8 tuyến vận tải khách liên tỉnh thuộc 6 địa phương sẽ bắt đầu hoạt động trở lại vào ngày mai (13/10).
Tối nay (12/10), báo cáo Bộ GTVT về tình hình triển khai chạy tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, Tổng cục Đường bộ VN cho biết, tính đến nay, 7 Sở GTVT đã được UBND tỉnh đồng ý với kế hoạch khôi phục vận tải, gồm: Điện Biên, TP.HCM, Đồng Nai, Bắc Giang, Quảng Trị, Quảng Bình, Ninh Bình.
Trong đó, ngay trong ngày mai (13/10), các tuyến của 6 tỉnh: Đồng Nai, Điện Biên, Bắc Giang, Quảng Trị, Quảng Bình, Ninh Bình sẽ hoạt động trở lại.
Ngay trong ngày mai, 8 tuyến vận tải khách cố định liên tỉnh thuộc 6 địa phương sẽ hoạt động trở lại theo hướng dẫn của Bộ GTVT - Ảnh minh họa
Các tuyến cụ thể, gồm: Điện Biên - Sơn La (3 chuyến/ngày), Điện Biên - Lào Cai (2 chuyến/ngày); Đồng Nai - TP.HCM (10 chuyến/hai đầu), Đồng Nai - Vĩnh Long (2 chuyến/hai đầu); Bắc Giang - Thái Nguyên;Ninh Bình - Hải Phòng (1 chuyến/ngày); Quảng Bình (BX Đồng Hới) - Quảng Trị (BX Lao Bảo); Quảng Bình (BX Ba Đồn) - Quảng Trị (BX Lao Bảo) (2xe/ 2chuyến/ngày chạy đối lưu).
Cùng đó, 14 Sở GTVT đang chờ UBND tỉnh đồng ý với kế hoạch khôi phục lại các tuyến. Riêng TP.HCM, UBND thành phố có chủ trương để Sở GTVT chủ động mở các tuyến. Hiện Sở GTVT cũng đồng ý mở hết các tuyến trên cơ sở tần suất theo quyết định 1777 và hành khách đến TP.HCM phải xét nghiệm, từ TP.HCM đi tiêm hai mũi vắc xin. Hiện Sở này chỉ chờ các Sở đầu đối lưu có văn bản thống nhất và gửi về Sở để cùng khai thác.
“Với Hải Phòng hiện đã chạy các tuyến Thái Bình, Thái Nguyên, Yên Bái, Cao Bằng, Lạng Sơn (trừ Văn Lãng), Hà Nam (trừ Phủ Lý), Nam Định (trừ Hải Hậu), Ninh Bình (trừ Kim Sơn), Hòa Bình (trừ Lương Sơn) kể từ khi triển khai Quyết định 1740 ngày 30/9/2021 của Bộ GTVT hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải hành khách của 5 lĩnh vực đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, Tổng cục Đường bộ VN cho hay.
Báo cáo của Tổng cục Đường bộ VN cũng cho biết, hiện Sở GTVT Hà Nội đã có báo cáo đề xuất xem xét chấp thuận kế hoạch chạy tuyến liên tỉnh đến 8 địa phương, mỗi tỉnh lựa chọn 1 tuyến với tần suất 1 chuyến/ngày, gồm: Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lai châu, Điện Biên. Các Sở GTVT đối lưu đã chấp thuận kế hoạch này và đang chờ quyết định chính thức từ UBND TP.Hà Nội.
Trước đó, ngày 10/10, Bộ GTVT ban hành quy định tạm thời thí điểm tổ chức hoạt động vận tải hành khách đường bộ đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Quy định mới của Bộ GTVT áp dụng đối với hoạt động vận tải hành khách bằng đường bộ trên phạm vi toàn quốc, thí điểm từ ngày 13/10/2021 đến hết ngày 20/10/2021. Sau một thời gian thực hiện, Bộ GTVT sẽ đánh giá và điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế giai đoạn tiếp theo.
Tại quy định này, Bộ GTVT đã có hướng dẫn cụ thể đối với hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh bằng xe ô tô có bến đi hoặc bến đến nằm trong địa phương/khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao đi, đến địa phương/khu vực có nguy cơ tương đương hoặc có nguy cơ thấp hơn và ngược lại trên phạm vi toàn quốc.
Đồng thời, Bộ GTVT cũng đưa ra những quy định cụ thể đối với từng đối tượng: hành khách, lái xe, doanh nghiệp vận tải, bến xe, trạm dừng nghỉ,… nhằm đảm bảo hiệu quả cao và an toàn nhất khi hoạt động vận tải khách liên tỉnh hoạt động trở lại.
Ngày đầu đến trường, thầy giáo và 46 học sinh phải đi cách ly tập trung
Liên quan ca F0 là một học sinh lớp 11 của Trường THPT Trưng Vương, sáng 12-10, UBND TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định xác nhận đã đưa 50 trường hợp F1 ở địa phương đi cách ly tập trung theo quy định. Trong đó, 1 giáo viên, 47 học sinh lớp 11 và 3 người nhà của 1 học sinh Trường THPT Trưng Vương được phát hiện mắc Covid-19.
Trước đó, ngày 10-10, Trường THPT Trưng Vương tổ chức cho học sinh đến lớp dọn dẹp để chuẩn bị trở lại trường học vào ngày 11-10 theo kế hoạch. Tuy nhiên, qua test nhanh SARS-CoV-2, 1 học sinh lớp 11 được phát hiện dương tính.
Trường THPT Trưng Vương, nơi vừa phát hiện 1 học sinh lớp 11 mắc Covid-19
Ngay lập tức, ngành y tế tổ chức truy vết, xác định có 50 ca F1 liên quan học sinh dương tính này, trong đó có 1 thầy giáo đo thân nhiệt, 42 học sinh cùng lớp, 4 học sinh cùng khối và 3 người nhà.
"Hiện, cơ quan chức năng tổ chức đưa ca F0 đi làm xét nghiệm PCR khẳng định để được cách ly điều trị. 50 trường hợp F1 ngành y tế đã bố trí cách ly tập trung tại khu cách ly của thành phố, số còn lại các em có nguyện vọng cách ly tại khách sạn theo đúng quy định", ông Ngô Hoàng Nam - Chủ tịch UBND thành phố Quy Nhơn thông tin.
(Theo Người Lao Động)
NÓNG: Ngày mai 13-10, TP.HCM thí điểm cho xe khách hoạt động lại
Sở Giao thông vận tải TP HCM (GTVT) vừa có phương án thí điểm tổ chức hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định liên tỉnh bằng ôtô đến và đi từ TP HCM gửi đến Sở GTVT các tỉnh, thành để thống nhất phương án.
Thời gian thực hiện thí điểm từ 13-10 đến 20-10-2021.
Theo đó, tần suất hoạt động của phương tiện tối thiểu 5% và tối đa không vượt quá 30% số chuyến trong 7 ngày của từng đơn vị theo lưu lượng đã được Sở GTVT 2 đầu tuyến thống nhất công bố (số chuyến/tháng). Khách lên xe bố trí chỗ ngồi có giãn cách (không áp dụng giãn cách với xe giường nằm).
Việc đi lại liên tỉnh của người dân bằng xe khách sẽ thí điểm từ 13-10
Hành khách đi từ TP HCM: Phải tiêm đủ liều vắc- xin (thẻ xanh trên Sổ sức khỏe điện tử hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vắc-xin, liều cuối đã tiêm ít nhất 14 ngày). Hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng, có giấy xác nhận của cơ quan y tế. Hoặc có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên ô tô. Khách lên xe tuân thủ 5K, khai báo y tế.
Nếu hành khách chưa đủ điều kiện tiêm vắc-xin theo quy định khi đi cùng người thân trên chuyến xe, phải có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính.
Hành khách đến TP HCM: Có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính trong vòng 72 giờ hoặc RT-PCR âm tính. Tuân thủ 5K, khai báo y tế.
(Theo Người lao động)
Sai thông tin cá nhân trên PC-Covid, sửa thế nào?
Theo Trung tâm Công nghệ phòng, chống COVID-19 quốc gia, trong trường hợp này, người dùng có thể chủ động sửa thông tin trên PC-Covid bằng cách truy cập tính năng Quản lý QR. Bên dưới mã QR, chọn tính năng Sửa mã QR. Người dùng có thể sửa lại họ tên, ngày sinh, số thẻ bảo hiểm, CMND/CCCD, email, quốc tịch (với người nước ngoài) và địa chỉ liên lạc.
Các mục có dấu * màu đỏ là các mục bắt buộc phải điền. Riêng số điện thoại hiện không thể sửa. Thử nghiệm với một tài khoản đã hiển thị đủ mũi tiêm, sau khi sửa, thông tin về mũi tiêm vẫn hiển thị đầy đủ. Người dùng sẽ nhận mã QR mới ứng với các thông tin vừa cập nhật lại.
Các bước để sửa thông tin cá nhân trên ứng dụng PC-Covid.
Trung tâm Công nghệ phòng chống COVID-19 quốc gia khuyến nghị, người dùng khai đúng và đủ các thông tin nói trên để các thuật toán kết nối dữ liệu từ các nền tảng có thể phát huy tác dụng tốt nhất. Từ đó đảm bảo dữ liệu về mũi tiêm, kết quả xét nghiệm, khai báo y tế, mã QR của người dùng được hiển thị chính xác nhất.
Một số người dùng PC-Covid phản ánh thông tin hiển thị chưa chuẩn trong thời gian qua là do người dùng khai báo số điện thoại khác nhau ở các lần tiêm; việc nhập dữ liệu từ giấy lên hệ thống của cơ sở tiêm chủng nhập sai sót; điền số điện thoại của người khác, trong khi các cơ sở vì đẩy nhanh tiến độ tiêm mà không kiểm tra kỹ thông tin của người dân.
Cũng theo Trung tâm Công nghệ phòng, chống COVID-19 quốc gia, app PC-Covid đã cập nhật tính năng mới ẩn mã QR cá nhân. Khi bật tính năng này thì chỉ có ứng dụng (app) phòng, chống dịch quốc gia mới có thể quét được mã QR đã được ẩn của người dùng. Để ẩn mã QR cá nhân, người dùng vào cài đặt trên ứng dụng PC-Covid, chọn "Ẩn thông tin trên QR".
Các vấn đề mà người dùng phản ánh khác sẽ khắc phục trong thời gian tới như: Đăng ký số điện thoại nhưng bị lỗi không thể đăng ký được hoặc không gửi mã OTP về. Những trường hợp chủ yếu xuất hiện trên các thương hiệu điện thoại Trung Quốc và Samsung.
Đại diện Trung tâm Công nghệ phòng, chống COVID-19 quốc gia cho biết: "Với app PC-Covid trên Android, khi tắt phát hiện tiếp xúc gần rồi mà ứng dụng vẫn hiện thông báo đang bật phát hiện tiếp xúc gần sẽ được khắc phục trong 1-2 ngày tới; Lỗi không xóa được mã QR địa điểm khi vừa mới tạo và chưa phát sinh lượt quét nào…. Các lỗi chưa khắc phục được như trên sẽ được Trung tâm Công nghệ phòng, chống COVID-19 quốc gia khắc phục trong thời gian sớm nhất".
(Theo Sức khỏe & Đời sống)
Bộ Y tế đề nghị TP HCM điều tra, xác minh việc thu phí tiêm vắc-xin Covid-19
Chiều 11-10, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã ký ban hành công văn đề nghị UBND TP HCM chỉ đạo xác minh, điều tra và làm rõ việc tiêm vắc-xin Covid-19 thu phí do báo chí phản ánh.
Theo nội dung phản ánh, tại Phường Thảo Điền, TP Thủ Đức, TP HCM có nhóm tình nguyện viên hỗ trợ chống dịch của UBND phường Thảo Điền nhận tiền của người dân để sắp xếp việc tiêm vắc-xin Covid-19.
Chuẩn bị tiêm vắc-xin Covid-19. Ảnh: Bộ Y tế
"Đây là việc làm không đúng với chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế, vi phạm nghiêm trọng quy định về tiêm miễn phí vắc-xin Covid-19 "- công văn của Bộ Y tế nêu.
Bộ Y tế đề nghị UBND TP HCM chỉ đạo Công an TP chủ trì, phối hợp với Sở Y tế tiến hành ngay việc xác minh, điều tra để làm rõ nội dung báo nêu; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát ở tất cả các điểm tiêm trên toàn địa bàn thành phố; nếu có vi phạm yêu cầu xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật hoặc chuyển ngay hồ sơ đến cơ quan công an để xem xét, xử lý.
Kiên quyết không để xảy ra tham nhũng, trục lợi trong quá trình tổ chức tiêm vắc-xin Covid-19.
Bộ Y tế cũng đề nghị UBND TP HCM thông báo kết quả xác minh, điều tra về Bộ Y tế theo quy định.
Đến thời điểm này, cả nước đã tiêm gần 55 triệu mũi vắc-xin Covid-19. Tỉ lệ tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin đạt khoảng 54% dân số và tỉ lệ tiêm đủ 2 liều vắc-xin là hơn 21% dân số từ 18 tuổi trở lên.
Có 10/63 tỉnh có tỷ lệ tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin Covid-19 cho trên 70% dân số từ 18 tuổi trở lên, trong đó có 2 tỉnh có tỉ lệ bao phủ đủ 2 mũi vắc-xin cho dân số từ 18 tuổi trở lên cao nhất là TP HCM (68,4%) và Long An (55,8%).
Có 28/63 tỉnh có tỉ lệ tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin cho dưới 30% dân số từ 18 tuổi trở lên.
(Theo Người Lao Động)
Ngày 11-10, thêm 2.549 người khỏi bệnh, số ca mắc Covid-19 ở Bình Dương và Đồng Nai giảm
Bộ Y tế cho biết từ 17 giờ ngày 10-10 đến 17 giờ ngày 11-10, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 3.619 ca nhiễm mới. Có 2 ca nhập cảnh và 3.617 ca ghi nhận trong nước (tăng 104 ca so với ngày trước đó) tại 44 tỉnh, thành phố, trong đó 1.726 ca ngoài cộng đồng.
Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: TP HCM (1.527), Đồng Nai (499), Bình Dương (446), An Giang (142), Đắk Lắk (119), Kiên Giang (91), Long An (76), Tiền Giang (67), Tây Ninh (55), Đồng Tháp (55), Cà Mau (51), Trà Vinh (48), Cần Thơ (47), Bình Thuận (45), Bến Tre (40), Quảng Ngãi (38), Hậu Giang (32), Nghệ An (27), Lâm Đồng (26), Khánh Hòa (26), Hà Nam (21), Bình Định (21), Bà Rịa - Vũng Tàu (16), Bạc Liêu (14), Gia Lai (13), Vĩnh Long (12), Kon Tum (10), Đắk Nông (9), Ninh Thuận (9), Bình Phước (6), Quảng Bình (5), Bắc Ninh (4), Hà Tĩnh (4), Sơn La (3), Hải Dương (2), Thanh Hóa (2), Quảng Trị (2), Ninh Bình (1), Nam Định (1), Phú Yên (1), Vĩnh Phúc (1), Bắc Giang (1), Lạng Sơn (1), Hà Nội (1).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bình Dương (336), Đồng Nai (163), Bình Thuận (64).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: TP HCM (460), Đắk Lắk (119), Bến Tre (28).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 4.183 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 843.281 ca nhiễm, đứng thứ 41/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.565 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 838.653 ca, trong đó có 781.931 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 7 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hòa Bình, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Phòng, Thái Bình.
Có 11 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Phú Thọ, Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP HCM (411.655), Bình Dương (222.528), Đồng Nai (55.488), Long An (33.379), Tiền Giang (14.608).
Cùng ngày, có thêm 2.549 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi: 784.748. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.014 ca.
Bộ Y tế cho biết tại TP HCM, số ca nhập viện tầng 2, 3 trong ngày là 906 người, hiện nay tổng số ca đang điều trị tại bệnh viện tầng 2, 3 là 15.198 người. Số trẻ em dưới 16 tuổi nhiễm đang điều trị là 1.141 người. Số phụ nữ mang thai đang điều trị là 119 người. Số trường hợp xuất viện trong ngày là 1.925 người, số ca xuất viện cộng dồn là 232.923 người.
Trong ngày, ghi nhận 115 ca tử vong tại TP HCM (75), Bình Dương (18), Đồng Nai (5), An Giang (5), Tiền Giang (4), Ninh Thuận (2), Long An (2), Quảng Bình (1), Bình Định (1), Cần Thơ (1), Tây Ninh (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 117 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 20.670 ca, chiếm tỉ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.
So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 135/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 30/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong 24 giờ qua, nước ta đã thực hiện 128.114 xét nghiệm cho 205.382 lượt người.
Ngày 10-10 có 879.949 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 54.279.564 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 38.698.136 liều, tiêm mũi 2 là 15.581.428 liều.
(Theo Người Lao Động)
Người từ Quảng Nam ra Đà Nẵng không phải xét nghiệm SARS-CoV-2
Tối 11-10, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP Đà Nẵng cho biết UBND TP đang rà soát và chuẩn bị ban hành hướng dẫn tạm thời về việc đi lại giữa TP và các địa phương khác.
Theo hướng dẫn này, đối với người dân tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng khi di chuyển giữa 2 địa phương (từ vùng không có dịch) sẽ không yêu cầu xét nghiệm SARS-CoV-2. Người dân chỉ cần có giấy tờ tùy thân chứng minh công dân Đà Nẵng hoặc Quảng Nam hoặc các thủ tục khác có liên quan. Dự kiến hướng dẫn sẽ được ban hành vào ngày 12-10.
Trước đó, ngày 29-9, UBND TP Đà Nẵng có hướng dẫn công dân từ các địa phương khác có nhu cầu đi vào TP. Theo hướng dẫn này, người vào Đà Nẵng phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh.
Test nhanh Covid-19 tại chốt kiểm soát ở Quốc lộ 1 - xã Hòa Phước - huyện Hòa Vang - TP Đà Nẵng
Về việc thực hiện test nhanh tại các chốt kiểm soát ra, vào TP Đà Nẵng trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP cho biết, người dân chưa có kết quả xét nghiệm trước khi đến chốt và tự nguyện đăng ký thực hiện test nhanh sẽ được tạo điều kiện để xét nghiệm với giá đúng quy định.
Theo Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP Đà Nẵng, thực tế thời gian qua, việc test nhanh này đã góp phần quan trọng vào hạn chế dịch bệnh xâm nhập, lây lan vào trong TP, được nhân dân đồng tình. Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP Đà Nẵng cũng khẳng định TP hoàn toàn không bắt buộc người dân phải thực hiện xét nghiệm tại các chốt kiểm soát nêu trên.
Vì sao shipper tại TPHCM đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin vẫn phải xét nghiệm 3 ngày/lần?
Liên quan đến chiến lược xét nghiệm hiện nay, trong buổi họp báo thông tin tình hình dịch bệnh TPHCM chiều 11/10, BS Nguyễn Hồng Tâm - Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) cho rằng, Thành phố đang áp dụng theo chiến lược xét nghiệm của Sở Y tế TP; trong đó quy định cụ thể từng đối tượng ở trường học, sân bay, doanh trại, shipper...
“Trong đó, lực lượng shipper được quy định có phần yêu cầu xét nghiệm nghiêm ngặt hơn. Do đây là đối tượng thường xuyên tiếp xúc nhiều người trong cộng đồng, nên nguy cơ lây nhiễm rất cao” - ông Tâm nói.
Xét nghiệm nhanh cho shipper
“Về nguyên tắc y khoa, tiêm vắc xin ngừa COVID-19 đủ 2 mũi theo phác đồ cũng chỉ giúp người được tiêm giảm triệu chứng và nguy cơ tử vong khi mắc bệnh, chứ không bảo vệ hoàn toàn khỏi nhiễm bệnh. Do đó, chiến lược xét nghiệm này có thể xem là phù hợp với tình hình hiện nay của Thành phố” - ông Nguyễn Hồng Tâm nói.
Trước mong muốn có kế hoạch giảm tải chi phí xét nghiệm COVID-19 cho doanh nghiệp, ông Tâm cho rằng, theo quy định xét nghiệm, sẽ có trường hợp cho phép làm mẫu gộp RT-PCR hoặc làm test nhanh kháng nguyên. Các đơn vị có thể căn cứ theo quy định để làm xét nghiệm đúng mục đích nhằm tiết kiệm chi phí.
Liên quan đến các bệnh viện dã chiến, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM, Thành phố sẽ giữ lại 3 Bệnh viện Dã chiến 13, 14 và 16 để sẵn sàng các tình huống xảy ra theo mô hình tháp 3 tầng.
Theo bà Mai, ngành y tế TP đã có kế hoạch tiếp nhận các Trung tâm hồi sức COVID-19 do các Bệnh viện Trung ương thành lập sau khi nhân lực Bộ Y tế của các bệnh viện này rút về. Ba Bệnh viện Dã chiến số 13,14 và 16 là những bệnh viện được thành lập mới, không liên quan đến các khu tái định cư và có các Trung tâm hồi sức do bệnh viện Trung ương đảm trách.
Cụ thể: Bệnh viện dã chiến số 13 gắn với Trung tâm Hồi sức Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức; Bệnh viện Dã chiến số 14 gắn với Trung tâm Hồi sức Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Dã chiến số 16 gắn với Trung tâm Hồi sức Bệnh viện Bạch Mai thực hiện.
Theo tinh thần đó, Sở Y tế đã phân công các bệnh viện có thể tiếp nhận, đảm đương như Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nhân dân 115… Các nhân lực y tế sẽ được phân công đảm nhận, đảm bảo không thiếu nhân lực y tế.
(Theo Tiền Phong)
Về Hải Phòng từ vùng nguy cơ cao phải cách ly tại nhà 7 ngày
Chiều tối 11/10, UBND TP Hải Phòng thông báo khẩn về điều chỉnh việc kiểm soát người đi, đến Cảng hàng không quốc tế Cát Bi khi mở lại chuyến bay thương mại nội địa.
Theo đó, thành phố tiếp nhận hành khách từ nhiều địa phương trên các chuyến bay thương mại nội địa đến. Thành phố yêu cầu, khách về phải đáp ứng được một số yêu cầu như phải tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 hoặc chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày.
Người đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng tính từ thời điểm về địa phương, có giấy ra viện, giấy xác nhận khỏi bệnh. Có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay. Hành khách phải thực hiện khai báo y tế, không tham gia chuyến bay khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng...
Tất cả hành khách xuống Cảng hàng không quốc tế Cát Bi trên các chuyến bay thương mại nội địa và lưu trú tại Hải Phòng không phải áp dụng cách ly y tế tập trung.
Tuy nhiên, người đến từ vùng nguy cơ rất cao, nguy cơ cao (vùng đỏ, cam, vàng) được công bố trên Trang thông tin điện tử Bộ Y tế phải thực hiện cách ly tại nhà 7 ngày và được lấy mẫu xét nghiệm 2 lần.
Người trở về từ các địa phương nguy cơ hoặc bình thường mới thì thực hiện tự theo dõi sức khỏe 14 ngày và lấy mẫu xét nghiệm 1 lần. Nếu có triệu chứng ho, sốt, đau họng, khó thở... phải thông báo ngay đến cơ quan y tế địa phương để được tư vấn, hỗ trợ.
TP Hải Phòng yêu cầu hành khách luôn thực hiện 5K, sử dụng ứng dụng PC-COVID, không tiếp xúc nơi đông người trong vòng 14 ngày.
Giao Sở Y tế tiếp nhận thông tin, cung cấp địa phương chủ động áp dụng biện pháp phòng, chống dịch phù hợp. Nếu phát hiện trường hợp ho, sốt, khó thở, mệt mỏi… thì chuyển ngay đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp cơ sở 2 để khám và xử trí kịp thời.
(Theo Tiền Phong)
Gia Lai: Người dân trở về từ các tỉnh phía Nam sẽ được miễn phí khi cách ly tập trung
Ngày 11/10, tỉnh Gia Lai có Thông báo số 213/TB-VP về kết luận của đồng chí Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Gia Lai. Theo đó, tỉnh Gia Lai sẽ không thu tiền ăn, sinh hoạt và chi phí y tế đối với người dân trở về từ các tỉnh phía Nam trong thời gian cách ly tập trung.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, căn cứ tình hình thực tế người dân từ vùng dịch về tỉnh đợt này đa phần có hoàn cảnh khó khăn. Bởi, hầu hết các công dân về tỉnh để tránh dịch lần này trước đó đã có thời gian dài cầm cự, chống dịch tại các vùng tâm dịch như Tp.Hồ Chí Minh, Bình Dương.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Gia Lai, tính từ ngày 2/10, sau khi các tỉnh, thành phố phía Nam nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch, đến nay, đã có hơn 13.000 người dân Gia Lai trở về địa phương.
Để tạo điều kiện cho người dân trở về, tỉnh Gia Lai đã kích hoạt, vận hành 67 cơ sở cách ly tập trung tại 17 huyện, thị xã, thành phố, đồng thời tổ chức đưa toàn bộ số người dân từ vùng dịch trở về địa phương đi cách ly tập trung.
Ngoài ra, các tổ chức đoàn thể, lực lượng chức năng còn tổ chức vận chuyển, dẫn đường, hỗ trợ thực phẩm, nước uống, xăng xe… cho hơn 15.000 người đi qua địa bàn tỉnh từ chốt cầu 110 (huyện Chư Pưh, giáp Đắk Lắk) đến chốt Sao Mai (Kon Tum) và An Khê - Bình Định.
Trong ngày 11/10, 75 khu cách ly y tế tập trung trên địa bàn tỉnh tiếp nhận, cách ly 478 trường hợp. Trong đó, Trường Chính trị tỉnh tiếp nhận 48 người; Trường THPT Lê Quý Đôn (huyện Chư Prông) tiếp nhận 32 người, Lữ đoàn 7 (Quân đoàn 3) tiếp nhận 10 người… Hiện, các khu cách ly tập trung do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh quản lý có 14.431 người đang thực hiện cách ly.
Đối với việc cách ly tập trung tại khách sạn, trong ngày 11/10, 4 khách sạn trên địa bàn Tp.Pleiku đã tiếp nhận 13 trường hợp. Đến thời điểm hiện tại, có 317 công dân đang thực hiện cách ly tại các khách sạn này.
Trong ngày 11/10, các cơ sở y tế tiếp nhận 34 bệnh nhân cách ly điều trị. Trong đó, có 33 bệnh nhân F0 từ vùng dịch về và 1 trường hợp nhân viên y tế tại Bệnh viện Dã chiến tỉnh. Hiện tại, còn 397 trường hợp đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến tỉnh; Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Bệnh viện 331; Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh; Bệnh viện Y dược cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh; Trung tâm Y tế các huyện, thị xã.
(Theo Người Đưa Tin)
Thêm Thừa Thiên Huế bỏ quy định cách ly với khách về từ TP.HCM
Văn bản do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình ký nêu rõ: "Tất cả hành khách đủ điều kiện theo quy định của Bộ GTVT tại Quyết định 1776 đến Thừa Thiên Huế, đồng thời theo thực hiện các biện pháp tự theo dõi sức khoẻ hoặc cách ly tại nơi cư trú, lưu trú 7 ngày theo quy định của Bộ Y tế".
Đối với người đến/trở về Thừa Thiên Huế để công tác, phải có kế hoạch làm việc và cam kết thực hiện các quy định phòng, chống dịch của Bộ Y tế và tỉnh Thừa Thiên Huế.
Hiện đã có 3/5 địa phương dỡ bỏ quy định cách ly với khách trở về từ TP.HCM
Văn bản của Thừa Thiên Huế cũng cho biết, với các trường hợp xử lý công việc cấp bách, thời gian ngắn, thực hiện theo phương án chống dịch được Ban chỉ đạo Covid-19 tỉnh phê duyệt.
Đối với người đến/trở về lưu trú tại Thừa Thiên Huế, tự theo dõi sức khoẻ, giám sát y tế tại nơi cư trú, lưu trú khi đáp ứng các điều kiện theo quyết định 879 của Bộ Y tế.
Người đến Thừa Thiên Huế để đi các tỉnh khác thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch của Bộ Y tế, Bộ GTVT và của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Trước đó, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cũng đã ký văn bản thống nhất với Bộ GTVT về việc khách đủ kiều kiện theo quy định của Bộ GTVT, Bộ Y tế thực hiện theo dõi sức khoẻ tại nhà và nơi lưu trú; đồng thời thực hiện các biện pháp đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 theo quy định của Trung ương và Thành phố.
Tương tự, Hải Phòng trong ngày 11/10 cũng có văn bản 7611 nêu rõ, tất cả hành khách xuống Cảng HKQT Cát Bi trên các chuyến bay thương mại nội địa và lưu trú tại Hải Phòng không phải áp dụng cách ly y tế tập trung. Người đến từ vùng nguy cơ rất cao, nguy cơ cao (vùng màu đỏ, cam, vàng) được công bố trên Trang thông tin điện tử Bộ y tế thực hiện cách ly tại nhà 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm Sars-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR ngày thứ 2 và thứ 7.
Người trở về các địa phương có nguy cơ hoặc bình thường mới thực hiện theo dõi sức khoẻ 14 ngày và lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR vào ngày thứ 7.
(Theo Báo Giao Thông)
Cà Mau áp dụng biện pháp phòng, chống dịch mới kể từ 0h ngày 12/10
Chiều tối 11/10, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - Huỳnh Quốc Việt ký quyết định áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh. Thời gian thực hiện kể từ 0h ngày 12/10 đến khi có thông báo mới.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau có quy định người dân được đi lại trong nội tỉnh; khi có nhu cầu đi ra ngoài tỉnh do địa phương nơi đến quyết định. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tất cả các loại phương tiện vận chuyển hàng hóa, người điều khiển và người đi theo phương tiện vào địa bàn tỉnh bằng đường bộ, đường thủy, đường biển.
Cà Mau áp dụng biện pháp phòng, chống dịch mới kể từ 0h ngày 12/10.
Tiếp tục tạm dừng các loại hình hoạt động như: quán bar, vũ trường, karaoke, rạp chiếu phim, phòng game, cơ sở massage, spa, phòng tập gym, yoga, phòng tập thể hình, thể dục dụng cụ, bida, loại hình kinh doanh ăn uống có sử dụng rượu, bia...; tạm dừng hoạt động thăm nuôi.
Đối với các cơ sở, dịch vụ cắt tóc, gội đầu không được tập trung quá 3 người khách cùng một thời điểm. Các dịch vụ kinh doanh ăn uống được hoạt động, mỗi bàn không quá 4 người, khoảng cách tối thiểu giữa các bàn là 2m.
Các dịch vụ du lịch, lữ hành nội tỉnh được phép hoạt động nhưng mỗi nhóm hoạt động không quá 10 người, thực hiện nghiêm quy định 5K. Hoạt động vận tải hành khách công cộng và vận tải khách du lịch chỉ được hoạt động trong nội tỉnh, không quá 50% số ghế.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau, tính đến 18h ngày 11/10/2021, cộng dồn có 757 ca mắc Covid-19. Hiện trên địa bàn tỉnh này còn 513 ca đang cách ly điều trị; số trường hợp điều trị khỏi là 274 trường hợp; 10 người tử vong.
Du khách tiêm đầy đủ vaccine COVID-19 không phải cách ly khi đến Thái Lan
Hãng Channel News Asia dẫn lời Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha ngày 11-10 cho biết Thái Lan sẽ dỡ bỏ các yêu cầu kiểm dịch đối với du khách đã tiêm phòng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 khi nhập cảnh bằng đường hàng không kể từ ngày 1-11.
Phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia hôm 11-10, ông Prayut cho biết: “Hôm nay, tôi đã yêu cầu Trung tâm Quản lý Tình huống COVID-19 (CCSA) và Bộ Y tế Cộng đồng cùng xem xét trong tuần này”.
“Từ ngày 1-11 trở đi, Thái Lan sẽ bắt đầu mở cửa trở lại mà không có yêu cầu kiểm dịch đối với những người đã tiêm phòng đầy đủ khi nhập cảnh bằng đường hàng không từ những nước mà chúng tôi phân loại là có nguy cơ thấp” – ông Prayut cho hay.
Du khách tiêm đầy đủ vaccine COVID-19 không phải cách ly khi đến Thái Lan. Ảnh: CNA
Theo vị thủ tướng, có ít nhất mười quốc gia trong danh sách này, trong đó có Trung Quốc, Đức, Singapore, Anh và Mỹ. Danh sách sẽ bổ sung thêm nhiều quốc gia khác trước ngày 1-12.“Chúng tôi sẽ chỉ yêu cầu mọi người, khi đến Thái Lan, có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính với virus gây COVID-19 trước khi xuất cảnh ở nước họ” – ông Prayut cho biết.
Ông Prayut nói thêm rằng du khách khi nhập cảnh Thái Lan sẽ được xét nghiệm một lần nữa.
Nếu có kết quả âm tính, “du khách có thể tự do đi lại giữa các khu vực khác nhau như những người dân Thái bình thường làm”, ông Prayut nói thêm.
Theo ông, các yêu cầu kiểm dịch vẫn sẽ được áp dụng cho những người đi du lịch từ các quốc gia không có trong danh sách.
Tuy nhiên, việc uống rượu tại các quán ăn sẽ vẫn bị cấm ở các khu vực có nguy cơ cao như thủ đô Bangkok.
Chính phủ sẽ xem xét việc dỡ bỏ lệnh cấm rượu vào ngày 1-12 và các địa điểm giải trí cũng có thể được phép hoạt động trở lại để thúc đẩy ngành du lịch, thủ tướng Thái Lan nói thêm.
“Tôi biết quyết định như vậy có rủi ro. Gần như chắc chắn rằng khi chúng ta bắt đầu mở lại các hoạt động giải trí khác nhau, điều đó có thể dẫn đến nguy cơ lây lan nhiều hơn” – ông Prayut nói.
“Vì vậy, chúng ta cần theo dõi tình hình chặt chẽ và đánh giá liệu chúng ta có thể xử lý như thế nào. Chúng ta không được để mất cơ hội này" – ông Prayut lưu ý.
“Tuy nhiên, nếu trong (hai đến ba hoặc bốn) tháng tới xuất hiện một biến thể mới nguy hại, tất nhiên, chúng ta sẽ phải đưa ra các biện pháp phù hợp để kiểm soát tình hình” – vị thủ tướng nhấn mạnh.
Trong bài phát biểu trên truyền hình hôm 11-10, ông Prayut cho biết Thái Lan hiện đang tiêm chủng trung bình hơn 700.000 liều vaccine ngừa COVID-19 mỗi ngày - tăng đáng kể so với khoảng 80.000 liều mỗi ngày hồi tháng 5.
Trước đó, ông Prayut hôm 16-6 thông báo rằng Thái Lan có kế hoạch mở lại biên giới cho du khách quốc tế trong 120 ngày, có nghĩa là vào khoảng giữa tháng 10.
(Theo Plo.vn)