Lý Đài Trang ví gần 4 năm qua giống như một thước phim đen trắng, chia làm 3 phân cảnh: một năm 6 tháng đớn đau về thể xác, một năm 3 tháng trầm cảm tinh thần và một năm 1 tháng chấp nhận số phận.
Trái bóng thay đổi số phận lẫn hình hài của cô giáo mầm non
Buổi sáng mùa thu năm 2016, Lý Đài Trang (SN 1993) – công tác tại một trường mầm non ở Thái Nguyên vội vã sắm sửa quần áo, cặp sách để kịp giờ đến nơi làm chuẩn bị lễ tựu trường chào đón năm học mới.
Công việc của Trang hôm ấy là trang trí bóng bay ở khu vực khán đài. Nó tưởng chừng đơn giản và dễ dàng nhưng đã biến một cô gái xinh đẹp, nhanh nhẹn trở thành cô nàng “xấu xí” với nhiều vết sẹo tinh thần lẫn thể xác.
“Một, hai, ba… và số bóng nhiều hơn cho đến khi mọi người thực hiện bơm trái bóng lớn nhất bằng khí hidro. Lúc ấy tôi cứ ngỡ bơm xong trái bóng cuối cùng thì có thể cùng các con bước vào năm học mới. Tôi không ngờ đó lại là trái bóng thay đổi số phận của chính mình, đẩy mình vào cuộc sống “địa ngục nơi trần gian””, cô gái trẻ đau đớn nhớ lại.
Cô giáo xinh đẹp Lý Đài Trang.
Đương lúc cô giáo mầm non hào hứng trang trí thì bất ngờ có một tiếng nổ lớn. Khắp cơ thể Trang từ mặt mũi, chân tay,… hễ chỗ nào hở đều bị lửa bén vào. Cô nhanh trí chạy tới vòi nước dội trực tiếp lên mặt, nhờ đó đã “cứu” được khuôn mặt xinh đẹp của mình. Còn phần da thịt khác đã bị lửa “nấu chín” đến mức lộ cả lớp màu hồng bên trong.
Trên đường đến bệnh viện cấp cứu, Trang vẫn còn tỉnh táo, thậm chí nghĩ nằm viện sơ cứu vết bỏng 2-3 hôm là được về nhà. Cô không hề hay biết, kể từ phút giây đó, cuộc đời cô đã bước sang một trang khác với những tháng ngày đau đớn, vật vã tột cùng.
“Tôi được chuyển xuống Bệnh viện Bỏng Quốc gia điều trị. Tại đây bác sĩ chẩn đoán tôi bỏng cấp độ nặng nhất và dặn dò gia đình chuẩn bị sẵn tinh thần tôi có thể ra đi bất cứ lúc nào. May mắn, nhờ sự tận tình của các y bác sĩ, tôi đã bước qua “cửa tử” nhưng đau đớn, tủi hờn vẫn đeo bám suốt thời gian dài”, Trang kể.
Một tháng 10 ngày duy trì sự sống bằng viên thuốc giảm đau
Nằm phòng cấp cứu, Lý Đài Trang hầu như duy trì sự sống bằng những viên thuốc giảm đau và cháo loãng. Cô gái trẻ cho hay, một tháng 10 ngày trong viện, giây phút hạnh phúc nhất của cô chính là những lần bác sĩ tiêm thuốc giảm đau và sau đó đau đớn lại dữ dội hơn gấp nhiều lần.
“Trước cơn dông, bầu trời luôn trong xanh đến lạ thường. Và cơ thể tôi khi ấy cũng vậy: hạnh phúc khi được tiêm thuốc giảm đau rồi gồng mình chống chọi với những cơn đau âm ỉ như cắt xé da thịt. Tôi muốn kêu gào – khóc lóc cũng không được bởi nước mắt rơi sẽ khiến cơ thể đau hơn. Tôi thèm ngủ mà đầu óc cứ quay cuồng. Tôi khát khao được trở mình mà chân tay lúc nào cũng treo lên lơ lửng”, Trang đỏ hoe mắt nhớ lại tháng ngày vật vã nằm phòng cấp cứu.
Việc đầu tiên mà Trang được làm trong phòng cấp cứu chính là đi tắm. Cô bảo việc ấy vô cùng khinh khủng. Cô được đưa đến một phòng có rất nhiều bác sĩ và hộ lý. Cô nằm trên chiếc bàn dài rồi bác sĩ dùng kéo từ từ cắt băng, cạo phần da bị bỏng khỏi cơ thể.
Xong xuôi, cô được đưa về phòng bệnh. Sau đó bác sĩ bắt đầu nói chuyện bằng chất giọng nghiêm túc: “Đến lúc này, em phải cắt tóc rồi! Cắt trọc, nếu không da đầu sẽ bị nhiễm trùng, không thể chữa được”. Trang nín lặng một hồi rồi run rẩy: “Không… không, cháu không cắt đâu. Cắt đi thì còn gì xinh đẹp nữa”. Sau đó mọi người động viên cô nàng mới gật đầu đồng ý.
“Khi tháo băng chân và tay, tôi cũng khóc không ngừng. Tôi đau đớn khi nhìn đôi chân và tay của mình nhăn nheo, xù xì như thanh gỗ khô. Lúc ấy tôi biết chúng sẽ chẳng bao giờ trở lại trạng thái trắng trẻo, mịn màng khi xưa nữa, kể cả tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ”, cô gái SN 1993 giãi bày.
“Sau bao đớn đau, tôi chấp nhận mọi thứ và sống tốt nhất có thể”
Lý Đài Trang ví gần 4 năm qua giống như một thước phim đen trắng, chia làm 3 phân cảnh: một năm 6 tháng đớn đau về thể xác, một năm 3 tháng trầm cảm tinh thần và một năm 1 tháng chấp nhận số phận. “Trở về nhà, tôi nhốt mình trong phòng, không dám ra đường rồi dần dần rơi vào trạng thái trầm cảm. Ngày nào tôi cũng đập phá đồ đạc, gào thét rồi ngồi khóc như kẻ điên dại. Khi ấy tôi không biết phải đối diện với thực tại như thế nào? Tôi thực sự bế tắc”, cô gái trẻ chia sẻ.
Cô gái đất Thái Nguyên nhiều lần nghĩ đến chuyện tự tử. Cô từng đứng trên cầu và có ý định nhảy xuống kết liễu cuộc đời rồi lại không đủ can đảm khi nghĩ đến bố mẹ. “Tôi vẫn sợ chết lắm! Tôi nghĩ đến gia đình, đến thanh xuân và tự hỏi tại sao lại phí cuộc đời như vậy. Nhưng nếu sống thì sẽ chọn lựa cuộc sống như thế nào: khóc lóc hay vui vẻ lạc quan. Cuối cùng, tôi lựa chọn chấp nhận mọi thứ và sống tốt nhất có thể”, Trang nói.
Trang quyết định sống mạnh mẽ nhưng không thể vui vẻ chấp nhận ngay được. Cô mất một thời gian dài để thích nghi với hoàn cảnh hiện tại. Cô bắt đầu để tóc dài, tìm mua những bộ đồ phù hợp với bản thân và học cách trang điểm… Dần dần cô trở nên yêu đời và cuộc sống hơn.
Dẫu vậy, Lý Đài Trang đôi lúc vẫn tủi thân khi ai đó nhắc đến những vết sẹo trên cơ thể. “Sau khi tai nạn, tôi từng quay lại trường học thăm các con. Khi nghe những câu nói ngây ngô: “Mẹ ơi! Sao tay mẹ xấu thế”… tôi đau lòng lắm. Giá như, lễ khai giảng năm ấy không xảy ra tai nạn, tôi vẫn có thể đứng lớp – dạy dỗ các con và thực hiện hoài bão ước mơ của mình".
Hiện tại, Lý Đài Trang đang kinh doanh online. Cô bảo thu nhập từ công việc này không đáng là bao nhưng có thể giúp cô đỡ đần được gia đình và tự nuôi sống bản thân.
Thuở Lý Đài Trang còn là cô giáo mầm non.
Nữ văn sĩ Helen Keller từng nói: “Hãy hướng về phía mặt trời, bạn sẽ không thể nhìn thấy bóng tối. Đó là những gì hoa hướng dương đang làm” và chúng tôi tin chắc rằng, Lý Đài Trang chính là một bông hướng dương giữa cánh đồng hoa hình chữ S. Cô sẽ luôn hướng về phía trước với tinh thần lạc quan, yêu đời!