Giờ đây, vị "cựu" đại gia một thời chấp nhận hiện thực chẳng thể nào quay trở về ngày giàu sang phú quý như xưa nữa.
Chị Hạnh từng là nữ đại gia gốc Việt tại Campuchia, sở hữu khối tài sản “khủng”. Sau đó người ta bỗng dưng thấy hai mẹ con chị ngủ vỉa hè, bán quần áo sống qua ngày đã không khỏi xót xa. Thậm chí chị muốn hồi hương về quê cũng không có nổi tiền để mua vé xe đò.
Khi ấy một YouTuber nổi tiếng đã bỏ tiền túi mua lại toàn bộ số quần áo của chị. Họ còn giúp chị đặt vé xe để về nơi quê cha đất tổ với hi vọng cuộc sống sẽ ổn định hơn. Ngờ đâu chị vẫn chẳng thể làm lại từ đầu, sống cảnh nghèo khổ và phải cưu mang mẹ già cùng em gái tâm thần.
Chị Hạnh tâm sự: “Gia đình tôi rời quê hương sang Campuchia từ rất lâu. Tôi cùng cha mẹ mở quán karaoke kết hợp nhậu cho người bản địa lẫn người Việt sinh sống ở đó.
Trời thương nên công việc rất thuận lợi, lên như “diều gặp gió”. Gia đình từ chỗ nghèo khó đã trở thành người có của ăn của để, tiền tiêu không hết. Thậm chí tôi còn được người ta ví là nữ đại gia gốc Việt tại Campuchia”.
Chị Hạnh kể về tháng ngày làm ăn phất như "diều gặp gió" tại Campuchia.
Chị Hạnh với kháo khát làm giàu, muốn mở thêm chi nhánh quán karaoke nên sẵn sàng bỏ tiền đầu tư. Chị quan niệm làm kinh doanh phải mạo hiểm, không thể để tiền “nằm một chỗ” sẽ mất giá. Vì thế chị tiếp tục đầu tư cho công việc ở đất nước láng giềng.
“Tôi cứ miệt mài làm ăn mà không nghĩ đến chuyện có một ngày dịch bệnh bùng phát. Tôi còn tự tin nói rằng sẽ đưa vùng đất này phát triển các ngành dịch vụ, du lịch… Song người tính không bằng trời tính, đùng cái dịch bệnh COVID-19 bùng phát”, chị Hạnh tâm sự.
Hồi đầu, nữ đại gia vẫn được mở quán nhậu với điều kiện bán mang về hoặc đảm bảo các tiêu chí phòng chống dịch bệnh. Người dân vẫn đến ủng hộ khiến chị mừng thầm không bị “chết” như các ngành nghề khác. Sau đó họ vì không đi làm nên nợ nần quán rất nhiều.
Hai chị em của chị Hạnh ngày còn trẻ.
“Đợt dịch bùng phát mạnh, chính quyền bên này cũng yêu cầu hàng quán đóng cửa thời gian dài. Và đương nhiên quán karaoke của gia đình tôi phải đóng cửa suốt 2 năm liền. Song tôi vẫn phải đóng tiền nhà đến mức kiệt quệ.
Lúc đó cha tôi bệnh qua đời khiến mẹ con tôi suy sụp hơn. Vậy là của cải bao năm kiếm được hết sạch, mấy mẹ con đành dắt díu nhau đi thuê phòng trọ, ngủ vỉa hè”, chị Hạnh nhớ lại.
Tháng ngày bươn chải ngoài đường đã thôi thúc chị Hạnh đưa mẹ, em gái và con trai quay trở về Việt Nam. Chị cho rằng lúc khó khăn như vậy chỉ có quê hương sẵn sàng dang tay ôm lấy. Nhưng chị không có đủ tiền để mua vé xe đò đưa người thân về.
“May mắn tôi gặp được người tốt giúp đỡ. Chú ấy đã mua vé xe để 4 người trong gia đình tôi về quê. Về đây gia đình tôi tá túc ở nhà người thân, cuộc sống chưa khởi sắc nhưng thấy bình an trong lòng lắm”, chị Hạnh thành thật.
Khi được hỏi nếu có vốn làm ăn có quay trở lại Campuchia, người phụ nữ ngoài 40 tuổi cho biết bản thân từng nghĩ đến chuyện có tiền có nên làm lại sự nghiệp hay không, thế rồi chị bừng tỉnh, chấp nhận hiện thực chẳng thể nào quay trở về ngày giàu sang phú quý.
“Làm sao mà có vốn làm ăn khi vẫn phải chạy ăn từng ngày. Cũng không có người dám cho tôi vay số tiền lớn để làm ăn cả vì giờ ai cũng chật vật làm ăn. Hơn cả tôi thấy ở Việt Nam bình yên, vui vẻ nên không có ý định đi đâu cả”, người phụ nữ tâm sự.
Hiện tại chị Hạnh đi nhặt ve chai hoặc rửa bát thuê cho các quán ăn với đồng lương ít ỏi. Chị bảo chỉ mong kiếm đủ tiền nuôi con trai đi học, lo cho mẹ và em gái đang mắc bệnh. Chị cũng hi vọng có thể hoàn thành các thủ tục làm giấy tờ tuỳ thân cho em gái. Khi đó chị mua bảo hiểm y tế, đưa em đi bệnh viện sẽ đỡ được chi phí khám bệnh.
“Giờ trong nhà chỉ có con bé chưa có đủ hết giấy tờ. Vì thế tôi mong nó có để tiện đi khám chữa bệnh chứ giờ đuối lắm rồi. Nhiều lúc tôi nói với mẹ rằng ước gì con trúng độc đắc, sẽ đem tiền chữa dứt điểm bệnh cho em gái và giúp đỡ những người nghèo như ngày xưa”, chị Hạnh chia sẻ.