Đề xuất của Sở Y tế Hà Nội về việc treo biển trước nhà người bay về từ TP.HCM và Đà Nẵng đã gặp phải nhiều ý kiến phản đối.
Mới đây, Sở Y tế Hà Nội có văn bản về việc phối hợp thực hiện công tác y tế đối với việc thí điểm mở đường bay nội địa thường lệ đi và đến Hà Nội.
Theo đó, khi về tới Hà Nội, hành khách phải theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong vòng 7 ngày, luôn thực hiện thông điệp 5K; thực hiện xét nghiệm vật chất di truyền (ARN) hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu đơn 2 lần vào ngày đầu tiên và ngày thứ 7. Trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 được xử trí theo quy định.
Người dân đi về phải ký cam kết tuân thủ nghiêm theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi lưu trú, khai báo y tế, chủ động thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú, lưu trú để được xét nghiệm và hướng dẫn công tác phòng, chống dịch theo quy định.
Sở Y tế Hà Nội đề xuất treo biển tại nhà với người bay về từ TP.HCM tự cách ly tại nhà
Đặc biệt, Sở Y tế đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn và các lực lượng liên quan tiếp nhận thông tin người dân về trên địa bàn và quản lý chặt chẽ. Địa phương có thể treo biển tại cửa nhà: "Gia đình có người theo dõi sức khỏe PCD COVID-19".
Ngay sau đó, đề xuất gắn biển gia đình có người giám sát y tế trước nhà người từ TPHCM, Đà nẵng về Hà Nội đã gây xôn xao trên MXH với nhiều ý kiến trái chiều.
Một số ý kiến ủng hộ, cho rằng đề xuất này của Sở Y tế Hà Nội là cần thiết trong tình hình dịch bệnh vẫn đang có diễn biến phức tạp.
"Treo biển trước nhà để giám sát còn hơn là phải đi cách ly tập trung. Mình thấy hợp lý bởi bên cạnh những người luôn có ý thức trong việc phòng dịch thì cũng có cá nhân vẫn trốn cách ly, đi khắp nơi rồi lây lan bệnh ra cộng đồng, vì thế không thể tin vào việc 100% người dân cách ly tại nhà sẽ chấp hành nghiêm túc. Hơn nữa, người tiêm 2 mũi vẫn có khả năng nhiễn COVID-19 làm lây bệnh cho người khác, thế nên tôi nghĩ đây cũng là biện pháp giám sát hợp tình hợp lý", tài khoản Ni Nguyễn bình luận.
Bạn Hồng Minh nói: "Mừng khi mọi người được về nhà, và đi làm việc cần thiết nhưng đáng lo cho sự mất an toàn về dịch khi mọi người từ vùng dịch nguy cơ lây nhiễm cao về. Tôi nghĩ đây cũng là một cách để giám sát chặt chẽ, mong những người về từ vùng dịch chấp hành cách ly tại nhà nghiêm túc để bảo vệ mình và những người xung quanh".
Bên cạnh đó, phần lớn các ý kiến đều phản đối và cho rằng đề xuất gắn biển tại những gia đình có người giám sát y tế là một biện pháp cồng kềnh, không cần thiết, và còn khiến cho mọi người có cảm giác bị kỳ thị, bị xa lánh.
"Không cách ly tập trung 7 ngày thì treo biển cảnh báo, tức là ai đến gần mà thấy biển thì đi giật lùi, hoặc tránh thật xa à? Tôi thấy làm thế này khác gì kỳ thị những người về từ TP.HCM, Đà Nẵng. Giờ có nhiều ứng dụng khai báo, quản lý, sao phải theo cách "ăn lông ở lổ" này, sợ không treo biển thì mọi người không biết để tránh ra sao hay sợ địa phương không giám sát được?", Mi Nguyễn bày tỏ.
Trong khi đó, bạn Hoa Nguyễn cho rằng: "Giống câu chuyện "Tại đây có bán cá tươi" từ thời anh Trư thì giờ sửa thành "Ở đây có người đi từ TP.HCM về". TP.HCM cũng đã thực hiện bình thường trở lại rồi, giờ chỉ cách ly theo dõi ở nhà mà phải treo cả bảng ngoài cửa làm gì, vừa cồng kềnh vừa tốn kém, thế này thiếu nước làm bảng đeo trước ngực nữa thôi".
"Đã tiêm hai mũi; xét nghiệm PCR âm tính thì không cần phải làm động tác treo biển làm gì, trông kỳ lắm. Nhiều khi máy móc quá dẫn đến phân biệt vùng miền trái với tinh thần chỉ đạo. Cách làm này chắc chắn sẽ khiến một số người cảm thấy cứng nhắc, thể hiện thái độ sợ hãi của địa phương với những người về từ TP.HCM ", một tài khoản khác gay gắt.
"Có phải mỗi người về từ Đà Nẵng, TP.HCM mới có nguy cơ đâu, những người ở Hà Nội cũng vẫn có nguy cơ mà. Nếu mà giám sát triệt để thì tới đây tôi nghĩ sở Y tế phải quy định tất cả mọi người treo luôn cái biển trước ngực mỗi khi ra khỏi nhà, ai tiêm, ai chưa tiêm, ai cần theo dõi hay không cần… ghi hết vào", Nga Nguyễn bình luận.
PGĐ Sở Y tế Hà Nội: Hà Nội không bắt buộc treo biển trước nhà người bay về từ TP.HCM, Đà Nẵng
Trước những ý kiến trái chiều, mới đây, trao đổi trên Vietnamnet, ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay, việc treo biển nhằm mục đích nâng cao tính tự giác, chủ động phòng ngừa của người dân. “Gọi là treo biển người theo dõi sức khỏe, chứ không nói họ mắc COVID-19. Cách ly và theo dõi là 2 hình thức khác nhau”, ông Cương nói.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, dán biển giúp cho chính quyền địa phương biết được hộ này có người phải theo dõi sức khỏe để cùng với người trong nhà phối hợp thực hiện. Tuy nhiên, việc này không bắt buộc.
“Cấp chính quyền thấy cần thiết thì chỉ cần tờ A4 thôi. Nó như một khuyến cáo để mọi người cùng theo dõi, quản lý sức khỏe. Cái này không chỉ Hà Nội mà nhiều tỉnh cũng làm", ông Cương nói thêm.