Thợ sửa xe 30 năm truyền nghề miễn phí: "Đừng gọi tôi là thầy, vì chữ thầy nặng lắm"

Ngày 20/11/2019 09:51 AM (GMT+7)

30 năm kiếm sống bằng công việc sửa xe, cũng là ngần ấy thời gian người đàn ông truyền nghề miễn phí, giúp hàng chục thanh niên thất nghiệp có được nghề nghiệp ổn định nuôi gia đình. Ấy thế mà anh từ chối khi được gọi là thầy, cũng chưa một lần mảy may nghĩ đến việc mình cũng có ngày 20/11.

Thợ sửa xe 30 năm truyền nghề miễn phí: amp;#34;Đừng gọi tôi là thầy, vì chữ thầy nặng lắmamp;#34; - 1

Tìm đến tiệm sửa xe của anh Lê Văn Thái (44 tuổi, ngụ Tân Bình, TP.HCM) vào một buổi trưa nắng như thiêu đốt da thịt, đập vào mắt là hình ảnh người đàn ông lụi cụi tháo van ruột rồi bơm hơi cho chiếc xe đạp nặng trĩu những bao ve chai của một bà cụ. Thấy bà mở túi định móc tiền trả, anh Thái vội xua tay: “Bà đi nhanh đi, trời đang nắng, con không lấy tiền đâu”.

"Đôi khi sống tốt cũng đã là tri ân, làm đúng cũng là tri ân, tri ân những người cho ta kiến thức là tri ân trong tâm…"

Gạt vội mồ hôi, đưa tay kéo sợi dây điều khiển chiếc quạt treo tường nhuốm bụi, anh Thái chậm rãi kể lại hành trình 30 năm lập nghiệp tại đất Sài Gòn của mình - chặng đường mà anh bảo vui nhiều, buồn cũng chả thiếu.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 13 anh chị em, nhà khó khăn, chạy ăn từng bữa nên hầu như các anh chị em ai nấy cũng đều phải dở dang chuyện học hành, Thái cũng không ngoại lệ. Năm 14 tuổi, Thái gạt nước mắt từ bỏ mảnh đất Quảng Ngãi nắng gió vào Sài Gòn kiếm kế sinh nhai.

“Tôi còn nhớ lúc đó là năm 1990, lần đầu tiên vào Sài Gòn theo chân anh trai chạy vạy khắp nơi kiếm sống. 2 năm sau, một buổi tối 2 anh em ngồi nói chuyện, anh tôi bảo: 

- Hay là cho mày đi học nghề, mà mày muốn học gì?

- Cho em đi học sửa xe”, anh Thái nhớ lại.

Thợ sửa xe 30 năm truyền nghề miễn phí: amp;#34;Đừng gọi tôi là thầy, vì chữ thầy nặng lắmamp;#34; - 2

Tiệm sửa xe nhỏ của anh Thái nằm trên đường Hồng Lạc, quận Tân Bình.

Theo lời kể của anh Thái, sau khi dạo quanh hết các tiệm sửa xe, trình bày nguyện vọng được xin học nghề, anh đã muốn bỏ cuộc khi biết học phí rẻ thì 3 chỉ vàng, nơi nào đắt thì lên đến 5 chỉ. “Lúc đó, 2 anh em đi làm thuê 2 năm dành dụm chưa đủ 1 chỉ vàng. Tôi rầu rĩ về nói với anh. Anh tôi im lặng rồi trả lời gọt thỏm: Để tao tính”, anh Thái nói.

Chạy vạy, hỏi han khắp nơi ròng rã tuần này qua tuần khác nhưng vẫn không tìm được chỗ, Thái và anh trai nghĩ đến việc bỏ cuộc, thôi không học nghề nữa vì không đủ tiền đóng phí. Ấy vậy một ngày tình cờ, người quen đánh tiếng cho anh em Thái biết có một thợ sửa xe giỏi lại hiền lành đang cần người phụ giúp và hứa sẽ đào tạo miễn phí. Không kịp cảm ơn người báo tin, anh cùng anh trai chạy như bay đến tiệm sửa xe ấy.

“Lúc đó, thầy tôi hứa nhận tôi vào, không cần đóng học phí gì hết. Thầy sẽ dạy nghề cho đến khi nào thuần thục, thích thì ở lại tiếp tục làm, không muốn thì có thể ra mở tiệm riêng. Tôi mừng suýt rơi nước mắt”, người đàn ông cho biết.

Thợ sửa xe 30 năm truyền nghề miễn phí: amp;#34;Đừng gọi tôi là thầy, vì chữ thầy nặng lắmamp;#34; - 3

5 năm trời đằng đẵng học nghề với thầy, Thái học được hết những quy trình từ dễ đến khó khi sửa xe, cấu tạo và chi tiết từng bộ phận xe. Từ một người thợ phụ, học việc, sau 5 năm, Thái hầu như đã có thể độc lập “bắt bệnh” xe cho khách. “Học xong, tôi tiếp tục ở lại tiệm làm. Thầy bắt đầu trả lương nhưng tôi từ chối không nhận, xin thầy cứ để tôi ở lại làm, phụ giúp cho thầy, coi như trả công lao thầy dạy dỗ.

Vì sao à? Thật ra lúc đấy tôi vẫn còn nghèo đói lắm, sửa xe máy nhưng mỗi ngày đều phải đạp xe từ Gò Vấp xuống Tân Bình. Tuy vậy, tôi nhất quyết không nhận lương, dù có cần tiền đến mấy. Thầy bỏ 5 năm ra dạy dỗ, bảo ban không tính phí, mình có mấy tháng trời, tính toán chi”, cười xuề xoà, anh Thái tâm sự về lí do từ chối nhận lương từ thầy.

Thợ sửa xe 30 năm truyền nghề miễn phí: amp;#34;Đừng gọi tôi là thầy, vì chữ thầy nặng lắmamp;#34; - 4

Sau một năm, vay mượn của bà con, anh Thái mở được một tiệm sửa xe nhỏ với vài ba món đồ nghề. Mấy tháng đầu hầu như vắng khách, ngày nào đông đúc thì được 1-2 chiếc xe, vậy mà anh bảo ai mang xe vào sửa, là hầu như anh có thêm được khách mối. Anh sửa tận tâm, lấy tiền đúng giá  nên khách hàng ai cũng quý, cũng thương. “"Một giới thiệu 2, 2 giới thiệu thêm 3,... cứ như thế, khách hàng ngày càng tin tưởng hơn. Cũng nhờ sửa xe được nên tôi mới có khả năng nhận thêm đệ tử để truyền nghề”, anh Thái chia sẻ.

Đến nay, đã 30 năm kiếm sống bằng công việc sửa xe, cũng là ngần ấy thời gian người đàn ông truyền nghề miễn phí, giúp hàng chục thanh niên thất nghiệp có được nghề nghiệp ổn định nuôi gia đình. Học trò đến học với anh Thái, không chỉ được miễn phí tiền học, mà còn được anh lo liệu chuyện cơm nước, sinh hoạt... “Nghề này nhìn tưởng khó, tưởng cực nhưng lại có thu nhập ổn định, chỉ cần chịu khó, tỉ mỉ và kiên nhẫn thôi. Có đứa đệ tử của tôi giờ đã mở tiệm sửa xe khác lớn hơn tôi, có gia đình, chăm sóc được cho vợ con.

Thỉnh thoảng nghe tin các em sống tốt, tôi mừng rơi nước mắt. Cũng có vài đứa vì công việc gia đình rồi rẽ hướng, học xong chẳng đi sửa xe; có đứa từ ngày học thành nghề hầu như mất dạng. Nhưng tôi chẳng mảy may, ngày xưa thầy dạy mình sao, giờ mình truyền cho các em y hệt vậy. Sở dĩ một ai giúp mình, đâu cầu mong được nhận lại đâu, nếu có thể thì chỉ mong mình giúp đỡ được những người khác.

Thợ sửa xe 30 năm truyền nghề miễn phí: amp;#34;Đừng gọi tôi là thầy, vì chữ thầy nặng lắmamp;#34; - 5

Tôi cũng không nhận là thầy. Chữ thầy nặng lắm, tôi chỉ nghĩ mình là người truyền nghề, giúp đỡ những người thật sự cần mình giúp”, không nhận là thầy, dù mấy mươi năm dạy nghề miễn phí cho thanh niên, ấy thế trong cuộc trò chuyện, anh Thái luôn nhắc tới danh xưng “thầy tôi” với thái độ biết ơn và trân trọng nhất.

Nghỉ học sớm, ít chữ nên kí ức về Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 trong tâm tưởng người đàn ông tứ tuần là những vệt màu không rõ nét. Anh không cảm nhận rõ ràng về không khí của ngày nhà giáo, anh cũng không một lần cầm hoa tặng thầy cô, có chăng chỉ là qua câu chuyện không trọn vẹn mà cậu con trai kể chắp vá vào bữa cơm vội hôm trước: “Lớp con sẽ cắm hoa để tặng cô nhân ngày nhà giáo”.

Nhưng với anh Thái, sống đúng với những điều thầy dạy và dạy đúng cho các em những điều được học đã là một cách tri ân. “Đôi khi sống tốt cũng đã là tri ân, làm đúng cũng là tri ân, tri ân những người cho ta kiến thức là tri ân trong tâm, tri ân bằng hành động và thái độ sống cho đúng. Nếu như thế, ngày nào cũng là ngày 20/11 ”, người đàn ông bộc bạch.

Hàng trăm chiếc xe đạp cũ được “hô biến” như mới là bấy nhiêu niềm hi vọng đến trường được thắp lên...

Chỉ tay vào chiếc bằng khen được treo trân trọng và vuông vức trên tường nhà, anh Thái tự hào cho biết đó là bằng khen “Người tốt việc tốt” phường trao tặng. Anh khiêm tốn không nhận những điều mình làm là việc tốt, mà chỉ là “những việc cần làm”.

Kể về kỉ niệm khi còn ở trọ tại Gò Vấp - cơ duyên khiến anh gắn bó với hành trình tặng xe đạp cho trẻ em nghèo, anh Thái cho biết đó là một buổi chiều tối, anh trở về, vô tình đi ngang căn phòng của một gia đình trẻ. “Bé trai khóc xin cha mẹ mua cho chiếc xe đạp vì không thể đi bộ đến trường nổi nữa. Gia đình vợ chồng đó lại nghèo, cả 2 đều phải đi phụ hồ kiếm tiền nuôi con ăn học. Tôi không thấy họ trả lời với con mà chỉ nghe tiếng thở dài. Tự nhiên lúc đó, tôi nảy sinh ý định sẽ tặng cho cậu bé một chiếc xe đạp”, anh Thái kể.

Thợ sửa xe 30 năm truyền nghề miễn phí: amp;#34;Đừng gọi tôi là thầy, vì chữ thầy nặng lắmamp;#34; - 6

Nghĩ là làm, anh tìm mua xe cũ tại các vựa ve chai, sau đó tháo hết tất cả bộ phận để kiểm tra, chỗ nào còn dùng được thì làm sạch, đánh bóng, phần nào hư hỏng thì mua mới về thay. Anh kể: “Ngày tôi mang chiếc xe đến tặng cậu bé, lúc đầu nó ngây người ra, sau đó thì bật khóc. Cu cậu cứ nắm tay tôi hỏi: Chú cho con thật à chú. Nhìn nó khóc, tôi cũng rưng rưng. Mười mấy năm rồi, chắc bé nay đã lớn lắm, tôi cũng không liên lạc hay kết nối từ đó, nhưng ít nhất lòng mình cảm thấy vui vì đã làm được những điều có thể làm”.

Thợ sửa xe 30 năm truyền nghề miễn phí: amp;#34;Đừng gọi tôi là thầy, vì chữ thầy nặng lắmamp;#34; - 7

Thợ sửa xe 30 năm truyền nghề miễn phí: amp;#34;Đừng gọi tôi là thầy, vì chữ thầy nặng lắmamp;#34; - 8

Hàng trăm chiếc xe đạp cũ được “hô biến” thần kì như mới, là bấy nhiêu niềm hi vọng đến trường được thắp lên, là ngần ấy bao nhiêu ước mơ sẽ được tiếp nối.

Từ đó, mỗi khi có thời gian rảnh, anh Thái lại lân la đến các vựa ve chai hay nghe tin nơi nào có xe cũ anh đều tìm đến hỏi mua. Mỗi ngày sau khi hoàn tất công việc sửa xe máy, anh lại lôi mấy chiếc xe đạp cũ ra, phun sơn, đánh bóng, thay phụ tùng. Hàng trăm chiếc xe đạp cũ được “hô biến” thần kì như mới là bấy nhiêu niềm hi vọng đến trường được thắp lên, là ngần ấy bao nhiêu ước mơ sẽ được tiếp nối.  Những chiếc xe “cũ phụ kiện nhưng mới tình thương” được các mạnh thường quân trao tặng khắp nơi, từ các quận ở TP.HCM đến các tỉnh miền Tây, xe đi đến đâu, tình yêu thương con người lại lan toả đến đó.

“Ngày xưa ở quê, tôi ước mơ có được chiếc xe đạp nhưng nhà nghèo quá, làm gì có tiền mà mua. Nên khi có khả năng, tôi muốn giúp đỡ nhiều hơn những đứa trẻ nghèo như mình khi trước”, anh tâm sự.

Thợ sửa xe 30 năm truyền nghề miễn phí: amp;#34;Đừng gọi tôi là thầy, vì chữ thầy nặng lắmamp;#34; - 9

Thợ sửa xe 30 năm truyền nghề miễn phí: amp;#34;Đừng gọi tôi là thầy, vì chữ thầy nặng lắmamp;#34; - 10

Những chiếc xe “cũ phụ kiện nhưng mới tình thương” được các mạnh thường quân trao tặng khắp nơi, từ các quận ở TP.HCM đến các tỉnh miền Tây...

Bỏ tiền túi ra để mua vật dụng sửa xe đạp, anh Thái cho biết anh phải ra tận Chợ Lớn để mua, mới tìm được phụ tùng tốt mà giá hợp lí. “Ruột xe 20 ngàn hay 50 ngàn thì đều có một công dụng, đã làm từ thiện thì làm cho đúng cái tâm. Tôi thà cực một xíu mà tụi nhỏ có được chiếc xe chạy cho êm, không lo hư hỏng giữa chừng, đã thương, thì thương cho trót”, người đàn ông cho biết.

"Làm giàu thì dễ, làm đúng mới khó"

Nhìn một lượt quanh căn tiệm sửa xe nhỏ, cũ kỹ, bên trên là cái gác nhỏ xíu, nơi sinh hoạt và nghỉ ngơi của 6 thành viên (vợ chồng anh Thái và 4 đứa con - PV), anh Thái mỉm cười: “Nhiều người hỏi tôi sao ai sửa xe cũng giàu, còn tôi ở nhà thuê và nghèo mãi thế. Tôi chẳng biết nói gì vì họ hỏi đúng quá. Bạn bè ngày xưa cùng học sửa xe với tôi, giờ ai cũng có đất, có nhà. Sửa xe mà muốn làm giàu thì dễ lắm, chỉ có làm đúng mới khó thôi”.

Theo lời anh Thái, nghề sửa xe thật ra không khó học, lại rất dễ kiếm tiền nếu biết "mánh khoé”. Nhưng giữa việc kiếm tiền và giữ lương tâm, người đàn ông chọn cho mình hướng đi khó. Đó là anh làm đúng với những gì được học, được dạy ngày xưa: “Tôi được dạy nghề miễn phí là đã rất may mắn, lại tìm được người thầy giỏi nghề và có tâm. Ngày xưa thầy hay dạy chúng tôi đừng đánh đổi sự trong sạch của mình vì vài ba đồng bạc, không được chặt chém hay tráo phụ tùng của khách để làm lợi cho bản thân.

Tôi thấy thầy nói đúng, mình lao động kiếm sống, mấy chú xe ôm, mấy chị công nhân cũng phải vất vả nuôi gia đình. Mình vì lợi ích của riêng mình mà lừa lọc trên công sức mồ hôi của người khác, tàn nhẫn lắm. Đó là điều mà sau này khi dạy các em, tôi vẫn nhắc đi nhắc lại”.

Thợ sửa xe 30 năm truyền nghề miễn phí: amp;#34;Đừng gọi tôi là thầy, vì chữ thầy nặng lắmamp;#34; - 11

Anh Thái cho nước vào thùng nước miễn phí.

Sửa xe uy tín, lại giỏi nghề, đó là lí do vì sao anh Thái được khách hàng bạn bè tin tưởng. Có những người đi xa xe hư, thà dắt bộ về để anh sửa chứ không ghé vào tiệm khác bên đường; có người ngày xưa ở Sài Gòn làm việc, sau này về lại quê ở Tây Ninh, Long An... mỗi khi xe hư vẫn chạy cả trăm cây số để anh sửa chữa. “Đó là tài sản vô giá mà tôi có sau 30 năm, chứ không phải là tiền bạc, của cải như mọi người. Tôi có 4 đứa con ngoan ngoãn, có sức khoẻ để lao động kiếm tiền chân chính, tôi tin mình hạnh phúc hơn nhiều người”, anh Thái nói.

Cô chủ tiệm tóc không quà ngày 20/11: Nhớ nhất đứa học trò vừa năng khiếu lại thêm máu liều
Sinh năm 1946, năm nay đã 73 tuổi, nhưng gương mặt cô Nguyễn Trịnh Thị Lan lại mang nét vô cùng trẻ trung, vui vẻ. Phần nhiều là bởi cái nghề cô theo...
YẾN NHI
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11