Một loạt chợ ở TP.HCM tạm dừng hoạt động: Chị em nội trợ mua rau, thịt cá như thế nào?

Hữu Huy - Ngày 29/06/2021 14:40 PM (GMT+7)

Trước tình hình một loạt chợ truyền thống ở TP.HCM tạm dừng hoạt động để thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19, nhiều người cho biết việc mua hàng hóa bắt đầu khó khăn hơn. Chợ offline tạm nghỉ, xu hướng mua bán online trên các "chợ mạng" được các chị em nội trợ nhanh chóng lựa chọn.

Chị em nội trợ không kịp trở tay khi hàng loạt chợ gần nhà tạm ngừng hoạt động

Từ ngày 20/6, TP. HCM đã yêu cầu giải tán các chợ tự phát, khu kinh doanh tự phát trên địa bàn thành phố sau khi đánh giá đây là những khu vực nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao và khó truy vết khi phát hiện ca nhiễm.

Trong khi đó, do liên quan đến các trường hợp nhiễm COVID-19, một số khu chợ truyền thống ở các quận, huyện đã phải tạm dừng hoạt động khiến nhiều chị em nội trợ lúng túng trong việc mua sắm.

Theo ghi nhận của chúng tôi, một số hộ dân sinh sống tại quận Tân Phú, Bình Tân,… cho biết việc đi chợ hiện nay của bà con tốn nhiều thời gian hơn trước do muốn mua hàng phải đi xa thay vì mua đồ ở chợ tự phát gần nhà. Tuy nhiên, mọi người đều hiểu tình cảnh hiện tại và chấp nhận để đảm bảo an toàn phòng ngừa dịch bệnh.

Do nhiều chợ tạm dừng hoạt động, chị em đang có thói quen mua sắm gần nhà bỗng dưng phải tạm chia tay những địa chỉ quen thuộc, nhiều người lúng túng tìm cách thích nghi. Không ít người lên mạng xã hội đăng bài, đặt câu hỏi "tôi ở Tân Phú/ Hóc Môn... muốn đi chợ giờ làm thế nào?"...

Chợ Thái Bình (quận 1, TP. HCM) tạm ngưng hoạt động kinh doanh, buôn bán từ 27/6 đến 3/7/2021 để đảm bảo công tác phòng chống dịch.

Chợ Thái Bình (quận 1, TP. HCM) tạm ngưng hoạt động kinh doanh, buôn bán từ 27/6 đến 3/7/2021 để đảm bảo công tác phòng chống dịch.

Chị Lê Thị Thu Trinh, ngụ quận Bình Tân (TP. HCM) cho biết, thường ngày chị sẽ đi chợ ở gần ngã tư Bốn Xã – đây là chợ tự phát của phần đông bà con sinh sống ở khu vực.

“Chợ tự phát đóng cửa, tôi phải đi xa để mua hàng hóa ở siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Rau củ quả, thịt cá trong đó có đầy đủ, giá bán nhỉnh hơn một xíu so với các chợ tự phát. Tuy nhiên, lượng người đến siêu thị, cửa hàng tiện lợi đôi lúc cũng tấp nập, khiến tôi khá bất an. Đặt hàng qua ứng dụng online thì giá có cao hơn so với đi chợ truyền thống nhưng được cái an toàn. Dù vậy, đôi lúc việc nhờ đi chợ online cũng gặp khó khăn vì hệ thống quá tải”, chị Trinh chia sẻ.

Cùng cảnh ngộ với chị Trinh là chị Nguyễn Khánh Phương, ngụ phường 16, quận 8 (TP. HCM) cho biết, lần lượt chợ tự phát rồi đến chợ truyền thống và một vài cửa hàng tiện lợi xung quanh khu vực chị sinh sống đang phải tạm dừng hoạt động để đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Do đó, trong những ngày đầu tiên chị cũng gặp cảnh lúng túng trong mua sắm. 

Chị Phương chia sẻ: “Mình phải dần thích nghi, thay đổi thói quen mua sắm, từ chỗ quen mua sắm ở những chợ tự phát cho nhanh chóng tiện lợi, mình dần chuyển sang mua sắm ở siêu thị, cửa hàng tiện lợi hoặc nhờ đi chợ online, đặt hàng qua mạng. Tuy nhiên để hàng hóa như rau củ quả được ưng ý nhất, mình nghĩ bản thân nên tranh thủ đi mua. Những ngày qua, giá rau củ ở các siêu thị và cửa hàng tiện lợi gần chỗ tôi sống cũng có tăng đôi chút”.

Mua bán, ship hàng online “nở rộ” trên các hội nhóm mạng xã hội

Về tình hình cung ứng hàng hóa, Sở Công thương TP. HCM cho biết, thành phố hiện có mạng lưới 1.962 điểm cung ứng thực phẩm (gồm 106 siêu thị, 220 chợ truyền thống, 1.636 cửa hàng tiện lợi). Trên địa bàn triển khai kế hoạch dự trữ, đảm bảo nguồn cung các mặt hàng lượng thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn thành phố.

Theo giới kinh doanh, do các chợ tự phát và một số chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố đang tạm ngưng do liên quan đến dịch bệnh nên khiến sức mua dồn vào các hệ thống phân phối còn đang hoạt động. 

Chị em nội trợ nhanh chóng tìm kiếm các ứng dụng đi chợ online, giao hàng tại nhà, lên các hội nhóm giao thương gần nhà... để tìm kiếm địa chỉ mua hàng, ship tận nơi thay thế cho việc ra ngoài mua sắm như trước đây.

Phong tỏa tạm thời chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10).

Phong tỏa tạm thời chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10).

Về phía người bán, trước tình hình Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn cũng như một số chợ truyền thống phải tạm dừng hoạt động, một số chủ vườn rau ở huyện Hóc Môn và tiểu thương tại các chợ đã đưa hàng hóa lên các hội, nhóm trên mạng xã hội để tiêu thụ.

Tại một số nhóm trên MXH Facebook như “Tôi là dân Hóc Môn”, “Tôi là dân Gò Vấp”, chúng tôi ghi nhận hàng chục bài đăng kinh doanh các mặt hàng nông sản, thịt, trứng, rau, củ, quả của nông dân Hóc Môn và các tiểu thương.

Theo đó, giá nông sản, rau củ quả được rao bán trên các “chợ mạng” này có giá khá mềm, từ 12.000 đồng – 20.000 đồng/kg (tùy chủng loại và khoảng cách giao hàng).

Nông dân và các tiểu thương đưa nông sản lên các hội, nhóm mạng xã hội để kinh doanh.

Nông dân và các tiểu thương đưa nông sản lên các hội, nhóm mạng xã hội để kinh doanh.

Ông Châu Văn Sếch (Nông dân ở xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn) cho biết, bình thường ông trồng rau và bỏ mối cho bạn hàng tại các khu chợ truyền thống. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh khiến một số khu chợ truyền thống ở TP. HCM phải tạm ngừng hoạt động, do đó số rau của ông hầu như không tìm được nơi tiêu thụ.

“Rau cải đã đến vụ thu hoạch, nếu để lâu nó sẽ già, cứng và dai, không còn ngon nữa. Do đó, tôi nhờ đứa cháu đăng lên mạng xã hội để bán rau gồm rau cải ngọt, cải xanh, cải thìa, cải mầm, xà lách, rau muống, rau dền... với giá từ 12.000 - 15.000 đồng/kg”, ông Sếch chia sẻ.

Ngoài rau củ quả, các mặt hàng như thịt, trứng,... cũng được kinh doanh nhộn nhịp trên các chợ mạng.

Ngoài rau củ quả, các mặt hàng như thịt, trứng,... cũng được kinh doanh nhộn nhịp trên các "chợ mạng".

Cũng chia sẻ bài đăng lên nhóm Facebook để tiêu thụ rau, chị Nguyễn Thị Thu Vân (ngụ huyện Hóc Môn) cho biết, để ủng hộ những vườn trồng rau đến ngày thu hoạch không bán được hàng, chị quyết định sẽ nhận giao rau ở các quận nội thành.

Chị Vân chia sẻ: “Tôi đăng bài lên Facebook, ai đặt hàng tôi mới cắt rau và giao cho khách. Tôi bán đồng giá 15.000 đồng/kg tất cả loại rau cải ngọt, cải bẹ xanh, cải thìa, xà lách, rau mồng tơi, rau muống và rau dền. Ngoài ra, phí ship tính riêng tùy quãng đường giao hàng”.

Ngoài các loại nông sản rau củ quả, trên các hội nhóm Facebook, nhiều tiểu thương còn nhận các đơn hàng thịt, trứng để giao cho khách. Ghi nhận chung cho thấy, tình hình mua bán, kinh doanh ở các “chợ mạng” này diễn ra khá sôi nổi.

Chợ đầu mối Hóc Môn và một số chợ truyền thống tạm dừng hoạt động

Sau khi ghi nhận 19 ca nhiễm Covid-19, chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (1 trong 3 chợ đầu mối của TP. HCM) đã phải tạm dừng hoạt động tập kết, giao hàng trực tiếp trong 7 ngày, từ 0h ngày 28/6.

Trong thời gian tạm ngưng hoạt động, UBND huyện Hóc Môn giao đơn vị quản lý chợ đầu mối Hóc Môn thực hiện công tác phun tiêu độc, khử trùng toàn bộ khu vực chợ. Bên cạnh đó, sẽ tiến hành tiêm vắc xin cho khoảng 4.000 thương nhân và cán bộ, nhân viên làm việc tại chợ.

Từ 0h ngày 28/6, chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (TP.HCM) phải tạm dừng hoạt động tập kết, giao hàng trực tiếp trong 7 ngày.

Từ 0h ngày 28/6, chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (TP.HCM) phải tạm dừng hoạt động tập kết, giao hàng trực tiếp trong 7 ngày.

Sở Công thương TP.HCM cho biết đã có phương án, kế hoạch điều phối nguồn hàng cung ứng khi chợ đầu mối Hóc Môn tạm dừng hoạt động tập kết, giao hàng trực tiếp, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đứt gãy nguồn cung. Đồng thời, nghiên cứu phương án giao hàng trực tiếp đến các chợ truyền thống hoặc tổ chức các điểm bán buôn với giá sỉ để phân phối, cung ứng hàng hóa cho tiểu thương chợ truyền thống.

Đơn vị quản lý chợ đầu mối Hóc Môn cho biết đã khuyến cáo thương nhân chủ động bán hàng qua điện thoại, giao trực tiếp tới khách mua hàng. Xe hàng có thể đậu xung quanh các khu vực ngoài chợ, giao nhỏ ra từng mối sỉ thay vì tập kết một nơi như trước.

Ngoài chợ đầu mối Hóc Môn, một số chợ truyền thống ở quận 8 (chợ Phạm Thế Hiển), quận 10 (chợ Hòa Hưng, chợ Nguyễn Tri Phương), quận Tân Bình (chợ Hoàng Hoa Thám), quận Tân Phú (chợ Sơn Kỳ), quận 1 (chợ Thái Bình, chợ Dân Sinh), quận Bình Tân (chợ Khu phố 2),… đã phải tạm dừng hoạt động để đảm bảo an toàn phòng chống dịch do có liên quan đến các trường hợp nhiễm Covid-19.

Chợ Hòa Hưng (quận 10) tạm ngừng hoạt động do liên quan đến trường hợp mắc COVID-19.

Chợ Hòa Hưng (quận 10) tạm ngừng hoạt động do liên quan đến trường hợp mắc COVID-19.

Được biết, Ban quản lý chợ Bình Thới (quận 11) đã áp dụng phát phiếu chẵn, lẻ ra vào chợ đối với người dân và tiểu thương để tránh tụ tập đông người.

Người dân phải nộp phiếu ra vào chợ. Trên thẻ có ghi thông tin về họ tên, năm sinh, địa chỉ liên hệ,.. để địa phương thuận lợi trong việc truy vết. Người dân không có phiếu sẽ không được ra vào chợ hoặc phải liên lạc với ban quản lý chợ để được cấp phiếu mới. Mỗi lượt, chỉ có 200 người dân được vào chợ mua sắm, tất cả đều phải thực hiện nghiêm quy định 5K về phòng chống dịch.

Cập nhật: Chìm trong đợt dịch Covid-19, quốc gia ĐNA đối mặt thảm cảnh giống ở Ấn Độ
Bộ trưởng Y tế Indonesia là người đi đầu trong nỗ lực kêu gọi siết chặt các quy định phòng dịch, khi số ca nhiễm Covid-19 tăng cao chưa từng có, một...

Dịch COVID-19

Hữu Huy
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức TP.HCM