Sở Y tế TP Đà Nẵng đề nghị các tổ chức, cá nhân có liên quan đến các địa điểm bên trên hãy lập tức liên hệ với cơ sở y tế gần nhất.
Sáng 2-7, Sở Y tế TP Đà Nẵng đã thông tin về 3 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tại nha khoa Lê Hưng - 143 Điện Biên Phủ, phường Chính Gián, quận Thanh Khê.
Các trường hợp này gồm: bà L.T.H (SN 1963, chủ nha khoa Lê Hưng) cùng 2 con gái (SN 1992 và 2003, cùng trú tại 143 Điện Biên Phủ). Bà H. là chủ cho thuê mặt bằng tiệm bánh Bonpas Bakery & Coffee (143 Điện Biên Phủ - khu vực phát hiện 2 bệnh nhân Covid-19 vào ngày 18 và 19-6). Bà H. cũng là chủ cơ sở dịch vụ răng giả Lê Hưng. Sở Y tế TP Đà Nẵng công bố các địa điểm có liên quan dịch tễ 3 ca bệnh trên như sau:
Khoảng 7 giờ 30 vào các ngày 21, 24 và 27-7 tại chợ Nguyễn Kim – Thanh Khê (Chị Vân bán cà chua, chị Linh bán cam, các quầy thịt, cá (không nhớ rõ). Khoảng 10 giờ ngày 22 hoặc 23-6 và khoảng 8 giờ ngày 29-6 tại Siêu thị CoopMart - 478 đường Điện Biên Phủ (các quầy thực phẩm tầng 1).
Khoảng 9 giờ 30 đến 11 giờ ngày 30-6, tại chợ Nguyễn Kim (mua gia vị ở hàng chị Tý, mua cá, mua thịt, rau (không biết quầy và tên người bán) và Siêu thị Danavi Mart - 172 Lê Đình Lý. Khoảng 16 giờ 30 ngày 1-7, tại Siêu thị Vinmart 121 Cù Chính Lan, khu vực chợ Thanh Khê.
Sở Y tế TP Đà Nẵng đề nghị các cá nhân liên quan đến các địa điểm, các bệnh nhân trên lập tức liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn các biện pháp phòng dịch.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm tiểu thương chợ Nguyễn Kim sáng 2-7
Theo Sở Y tế TP Đà Nẵng, ngày 28-6, bà H. có triệu chứng sốt và đến ngày 1-7 thì tự đến Trung tâm Y tế Thanh Khê khám bệnh và được lấy mẫu xét nghiệm. Đến 18 giờ cùng ngày thì bà này có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Ngay sau đó, ngành y tế đã triển khai ngay các biện pháp điều tra, truy vết, cách ly, xét nghiệm. Đến sáng 2-7, đã truy vết, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm 15 trường hợp F1, lấy mẫu xét nghiệm diện rộng 285 trường hợp, kết quả xét nghiệm 288 trường hợp âm tính với SARS-CoV-2, 10 trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm và 2 trường hợp dương tính là con của bà H.
Nói về dịch tễ của bà H, Sở Y tế TP Đà Nẵng lý giải, ngày 18-6, ngay khi phát hiện ca Covid-19 tại công ty nhựa Duy Tân - 145 Điện Biên Phủ, các lực lượng chức đã tiến hành nắm địa bàn, điều tra, truy vết, cách ly các trường hợp F1, F2, các trường hợp liên quan. Đồng thời, ngành chức năng đã lấy mẫu xét nghiệm diện rộng khu vực xung quanh, bao gồm 158 người đều có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, trong đó có gia đình bà H.
(Theo Người Lao Động)
Đến lần lấy mẫu thứ 4, bé 4 tuổi dương tính SARS-CoV-2
Tối 2-7, Tiến sĩ Nguyễn Văn Định, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Nghệ An, cho biết trên địa bàn tỉnh Nghệ An vừa phát hiện thêm 3 trường hợp dương tính SARS-CoV-2. Cả 3 đều là trường hợp F1 đã được cách ly từ trước.
Trường hợp thứ nhất là anh T.T.B. (SN 1999), nghề nghiệp lái xe, địa chỉ ở Thôn Tân Lộc, xã Phổ Châu, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi. Anh B. là con của bệnh nhân T.T.T. đã được công bố trước đó (liên quan chuyến xe chạy tuyến Đức Phổ, Quảng Ngãi - Móng Cái, Quảng Ninh). Ngày 22-6, anh T.T.B. được cách ly tại Trung tâm Y tế huyện Quỳnh Lưu và lấy mẫu xét nghiệm lần 1 kết quả âm tính. Ngày 1-7, anh T. được xét nghiệm lần 2 cho kết quả dương tính SARS-CoV-2.
Trường hợp thứ hai là cháu V.T.M.K. (SN 2017), địa chỉ ở Khối Tân Phượng, phường Vinh Tân, TP Vinh. Cháu K. là con của bệnh nhân V.Đ.L. đã được công bố trước đó. Ngày 24-6, cháu K. được cách ly tại Khách sạn Vinh Plaza và được lấy mẫu 3 lần các ngày 24-6, 26-6, 28-6 đều cho kết quả âm tính. Ngày 1-7, cháu K. được xét nghiệm lần 4 cho kết quả dương tính SARS-CoV-2.
Trường hợp thứ ba là ông N.Q.V. (SN 1966), nghề nghiệp làm ruộng, địa chỉ ở Xóm Vinh Xuân, xã Hưng Đông, TP Vinh. Ông V. là chồng của bệnh nhân B.T.S. đã được công bố trước đó. Ngày 27-6, ông V. được cách ly tại Trạm Y tế Hưng Đông và lấy mẫu lần 1 cho kết quả âm tính. Ngày 1-7, bệnh nhân được lấy mẫu lần 2 cho kết quả dương tính SARS-CoV-2.
Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Nghệ An đã phát hiện 112 ca dương tính SARS-CoV-2, trong đó: TP Vinh: 74 ca, Diễn Châu: 15 ca, Tân Kỳ: 1 ca, Quỳ Hợp: 5 ca, Nam Đàn: 4 ca, Đô Lương: 1 ca, Hoàng Mai: 2 ca, Nghĩa Đàn: 1 ca, Nghi Lộc: 4 ca, Quỳnh Lưu: 5 ca. Ngoài ra, tại tỉnh Nghệ An còn phát hiện 2 ca tái dương tính sau điều trị tại huyện Nghĩa Đàn và huyện Quế Phong.
(Theo Người Lao Động)
TP Vinh dừng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ 0 giờ ngày 3-7
Ngày 2-7, ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, đã quyết định về việc dừng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ chuyển sang trạng thái mới là giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ tại TP Vinh, cộng thêm các biện pháp khác.
TP Vinh sẽ chuyển sang thực hiện Chỉ thị 15 từ 0 giờ ngày 3-7 - Ảnh: Báo Nghệ An
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Nghệ An sáng 2-7, Giám đốc sở Y tế Nghệ An Dương Đình Chỉnh cho biết tính đến 11 giờ ngày 2-7, tỉnh Nghệ An ghi nhận 111 ca Covid-19 tại 11 huyện, thành, thị. Trong đó, TP Vinh ghi nhận nhiều nhất với 72 ca bệnh. Trong thời gian qua, số ca bệnh tăng nhưng chủ yếu trong khu cách ly, đặc biệt 3 ngày qua không ghi nhận ca bệnh trong cộng đồng.
Theo Giám đốc sở Y tế Nghệ An, dựa trên diễn biến dịch của những ngày gần đây, có thể dừng áp dụng Chỉ thị 16 tại TP Vinh từ 0 giờ ngày 3-7 và chuyển sang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15. Nếu dừng áp dụng Chỉ thị 16 thì công tác phòng, chống dịch phải theo phương châm khoanh vùng lớn, phong tỏa, cách ly theo diện hẹp với nguyên tắc không bỏ sót.
Chủ tịch UBND TP Vinh Trần Ngọc Tú cho biết hiên nay thành phố cơ bản đã xác định được các nguồn lây, kiểm soát được tình hình dịch. Vì thế, thành phố đề xuất dừng áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 nhằm đảm bảo phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội.
Sau khi nghe báo cáo, phân tích, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho phép nới lỏng từ thực hiện Chỉ thị 16 xuống Chỉ thị 15 đối với địa bàn TP Vinh, theo quan điểm siết chặt ngay nhưng nới lỏng từ từ. Thời gian áp dụng là từ 0 giờ ngày 3-7.
Trước đó từ 0 giờ ngày 19-6, TP Vinh đã thực hiện Cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19. Trong 14 ngày qua, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Nghệ An đã ngày đêm truy vết, khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm để khống chế các ổ dịch.
Tính đến thời điểm hiện tại, Nghệ An đã phát hiện 111 ca bệnh Covid-19, trong đó: TP Vinh: 72 ca, Diễn Châu: 15 ca, Tân Kỳ: 1 ca, Quỳ Hợp: 5 ca, Nam Đàn: 4 ca, Đô Lương: 1 ca, thị xã Hoàng Mai: 2 ca, Nghĩa Đàn: 1 ca, Nghi Lộc: 4 ca, Quỳnh Lưu: 4 ca. Ngoài ra, phát hiện 2 trường hợp tái dương tính sau điều trị tại huyện Nghĩa Đàn và Quế Phong.
(Theo Người Lao Động)
TP.HCM: Phong tỏa trụ sở UBND phường ở quận Tân Phú vì có cán bộ nghi mắc COVID-19
Ngày 2/7, UBND phường Hiệp Tân (quận Tân Phú, TP.HCM) đang tạm phong tỏa trụ sở UBND phường Hiệp Tân tại địa chỉ 75 đường Tô Hiệu để thực hiện điều tra dịch tễ sau khi có một ca nghi nhiễm là cán bộ viên chức làm việc tại phường.
UBND phường Hiệp Tân cũng phát đi thông báo những cá nhân từng đến trụ sở UBND phường này từ ngày 15/6 đến 30/6 cần liên hệ với cơ sở y tế gần nhất khai báo y tế để được hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.
Lực lượng chức năng đã phong tỏa UBND phường Hiệp Tân để điều tra dịch tễ
Tại buổi họp Ban Chỉ đạo phòng chống, dịch COVID-19 của TP.HCM vào sáng 2/7, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, số ca mắc mới trong thời gian vừa qua tại TP.HCM liên tục nằm ở mức 3 con số, đặc biệt có những ngày ghi nhận trên 500 trường hợp bệnh nhân. Ông Bỉnh nhận định, nguyên nhân là do tác nhân gây bệnh là chủng virus Delta có đặc tính lây nhiễm mạnh. Đợt dịch này lây nhiễm, bùng phát trong hàng xóm, gia đình, nơi làm việc, đặc biệt các tòa nhà văn phòng, cơ sở chế biến thực phẩm đông lạnh...
“Các ca khám bệnh lúc đầu chỉ vài ca, từ các ca chỉ điểm rồi phát hiện thêm các ổ dịch trong cụm dân cư, khu nhà trọ tại vùng ven, cụm dân cư huyện ngoại thành. Từ đây xâm lấn vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, ông Bỉnh chia sẻ.
Tính từ 27/4 đến nay, TP.HCM có 4.721 ca và đứng thứ 2 cả nước sau Bắc Giang. TP.HCM đang là điểm nóng về dịch khi liên tục ghi nhận các ca mắc mới và chưa có dấu hiệu được kiểm soát.
Sở Y tế TP.HCM cho biết chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 4 (từ ngày 21/6 đến 29/6) có tổng số 938.462 người đến tiêm theo danh sách phân bố, trong đó có 109.465 người hoãn tiêm, 828.997 người được tiêm.
(Theo Dân Việt)
TP HCM: Tám chuỗi lây nhiễm Covid-19 đáng lưu ý
Sở Y tế TP HCM ngày 2-7 cho biết TP đang có 8 chuỗi lây nhiễm Covid-19 đáng lưu ý. Cụ thể:
1- Chuỗi lây nhiễm tại nhà máy Công ty Nidec Sankyo ở Khu công nghệ cao, TP Thủ Đức, có 1 trường hợp dương tính qua khám bệnh tại Bệnh viện Quân dân y Miền Đông vào ngày 28-6. Ngành y tế đã khoanh vùng, truy vết và lấy mẫu xét nghiệm cho 2.800 công nhân.
Một địa điểm phong tỏa tại huyện Hóc Môn vì liên quan ca mắc Covid-19. (Ảnh: HUẾ XUÂN)
2- Chuỗi lây nhiễm tại công ty có trụ sở ở tòa nhà trong hẻm 42 Ung Văn Khiêm, phường 25, quận Bình Thạnh, sau khi ghi nhận một nhân viên làm tại công ty có dấu hiệu ho, sốt và làm xét nghiệm, kết quả test nhanh dương tính với SARS-CoV-2 vào sáng 28-6. 81 nhân viên công ty đã liên hệ Bệnh viện FV làm xét nghiệm, kết quả xác định 20 ca dương tính.
3- Chuỗi lây nhiễm tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, ghi nhận vào ngày 30-6 với 25 ca Covid-19, gồm 17 bệnh nhân và 8 thân nhân, đều thuộc Khu B - nơi điều trị bệnh nhân lao kháng thuốc và HIV. Nguồn lây có thể xuất phát từ bên ngoài thông qua một người nuôi bệnh mắc Covid-19 trú tại Bình Tân.
4- Chuỗi lây nhiễm tại cửa hàng Satra Food (20-22 Châu Văn Liêm, phường 10, quận 5), được phát hiện dương tính SARS-CoV-2 vào ngày 26-6 qua tầm soát. Từ đó ghi nhận tổng cộng 10 ca dương tính, gồm 2 người nhà, 5 nhân viên cửa hàng và 3 người là người nhà của nhân viên cửa hàng. Ngày gần nhất ghi nhận ca mắc mới là 28-6.
5- Chuỗi lây nhiễm tại chợ đầu mối Hóc Môn - chợ Sơn Kỳ - chợ Tân Hương
- Chợ đầu mối Hóc Môn ghi nhận tổng cộng 58 trường hợp. Ca bệnh đầu tiên được phát hiện vào ngày 12-6 qua khám sàng lọc tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí. Từ ngày 17-6 đến 26-6, phát hiện 44 ca dương tính là tiểu thương của chợ, người lấy hàng từ chợ này về bán lẻ ở chợ khác và người nhà của các ca bệnh.
- Chợ Sơn Kỳ, quận Tân Phú: Ngày 19-6, từ 4 tiểu thương của chợ Sơn Kỳ (trong đó có 3 tiểu thương đến chợ đầu mối Hóc Môn lấy hàng), tầm soát diện rộng phát hiện tổng cộng 44 tiểu thương, 13 người nhà và 26 người sống trong khu vực chợ, 7 người từ khu vực khác đến chợ Sơn Kỳ để mua hàng - tổng cộng 91 ca xác định.
- Chợ Tân Hương, quận Tân Phú: Sáng 25-6 phát hiện 1 trường hợp tiểu thương bán trái cây tại chợ Tân Hương, lấy hàng tại chợ đầu mối Hóc Môn, tự khai báo y tế ngày 24-6 theo thông tin của HCDC và được lấy mẫu xét nghiệm. Hiện chuỗi này chưa ghi nhận thêm ca mắc mới.
6- Chuỗi lây nhiễm liên quan chợ Bình Điền, quận 8 ghi nhận vào ngày 16-6 từ 1 bệnh nhân là bốc xếp tại chợ qua tầm soát tại Bệnh viện Nguyễn Trãi. Đến nay, ghi nhận tổng cộng 56 ca (2 bốc xếp chợ cá, 8 tiểu thương, 13 người mua hàng, 32 người nhà).
7- Chuỗi lây nhiễm ở vựa ve chai đường Đề Thám, quận 1: Ngày 15-6 tại Bệnh viện Nguyễn Trãi, qua tầm soát phát hiện 1 bệnh nhân là người lượm ve chai tại địa chỉ trên. Từ bệnh nhân này, đến nay đã có 145 ca xác định đều là những người thu lượm ve chai.
8- Chuỗi liên quan Công ty Lạc Tỷ An Lạc, quận Bình Tân: Ngày 21-6, 2 bệnh nhân đến khám sàng lọc tại Bệnh viện Gia An 115 - gồm 1 nhân viên công ty và 1 người nhà đi cùng - phát hiện dương tính SARS-CoV-2. Từ đó phát hiện tổng cộng 91 ca xác định (gồm 63 nhân viên công ty, 28 người nhà).
(Theo Người Lao Động)
Hải Phòng: Mẹ của một F0 qua 3 lần xét nghiệm mới phát hiện dương tính
Ngành y tế TP Hải Phòng vừa thông tin, trường hợp thứ 11 dương tính với SARS-CoV-2 liên quan tới 2 ca mắc COVID-19 đi từ Phan Thiết về Vĩnh Bảo (Hải Phòng) là mẹ của bệnh nhân số 16181.
Theo điều tra dịch tễ, từ ngày 14/6 đến 24/6/2021, chị N.Th.Th (SN1987, làm công nhân Công ty May M.C, tại xã Lý Học, Vĩnh Bảo, Hải Phòng) từng tiếp xúc gần với 2 cháu đi từ Phan Thiết về là BN14452 và BN14454. Ngay sau khi ngành y tế thành phố ghi nhận 2 ca mắc này, chị Th cùng người thân trong gia đình đã được đưa đi cách ly tập trung theo diện F1.
Thêm 1 F1 dương tính với SARS-CoV- 2 là mẹ của BN16181
Qua 2 lần xét nghiệm (25/6 và 28/6), chị Th đều nhận kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Chiều tối 1/7, tại lần xét nghiệm thứ 3, kết quả cho thấy chị Th đã dương tính.
Liên quan 3 ca mắc COVID-19 đi từ phía Nam về Hải Phòng (BN14452 & BN14454), tính đến đêm 1/7/2021 huyện Vĩnh Bảo đã ghi nhận 6 F1 nhảy lên F0 trong đó có 3 người trong cùng một gia đình ở xã Lý Học, Vĩnh Bảo dương tính với SARS-CoV-2.
Hiện bệnh nhân Th đang được cách ly y tế tại BV Trẻ em Hải Phòng do chăm sóc con là BN16181 đang điều trị tại đây.
Sau khi phát hiện bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2, ngành y tế và các địa phương tập trung triển khai các biện pháp phòng chống dịch, tiếp tục điều tra truy vết, cách ly y tế đối với F1, F2 và phun thuôc khử khuẩn, xử lý ổ dịch.
Như vậy, từ ngày 24/6 đến hết ngày 1/7, TP Hải Phòng đã ghi nhận 11 ca mắc COVID-19 trong đợt này. Trong đó, huyện Vĩnh Bảo có 8 ca. Huyện Vĩnh Bảo tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời thực hiện phong tỏa nghiêm ngặt tại khu vực các ca bệnh sinh sống tại các xã Cộng Hiền, Lý Học và Hòa Bình.
(Theo Gia đình & Xã hội)
Ấn Độ: Bệnh nhân Covid-19 đối mặt hiểm họa mới
Theo SCMP, 7 ca nhiễm virus cytomegalo (CMV) được phát hiện ở thành phố Mumbai, Ấn Độ. Các trường hợp nhiễm đều là người khỏi Covid-19, ở độ tuổi từ 30-70, gây viêm và tích tụ chất dịch trong phổi.
Ở thủ đô New Delhi, 5 trường hợp nhiễm CMV được ghi nhận tại bệnh viện Ganga Ram, liên quan đến xuất huyết ở đường tiêu hóa và tắc ruột.
“3 trong số 5 người này bị tổn thương nặng, cần phẫu thuật khẩn cấp, cắt bỏ phần bên phải của đại tràng. Trong quá trình phẫu thuật, một người đã không qua khỏi”, bệnh viện cho biết.
Bác sĩ Ấn Độ theo dõi tình trạng sức khỏe của một bệnh nhân Covid-19.
Các bác sĩ tại bệnh viện Ganga Ram nghi ngờ steroid được sử dụng để điều trị bệnh nhân Covid-19 là nguyên nhân gây ra hầu hết các trường hợp nhiễm CMV, do làm suy yếu hệ miễn dịch. Steroid cũng là một yếu tố gây ra các ca nhiễm nấm đen.
Tuy nhiên, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại Mumbai, bác sĩVasant Nagvekar cảnh báo cần theo dõi tất cả các loại bệnh nhiễm trùng ở những trường hợp khỏi Covid-19.
“Nguyên nhân không đơn thuần là do steroid hay ở những người mắc bệnh tiểu đường. Covid-19 có khả năng ức chế miễn dịch nghiêm trọng, mở ra cơ hội cho các bệnh nhiễm trùng xâm nhập ”, ông Nagvekar nói.
Bác sĩ Able Lawrence, giáo sư miễn dịch học tại Viện Khoa học Y khoa Sau Đại học Sanjay Gandhi ở Lucknow, không ngạc nhiên khi các bệnh nhân khỏi Covid-19 ở Mumbai và Delhi bị nhiễm trùng do CMV.
“CMV có thể khiến bệnh nhân chuyển sang giai đoạn nặng của Covid-19 và Covid-19 có thể khiến bệnh nhân nhiễm CMV. Đó là mối quan hệhai chiều”, Lawrence nói. “Tin tốt là viêm phổi do CMV có thể được điều trị”.
Dịch bệnh nấm đen hiện vẫn là căn bệnh nguy hiểm nhất đối với những trường hợp khỏi Covid-19 ở Ấn Độ. Ước tính có gần 41.000 ca nhiễm nấm đen ở Ấn Độ.
Trong một diễn biến khác, 51 ca nhiễm biến thể Delta+ đã được ghi nhận ở Ấn Độ trong vài tuần qua. Các nhà khoa học Ấn Độ vẫn đang tìm hiểu biến thể Delta+ có lây nhiễm nhanh hơn hay gây ra triệu chứng nặng hơn hay không.
(Theo Dân Việt)
Đồng Nai ghi nhận F2 dương tính với SARS-CoV-2, làm việc tại Khu công nghệ cao TP.HCM
Sáng 2/7, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai (CDC Đồng Nai) cho biết, trên địa bàn phường Tân Vạn, TP Biên Hòa vừa phát hiện 1 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Theo đó, ca nghi nhiễm được xác định là anh N.H.T. (21 tuổi, ngụ phường Tân Vạn), làm việc tại Công ty TNHH Jabill VN (Khu công nghệ cao, TP Thủ Đức, TP.HCM).
Lực lượng chức năng phong tỏa tại khu vực khu phố 2, phường Tân Vạn.
Theo điều tra dịch tễ ban đầu, ngày 22/6, anh T. cùng toàn bộ nhân viên công ty tiêm vắc xin COVID-19. Đến ngày 26/6, anh nghỉ phép tại nhà, trước khi nghỉ có test nhanh cho âm tính.
Ngày 28/6, công ty phát hiện 10 trường hợp F0 qua xét nghiệm sàng lọc, anh T. được xác định là F2 nhưng không khai báo y tế cho địa phương mà tự cách ly tại nhà. Thời gian này anh T. có tiếp xúc với 4 người trong gia đình.
Sau khi có triệu chứng ho nhẹ, sáng 1/7 anh T. đến khu sàng lọc Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai (phường Thống Nhất, TP Biên Hòa) khám. Kết quả 2 lần test nhanh đều dương tính.
Ngay sau đó, bệnh nhân đã được đưa đi cách ly, lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp PCR và có kết quả dương tính với SARS-VoV-2.
Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai đã phong tỏa tạm thời khu vực khám sàng lọc, tạm ngưng hoạt động khám và điều trị ngoại trú, tạm ngưng tiếp nhận bệnh nhân mới. Tất cả nhân viên và người bệnh, thân nhân tại các khoa phòng tạm thời không ra khỏi khuôn viên bệnh viện. Sau khi triển khai các biện pháp phòng chống dịch và phun khử khuẩn, bệnh nhân vào viện được sàng lọc ngay từ đầu, không có nguy cơ lây nhiễm nên bệnh viện Hoàn Mỹ ITO đã hoạt động lại bình thường.
Liên quan ca bệnh trên, UBND TP Biên Hòa đã đề nghị thiết lập một chốt phong tỏa tại khu vực khu phố 2, phường Tân Vạn gồm một phần tổ 18 với khoảng 8 hộ dân, 48 nhân khẩu. Thời gian phong tỏa 21 ngày, bắt đầu 18h tối 1/7.
Từ ngày 26/6 đến nay, Đồng Nai ghi nhận 34 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó, 32 ca liên quan đến ổ dịch tại chợ đầu mối Hóc Môn, tập trung chủ yếu tại huyện Thống Nhất và một số ca ở TP Biên Hòa và huyện Trảng Bom.
(Theo Dân Việt)
Hàng trăm học sinh là F0 và F1 sẽ thi tốt nghiệp THPT đợt 2
Thông tin tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2021, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, do đó Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt ra mục tiêu tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh; diễn ra nghiêm túc, an toàn, chất lượng, trung thực và đúng quy chế.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: "Bộ xác định sức khỏe của thí sinh và cán bộ coi thi là ưu tiên số 1 nên đã xây dựng các phương án phòng, chống dịch và tổ chức kỳ thi theo đúng quy chế".
Ảnh minh họa: Nhân Dân.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ thông tin, Bộ sẽ tổ chức đợt thi thứ 2 cho tất cả các thí sinh là đối tượng F1, F2; thí sinh là F0 sẽ khỏi bệnh trong thời gian tới; thí sinh ở trong khu vực giãn cách, phong tỏa theo quy định.
"Như vậy thí sinh dự thi đợt 1 của kỳ thi diễn ra từ ngày 7/7 là đối tượng an toàn dịch tễ, không nằm trong các đối tượng nêu trên. Một số địa phương có điều kiện bảo đảm an toàn tuyệt đối mà thí sinh thuộc diện F2 có nguyện vọng dự thi đợt 1 thì Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh sẽ quyết định đồng ý hay không đồng ý thí sinh diện F2 tham gia dự thi", Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.
Theo thống kê toàn quốc của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến 18h ngày 30/6, số lượng thí sinh thuộc trường hợp F0 là 33 học sinh, F1 là 272 học sinh, F2 là 836 học sinh; cả nước có 17.000 thí sinh đủ điều kiện dự thi nhưng đang trong khu vực phong tỏa. Riêng thành phố Hồ Chí Minh có 16 thí sinh là F0, 61 thí sinh là F1 và 204 thí sinh là F2, thí sinh thuộc diện phong tỏa là 991 học sinh. Thành phố sẽ tổ chức thi đợt 1, tất cả thí sinh tham dự kỳ thi sẽ được xét nghiệm, nếu cho kết quả âm tính thí thí sinh sẽ được tham gia kỳ thi.
(Theo Gia đình & Xã hội)
Đình chỉ cán bộ CDC Hải Dương làm giả giấy xác nhận xét nghiệm Covid-19
Sáng 2/7, ông Nguyễn Phúc Thiện - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương cho biết: Giám đốc CDC Hải Dương đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Nguyễn Tùng Lâm (SN 1988, trú tại phường Quang Trung, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương), là nhân viên Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng.
Thời gian tạm đình chỉ 15 ngày kể từ 29/6 để phục vụ điều tra, xác minh những vi phạm về việc không tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn, nghiệp vụ trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp.
Nguyễn Tùng Lâm tại cơ quan công an
Theo tường trình, từ cuối tháng 5/2021 đến nay, Nguyễn Tùng Lâm được phân công vào làm việc tại phòng tách chiết, Khoa Xét nghiệm – Chẩn đoán hình ảnh – Thăm dò chức năng. Trong quá trình làm việc, Lâm được nhiều người quen đi làm ở các tỉnh xa nhờ lấy mẫu làm xét nghiệm SARS-CoV-2, Lâm đã đến tận nơi lấy mẫu, không thông qua dịch tễ mà tự mang về làm xét nghiệm.
Lợi dụng việc xét nghiệm mẫu gộp, Lâm đã mang mẫu thẳng phòng tách chiết để tách mẫu, sau đó gộp chung với các mẫu khác không có nguy cơ cao để chạy trên hệ thống Realtime-PCR. Khi có kết quả âm tính, Lâm soạn mẫu trả kết quả và cắt ghép chữ ký của lãnh đạo trung tâm trên máy vi tính vào rồi in ra. Sau đó, chờ sơ hở của bộ phận văn thư, Lâm đã lấy dấu của Trung tâm tự đóng vào giấy và trả kết quả cho người được lấy mẫu.
Từ cuối tháng 5/2021 đến ngày 28/6, Nguyễn Tùng Lâm đã nhận làm cho khoảng 40 trường hợp, trong đó có 7 trường hợp đi qua chốt kiểm soát dịch ở thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Đối với 7 trường hợp bị lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh phát hiện, CDC Hải Dương đã tiến hành đối chiếu, kiểm tra và đều không tìm thấy trong hệ thống lấy mẫu, kiểm soát thông tin, nhận mẫu, lập ma trận, áp mã, làm xét nghiệm và trả kết quả của Khoa.
Trước đó, khoảng 21h30 ngày 26/6, Công an thị xã Quảng Yên phát hiện một xe cứu thương chở 5 người đi qua chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 tại cầu Bạch Đằng, nhưng không khai báo y tế theo quy định.
Qua điều tra ban đầu, những người này khai nhận được Nguyễn Tùng Lâm là cán bộ của CDC tỉnh Hải Dương xét nghiệm và cấp giấy kết quả xét nghiệm để sử dụng đi qua chốt kiểm dịch. Cơ quan công an đã quyết định tạm giữ Lâm để tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc.
CDC Hải Dương đã báo cáo sự việc lên Sở Y tế Hải Dương để có hình thức xử lý nghiêm theo quy định.
(Theo Báo Giao thông)
Tại sao không thí điểm cách ly F0, F1 tại nhà ở Hà Nội, Đà Nẵng?
Hôm qua, TP HCM chính thức cho thí điểm cách ly F1 tại nhà. Sau đó, Bộ Y tế sẽ đánh giá trước khi cho thực hiện trên toàn quốc.
Đây là mong mỏi của nhiều người nhằm giảm áp lực lây nhiễm tại các khu cách ly tập trung.
Mặc dù tiêu chuẩn cách ly tại nhà như Bộ Y tế công bố được nhiều người đánh giá là “khó hơn lên giời” nhưng cá nhân tôi cho rằng như thế là cần thiết.
Một giải pháp đột phá cần có bước đi thận trọng. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm và điều chỉnh sẽ an toàn hơn.
Biến chủng virus mới có khả năng lây lan nhanh nên nguy cơ lây nhiễm rất cao.
Nếu người cách ly không tuân thủ nghiêm thì việc lây nhiễm ra dân cư xung quanh sẽ vô cùng nghiêm trọng.
Cùng suy nghĩ này, tôi tự hỏi tại sao Bộ Y tế lại cho thí điểm cách ly F1 tại các điểm nóng như: Bắc Giang, TP HCM và Bình Dương mà không phải là Hà Nội, Đà Nẵng hoặc những tỉnh, thành vẫn có ca nhiễm mới nhưng đã kiểm soát tốt tình hình?
Tại những địa phương này, chính quyền và ngành y tế mới có đủ nguồn lực để chuẩn bị và giám sát chặt chẽ các khu thí điểm.
Nếu có xảy ra lây nhiễm thì bộ máy hoàn toàn có thể ứng phó tốt mà không đổ thêm gánh nặng lên hệ thống đang phải gồng mình chống dịch.
Thậm chí, tại các địa phương này, có thể thí điểm cho cách ly F0 tại nhà.
Tất nhiên phải đi kèm các điều kiện giống như F1 và chặt chẽ hơn nữa.
Hiện nay, cách ly tại nhà, F1 phải thực hiện đủ chu trình 28 ngày trong điều kiện nhà riêng, phòng riêng với khu vệ sinh khép kín. Không dùng điều hòa trung tâm, không tiếp xúc với người trong gia đình, thường xuyên khử khuẩn phòng ốc, vật dụng, vứt rác theo quy trình… Trong 28 ngày, được lấy mẫu xét nghiệm ít nhất 5 lần.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc cách ly tại nhà sẽ khả thi và ít nguy cơ lây nhiễm hơn nếu cho các F1 tự xét nghiệm bằng các bộ xét nghiệm nhanh và được giám sát bằng công nghệ như vòng đeo tay điện tử, camera theo dõi. Chỉ khi xét nghiệm PCR mới cần nhân viên y tế đến nhà lấy mẫu.
Từ 29/6, huyện Bàu Bàng (Bình Dương) đã thí điểm trường hợp F1 đầu tiên cách ly y tế tại nhà
Hãy thử hình dung nếu có nhiều điểm cách ly tại nhà, sẽ phát sinh hàng trăm nhân viên y tế phải đi vào từng ngõ ngách, con phố để xét nghiệm mỗi ngày. Chưa kể còn phát sinh bộ máy giám sát tại địa phương để đảm bảo người cách ly tại nhà không tự ý đi ra cộng đồng.
Đây vừa là gánh nặng vừa là nguy cơ gây lây nhiễm rất khó kiểm soát.
Việt Nam đã có gần 2 năm chống dịch, trong cơn sóng Covid-19 lần thứ tư này, đa số bệnh nhân nhiễm virus có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng.
Điều này khiến cách đánh trận cần phải thay đổi. Không nên coi bệnh dịch như ngáo ộp để đóng băng các hoạt động kinh tế nhưng cũng không vì thế mà hấp tấp nới lỏng hoặc áp dụng các giải pháp mới chưa được thí điểm thận trọng.
Cần hết sức bình tĩnh và linh hoạt, bước qua giai đoạn “chống dịch như chống giặc” để “chống dịch như chống dịch” với mục tiêu kép.
Xin nhắc lại, chỉ còn 5 tháng nữa là hơn 50% dân số sẽ được tiêm chủng và đạt miễn dịch cộng đồng theo lộ trình Chính phủ công bố. 5 tháng này không được phép mắc sai lầm trong chiến thuật chống dịch.
(Theo Người Lao Động)