinh nghiệm trong nghề tư vấn pháp luật cho biết: “Mình tốt nghiệp trường Đại học luật Hà Nội, vừa có bằng liền xin vào một công ty luật trên địa bàn thành phố.
Mình đảm trách nhiệm vụ tư vấn về doanh nghiệp, đầu tư và giấy phép hoạt động cho các doanh nghiệp. Đồng thời mình có hỗ trợ luật sư trong công ty mảng tố tụng. Mình thường giới thiệu với bạn bè rằng bản thân là một chuyên viên tư vấn pháp luật”.
Nguyễn Hòa có 3 năm kinh nghiệm trong nghề tư vấn pháp luật - mảng doanh nghiệp.
Trước câu hỏi vậy mỗi ngày đến công ty, chuyên viên tư vấn luật sẽ làm công việc cụ thể như thế nào, cô gái thuộc thế hệ Gen Z cười: “Hẳn nhiều người sẽ thấy điều mình nói ở trên trừu tượng, khó hiểu và không rõ sẽ phải làm những gì. Nhưng người trong nghề hoặc ai học luật chỉ cần thoáng nghe là nắm được nhiệm vụ mình đã và đang làm”.
Theo đó, công việc của Hòa bao gồm việc thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, như: thành lập doanh nghiệp, thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp… Có nghĩa công ty sẽ ký hợp đồng với khách hàng có nhu cầu, sau đó cô nàng đảm trách nhiệm vụ và hoàn thành trong một thời gian quy định.
“Mình còn tư vấn pháp lý liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp cho các khách hàng thường xuyên của công ty. Họ chỉ cần vướng mắc hay gặp vấn đề gì, mình sẽ phải khẩn trương giải quyết theo đúng luật định. Những lúc rảnh, mình chuẩn bị tài liệu, soạn thảo đơn, tống đạt giấy tờ… cho các luật sư trong công ty.
Có thể nói mình làm chuyên viên tư vấn nhưng việc gì liên quan đến luật cũng cần am hiểu. Khi đó nếu mình muốn phấn đấu lên một vị trí cao trong công ty cũng thuận lợi hơn”, cô gái quê Thanh Oai bộc bạch.
Nhắc đến chuyện làm chuyên viên tư vấn có vất vả hay gặp khó khăn gì hay không, Hòa cho biết, thời gian mới bước vào nghề, cô nàng không khỏi ngỡ ngàng và ngộp thở với “núi công việc” được sếp giao phó. Sau đó, cô phải tự cân bằng cảm xúc, trấn an bản thân thật bình tĩnh giải quyết từng đầu việc.
“3 năm trước, mình chân ướt chân ráo bước vào nghề, kiến thức chưa trau dồi đủ, kinh nghiệm làm việc cũng như kỹ năng xã hội chưa có nhiều. Vì thế mình có chút bỡ ngỡ và áp lực từ phí khách hàng. Sau đó mình được giám đốc, các anh chị đồng nghiệp chỉ dạy, cộng thêm tự va vấp nên dần cũng thành thạo công việc.
Hiện tại, mình thấy công việc này cơ bản không có quá nhiều khó khăn và áp lực. Song thi thoảng mình vẫn phải “chịu trận” từ phía khách hàng khó tính”, cô gái trẻ tâm sự.
“Phải chăng khách hàng khó tính thường gây rắc rối cho bạn?”, khi được hỏi, Hòa cho biết công việc của cô chủ yếu làm việc với các cơ quan nhà nước, đôi khi giải quyết công việc không như thỏa thuận quy định. Cô nàng phải phụ thuộc vào họ, từ đó dẫn tới việc bị chậm trễ việc của khách hàng.
“Khách hàng kỹ tính ưa phong cách làm việc chuẩn chỉnh sẽ không đồng ý với việc trễ hẹn. Họ sẵn sàng khiển trách nhân viên và công ty. Khi ấy mình chẳng biết phải làm sao vì bản thân có sai, chỉ biết cúi đầu xin lỗi mong họ cảm thông”, Hòa nói.
Theo Hòa, nhiều người cho rằng công việc tư vấn chỉ đơn thuần là đọc – hiểu – nhớ điều luật trong các bộ luật, sau đó “hướng dẫn” khách hàng làm theo là có tiền… nhưng thực tế không phải vậy. Cô nói: “Ai theo ngành nghề liên quan đến luật đều phải hiểu biết các điều luật để gặp vụ việc này sẽ ứng theo điều luật đó. Song không có chuyện cứ đọc, hiểu và nhớ là làm được tất cả.
Hơn nữa, nghề của mình không chỉ đơn giản nằm trong cuốn sách hay các bộ luật. Nó là thực tiễn, người làm nghề cần có kinh nghiệm mới có thể giải quyết thành công”.
Về thu nhập của nghề làm chuyên viên tư vấn pháp luật, Hòa tiết lộ công việc này cũng như các nghề khác, phụ thuộc vào trình độ và kinh nghiệm công tác. Hiện tại mức lương của cô ở mức trung bình, đủ chi tiêu cho các sinh hoạt cơ bản trong cuộc sống.
Hiện, Hòa đã học xong khóa đào tạo luật sư. Sắp tới cô nàng sẽ tiến hành tập tự và thi lấy thẻ để hành nghề. Cô hi vọng bản thân sẽ trở thành một nữ luật sư có thể giúp đỡ nhiều người yếu thế hoặc vấn đề gì đó liên quan đến tranh tụng.