Sau khi phát hiện 1 trẻ 5 tuổi nhiễm Covid-19, lực lượng chức năng Hải Dương đã xuyên đêm lấy mẫu xét nghiệm cho gần 600 giáo viên, học sinh.
Một học sinh mầm non Hải Dương nhiễm Covid-19, lấy mẫu xét nghiệm 600 người
Sáng 4/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương cho biết: Địa phương đã ghi nhận thêm ca mắc Covid-19 mới là con trai 5 tuổi của bệnh nhân được ghi nhận trước đó.
Ngay trong đêm qua (3/10), lực lượng chức năng đã lấy mẫu xét nghiệm của gần 600 giáo viên, học sinh liên quan đến ca nhiễm mới là bé trai đang học tại Trường mầm non ở xã Cẩm Đông, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương).
Gần 600 cô trò trường mầm non ở Hải Dương được xét nghiệm sau khi phát hiện 1 cháu bé nhiễm Covid-19
Ngày 1/10, sau khi kết quả xét nghiệm xác định anh T.V.K. ở xã Cẩm Đông, huyện Cẩm Giàng dương tính SARS-CoV-2, lực lượng chức năng đã cách ly và lấy mẫu xét nghiệm con trai bệnh nhân này. Đến chiều 3/10, kết quả xét nghiệm xác định bé trai này dương tính SARS-CoV-2.
Ngay sau khi có thông tin, lực lượng chức năng của huyện Cẩm Giàng đã tổ chức truy vết, rà soát xác định hàng chục trường hợp là giáo viên, trẻ mầm non trường mầm non xã Cẩm Đông là F1 của cháu bé. Đồng thời tổ chức khử khuẩn trường học này, yêu cầu các trường hợp F1 cách ly theo dõi sức khỏe.
Ngay trong tối 3/10, huyện Cẩm Giàng đã lấy mẫu xét nghiệm cho gần 600 trẻ và giáo viên, cô nuôi ở Trường Mầm non Cẩm Đông.
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương, liên quan ổ dịch Bệnh viện Việt Đức, toàn tỉnh Hải Dương đã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho gần 700 trường hợp tại 12 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn. Trong đó 184 trường hợp đi và đến bệnh viện Việt Đức, 163 trường hợp là người liên quan. Ngoài ra, có 30 trường hợp là F1 và 292 trường hợp F2 liên quan các ca bệnh.
(Theo Báo Giao Thông)
Phát hiện 12 người nhiễm SARS-CoV-2 trong số hơn 6.000 về quê Đắk Lắk
Sáng 4-10, bác sĩ Trịnh Quang Trí, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, cho biết hiện đã có 6.119 người dân ở các tỉnh thành phía Nam về quê Đắk Lắk.
Tỉnh Đắk Lắk ghi nhận 12 trường hợp test nhanh dương tính với SARS-CoV-2 trong đoàn người về quê
Tất cả người dân đều được cơ quan chức năng tiếp đón, tập trung để xét nghiệm test nhanh SARS-CoV-2. Sau đó, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh sẽ tổ chức đón về thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. "Trong đoàn người về quê Đắk Lắk, qua test nhanh sàng lọc đã ghi nhận 12 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2" - bác sĩ Trí thông tin.
Trước tình hình người dân từ các tỉnh thành phía Nam về quê Đắk Lắk và đi qua địa bàn tỉnh này rất lớn, cơ quan chức năng đang thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Theo ghi nhận của phóng viên, khuya 3-10 và rạng sáng 4-10, hàng trăm cán bộ, nhân viên y tế, cảnh sát giao thông và các lực lượng chống dịch khác trắng đêm tổ chức đón công dân từ các tỉnh thành phía Nam về.
Tại điểm Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng và Trường Trung học Cơ sở Hòa Phú (trên đường Hồ Chí Minh - đoạn cửa ngõ phía Nam tỉnh Đắk Lắk), nhiều thời điểm đặt trong tình trạng quá tải.
Lực lượng chức năng phải làm việc trắng đêm để phân loại, lấy mẫu xét nghiệm test nhanh sàng lọc cho hàng ngàn người dân về quê Đắk Lắk. Ở ngoài đường, lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức phân luồng, liên tục cử đoàn dẫn đường cho người dân đi qua tỉnh để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Theo bác sĩ Trịnh Quang Trí, số lượng người dân về rất lớn khiến không gian lấy mẫu chật hẹp, thời tiết mưa nhiều gây không ít khó khăn. Bên cạnh đó, trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh ghi nhận một số ổ dịch nên lực lượng lấy mẫu đang triển khai lấy mẫu ở các điểm này. Tuy nhiên, tỉnh đã chủ động vật tư y tế, nguồn nhân lực để đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.
(Theo Người lao động)
Gần trăm ngàn người về miền Tây, nhiều tỉnh báo động đỏ
Liên tục từ tối 30-9, người dân tự phát về quê bằng xe máy trên tuyến quốc lộ (QL) 1A nối TP.HCM với 13 tỉnh, thành miền Tây.
Từ QL1A, dòng người, xe sẽ tách ra để về Bến Tre, Trà Vinh, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang hoặc đi thẳng về Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Thống kê sơ bộ từ các tỉnh, thành ở ĐBSCL, chỉ trong vòng vài ngày qua đã có gần 80.000 người dân tự phát về quê. Có nơi, con số lên đến 20.000-30.000 người như An Giang, Sóc Trăng, nơi ít cũng 1.000-2.000 người.
Bà con Sóc Trăng về quê khi TP.HCM và các tỉnh lân cận nới lỏng giãn cách. Ảnh: H.DƯƠNG
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, lượng người dân về quá đông khiến địa phương quá tải. Trong hơn 20.000 người về An Giang, có hơn 10 ca dương tính được phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc. Tỉnh đã phải trưng dụng nhiều trường học để làm điểm cách ly.
“Người dân về nhiều vào buổi tối, các lực lượng phải làm việc xuyên đêm. Hiện tỉnh vẫn còn một số ổ dịch và phải tập trung dập dịch, vừa phải tiếp nhận lượng lớn người về dồn dập nên đã vượt khả năng của tỉnh, trong khi tỉ lệ bao phủ vaccine chỉ khoảng 20% dân số được tiêm mũi 1…” - ông Bình nói.
Trà Vinh cũng tiếp nhận khoảng 5.000 người tự phát về quê và tỉnh này cho mở cửa tất cả trường học để cho người dân vào cách ly 14 ngày, sau đó mới có thể đón thêm người mới. Thống kê của tỉnh Sóc Trăng, từ tối 2-10 đến trưa 3-10, có gần 20.000 người từ TP.HCM và các tỉnh chạy xe máy về Sóc Trăng. Trước đó đã có hơn 10.000 người trở về quê làm cho các khu cách ly trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng rơi vào tình trạng quá tải.
Rất đông người dân về Sóc Trăng chưa qua xét nghiệm sàng lọc nên tiềm ẩn nguy cơ rất cao lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Tỉnh yêu cầu công an tăng cường lực lượng tại các chốt để kiểm soát việc đi lại của người dân và người trở về từ vùng có dịch.
Cả vạn người về Tây Nguyên
Ngày 3-10, lãnh đạo UBND huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) cho biết: Trong tối 2-10, có gần 10.000 công dân các tỉnh phía Nam di chuyển bằng xe máy về các tỉnh Tây Nguyên, qua chốt kiểm soát dịch bệnh Cai Chanh, thuộc xã Đắk Ru.
Từ chiều 2-10 và ngày 3-10, lực lượng CSGT Công an tỉnh Đắk Nông đã phối hợp với lực lượng CSGT công an các tỉnh tổ chức dẫn đường cho hàng ngàn công dân chạy xe máy về quê.
Trên đường về quê, người dân được các nhà hảo tâm tiếp sức bánh mì, bánh bao, trứng, sữa, nước suối. Lực lượng chức năng lập danh sách người dân theo từng tỉnh, liên lạc với địa phương nơi có người dân về quê để bàn phương án hỗ trợ đưa người dân về từng địa phương, đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19.
Còn ở Đắk Lắk, số lượng người dân về quá đông, ước tính còn khoảng 120.000 người ở các tỉnh phía Nam và có rất nhiều người muốn trở về. Tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương khẩn trương tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh và UBND tỉnh về kế hoạch tiếp nhận công dân từ vùng có dịch trở về địa phương phù hợp với tình huống mới. Trong đó có việc thu phí cách ly tập trung 120.000 đồng/người/ngày.
Tỉnh cũng nhận thông tin là trong ngày 3-10, có hơn 2.000 công dân Đắk Lắk đang từ tỉnh Bình Dương trở về quê…
(Theo Pháp luật TPHCM)
Hôm nay, 4 tuyến xe buýt đầu tiên hoạt động lại
Các tuyến xe buýt còn lại sẽ căn cứ nhu cầu đi lại của người dân và tình hình phòng, chống dịch bệnh sẽ mở dần sau khi Trung tâm Quản lý giao thông công cộng khảo sát.
Thông tin vừa được Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP HCM thông báo. Trước khi hoạt động lại, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng đã lấy ý kiến của huyện Cần Giờ và được sự đồng thuận tổ chức lại 4 tuyến xe buýt nêu trên.
Trong thời gian giãn cách, các tuyến xe buýt phải dừng hoạt động
Cụ thể, tuyến 77: Đồng Hòa- Cần Thạnh: 60 chuyến/ngày. Tuyến 90: Phà Bình Khánh- Cần Thạnh với 90 chuyến/ngày. Tuyến 127: An Thới Đông- Ngã ba Bà Xán, 70 chuyến/ngày. Tuyến 128: Tân Điền-An Nghĩa, 70 chuyến/ngày.
Thời gian phục vụ từ 5 giờ 00 đến 18 giờ 00 mỗi ngày. Thời gian giãn cách từ 20- 30 phút/chuyến.
Đối với các tuyến xe buýt còn lại, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng sẽ căn cứ vào nhu cầu đi lại của người dân và tình hình phòng, chống dịch bệnh rà soát và báo cáo Sở Giao thông vận tải để có thông báo công bố cụ thể các tuyến xe buýt hoạt động trên địa bàn thành phố trong thời gian tới.
(Theo Người Lao Động)
TP HCM kêu gọi 4% dân số trên 18 tuổi chưa tiêm vắc-xin mau đăng ký
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM cho biết hiện còn khoảng 4% dân số TP HCM trên 18 tuổi chưa tiêm vắc-xin vì nhiều lý do khác nhau. Vì vậy, TP kêu gọi người dân thực hiện đăng ký tiêm qua tổng đài 8066 để TP sớm hoàn thành 100% người dân tiếp cận vắc-xin phòng Covid-19, ngăn chặn lây lan dịch bệnh.
Sau khi tiêm vắc-xin, người dân cần tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, thông điệp 5K, giữ khoảng cách giữa người với người tại nơi công cộng và cả trong không gian làm việc, chỉ ra khỏi nhà khi thật sự cần thiết. Mỗi người cần tiếp tục nâng cao tinh thần cảnh giác khi trở lại cuộc sống bình thường mới, vì nguy cơ dịch bệnh vẫn tồn tại.
Theo HCDC, hướng dẫn của Sở GTVT về tổ chức giao thông trên địa bàn TP HCM, phụ huynh có thể làm đơn đề nghị theo mẫu kèm theo bản chụp giấy tờ tùy thân và giấy tờ liên quan, sau đó gửi đến Sở GTVT qua email: sgtvt@tphcm.gov.vn để đăng ký đón con đang kẹt ở quê trở lại TP HCM.
Sở GTVT sẽ xem xét giải quyết và thông báo kết quả qua email trong vòng 48 giờ kể từ khi nhận được đơn. Khi được chấp thuận, phụ huynh có thể đi bằng phương tiện vận tải hành khách liên tỉnh (đường bộ, đường thủy, đường sắt, hàng không) để đón con. Trường hợp đi bằng ôtô cá nhân phải có giấy tờ hợp pháp và còn thời hạn đăng kiểm. Sở GTVT cũng lưu ý phụ huynh không tự đi lại bằng xe mô tô, xe máy.
(Theo Người Lao Động)
Quảng Nam đón 203 người từ TP HCM về quê miễn phí bằng máy bay
Sáng 4-10, ông Mai Phúc, Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Nam tại TP HCM cho biết theo kế hoạch, chuyến bay đưa 203 bà con từ TP HCM về quê Quảng Nam miễn phí sẽ xuất phát vào lúc 16 giờ chiều cùng ngày.
Quảng Nam đã tổ chức nhiều chuyến bay đón bà con về quê miễn phí
Đây là chuyến bay theo hình thức xã hội hóa, do UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Hội đồng hương và các địa phương liên quan tổ chức. 203 bà con được đón về quê trên chuyến bay này đa phần là thai phụ sắp đến ngày sinh, bà con vào TP HCM chữa bệnh…
Sau khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng, bà con sẽ được UBND tỉnh Quảng Nam đón về địa phương, cách ly theo quy định. Tất cả chi phí đi lại, cách ly đều hoàn toàn miễn phí.
Trước đó, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức đón khoảng 5.000 người dân từ TP HCM về quê miễn phí bằng ô tô, máy bay. Hiện nay, ngoài một số chuyến bay miễn phí đón người có điều kiện đặc biệt khó khăn, tỉnh Quảng Nam còn tổ chức đón người dân ở TP HCM về quê bằng máy bay, cách ly tại các khách sạn có thu phí.
Theo đó, tỉnh Quảng Nam có trách nhiệm đứng ra tổ chức, các chi phí như vé máy bay, ăn ở trong thời gian cách ly, phí xét nghiệm do người có nhu cầu về quê tự chi trả.
4 ngày thực hiện Chỉ thị 18, Công an TP.HCM kiểm soát 547.000 xe, phạt 588 người
Chiều 4-10, tại buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch COVID-19, Thượng tá Trần Thanh Giang, Phó trưởng phòng tham mưu (PV01) Công an TP.HCM, cho biết qua 4 ngày thực hiện Chỉ thị 18, Công an TP đã kiểm tra khoảng 547.000 phương tiện với 233.196 lượt người.
Qua đó, lập biên bản xử lý 588 trường hợp vi phạm các quy định phòng chống dịch với hơn 1,2 tỉ đồng.
Trong đó có 120 trường hợp lưu thông trên đường chưa đảm bảo các điều kiện ra đường của Chỉ thị 18 như chưa tiêm vaccine mũi 1 đủ ngày.
Việc này được kiểm tra thông qua các tổ tuần tra đột xuất, 12 chốt kiểm soát cấp TP ở cửa ngõ và 39 chốt quận, huyện giáp ranh với các tỉnh.
Thượng tá Giang cũng thông tin, việc lập các tổ tuần tra công khai của Công an TP đã dừng ngẫu nhiên các phương tiện trên đường, để kiểm tra việc phòng chống dịch.
Cụ thể, Chỉ thị 18 đã quy định rõ khi tham gia giao thông thì người dân phải có mã QR khai báo di chuyển của app VNEID và mã QR có lịch sử tiêm chủng. Nếu không có mã QR thì phải xuất trình giấy chứng nhận F0 khỏi bệnh 180 ngày hoặc giấy tiêm vaccine mũi 1 ít nhất 14 ngày; đồng thời có giấy tờ chứng minh đúng tên tuổi.
Đáng chú ý, Thượng tá Giang khẳng định trong quá trình tuần tra, lực lượng chức năng có thể xử phạt các vi phạm phòng chống dịch tại Điều 12, Điều 14, Nghị định 117/2020 quy định xử phạt trong lĩnh vực y tế.
Thượng tá Giang phân tích đối với nhóm hành vi không thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân như không đeo khẩu trang, không đảm bảo giãn cách sẽ bị phạt từ 1-3 triệu đồng. Còn khoản 2, điều 14 cũng quy định việc không chấp hành các biện pháp phòng chống dịch của các cơ quan có thẩm quyền sẽ bị phạt từ 5-10 triệu, đối với cá nhân.
Về việc hỗ trợ người dân đi qua TP.HCM về các tỉnh miền Tây và miền Đông, Công an TP đã hỗ trợ khoảng 10.000 lượt người vào ngày 1-10 và khoảng 24.000 lượt người vào ngày 2 và ngày 3-10.
Cũng trong hai ngày 2 và ngày 3-10, Công an TP ghi nhận có hơn 8.000 người dân TP.HCM, còn lại khoảng là người dân các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An... di chuyển qua TP.HCM để về quê.
Thượng tá Trần Thanh Giang khẳng định, công an ở các cửa ngõ TP hỗ trợ dẫn đường cho người dân về quê, đảm bảo người dân di chuyển thành đoàn, không xé lẻ.
(Theo Pháp luật TPHCM)
Cục Hàng không đề nghị mở lại đường bay nội địa: UBND TP.Hà Nội nói gì?
UBND TP.Hà Nội vừa có văn bản hoả tốc gửi Cục Hàng không Việt Nam về việc tham gia ý kiến đối với kế hoạch khai thác các đường bay nội địa thường lệ đi/đến Hà Nội trong giai đoạn dịch COVID-19.
Cụ thể, tại văn bản này, UBND TP. Hà Nội đề nghị Cục Hàng không Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông - Vận tải về kế hoạch khai thác các đường bay nội địa thường lệ đi/đến Hà Nội trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 để lấy ý kiến UBND thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành.
Hà Nội đề nghị Cục Hàng không Việt Nam làm rõ tiêu chí với hành khách đi tàu bay, cụ thể là phải thuộc các vùng xanh. Hành khách thuộc các vùng có mức độ dịch ở cấp 3, cấp 4 cần được sự cho phép của chính quyền nơi đi và sự tiếp nhận của chính quyền nơi đến.
Đối với người dân hiện đang ở tại TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An tạm thời chưa di chuyển đến các địa phương khác theo đúng tinh thần và nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công điện số 1265 ngày 30/9 về việc tiếp tục kiểm soát người ra, vào TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An và và Công văn số 3251 ngày 1/10/2021 của UBND TP.Hồ Chí Minh về việc phối hợp, hỗ trợ người dân lưu thông trong trường hợp cấp thiết.
Theo kế hoạch của Cục Hàng không, từ ngày 5/10 sẽ khai thác 91 chuyến bay khứ hồi mỗi ngày trên đường bay giữa Hà Nội với 17 đường đến và đi với các tỉnh, thành phố (Ảnh minh hoạ)
Ngoài ra, UBND Hà Nội cũng yêu cầu làm rõ phương án bố trí phương tiện đưa đón hành khách đi/đến sân bay quốc tế Nội Bài với các địa phương có khách đi và đến đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định của các địa phương và để đảm bảo hành khách đi sân bay quốc tế Nội Bài được các địa phương tiếp nhận.
Cần làm rõ cơ chế phối hợp với các cơ quan y tế các địa phương để đảm bảo những hành khách đi tàu bay theo dự thảo kế hoạch có thuộc nhóm đối tượng phải thực hiện cách ly và các biện pháp cách ly cụ thể để đảm bảo phối hợp được chặt chẽ.
UBND TP.Hà Nội cũng đề nghị Cục Hàng không Việt Nam chỉ tổ chức khai thác các đường bay nội địa đi/đến sân bay quốc tế Nội Bài khi đã báo cáo Bộ GTVT, Bộ Y tế và được sự thống nhất bằng văn bản với UBND TP.Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận.
Trước đó, ngày 2/10, Cục Hàng không Việt Nam có công văn gửi UBND TP.Hà Nội xin ý kiến về kế hoạch khai thác các đường bay nội địa thường lệ đi, đến Hà Nội trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19.
Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam gửi UBND TP.Hà Nội kế hoạch khai thác vận tải hàng không nội địa giai đoạn 1, dự kiến áp dụng từ 5/10/2021 với các thông tin về đường bay, hãng khai thác, tần suất đi, đến cảng hàng không quốc tế Nội Bài và đề nghị UBND TP.Hà Nội cho ý kiến.
Theo kế hoạch của Cục Hàng không, từ ngày 5/10 sẽ khai thác 91 chuyến bay khứ hồi mỗi ngày trên đường bay giữa Hà Nội với 17 đường đến và đi với các tỉnh, thành phố: TP.Hồ Chí Minh, Kiên Giang (Phú Quốc, Rạch Giá), Nghệ An, Quảng Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu (Côn Đảo), Quảng Nam, Cần Thơ, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Thừa Thiên-Huế, Lâm Đồng, Điện Biên, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Đắk Lắk.
Các đường bay trên sẽ do các hãng Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, Pacific Airlines khai thác. Trong đó đường bay giữa Hà Nội và TP.HCM có tần suất khai thác nhiều nhất với 28 chuyến khứ hồi mỗi ngày.
Cục Hàng không cho biết theo hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải hành khách của Bộ Giao thông-Vận tải, hành khách đi máy bay phải đáp ứng các yêu cầu: tuân thủ 5K, khai báo y tế theo quy định, xét nghiệm SARS-CoV-2 có kết quả âm tính trong vòng 72 giờ (kể từ khi nhận kết quả) bằng RT-PCR hoặc test nhanh; không yêu cầu xét nghiệm đối với người đã tiêm 1 liều vắc xin sau 3 tuần hoặc đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng.
(Theo Dân Việt)
Hải Phòng hỗ trợ TP.HCM hơn 18,4 tỉ đồng chống dịch
Ngày 4-10, Ủy ban MTTQVN TP.HCM - Trung tâm An sinh TP đã tiếp nhận nhu yếu phẩm gồm đồ hộp các loại (cá, thịt, pate…) của TP.Hải Phòng gửi tặng trị giá 4 tỷ 200 triệu đồng.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM Phạm Minh Tuấn gửi lời cảm ơn sự hỗ trợ của TP Hải Phòng cũng như các tỉnh, thành trong cả nước đối với công tác phòng chống dịch Covid -19 của TP.HCM.
Ông Tuấn khẳng định, sự hỗ trợ này không chỉ giúp tạo thêm nguồn lực động viên, khích lệ to lớn cho TP quyết tâm chiến thắng đại dịch để tái mở cửa nền kinh tế an toàn, phục hồi kinh tế trong điều kiện bình thường mới.
Tính đến nay, TP Hải Phòng đã hỗ trợ TP.HCM phòng chống dịch về kinh phí, vật tư, trang thiết bị y tế, nhu yếu phẩm với tổng trị giá 18 tỷ 450 triệu đồng. Số tiền này bao gồm: 10 tỉ đồng ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 TP; trao tặng hệ thống xét nghiệm PCR và 22.000 khay khử xét nghiệm định tính trị giá 4 tỉ 250 triệu đồng…
Bên cạnh đó, Sở Y tế TP Hải Phòng đã tổ chức ba đợt chi viện lực lượng y tế gồm 234 nhân viên y tế hỗ trợ bệnh viện hồi sức, Đại học Y dược Hải Phòng cử 208 giảng viên, sinh viên hỗ trợ tại Bệnh viện dã chiến số 13 và hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm tại Quận 8.
Địa phương này cũng đã phối hợp với Ủy ban MTTQVN TP.HCM, Ban Liên lạc Hội đồng hương Hải Phòng tại TP trong việc chi hỗ trợ hai triệu đồng/hộ gia đình là người Hải Phòng đang sinh sống tại TP gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 từ nguồn kinh phí của UBND TP Hải Phòng.
(Theo Pháp luật TPHCM)
27.000 công dân về quê, An Giang tính phương án cách ly tại nhà
Trưa 4-10, trao đổi với PLO, ông Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết Ban thường vụ Tỉnh ủy vừa có cuộc họp đã thống nhất phương án triển khai các công việc tiếp nhận, cách ly các công dân về quê tự phát.
“Đến sáng nay lượng công dân về tỉnh đã 27.000 người. Tỉnh đã trưng dụng các cơ sở giáo dục để làm điểm cách ly tập trung nhưng hiện cũng đã hết chỗ. Thời gian tới, tỉnh sẽ triển khai sàng lọc đối tượng để thực hiện cách ly tại nhà các trường hợp đủ điều kiện theo hướng dẫn của Công văn 8318 của Bộ Y tế. Tình hình dịch vẫn còn diễn biến phức tạp, tỉnh khuyến nghị bà con nên ở lại các địa phương để hỗ trợ tiêm vaccine, nếu bà con thật sự có nhu cầu, lỡ về đến thì tỉnh cũng tiếp nhận chu đáo trên tinh thần tương thân tương ái”, ông Phước thông tin.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang ông Nguyễn Thanh Bình phát biểu kết luận tại cuộc họp. Ảnh: HH
Trước tình hình công dân ngoài tỉnh trở về địa phương dồn dập, vượt quá quy mô, khả năng cách ly, điều trị của tỉnh, vào tối 3-10, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, Phó Trưởng Ban chỉ đạo thường trực, Chỉ huy trưởng Trung tâm chỉ huy phòng, chống dich COVID-19 tỉnh với các địa phương trên địa bàn, tại cuộc họp khẩn về tình hình người dân ngoài tỉnh tự phát về địa phương.
Để an dân và đảm bảo an ninh trật tự địa phương, Ban chỉ đạo (BCĐ) tỉnh thống nhất quan điểm tổ chức tiếp nhận các công dân An Giang ngoài tỉnh tự phát về đến cửa ngõ của địa phương. Thành lập Ban Tổ chức tiếp nhận công dân An Giang ngoài tỉnh về địa phương. Các địa phương đảm bảo tổ chức đưa đón về địa phương có trật tự, an toàn, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch theo quy định.
Đồng thời, ông Bình yêu cầu Trưởng BCĐ các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông và qua thân nhân của người lao động, khuyến nghị người dân nên ở lại nơi đang tạm trú để ổn định cuộc sống, được tạo điều kiện tiêm vaccine đủ 2 liều, không di chuyển tự phát về địa phương. Trường hợp có nguyện vọng trở về thì đăng ký với chính quyền địa phương để được hỗ trợ, hướng dẫn, đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch theo quy định.
Các huyện, thị xã, thành phố thành lập tổ công tác tiền phương và tổ công tác hậu phương. Hai tổ công tác này phối hợp với Ban Tổ chức chủ động có kế hoạch tiếp nhận công dân của địa phương mình và đưa về địa phương, các địa phương chủ động bố trí các khu vực tiếp nhận ban đầu, rộng rãi, thông thoáng, sàng lọc, xét nghiệm, phân loại theo nguy cơ, tiến hành tổ chức cách ly phù hợp, theo đúng hướng dẫn của ngành y tế.
Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, sau khi phân loại, sàng lọc, Trưởng BCĐ cấp huyện, phối hợp với Sở Y tế quyết định hình thức cách ly phù hợp.
Dịch COVID-19 tại TP HCM có nhiều tín hiệu lạc quan sau nới lỏng giãn cách
Theo Sở Y tế TP HCM, qua 7 ngày liên tục, số ca nhập viện điều trị COVID-19 mỗi ngày có xu hướng giảm ở tất cả các tầng, số ca mắc mới tiếp tục giảm, số ca tử vong tiếp tục giảm.
Cụ thể, về tình hình số ca mắc COVID-19 mới, từ ngày 1/10, số ca mắc mới trong ngày tiếp tục có xu hướng giảm dần, liên tục trong 3 ngày 1, 2, 3/10 thì số ca mắc mới lần lượt là 3.670 ca, 2.723 ca và 2.461 ca.
Trong khi trước đó, những ngày giữa tháng 9/2021, số ca mắc dao động từ 5.000 - 6.000 ca. Đến cuối tháng 9 số ca mắc mới là dưới 5.000 ca.
Về số ca nhập viện và xuất viện tại các cơ sở điều trị, Sở Y tế TP HCM nhận định, số ca nhập viện mới từ ngày 1/10 vẫn trên đà giảm, trong khi số xuất viện mỗi ngày tại các bệnh viện vẫn đang tăng lên.
Cụ thể, từ giữa tháng 9, số ca COVID-19 nhập viện đã dưới mức 4.000 ca/ngày. Những ngày gần đây đã giảm xuống mức 2.000 ca. Riêng trong 3 ngày vừa qua, số ca nhập viện lần lượt là 2.046, 1.880 và 1.631. Trong khi đó, số ca xuất viện gia tăng hơn số nhập viện, như ngày 3/10 xuất viện 4.069 ca.
Còn về số ca bệnh nặng (người bệnh cần thở oxy và thở máy) ở các tầng điều trị từ ngày 1/10 vẫn đang giảm. Tuy nhiên số ca bệnh nặng ở tầng 3 vẫn còn cao nên 3 ngày qua trung bình 5.000 ca. Tỷ lệ tử vong ở tầng 3 vẫn sẽ còn dao động ở mức cao.
Tuy nhiên, về số ca tử vong do COVID-19 thì giảm rõ rệt, theo số liệu, tuần vừa qua (26/9 đến 2/10) tử vong 871 trường hợp. Hiện số tử vong 2 ngày qua ở mức dưới 100 ca, cụ thể, ngày 2/10 là 79 ca, ngày 3/10 là 93 ca.
Hiện TP HCM đang điều trị 27.060 bệnh nhân, trong đó có 2.610 trẻ em dưới 16 tuổi, 724 bệnh nhân nặng đang thở máy, đáng nói là không có một bệnh nhân thở ECMO trong ngày 3/10 .
Trong ngày 03/10 có 1.449 bệnh nhân nhập viện, 2.743 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 216.856), 93 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 01/01/221 đến nay là 15.241).
Tính đến hết 3/10, TP.HCM đã tiêm được hơn 11,3 triệu liều vaccine COVID-19. Trong đó, 96,4% liều là mũi 1; 60,6% liều là mũi 2. Người trên 65 tuổi được tiêm 2 mũi đạt 69,1%. Hơn 2,5 triệu liều vaccine Vero Cell đã được tiêm cho người dân.
(Theo Gia Đình & Xã hội)
3 bệnh viện ở Hà Nội tiếp nhận khoảng 1.000 người chuyển từ BV Việt Đức
Tính đến trưa 4/10, liên quan Bệnh viện Việt Đức đã phát hiện 41 ca dương tính, trong đó có 33 ca phát hiện ở Hà Nội. Tất cả các ca này đã được chuyển sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương điều trị. Hơn 140F1 tại bệnh viện này cũng đã được đưa đi cách ly tập trung.
Hiện Bộ Y tế chưa có quyết định phong toả toàn Bệnh viện Việt Đức. Giám đốc Bệnh viện đã có quyết định cách ly y tế nhà D, nhà ăn và khu vực nhà 15 B. Kế hoạch làm sạch bệnh viện đang được rốt ráo triển khai.
Tới sáng 4/10, trong Bệnh viện Việt Đức còn hơn 3.000 người, gồm 1.054 bệnh nhân, 1.018 người nhà, hơn 1.000 nhân viên y tế. Những người này đều đã được lấy mẫu xét nghiệm 2 lần. GS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện, cho biết ngày mai dự kiến sẽ lấy mẫu lần 3 cho những người này, đảm bảo trong 7 ngày xét nghiệm liên tục 3 lần.
Ông Giang đề xuất cần có phương án phù hợp với nhân viên y tế đã tiêm đủ 2 hai mũi vaccine và 3 lần xét nghiệm âm tính trong 7 ngày. Riêng nhân viên y tế và người bệnh ở tầng 7, tầng 8 nhà D tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt phong toả.
Để giải toả và làm sạch bệnh viện, sáng 4/10, Bệnh viện Việt Đức đã có công văn và liên hệ 3 bệnh viện gồm Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Thanh Nhàn và Bệnh viện Đức Giang để chuyển 1.000 người gồm bệnh nhân, người nhà đến.
Theo dự kiến, Bệnh viện Việt Đức đề nghị Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tiếp nhận khoảng 200 người gồm cả bệnh nhân và người nhà; Bệnh viện Thanh Nhàn khoảng 450 người và Bệnh viện Đức Giang khoảng 350 người.
Về việc này, đến nay ba bệnh viện đã đồng ý hỗ trợ Bệnh viện Việt Đức.
Lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức cũng đề nghị Bộ Y tế và Sở Y tế Hà Nội, các đơn vị liên quan hỗ trợ viện di chuyển người bệnh, người nhà. Ngoài ra, viện đề nghị quận Hoàn Kiếm chỉ đạo các đơn vị liên quan hỗ trợ thủ tục những trường hợp là người đã ghép tạng đến tái khám, lấy thuốc. Những người này đến khám trong ngày, vào đúng thời điểm bệnh viện tạm phong toả chống dịch nên đang kẹt tại bệnh viện, họ mong được giải toả.
Ngoài ra còn có các trường hợp chạy thận chu kỳ được ra/ vào để chạy thận. Những trường hợp này đều tuân thủ phòng chống dịch và đã lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả âm tính.
PGS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, khẳng định giải toả, giảm mật độ trong Bệnh viện Việt Đức "là việc bức thiết phải làm".
Ông đề nghị Bệnh viện có kế hoạch cụ thể, Sở Y tế Hà Nội, các cơ quan và bệnh viện liên quan phối hợp hỗ trợ chặt chẽ. Ông nhấn mạnh việc chuyển bệnh nhân, người nhà ra khỏi bệnh viện về các viện khác phải đảm bảo an toàn và "Giám đốc Bệnh viện Việt Đức phải rà soát chặt chẽ".
Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cho biết có thể đưa những nhân viên y tế đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và 3 lần xét nghiệm âm tính ra khách sạn lưu trú để giãn mật độ trong viện. Những người này có thể vào chăm sóc người bệnh hàng ngày (theo hướng một cung đường hai điểm đến), hoặc giãn cách theo hình thức phù hợp, tuỳ vào đề xuất của Bệnh viện Việt Đức và thống nhất với phường, quận.
(Theo Gia Đình & Xã Hội)
Hàng chục học sinh ở Quảng Trị phải cách ly tập trung đã âm tính lần 2
Chiều 4/10, ông Nguyễn Thanh Bắc, Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ (Quảng Trị) cho biết, 59 học sinh liên quan đến ca mắc COVID-19 ở xã Cam Thủy phải đi cách ly tập trung tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên của huyện đã có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính.
59 em học sinh đã được đưa về cách ly tại nhà. Ảnh minh họa.
"Sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính lần 2 vào buổi chiều, tất cả các em học sinh và phụ huynh đi cách ly cùng đã được hỗ trợ đưa về nhà từ tối 3/10, riêng các giáo viên vẫn tiếp tục cách ly tập trung", ông Bắc cho hay.
Ông Bắc cũng cho biết: "Khi các em được về nhà cách ly, chúng tôi yêu cầu từng hộ gia đình, phụ huynh phải cam kết thực hiện nghiêm việc cách ly tại nhà. Đồng thời, chỉ đạo chính quyền địa phương và tổ COVID cộng đồng giám sát chặt chẽ việc thực hiện cách ly, cũng như hỗ trợ, đảm bảo an ninh lương thực và xử lý rác thải".
Trước đó, chiều tối 28/9, 65 học sinh, giáo viên của trường Mầm non Hoa Sen và trường TH&THCS Cam Thủy, huyện Cam Lộ phải đi cách ly tập trung để phòng chống dịch COVID-19 vì liên quan đến 1 ca F0.
Vì các em học sinh ở độ tuổi mầm non và tiểu học nên các phụ huynh đã tự nguyện vào khu cách ly để cùng chăm sóc các em. Vào ngày 27/9, toàn bộ giáo viên và học sinh nói trên đều đã được test nhanh COVID-19 và phải ở lại trường để chờ kết quả xét nghiệm.
Tính đến nay, trên địa bàn huyện Cam Lộ ghi nhận 14 ca mắc COVID-19.
Thanh tra ngay việc kinh doanh, mua sắm kit test nhanh và xét nghiệm RT-PCR
Ngày 4-10, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã có văn bản gửi các bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố đề nghị các tỉnh, thành giao thanh tra thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, thanh, kiểm tra đột xuất tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu kit test nhanh Covid-19, mua sắm các loại kit test nhanh và xét nghiệm RT-PCR.
Bộ Y tế cũng đề nghị các tỉnh, thành rà soát quy trình, thủ tục mua sắm, chất lượng, giá, tư cách pháp nhân... theo đúng quy định của pháp luật, tập trung vào giá xét nghiệm, giá dịch vụ xét nghiệm đang thực hiện tại các công ty, doanh nghiệp, bao gồm cả kit test nhanh kháng nguyên và xét nghiệm sinh học phân tử RT-PCR.
Xét nghiệm SARS-CoV-2 tại cơ sở y tế
Kịp thời chấn chỉnh và xử lý ngay các hành vi vi phạm pháp luật, thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng. Trường hợp có dấu hiệu hình sự, chuyển ngay hồ sơ sang cơ quan công an để xử lý theo quy định.
Theo Bộ Y tế, thời gian qua, Bộ đã có nhiều công văn "nhắc nhở" địa phương, đơn vị mua sắm phương tiện chống dịch theo cách có hiệu quả và tiết kiệm, cũng như tăng cường thanh, kiểm tra. Đây là văn bản thứ 3 trong hơn 10 ngày qua về việc tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về phòng, chống dịch Covid-19.
Theo phản ánh, thời gian qua có bất cập về giá mua, bán các loại kit test nhanh kháng nguyên nhanh, xét nghiệm RT-PCR và giá dịch vụ các loại xét nghiệm Covid-19 như: Giá xét nghiệm cao hơn so với thực tế, giá dịch vụ xét nghiệm không thống nhất, nhiều cơ sở xét nghiệm thu cao, đặc biệt là tại khu vực y tế tư nhân...
Bộ Y tế cho biết hiện đã cấp phép cho 97 loại kit test Covid-19 các loại, trong đó riêng kit test nhanh giá công bố từ 78.000-200.000 đồng/test, giá trúng thầu phổ biến tại bệnh viện, địa phương khoảng 135.000 đồng/kit test.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, giá xét nghiệm test nhanh là 238.000 đồng/1 mẫu xét nghiệm đơn, tuy nhiên tại nhiều cơ sở y tế, giá dịch vụ xét nghiệm dao động nhiều mức, cao nhất lên tới 400.000 đồng/test nhanh.
TP HCM đồng ý mở lại đường bay nội địa thường lệ
UBND TP HCM ngày 4-10 vừa gửi văn bản đến Cục Hàng không Việt Nam (Cục Hàng không) góp ý về kế hoạch khai thác trở lại các đường bay nội địa thường lệ.
Văn bản do Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoà Bình ký cho biết qua nghiên cứu, UBND TP HCM cơ bản thống nhất với dự thảo kế hoạch khai thác các đường bay nội địa thường lệ trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19.
Tuy nhiên, TP HCM cũng đề nghị Cục Hàng không xem xét một số nội dung.
Về tần suất khai thác, TP HCM đề nghị căn cứ theo Quyết định số 1740 ngày 30-9 của Bộ GTVT về ban hành hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải hành khách của 5 lĩnh vực (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không) đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và cấp độ dịch của các địa phương để điều chỉnh trong từng thời kỳ cho phù hợp.
Đối với đường bay TP HCM - Hà Nội, UBND TP HCM đề nghị tổ chức một số chuyến bay khứ hồi trong tuần, để giải quyết một phần nhu cầu đi lại cấp thiết giữa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.
Về hoạt động của sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, UBND TP HCM yêu cầu phải đảm bảo đáp ứng các điều kiện theo bộ tiêu chí đánh giá hoạt động giao thông vận tải an toàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố ban hành kèm theo Quyết định số 3324 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP HCM.
Hành khách cần tuân thủ các yêu cầu theo Chỉ thị số 18 ngày 30-9-2021 của UBND TP HCM về tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP HCM.
Ngoài ra, UBND TP HCM đề nghị Cục Hàng không phân công đầu mối để phối hợp với Sở GTVT TP HCM trong công tác triển khai kế hoạch khai thác các đường bay nội địa thường lệ, đảm bảo phù hợp với tình hình phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn.
Theo dự thảo Kế hoạch tổ chức khai thác các đường bay nội địa trong nước giai đoạn 1 dự kiến áp dụng từ ngày 5-10-2021 do Cục Hàng không xây dựng, tổng số các đường bay nội địa dự kiến khôi phục lại là 385 chuyến bay khứ hồi/ngày. Trong đó, riêng TP HCM khôi phục lại 18 đường bay với 132 chuyến bay khứ hồi/ngày.
Trước đó, UBND các tỉnh Bình Định, Điện Biên, Khánh Hòa và Phú Yên cũng đã có văn bản đồng ý với kế hoạch mở lại đường bay nội địa của Cục Hàng không. Còn TP Hải Phòng đề nghị trước mắt chưa khai thác các đường bay đến, đi TP này.
(Theo Người Lao Động)