“Công hàm của Trung Quốc lưu hành ở Liên Hợp Quốc xuyên tạc sự thật, vu khống tàu Việt Nam đâm vào tàu Trung Quốc”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia nói.
Tại cuộc họp báo quốc tế về vấn đề Biển Đông chiều 5/6, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã công bố nhiều video chứng minh tàu Trung Quốc hung hãn, đâm tàu Việt Nam nhiều lần.
Ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia Việt Nam nói: “Thực chất nội dung công hàm của Trung Quốc lưu hành ở Liên Hợp Quốc là xuyên tạc sự thật, bóp méo tình hình thực tế. Trung Quốc không đưa được hình ảnh nào cho thấy tàu Việt Nam tấn công tàu Trung Quốc. Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ luận điệu của Trung Quốc. Hình ảnh tàu Trung Quốc cố tình đâm va vào tàu Việt Nam cũng đã được phương tiện thông tin đại chúng của Trung Quốc đưa tin công khai. Như vậy, Trung Quốc đã thừa nhận hành động của họ. Việt Nam chỉ có tàu dân sự và thực thi pháp luật như đã thông báo”.
Quang cảnh cuộc họp báo quốc tế về vấn đề Biển Đông chiều 5/6
Trước đó, tại một cuộc họp báo ở Trung Quốc, phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã nói Việt Nam cử nhiều tàu chủ động đâm hơn 120 lần vào tàu Trung Quốc, đe dọa an ninh hàng hải. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã gửi công hàm tại Liên Hợp Quốc để phản đối Việt Nam.
Ông Trần Duy Hải cho biết, hơn 1 tháng qua, kể từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và toàn bộ tàu hộ tống ra khỏi khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đến nay đã có trên 30 cuộc trao đổi giữa hai nước. Cộng đồng quốc tế đánh giá cao sự kiềm chế của Việt Nam và lên án mạnh mẽ Trung Quốc. Trung Quốc không những không dừng lại mà còn có lời lẽ vu cáo Việt Nam và tiếp tục có hành động leo thang mới, mở rộng phạm vi hoạt động của giàn khoan, di chuyển giàn khoan sang vị trí mới.
Ông Hải cho biết, Trung Quốc gia tăng tàu hộ tống các loại, có lúc lên 140 tàu, gồm tàu quân sự, hộ vệ tên lửa, tấn công nhanh… cùng nhiều máy bay chiến đấu. Các tàu của Trung Quốc có hành vi hung hăng, chủ động tấn công, phun vòi rồng công suất cao vào tàu dân sự của Việt Nam, gây hư hỏng nhiều tàu, nhiều cán bộ bị thương. Đặc biệt, tàu Trung Quốc còn đâm chìm tàu cá của Việt Nam và ngăn cản tàu Việt Nam cứu hộ những ngư dân trên tàu bị chìm.
Ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, cho biết, Trung Quốc sử dụng lực lượng tàu bảo vệ đông đảo, thường xuyên có 40 đến 140 chiếc gồm các tàu hải cảnh, hải giám, hải tuần, và các tàu dịch vụ phục vụ cho hạ đặt giàn khoan. Khi tàu Cảnh sát biển, Kiểm ngư Việt Nam tiếp cận giàn khoan thì bị tàu Trung Quốc bao vây bốn bên, sử dụng tàu có khả năng cơ động cao đâm thẳng vào tàu Việt Nam.
Ông Thu cho hay, Trung Quốc còn sử dụng máy phát âm tần, đèn pha công suất lớn chĩa về tàu Việt Nam. Dụng cụ này gây ảnh hưởng tới sức khỏe và tâm lý của kiểm ngư viên Việt Nam. Tàu Trung Quốc đã làm hư hỏng 24 tàu thực thi pháp luật của Việt Nam, trong đó có 19 tàu Kiểm ngư, 5 tàu Cảnh sát biển. Trong khi đó, Việt Nam chỉ đưa ra hiện trường một số lượng tàu hạn chế. Lực lượng tàu Việt Nam thực hiện tuyên truyền, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan bằng loa phóng thanh, biểu ngữ. Việt Nam không sử dụng các hình thức khác trên hiện trường. Dù bị tàu Trung Quốc đâm va, phun nước gây ảnh hưởng, lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam hết sức kiềm chế nhưng vẫn thực thi quyền chủ quyền, quyền tài phán trên biển.
Giàn khoan Hải Dương 981
Một số câu hỏi đáp tại buổi họp báo:
Báo Tiền Phong: Trung Quốc nhiều lần di chuyển giàn khoan, vì sao di chuyển nhiều lần như vậy?
Ông Ngô Ngọc Thu: Trung Quốc hạ đặt giàn khoan ở khu vực cách đảo Tri Tôn 17 hải lý, sau đó di chuyển tới địa điểm mới. Đây là giàn khoan nước sâu, việc định vị giàn khoan vào đúng vị trí để khoan được có thể dịch chuyển 100 – 200m là chuyện bình thường. Cho tới nay, vị trí của giàn khoan này đã ổn định.
“Việc duy trì hòa bình, ổn định của khu vực là lợi ích, trách nhiệm của các quốc gia trong và ngoài khu vực. Hoa Kỳ là một cường quốc trên thế giới. Thời gian qua Hoa Kỳ đã có tiếng nói nhằm đóng góp vào ổn định, hòa bình của khu vực. Chúng tôi mong muốn Hoa Kỳ có tiếng nói mạnh mẽ, thiết thực hơn, đóng góp vào việc giữ vững an ninh hàng hải khu vực và giải quyết các vấn đề thông qua luật pháp quốc tế”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình
Báo Tuổi Trẻ: Việt Nam đã rất kiên trì theo đuổi biện pháp hòa bình, tuy nhiên Trung Quốc không hề có ý định xuống thang. Việt Nam có biện pháp gì tiếp theo?
Vừa qua, phát biểu của các nước lớn như: Mỹ, Nhật Bản khiến đại diện Trung Quốc bất bình, phát ngôn của Trung Quốc không tôn trọng luật pháp quốc tế. Việt Nam đánh giá như thế nào về vai trò của cộng đồng quốc tế?
Ông Trần Duy Hải: Hơn 1 tháng qua, Việt Nam đã nỗ lực ngoại giao giải quyết tình hình. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn bất chấp, tiếp tục có hành động leo thang mới. Việt Nam sẽ tiếp tục các biện pháp đấu tranh hòa bình. Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực ngoại giao hơn nữa với Trung Quốc để giải quyết vấn đề. Việt Nam vẫn phải cân nhắc các biện pháp tiếp theo để bảo vệ chủ quyền.
Cộng đồng quốc tế đã có tiếng nói rất mạnh mẽ, có lẽ đây là lần đầu tiên cộng đồng quốc tế có phản ứng mạnh mẽ như vậy trong vài chục năm vừa qua. Tôi cho rằng tiếng nói của cộng đồng quốc tế có vai trò quan trọng trọng việc giải quyết các vấn đề. Chúng tôi mong cộng đồng quốc tế tiếp tục có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa.
Đài tiếng nói Việt Nam: Từ khi xảy ra khủng hoảng giữa Việt Nam và Trung Quốc, chúng ta sử dụng đường dây nóng nhiều lần và nhiều cấp độ. Nhiều chuyên gia cho rằng có vẻ đường dây nóng không hiệu quả. Ông có bình luận gì?
Ông Lê Hải Bình: Đường dây nóng chỉ có thể hiệu quả nếu hai bên đều có thiện chí giải quyết, đối thoại. Nếu thiện chí chỉ đứng về một phía thì đường dây nóng cũng như mọi nỗ lực cũng không mang lại kết quả.
Vnexpress: Trung Quốc đưa giàn khoan tới Biển Đông. Có ý kiến cho rằng điều này không đúng với tuyên bố Trung Quốc là một quốc gia trỗi dậy hòa bình. Xin cho bình luận.
Ông Trần Duy Hải: Việc làm của Trung Quốc gây ra cho các nước láng giềng thời gian qua đã làm xấu đi hình ảnh của Trung Quốc trước cộng đồng quốc tế. Như vậy, chính sách ngoại giao hòa bình của Trung Quốc chỉ là lời nói suông bởi những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông đã đe dọa tới hòa bình ổn định, an toàn hàng hải của khu vực. Đó là những hành động bạo lực. Cả cộng đồng quốc tế không thể tin được lời nói suông mà phải là hành động thực tế.