Cảm thương những người lao động nghèo khó đang nặng gánh mưu sinh giữa mùa dịch bệnh, chàng trai Nguyễn Kỳ Anh đã ghi lại những khoảnh khắc đầy xúc động để lan tỏa đến cộng đồng.
Chia sẻ câu chuyện của mình, anh Nguyễn Kỳ Anh (26 tuổi, ngụ quận 7, TP. HCM) cho biết hiện tại anh đang làm công việc thiết kế nội thất và Travel blogger. Hơn một tuần qua, cứ sau giờ làm việc, anh lại bắt tay thực hiện dự án cá nhân “Sài Gòn Moments” bằng những hình ảnh, những khoảnh khắc xúc động để kêu gọi sự đồng cảm giúp đỡ từ cộng đồng đến với những hoàn cảnh khó khăn.
Nét đẹp của người lao động qua ống kính của Nguyễn Kỳ Anh.
“Tôi cảm thấy những ngày Sài Gòn giãn cách vừa qua và tính đến thời điểm hiện tại, cuộc sống của những người vô gia cư, những hoàn cảnh nghèo khó lại càng khổ cực hơn gấp nhiều lần. Hằng ngày chạy xe đi làm trên đường tôi thấy rất xót xa, nên tôi quyết định sau mỗi ngày làm việc, tan ca xong sẽ mang máy ảnh để đi chụp lại những hoàn cảnh đó và đăng tải lên trang facebook cá nhân, kèm theo địa chỉ và thông tin cụ thể, để mọi người có thể đến ủng hộ và giúp đỡ”, anh Nguyễn Kỳ Anh cho biết.
Để có thể đến với những hoàn cảnh khó khăn, anh Kỳ Anh sẽ theo dõi các trang Facebook thường xuyên đăng tải thông tin về các nhân vật khó khăn, rất cần sự giúp đỡ. Sau đó, anh sẽ dựa theo những thông tin đó và đi đến tận nơi để gặp gỡ và trao cho mỗi hoàn cảnh một phần hỗ trợ theo khả năng của mình.
“Tôi đến với nhiếp ảnh từ lúc đang là sinh viên Đại học Kiến trúc TP. HCM. Tôi chụp mọi thứ xung quanh, những điều nhỏ nhặt, những khoảnh khắc xem lại sẽ rất nhớ”, anh Nguyễn Kỳ Anh chia sẻ.
Anh Kỳ Anh kể: “Tôi trò chuyện và xin được chụp ảnh để về làm tư liệu. Mọi người đều vui vẻ đồng ý cho tôi chụp lại những khoảnh khắc mà họ đang lao động. Tôi cố gắng chụp và bắt khoảnh khắc tự nhiên nhất, cảm xúc nhất, chân phương nhất. Những hình ảnh này sẽ được thiết kế và tên gọi riêng cho mỗi nhân vật được chụp”.
Chia sẻ thêm về dự án “Sài Gòn Moments” của mình, chàng trai Nguyễn Kỳ Anh cho biết dự án này gồm nhiều bộ ảnh góp nhặt mỗi ngày, và sẽ được anh thực hiện xuyên suốt, không có giới hạn dừng. Điều mong mỏi duy nhất của anh là bài viết và hình ảnh của mình đăng trên mạng xã hội sẽ lan tỏa được đến nhiều người, để có thể nhận được nhiều hơn sự hỗ trợ, giúp đỡ từ nhiều phía.
"Chú Minh - một tài xế xe ôm hay "đứng chốt" trạm xe buýt Bến Thành, quận 1, cả ngày không có một cuốc khách nào" - Nguyễn Kỳ Anh chia sẻ.
“Tôi bỏ tiền túi và nhờ sự ủng hộ thêm từ anh chị, bạn bè đồng nghiệp để giúp một phần nhỏ cho mỗi nhân vật, mỗi hoàn cảnh một ít, còn lại là sự giúp đỡ đến từ việc lan tỏa trên mạng xã hội. Tôi không làm dự án này vì bản thân mình. Tôi chỉ đơn giản là muốn làm việc này vì đã ấp ủ rất lâu và mong muốn được chụp lại những điều chân phương, đời sống, thiên về cảm xúc. Nên khi được làm dự án nhỏ này, có thể nói là một dấu son ý nghĩa trong cuộc sống của tôi”, Kỳ Anh tâm sự.
Dưới đây là một số hình ảnh trong dự án “Sài Gòn Moments” của chàng trai Nguyễn Kỳ Anh.
Chú Minh (63 tuổi) – tài xế xe ôm ở khu vực trạm xe buýt Bến Thành (quận 1). Ngày nào chú cũng ra bến xe từ 6 giờ sáng, hơn tháng nay giãn cách xã hội, xe buýt ngừng chạy, chú ra ngồi khuya hơn, có khi ngủ luôn đến tờ mờ sáng. Có những hôm “Ngồi từ sáng tới chiều, nguyên ngày không có ai đi xe ôm hết”. Ảnh: Kỳ Anh
Cụ Giàu (72 tuổi) sống neo đơn, bán dầu gió, tăm bông ở 161 Nguyễn Văn Cừ, Quận 1 (Ngã tư Nguyễn Trãi - Nguyễn Văn Cừ). Cụ thường ngồi bán từ 19h đến 23h, sau đó bà đi lang thang ngủ ở vỉa hè gần đó. Ảnh: Kỳ Anh
Chú Hùng sống neo đơn, mù một mắt, mất một bàn tay, bán vé số ở Ngã ba Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Lương Bằng và số 374 Nguyễn Thị Thập, quận 7. Ảnh: Kỳ Anh
Người dân mua vé số ủng hộ cho chú Hùng. Ảnh: Kỳ Anh
Cô Ánh (61 tuổi) - bán hủ tiếu và sống tạm bợ ở vỉa hè với hai người chị em cùng 3 đứa cháu ở số 2, đường Vĩnh Khánh, phường 9, quận 4. Ảnh: Kỳ Anh
“Chú Ninh (70 tuổi) bán vé số ở ngã tư Nguyễn Thị Thập – Nguyễn Văn Linh (quận 7). Chú có vợ và hai con gái. Con gái lớn 36 tuổi, làm công nhân, có con nhỏ và đang thất nghiệp.Con gái 32 tuổi bị bại não, cùng vợ ngồi xin tiền cũng ngay ngã tư. Chú ngồi từ chiều tối đến khoảng 21h, vợ và con gái sẽ ngồi đến tận 2 – 3 giờ sáng. Chú bị nhiều bệnh nền, đặc biệt là tiểu đường khiến chú bị hoại tử bàn chân, dẫn đến cưa bỏ một bên chân. Thu nhập của gia đình chỉ trông cậy vào từng đồng lời bán vé số và số tiền ít ỏi xin được từ người qua đường” – Chia sẻ của Nguyễn Kỳ Anh.
Anh Nguyễn Kỳ Anh cho biết, kỷ niệm đáng nhớ nhất khi thực hiện các hình ảnh về các nhân vật chính là chú Ninh với câu nói “chú thương bả lắm”, tình cảm vợ chồng mấy chục năm, vẫn yêu thương nhau những lúc cơ cực nhất, khốn khổ nhất.
Chú Diên - người nhiếp ảnh già với nghề chụp ảnh lấy liền ở Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, năm nay đã gần 80, nhưng vẫn yêu lấy nghề làm kế sinh nhai. “Đối với tôi, chú là bậc tiền bối, khi nhìn thấy những người nhiếp ảnh lúc về già, có thể ngày xưa chú đã giữ lại những khoảnh khắc tuổi thơ ngày bé cho chúng ta, những bức ảnh ấy vẫn còn cho đến bây giờ. Thời gian có thể lấy đi thanh xuân, nhưng tấm hình vẫn còn đó vẹn nguyên giá trị” – Anh Kỳ Anh chia sẻ.