Bị vợ càm ràm sau bữa nhậu, người chồng tưới xăng quanh nhà dọa vợ. Tuy nhiên, điều chồng không ngờ là ngôi nhà quá nhỏ, dù chưa phóng hỏa thì xăng đã tự chảy vào bếp khiến ngôi nhà nhanh chóng chìm trong biển lửa.
Buổi sáng định mệnh
Khoa Bỏng (Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP Hồ Chí Minh) đã tiếp nhận từ Bệnh viện Đa khoa Bình Định trường hợp bé Đinh Thị Diệu Mai (6 tuổi, người dân tộc Ba Na, trú tại xã An Toàn, huyện An Lão, tỉnh Bình Định) trong tình trạng toàn thân bị bỏng nặng.
Chị Đinh Thị Liếu (26 tuổi), mẹ của bé Mai trào nước mắt khi kể lại câu chuyện đau lòng xảy ra từ trước Tết. Bình thường, anh Đinh Văn Hiệp (29 tuổi) là chồng chị Mai hay uống rượu, mỗi lần uống rượu thì khuya mới về, bỏ bê mọi việc. Chị khó chịu vì chuyện nhậu nhẹt say xỉn của chồng nên nhiều lần cự cãi, dẫn tới mâu thuẫn.
Trước thời điểm xảy ra vụ cháy, anh Hiệp đi uống rượu tới khuya, khi về chân nam đá chân chiêu. Sáng hôm sau, chị Liếu dậy sớm nổi lửa nấu cơm chuẩn bị cho con gái đi học mẫu giáo như mọi ngày. Trong lúc chờ cơm chín, chị gọi bé Mai dậy vừa chải tóc cho con, vừa gọi chồng dậy. Anh Hiệp do về muộn nên tỏ ra mệt mỏi, vừa cố ngủ nướng, vừa lèm bèm chửi vợ. Thấy vậy, chị Mai như mọi lần cũng càm ràm lại, dẫn tới mâu thuẫn giữa hai vợ chồng.
Bé Mai đang nằm tại Phòng 206 - Khoa Bỏng, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP Hồ Chí Minh.
Chị Mai bưng mặt khóc, xót xa kể lại: “Tưởng hai vợ chồng sáng đó cãi nhau như mọi lần rồi thôi, ai lo việc nấy. Lần này không hiểu sao anh Hiệp lại nghĩ tới chuyện đốt nhà và trong lúc tức giận đã vớ luôn can xăng tích trữ mua về để dành chạy xe máy đi dần (bởi ở miền núi trạm xăng ở xa), vẩy xăng khắp nhà. Có lẽ anh ấy tính dọa cho vợ chừa thói càm ràm buổi sáng mỗi khi anh đi về khuya. Nhưng người chồng không ngờ ngôi nhà chỉ rộng 10m2, gồm cả bếp và nơi ăn, ngủ, nên khi vừa vẩy xong xăng, chưa kịp bật lửa thì xăng đã chảy vào bếp. Căn nhà nhỏ nhanh chóng chìm trong biển lửa.
Chị Liếu chỉ kịp ôm đứa nhỏ nhanh chân vọt ra ngoài, cũng kịp nhìn thấy anh Hiệp hốt hoảng xông lại bế con gái và bị té ngã. Cửa nhà vẫn khóa, bé Mai quá nhỏ nên không mở được cửa, cứ thế gào khóc trong khói lửa. Nghe tiếng con gái kêu khóc, chị Liếu lật đật lộn vào đám khói lửa quờ quạng bế con chạy ra ngoài thì Mai đã bị bỏng nặng. Đặt con xuống đất, chị lại lộn vào đám lửa tìm chồng, mãi mới quờ thấy anh Hiệp đang trùm chăn trong góc nhà (có lẽ sau lúc bị ngã, anh Hiệp sợ quá chỉ kịp vớ tấm mền trùm lên người). Thế là chị vừa kêu cứu, vừa kéo anh ra khỏi nhà. Lúc này xóm giềng cũng đổ tới đua nhau dập lửa giúp và đưa cha con anh Hiệp đi bệnh viện.
Sinh con lành giờ thành tàn phế
Chị Đinh Thị Liếu – mẹ của bé Mai. Ảnh: M.Trang
Từ hôm xảy ra tai họa, chị Liếu phải gửi bé trai 2 tuổi ở quê để túc trực chăm sóc bé Mai ở hết bệnh viện tỉnh, rồi vào Bệnh viện Nhi Đồng 1. Bản thân anh Hiệp cũng bị bỏng độ 3-4, diện tích bỏng 60% đang tiếp tục chữa trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, gia đình phải cắt cử nhau chăm sóc. Theo các bác sĩ chuyên khoa bỏng, lúc anh Hiệp được đưa vào bệnh viện từng được tiên lượng sẽ không qua khỏi. Nhưng sau mấy tháng điều trị, tình hình sức khỏe của anh Hiệp tiến triển tốt và dự kiến sẽ được ghép da.
Anh Đinh Văn Lọc, chú của bé Mai cho biết: Bé Mai được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Bình Định được một tuần, các bác sĩ thấy bé bị bỏng quá nặng (bỏng lửa xăng độ 4 – 5, diện tích bỏng hơn 60%), nên các bác sĩ đã làm thủ tục chuyển tuyến vào chữa trị ở Bệnh viện Nhi Đồng 1. Tại đây, các bác sĩ nhận định: Đôi chân bé Mai đã bị bỏng nặng và cháy không thể cứu được, nếu để lâu sẽ làm cơ thể nhiễm trùng. Để cứu bé Mai, các bác sĩ đã hội chẩn và quyết định tháo khớp đầu gối cả hai chân để bảo vệ mạng sống cho bé. Các bác sĩ phải cắt cụt tới đầu gối cả hai chân của bé.
Theo các bác sĩ chuyên khoa bỏng, bình thường điều trị cho bệnh nhân bỏng sẽ cần trải qua các giai đoạn: Chống sốc bỏng (bù dịch, điện giải); chống nhiễm trùng nhiễm độc (dùng kháng sinh đặc hiệu); phục hồi lành vết thương (tăng cường các chất bổ, nâng cao sức đề kháng); phục hồi chức năng, vật lý trị liệu (ngồi, đi, đứng, tập vận động các khớp). Với trường hợp bé Mai thì rất khó khăn, bởi nỗi đau bé đang phải gánh chịu hàng ngày và sau này không thể diễn tả được.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quang Vinh, Trưởng khoa Ngoại Chấn thương - Bỏng, bé Mai hiện đã ra khỏi phòng cấp cứu, nhưng vẫn tiếp tục được điều trị trong phòng hồi sức, cách ly. Dù điều trị thành công, bảo toàn tính mạng nhưng di chứng để lại cho bé Mai rất nặng nề cả thể xác và tinh thần. Với các bệnh nhi, sức đề kháng kém, khi bị bỏng thường bị nhiễm trùng, nhiễm độc, nặng hơn là nhiễm trùng huyết… thậm chí dễ dẫn đến tử vong.
Chị Liếu chia sẻ, việc điều trị bỏng cho bé Mai không hề dễ dàng, nhưng do được các bác sĩ tích cực điều trị, nên tình trạng bỏng của bé đã được cải thiện. Bé lại có bảo hiểm y tế của đồng bào dân tộc nên chi phí bớt tốn kém hơn so với người không có bảo hiểm. Nhưng chị Liếu chấm nước mắt cho biết: “Bình thường hai vợ chồng đi làm thuê làm mướn để nuôi con ăn học. Từ hôm hai cha con nằm viện tới nay chị không thể đi làm được vì phải theo con đi viện. Nhà đã nghèo, chi phí ăn uống, chăm nom, thuốc men thời gian này đã làm gia sản của gia đình khánh kiệt, hoàn cảnh gia đình đã khó khăn càng thêm khó khăn hơn”.
Tội của người cha sẽ bị pháp luật xử lý. Nhưng với bé Mai, mọi chuyện về tương lai đều mịt mờ… dù bé chưa thể hiểu hết nỗi đau khi mất đi đôi chân.