Mặc dù đã vực dậy sau 60 ngày nằm trên giường bệnh nhưng chị Huệ vẫn chưa thể thoát khỏi sự đớn đau về thể xác lẫn tinh thần. Chị bảo mỗi lần đi phẫu thuật về, trong cơn mê chị khóc như một đứa trẻ vì buồn tủi và đau xé da cắt thịt.
Buổi sáng cuối tháng 3, chúng tôi gặp chị Thanh Huệ (SN 1984, Thái Nguyên) – cán bộ quản lý của một trường mầm non tại thành phố Thái Nguyên trong một quán cà phê ở Hà Nội. Chị khác rất nhiều so với hình dung về người phụ nữ bị bỏng cồn nửa người. Chị xinh đẹp, tự tin và tỏa rất nhiều năng lượng tích cực.
“Chuyện của tôi cũng như bao người gặp nạn khác. Cái chính, tôi biết vượt qua giai đoạn khó khăn để tìm lại chính mình và sống cuộc đời ý nghĩa hơn”, người phụ nữ xứ chè vui vẻ nói. Sau đó, chị ngược thời gian kể cho chúng tôi nghe về những gì xảy ra vào năm 2016 – thời điểm chị bắt đầu cuộc sống “địa ngục trần gian”.
Chị Thanh Huệ – Cán bộ quản lý của một trường mầm non ở thành phố Thái Nguyên.
“Tôi vốn là người yêu thích cái đẹp, vậy mà…”
Tháng 1/2016, chị Thanh Huệ bị cháy nửa người do người khác nướng cá, mực bằng cồn. “Lửa chưa tắt, họ tiếp tục đổ thêm cồn vào rồi nó bùng cháy. Họ hoảng sợ quá liền ném chai cồn về phía đối diện, đúng chỗ tôi đang đứng và tôi đã bị cháy”, chị Huệ nhớ lại.
Sau khi gặp nạn, chị Huệ đã được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên sơ cứu. Bác sĩ chẩn đoán chị bỏng độ 1 độ 2. Nhưng do chị bị sốc bỏng, nôn quá nhiều dẫn tới tình trạng nguy kịch. Gia đình quyết định đưa chị xuống Viện bỏng Quốc gia (Hà Nội) chạy chữa với hi vọng đến đâu hay đến đó.
Chị tâm sự: “Ở đấy, bác sĩ khẳng định tôi bị bỏng 40% cơ thể, độ 3-4. Nửa người trái từ ngực xuống chân cháy đen hoàn toàn, nặng nhất là bàn tay trái. Tôi đã trải qua 15 lần phẫu thuật để đến nay có được bàn tay nguyên vẹn với những vết khâu chằng chịt, còn người không làm gì cả. Đó là cả quá trình điều trị, phục hồi chức năng, tập đi sau khi nằm im trên giường bệnh gần 2 tháng”.
Mặc dù đã vực dậy sau 60 ngày nằm trên giường bệnh nhưng chị Huệ vẫn chưa thể thoát khỏi sự đớn đau về thể xác lẫn tinh thần. Chị bảo mỗi lần đi phẫu thuật về, trong cơn mê chị khóc như một đứa trẻ vì buồn tủi và đau xé da cắt thịt. Thậm chí chị chỉ muốn mê man mãi để không phải tỉnh dậy, không phải đối diện với sự thật giờ đã là người phụ nữ xấu xí, tàn tật.
“Tôi vốn là người yêu thích cái đẹp. Trước kia, tôi hay làm phong trào với 100% sự tự tin của bản thân nhưng từ khi bị bỏng đã đánh mất một nửa. Đi đâu tôi cũng mặc quần áo dài hết mức có thể để che đi vết bỏng. Tôi sợ mọi người nhìn hoặc chỉ trỏ, đánh giá về bàn tay trái chằng chịt sẹo.
Bàn tay trái của chị Huệ đã trải qua nhiều lần phẫu thuật.
Có lúc tuyệt vọng, tôi muốn gục ngã vì quá đau đớn. Tôi từng có suy nghĩ tìm đến cái chết 2 lần nhưng rồi chẳng đủ can đảm. Tôi thương bố mẹ già, thương hai đứa con nhỏ. Họ đã lo lắng, tích cực tìm cách chữa trị để tôi được sống. Tôi làm sao dám để họ khổ đau thêm lần nữa. Tôi lo các con không có ai chăm sóc, sợ chúng sẽ ám ảnh về sự ra đi của mẹ… Tất cả cứ luẩn quẩn trong tâm trí tôi. Tôi quyết định “đứng dậy” sống cuộc đời của một người “tàn nhưng không phế”, người phụ nữ 37 tuổi nghẹn ngào.
Tự làm chủ cuộc sống của chính mình
Chị Thanh Huệ quay lại cuộc sống và guồng quay công việc. Chị không nghỉ làm một ngày nào cả, dù chân tay vẫn băng trắng, thi thoảng máu mủ vẫn tứa ra. Chị tự đạp xe đến trường để tập cho chân khỏi bị kéo cơ. Chị còn đi học bơi, tập yoga, thể dục thẩm Mỹ và tham gia tất cả các hoạt động ý nghĩa.
“Lúc ấy tôi vẫn còn mặc cảm và thiếu tự tin về những vết sẹo trên cơ thể mình. Tôi không biết phải cân bằng lại như thế nào, đành tự động viên bản thân cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn. Nhờ đó tôi giờ tự tin, mạnh mẽ lắm. Tôi có thể làm mọi việc như người bình thường. Tôi vẫn đi dạy và làm tốt công tác chuyên môn. Mỗi năm, tôi đều dành dụm một khoản tiền để đi chữa trị vết bỏng trên cơ thể”, chị Huệ chia sẻ.
Nhắc đến chuyện gia đình, chị Huệ trầm ngâm hồi lâu rồi thẳng thắn cho biết, chị đang là mẹ đơn thân. “Thẳng thắn mà nói, tôi từng khủng hoảng và mất ổn định sau tai nạn. Vì thế, tôi cũng tổn thương lòng và chịu thiệt thòi nhiều trong chuyện hôn nhân. Nhưng mọi thứ giờ đã qua. Hiện tôi đã làm chủ được cuộc sống. Sáng sáng, tôi đưa con đi học rồi đến trường làm việc đến 17h chiều. Sau đó tôi lại đón con về nhà, nấu nướng, tự tập Erobic tại nhà 1 tiếng rồi cho con ăn, tắm giặt. Với tôi như vậy là một cuộc sống quá viên mãn”, chị Huệ nói.
Thông qua cuộc trò chuyện, chị Huệ cũng muốn gửi thông điệp đến những nạn nhân bỏng đang và đã điều trị bỏng hãy cố gắng tự mình tập luyện, chăm sóc bản thân để hồi phục di chứng. Bởi nếu không quyết tâm, mọi người sẽ tự biến mình thành những người tàn tật, không làm được bất cứ việc gì.
“Mọi người bị bỏng hãy mạnh mẽ vượt qua mọi khó khăn sóng gió của cuộc đời, vượt qua chính mình. Các bạn hãy sống với hiện tại và tương lai để ngày mai tươi sáng hơn”, chị chia sẻ.
Người phụ nữ xứ chè là người năng nổ trong các hoạt động đoàn thể.