Vừa ra trường, chân ướt chân ráo, cô giáo trẻ 9X đã không ngần ngại xin lên vùng cao để mang con chữ đến với những đứa trẻ đồng bào Ca Dong trên dãy núi Ngọc Linh.
Cô giáo của những đứa trẻ Ca Dong
Khai giảng năm học 2019 – 2020, cộng đồng mạng xôn xao khi bắt gặp hình ảnh cô giáo trẻ tổ chức khai giảng cho em học sinh giữa núi rừng vắng lặng với vị đại biểu duy nhất là trưởng nóc tham dự. Cô giáo mặc chiếc áo dài thướt tha, cùng những trò nhỏ chụp ảnh trên sườn đồi. Hình ảnh đó đã khiến cộng đồng mạng xúc động.
Cô giáo trẻ đó là Trà Thị Thu – giáo viên trường PTDTBT tiểu học Trà Tập (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam).
Hình ảnh của cô Thu và học sinh trong dịp khai giảng năm học 2019-2020 khiến cộng đồng mạng xúc động. Ảnh: NVCC
Bức hình được chụp khi cô Thu lần đầu đến với điểm trường Tắk Pổ trên dãy núi Ngọc Linh. Nơi đây cách trung tâm huyện 10km và có độ cao hơn 2.000m so với mực nước biển. Con đường đến trường của cô giáo 9X phải mất 1 giờ 30 phút đi bộ.
Ra trường, với nhiệt huyết của tuổi trẻ và niềm say mê nghề, yêu mến trẻ, Thu xác định lên vùng cao thay vì gắn bó với một ngôi trường miền xuôi gần nhà. Thế nhưng, ngày đầu lên điểm trường, Thu đã “không ngờ” với hình ảnh trước mắt mình.
“Mới đầu mình không tưởng tượng được con đường đi bộ xa đến vậy, đường dốc cheo leo vô cùng nguy hiểm. Cuối cùng mình cũng đặt chân đến được điểm trường, mấy em nhỏ tập trung lại đứng gần cổng làng nhìn cô thật kĩ, mình chào nhưng chắc các em không biết nên tất cả im lặng và cười tủm tỉm. Sau đó, mình bắt gặp những ngôi nhà xập xệ, 4 bên vách nứa, mối đã ăn mục hết, trời nắng thì như ngoài trời, mưa thì dột ướt. Lúc dạy các em cũng không hiểu gì cả, cô nói phần cô, trò nói phần trò vì bất đồng ngôn ngữ…”, Thu xúc động khi nhớ về những ngày đầu đến với những đứa trẻ trên dãy núi Ngọc Linh.
Gian nan con đường đến điểm thôn của cô giáo 9X. Ảnh: NVCC
Mặc dù đã hứa với chị gái sẽ không khóc khi lên điểm trường nhưng cô giáo trẻ vẫn không thể ngăn nổi dòng nước mắt trước những khó khăn mà cô giáo cắm bản sẽ phải trải qua.
Lan rừng, hoa dại, mía… quà 20/11 đặc biệt của cô giáo vùng cao
Khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng cô giáo trẻ đã nhanh chóng gạt dòng nước mắt và bắt đầu tập dần với lối sống nơi đây. Hàng ngày, cô lên lớp dạy các em, chiều đến, cô lại cùng các em vào bản, cùng đi kiếm củi, hái rau…
Mỗi ngày của cô giáo trẻ trôi qua trong ánh mắt ngây thơ của học trò và sự đùm bọc của bà con thôn bản. Niềm vui ngày một lớn dần, niềm đam mê cũng vì thế mà lớn lên, đến nỗi cô nghĩ mình là một phần của mảnh đất hùng vĩ này.
Sau mỗi buổi học cô trò cùng nhau đi kiếm củi, kiếm rau rừng. Ảnh: NCVV
Đối với những cô giáo cắm bản, việc mang đến cho học trò con chữ, các trò chăm chỉ đi học là một niềm vui, sự thành công tuyệt vời, chưa cần đến việc các em phải nhớ đến ngày lễ của nhà giáo.
5 năm cầm phấn đứng trên bục giảng mang con chữ đến với những đứa trẻ vùng cao, Thu không thể quên được kỷ niệm về khi những học trò của mình trong dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam.
“Năm học 2018-2019, mình cắm bản tại điểm bản Mô Rỗi. Ngày 20/11, các cô thầy đều về điểm trường chính để sinh hoạt. Ngày 21, mình trở về điểm trường. Vừa lên đến nơi, các học sinh mang hoa lan, hoa dại, mía đến tặng. Các bạn học sinh ở điểm trường là học sinh lớp 1 đến lớp 3 nên cũng chưa biết nói gì nhiều, chỉ tặng thế thôi.
Lúc đấy mình bất ngờ, vui lắm! Những món quà đó không phải dùng tiền để mua nhưng với mình đó là món quà đặc biệt, là động lực cho mình thêm yêu, gắn bó với nghề”, Thu chia sẻ.
Món quà 20/11 đặc biệt nhất từ trước tới nay đối với cô giáo trẻ. Ảnh: NVCC
Giờ đây, khi Thu xuống trường chính hay trên đường đi từ điểm thôn về gặp học sinh, các em đã gọi cô giáo, rồi cô trò cùng dừng lại trò chuyện hỏi thăm. Đó là món quà lớn nhất không chỉ với Thu mà với tất cả các thầy cô giáo đang chèo lái đưa các thế hệ học sinh cập bến bờ tri thức.