Theo Nghị quyết mới vừa ban hành, Chính phủ yêu cầu tạm thời không áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo Chỉ thị 15, 16 và 19 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 12/10, Chính Phủ đã ban hành Nghị quyết mới quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Quy định này được áp dụng thống nhất trong toàn quốc.
Tại Quy định này, Chính phủ yêu cầu tạm thời không áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo khoản 1, Điều 1 của Nghị quyết 86 của Chính phủ và các Chỉ thị số 15,16, 19 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 2686 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.
Phân loại 4 cấp độ dịch và có 3 tiêu chí phân loại
Theo Nghị quyết này, Chính phủ đặt mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do COVID-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, phấn đấu trong năm 2021.
Theo đó, các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 phải được thực hiện dứt khoát, kịp thời, quyết liệt; đảm bảo hài hòa giữa các giải pháp chuyên môn y tế với các giải pháp hành chính, kinh tế - xã hội. Các giải pháp y tế phải đồng bộ giữa cách ly với xét nghiệm, điều trị, vắc xin, theo phương châm “cách ly, xét nghiệm là then chốt, vắc xin, thuốc điều trị là điều kiện tiên quyết”.
Tại Nghị quyết này, Chính phủ phân loại cấp độ dịch gồm 4 cấp:
- Cấp 1: nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh;
- Cấp 2: nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng;
- Cấp 3: nguy cơ cao tương ứng với màu cam;
- Cấp 4: nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ.
Đối với tiêu chí đánh giá cấp độ dịch sẽ phụ thuộc vào:
- Tỷ lệ ca mắc mới tại cộng đồng/số dân/thời gian;
- Độ bao phủ vắc xin (lưu ý nhóm tuổi có nguy cơ cao, tỷ lệ tiêm mũi thứ nhất, tỷ lệ tiêm đủ liều);
- Khả năng thu dung, điều trị của các tuyến (lưu ý xác định rõ khả năng thu dung, điều trị hiện có và kế hoạch bổ sung).
Cả nước tạm thời không thực hiện áp dụng theo Chỉ thị 15,16,19.
Căn cứ vào Hướng dẫn của Bộ Y tế về đánh giá và xác định cấp độ dịch và tình hình dịch trên địa bàn, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định chuyển đổi cấp độ dịch. Trong trường hợp nâng cấp độ dịch thì phải thông báo trước tối thiểu 48 giờ cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp biết, có sự chuẩn bị trước khi áp dụng.
Các hoạt động sẽ tùy vào cấp độ dịch sẽ có quy định cụ thể
Các hoạt động như tập trung đông người, giao thông công cộng, vận chuyển nội tỉnh, liên tỉnh…sẽ tùy vào cấp độ dịch để có quy định cụ thể.
Theo đó, với lưu thông vận chuyển nội tỉnh, liên tỉnh đều được hoạt động ở cả 4 cấp độ, nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch như đã tiêm đủ liều vắc xin, đã khỏi bệnh COVID-19, thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải.
Giao thông công cộng bằng đường bộ, đường sát, đường thủy nội địa và hàng hải, sẽ phải dừng hoạt động hoặc hạn chế hoạt động ở vùng đỏ, vùng cam, các vùng còn lại đều được hoạt động, riêng vùng vàng giảm công suất.
Với người vận chuyển bằng xe máy (grab) cũng được hoạt động phải đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch, nhưng trong trường hợp cần thiết UBND cấp tỉnh có thể quy định về số lượng người lưu thông.
Hoạt động tập trung trong nhà sẽ không tổ chức hoặc hạn chế người tham gia ở các vùng đỏ, cam, trong khi vùng xanh sẽ không hạn chế số người.
Các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, quán ăn được hoạt động ở cả 4 cấp độ dịch trên cơ sở có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, riêng vùng đỏ phải hạn chế hoạt động.
Tương tự, nhà hàng, quán ăn ở vùng đỏ cũng phải hạn chế hoạt động, đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, hạn chế số lượng người mua bán cùng một thời điểm.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác như làm tóc (bao gồm cắt tóc), làm đẹp, mát xa, vũ trường, karaoke, quán bar, internet, trò chơi điện tử hoặc các cơ sở khác do địa phương quyết định phải ngừng hoạt động ở vùng đỏ, hạn chế hoạt động ở vùng vàng, vùng cam và chỉ được hoạt động ở vùng xanh.
Hoạt động bán hàng rong, vé số dạo cũng phải ngừng hoạt động ở vùng đỏ, vùng vàng và vùng cam hoạt động có điều kiện và chỉ được hoạt động ở vùng xanh.
Với các cơ sở nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, tham quan du lịch; biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao… phải ngừng hoạt động ở vùng đỏ, hạn chế hoạt động ở vùng cam và chỉ được hoạt động ở vùng xanh, vùng vàng…
Hoạt động giáo dục, đào tạo trực tiếp: Đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục- Đào tạo và Bộ Y tế. Thời gian, số lượng học sinh, ngừng một số hoạt động theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và quy định của địa phương. Kết hợp với dạy, học trực tuyến và qua truyền hình.
Các địa điểm bảo tàng, triển lãm, thư viện, rạp chiếu phim, cơ sở, địa điểm biểu diễn văn hóa, thể dục thể thao…. được hoạt động ở vùng xanh, hạn chế hoạt động ở vùng vàng, vùng cam và ngừng hoạt động ở vùng đỏ.
Với cá nhân, phải tuân thủ 5K, ứng dụng công nghệ thông tin trong khai báo y tế, tiêm chủng vắc xin, sử dụng mã QR…
Tất cả các quy định này áp dụng thống nhất trên toàn quốc, có thể áp dụng linh hoạt các biện pháp bổ sung nhưng không được trái với quy định của trung ương, không gây ách tắc hàng hóa, sản xuất kinh doanh, đi lại của người dân.
Trường hợp cần thiết phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch trên quy mô toàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cao hơn các biện pháp tại Quy định này thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh báo cáo Bộ Y tế, Thủ tướng Chính phủ.
Lê Phương
Bất ngờ về nghi phạm sát hại chị gái, lấy tiền đưa bạn gái đi du lịch
Ngày 12/10, Tri Thức Trực Tuyến dẫn thông tin từ Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang cho biết, đơn vị đã tổ chức thực nghiệm điều tra vụ án Giết người và Cướp tài sản xảy ra ở xã Tân Phú, huyện Châu Thành.
Tại buổi thực nghiệm, bị can Lê Lâm Trường (26 tuổi, ở địa phương) tái diễn hành động sát hại chị gái nuôi để cướp tài sản.
Theo cảnh sát, buổi thực nghiệm nhằm kiểm tra lại các tình tiết, chứng cứ vụ án, nhằm đảm bảo tính khách quan, chính xác trong hoạt động tố tụng hình sự.
Nam thanh niên giết chị, lấy tiền cho bạn gái tại buổi thực nghiệm hiện trường. Ảnh: VietNamnet
Kết quả điều tra ban đầu, VietNamnet dẫn thông tin cho hay, Trường là đối tượng nghiện game, đam mê cờ bạc nên nợ tiền hơn 100 triệu đồng đã nảy sinh ý định giết người thân để cướp tài sản.
Ngày 7/3, thấy cha mẹ nuôi đi TP.HCM khám bệnh, nhà chỉ còn chị gái và cháu nhỏ nên Trường ra tay sát hại nạn nhân.
Trường dùng thanh sắt dài khoảng 40cm đánh vào đầu và gáy, bóp cổ nạn nhân. Sau đó, đối tượng kéo thi thể nạn nhân vào phòng ngủ, rồi lục lọi trong nhà lấy 3,5 lượng vàng 24K và 100 triệu đồng rồi bỏ trốn.
Trường bị cơ quan điều tra bắt giữ tại Đà Nẵng khi gã đang trên đường dẫn bạn gái đi du lịch.
Hiện, vụ việc đang được công an tiếp tục điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo ĐSPL
Hai “tú ông” điều bé gái 14 tuổi đến phục vụ quý ông trong nhà nghỉ
Ngày 12/10, thông tin từ Công an TP.Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình cho biết, đơn vị đang củng cố hồ sơ, xử lý nhóm đối tượng tổ chức mua, bán dâm và môi giới mại dâm trên địa bàn.
Hai “tú ông” Hậu và Kiểm tại trụ sở công an.
Trước đó, khoảng 22h30 ngày 11/10, Công an phường Ninh Khánh phối hợp với Đội Cảnh sát hình sự và Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TP.Ninh Bình kiểm tra nhà nghỉ Kiều Anh, địa chỉ tại số nhà 420, đường Trần Hưng Đạo, phố Khánh Bình, phường Ninh Khánh. Qua kiểm tra, lực lượng công an phát hiện tại các phòng 403, 405, 406 có ba cặp đôi đang thực hiện hành vi mua, bán dâm và tại phòng 404 của nhà nghỉ có 1 cặp đôi vừa thực hiện xong hành vi mua bán dâm.
Tại cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận khoảng 21h30 cùng ngày, Trương Văn Hậu (SN 1994, trú tại xóm 12, Hải Toàn, xã Hải An, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) là quản lý của nhà nghỉ Kiều Anh nhận được điện thoại của 1 người đàn ông hỏi về việc có nhu cầu tìm 4 cô gái để mua dâm.
Sau đó, Hậu gọi điện cho Đỗ Ngọc Kiểm (SN 1991, trú tại thôn Ngô Thượng, xã Ninh Hoà, huyện Hoa Lư) là quản lý của 4 đối tượng gái bán dâm, trong đó có 1 bé gái mới 14 tuổi. Hai bên thoả thuận 4 cô gái này sẽ “đi khách” với giá hai người, mỗi người 500.000 đồng và 2 người, mỗi người giá 1.000.000 đồng cho 1 lần.
Hiện vụ việc đang tiếp tục được xử lý theo quy định.
Tàu SE7/8 gần hết vé sau vài giờ mở bán, đường sắt phải lập thêm tàu mới
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phan Quốc Anh, Phó TGĐ Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, chỉ sau mấy tiếng mở bán vé tàu khách trở lại trong sáng nay (12/10), tàu SE7/8 Hà Nội - TP.HCM đã gần hết vé.
Cụ thể, tàu SE8 xuất phát tại ga Sài Gòn ngày 13/10 đã bán được 240/302 vé (tương đương 79,4%); tàu SE7 xuất phát tại ga Hà Nội ngày 15/10 đã bán được 247/302 vé (tương đương 81,78%). Nhiều hành khách đã đăng ký mua vé tàu trong các ngày từ 14 đến 20/10.
“Do trên tàu bán giãn cách chỗ toa ghế ngồi nên lượng vé trên tàu không full chỗ, chỉ trên 300 vé. Trong khi nhu cầu hành khách đi tàu vẫn còn, nên chúng tôi quyết định chạy thêm đôi tàu SE5/6 trên tuyến Hà Nội - TP.HCM”, ông Quốc Anh nói.
Ga Sài Gòn ngày đầu mở bán vé tàu khách trở lại tuy không quá đông đúc, nhưng hầu hết hành khách đều đủ điều kiện để mua vé, đi tàu
Ông Quốc Anh cũng cho biết, đã chỉ đạo các đơn vị vận tải đường sắt làm việc với địa phương có ga tàu dừng, đón trả khách để phối hợp triển khai việc đón hành khách và thực hiện các biện pháp phòng dịch của địa phương theo quy định.
Ở khu vực phía Nam, theo ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn, tối muộn hôm qua (11/10), ngành Đường sắt mới thông báo chính thức mở bán lại vé tàu khách từ 8h00 sáng nay (12/10).
Tuy nhiên, 7h00 sáng nay đã có nhiều hành khách đến ga Sài Gòn tìm hiểu, chờ đến giờ mở bán. Hành khách rất phấn khởi khi tàu khách chạy trở lại. Khi mua vé khách được nhân viên bán vé cung cấp thông tin, tư vấn kĩ các điều kiện đi tàu và các quy định phòng dịch liên quan.
“Đến 9h00, sau một giờ mở bán, trên hệ thống bán vé ghi nhận có 240 vé của 2 chuyến tàu đầu tiên SE8 chạy ngày 13/10 tại ga Sài Gòn và SE7 chạy ngày 15 tại ga Hà Nội đã được bán. Vé được bán tại ga và cả qua mạng; ga đến cũng dọc khắp khu vực miền Trung và miền Bắc”, ông Văn thông tin.
Tại ga Hà Nội, bà Phạm Thị Anh Đào, Trạm trưởng Trạm vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, sáng nay khá nhiều hành khách đến ga mua vé đi tàu. Hành khách mua vé chủ yếu đi khu vực miền Trung, miền Nam như Nha Trang, TP.HCM.
“Các điều kiện hành khách theo quy định tạm thời thí điểm chạy lại tàu khách của Bộ GTVT ban hành tối qua nghiêm ngặt nhằm đảm bảo an toàn phòng dịch. Chắc các hành khách đã tìm hiểu kĩ và đáp ứng được nên đều mua được vé”, bà Đào nói.
Cũng theo bà Đào, tại ga Hà Nội đã dành sẵn phòng cách ly để sử dụng khi có hành khách, nhân viên có biểu hiện nghi nhiễm dịch hoặc test Covid-19 dương tính. Cùng đó đang chuẩn bị khu vực để thực hiện test nhanh tại chỗ đối với hành khách và cả nhân viên đường sắt khi cần.
Trong khi đó, tại ga Hải Phòng, ông Trần Văn Hạnh, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Hải Phòng cho biết, đã có một số hành khách đến ga tìm hiểu, mua vé. Tuy vậy, nhà ga chưa thể bán được cho hành khách do hành khách chưa tìm hiểu kĩ các điều kiện để được đi tàu.
“Chúng tôi đã hỏi và giải thích cặn kẽ cho hành khách các điều kiện để được đi tàu cũng như các quy định về phòng dịch trên tàu, nơi đến... Khi hành khách đủ điều kiện, chúng tôi bán vé, tránh tình trạng khách không biết, mua vé rồi mà không lên được tàu”, ông Hạnh nói và cho biết, chi nhánh đang phối hợp với nhà ga chuẩn bị các điều kiện phòng dịch cần thiết để đón, tiễn khách đôi tàu LP5/6 sẽ chạy lại từ ngày mai 13/7.
Bắc Ninh: 9 người thương vong do nổ lò hơi tại Công ty gạch ốp lát BNC
Tối 12/10, thông tin từ UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, các cơ quan chức năng hiện đang trong quá trình khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân vụ nổ lò hơi khiến 9 người thương vong vừa xảy ra trên địa bàn huyện Quế Võ.
Vụ nổ lò hơi tại Quế Võ, Bắc Ninh khiến 9 người thương vong. Ảnh:CN
Trước đó, khoảng 16h cùng ngày, trong quá trình sản xuất, lò hơi tại khu vực Trạm khí hóa than bên trong Công ty Cổ phần gạch ốp lát BNC (KCN Quế Võ 2, xã Ngọc Xá, huyện Quế Võ) bất ngờ phát nổ.
Vụ việc khiến 3 người chết, 6 người trọng thương.
Danh tính 3 nạn nhân thiệt mạng gồm: L.V.H (SN 1985); N.V.T( SN 1995); N.K.T (SN 1980). 6 người trọng thương gồm: H.V.H (SN 1976); H.V.T (SN 1981); Đ.V.C (SN 1986); N.V.V (SN 1985); N.V.D (SN 1984); N.B.C (SN 1978).