Trong khu dân cư ven biển Xuân Thiều (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng), đa số mọi người đều biết đến lớp học “đặc biệt” của cô Huỳnh Thị Xinh (sinh năm 1966), người đã có hơn 25 năm “gieo chữ” cho những đứa trẻ xóm nghèo.
Tuổi thơ ham học và ước mơ dở dang
Sinh ra trong chiến tranh, ngay từ thuở lọt lòng, cô bé Huỳnh Thị Xinh không may mang phải di chứng chất độc màu da cam từ người cha tham gia kháng chiến. Tuổi thơ cô lớn lên với đôi chân teo tóp, với đôi nạng gỗ đồng hành mỗi buổi đến trường. Mọi sinh hoạt khi ấy đều phải có người chăm nom.
Những học trò nhỏ của cô Xinh (Ảnh nhân vật cung cấp)
“Hồi nhỏ cô hay tự ti khi đi học, nhiều lúc lại mang cái mặc cảm tật nguyền từ nhà đến trường, nhưng nhờ sự động viên của gia đình và bạn bè mà mình trở nên tự tin hẳn lên”, cô Xinh bồi hồi kể lại.
Sống qua những năm tháng chiến tranh trong gia cảnh khốn khó và đôi chân tật nguyền, nhiều lúc cô nghĩ đến chuyện bỏ ngang con đường học hành. Nhưng ước mơ trở thành một cô giáo từ ngày còn bé đã thôi thúc cô tiếp tục hành trình. Đến năm 1986, cô tốt nghiệp trường THPT Nguyễn Trãi với tấm bằng loại khá.
Những dự định tương lai mở ra trước mắt. Nhưng rồi mọi thứ trở nên dở dang khi cô biết hoàn cảnh mình không thể thi vào sư phạm. Sức khỏe cô không cho phép, một gia đình đông con ở thời điểm đó lại không đủ điều kiện nuôi con học đại học. Ngậm ngùi khép lại ước mơ, cô gái tật nguyền trở về với vô vàn trăn trở trước ngưỡng cửa cuộc đời.
“Cô không phải cô giáo đi dạy, không có chứng chỉ sư phạm. Cô chỉ hướng dẫn và giảng giải bài tập cho mấy đứa học trò học ở nhà thôi” (Ảnh: Đoàn Lê)
Gieo chữ nơi xóm nghèo
Đến thăm cô vào một buổi sáng, lúc này các em đã đi học trên trường và chỉ đến nhà cô vào chiều hoặc tối. “Cô không phải cô giáo đi dạy, không có chứng chỉ sư phạm. Cô chỉ hướng dẫn và giảng giải bài tập cho mấy đứa học trò học ở nhà thôi”, cô Xinh khiêm tốn chia sẻ khi nghe người viết gọi mình là cô giáo. Nhưng trong thâm tâm học trò và phụ huynh, cô vẫn là một cô giáo đúng nghĩa với sự tận tâm trong từng lời chỉ dạy.
Năm 1986, cô Xinh được một tổ chức từ thiện của những kiều bào tại Mỹ tài trợ xe lăn và suất học tin học và Anh văn toàn phần. Có được chứng chỉ B ngoại ngữ và sử dụng máy tính thành thạo, lại có thêm phương tiện di chuyển, khát vọng trở thành cô giáo đứng lớp lại cháy bỏng trong người cô gái trẻ.
Rồi từ những lần hướng dẫn con cháu trong nhà học bài, làm bài, những lần chứng kiến lũ trẻ trong xóm học hành không được khả quan, cô bắt đầu có ý định mở một lớp học tình thương tại nhà. Học trò của cô phần lớn là những đứa trẻ từ lớp 1 đến lớp 9, sinh ra trong những gia đình lao động nghèo, phụ huynh cũng không có điều kiện cho con đi học thêm. Kết quả là một lớp học đặc biệt ra đời vào năm 1989.
Cô Xinh xem bài giảng trước giờ lên lớp (Ảnh: Đoàn Lê)
Những ngày đầu mở lớp, số học trò chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng nhờ tiếng lành đồn xa, người ta bắt đầu biết đến “cô Bảy Xinh dạy giỏi, thương trẻ con” nhiều hơn. Nhiều học trò có hoàn cảnh khó khăn được cô miễn học phí, số khác thì cô chỉ nhận 50% học phí. Một trong số đó là em Phạm Văn Phước (học sinh lớp 3), theo lời cô Xinh, em Phước mồ côi cả cha lẫn mẹ; sống với ông bà đều đã già yếu. Cảm thương trước tình cảnh của cậu học trò nhỏ, cô Xinh không chỉ miễn toàn bộ học phí mà còn giúp em có được sách bút, tập vở… khi bước vào năm học mới.
Dần dần, học trò của cô ngày càng đông. Bây giờ, một lớp nhiều nhất là 15 em, ít nhất là 3 em. Trong những ngày hè, có lúc học trò của cô lên đến 100 em. Vào dịp lễ tết hoặc ngày Nhà giáo Việt Nam, nhiều học trò đã thành đạt vẫn thường xuyên đến thăm cô, cùng nhau ôn lại kỷ niệm về một lớp học tình thương nơi xóm nghèo.
Gần 4 năm về trước, cơ thể tật nguyền của cô chịu thêm một lần đau đớn sau một tai nạn. Kể từ ngày đó, đôi chân của cô ngày càng yếu hơn. Nhưng tâm huyết, tình thương học trò và nghị lực vươn lên của cô vẫn vẹn nguyên như những ngày đầu. Ít ai biết cô còn là một hội viên năng nổ của Hội người khuyết tật quận Liên Chiểu, thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội.
Với cô Xinh, được sống, được mang cái chữ đến với những đứa trẻ xóm nghèo đã là hạnh phúc. Đó là thứ hạnh phúc được xây từ nghị lực sống và ước mơ vươn lên trong mỗi con người.