COVID-19 11/2: Hàng nghìn giáo viên và học sinh dương tính SARS-CoV-2, một thành phố ra thông báo khẩn

K.T - Ngày 11/02/2022 14:44 PM (GMT+7)

Đại diện Sở GD&ĐT TP Hải Phòng cho biết, báo cáo sơ bộ ngày 10/2 toàn ngành ghi nhận thêm 2.360 giáo viên và học sinh dương tính SARS-CoV-2. Sở đã triển khai kế hoạch chăm sóc, cách ly, điều trị F0 và việc tổ chức dạy học trực tiếp tới các quận huyện, trư

10 diễn biến

Thêm 2.360 giáo viên và học sinh Hải Phòng trở thành F0

Tối 10/2, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hải Phòng thông tin, trong ngày địa phương ghi nhận thêm 1.360 ca dương tính SARS-CoV-2. Trong đó, 1.149 trường hợp tự đi xét nghiệm, những trường hợp còn lại test nhanh, khám sàng lọc và F1 của các ca bệnh trước. Trong ngày, thành phố ghi nhận 2 bệnh nhân tử vong.

Hiện tại Hải Phòng đang điều trị hơn 18.500 bệnh nhân, trong đó 119 ca bệnh nặng. Đến nay, thành phố đã tiêm hơn 4 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 cho người dân và trẻ em.

Từ khi kết thúc kỳ nghỉ Tết (7/2) đến nay, số ca dương tính SARS-CoV-2 tại Hải Phòng liên tục tăng đều từ 650 ca đến 1.360 ca/ ngày.

Trong khi đó, đại diện Sở GD&ĐT TP Hải Phòng thông tin, từ 17h ngày 9/2 đến 17h30 ngày 10/2 có thêm 2.360 giáo viên, học sinh dương tính SARS-CoV-2. Trong đó, 113 trường hợp là giáo viên và 2.242 trường hợp là học sinh.

Tích lũy đến tối 10/2, riêng ngành giáo dục Hải Phòng đã ghi nhận tổng số 6.477 trường hợp (449 giáo viên và 6.028 học sinh) mắc COVID-19.

Cùng ngày, ông Phạm Quốc Hiệu – Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng có công văn đề nghị các quận huyện chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc trên địa bàn thống nhất việc tổ chức dạy học trực tiếp tại địa phương, tạo thuận lợi cho phụ huynh trong việc đưa đón, chăm sóc học sinh.

Theo đó, trường hợp học sinh có kết quả xét nghiệm dương tính được nghỉ học và điều trị theo hướng dẫn của lực lượng y tế. Nhà trường có trách nhiệm tổ chức cho học sinh mắc COVID-19 học online hoặc dạy bổ trợ… đảm bảo học sinh được tiếp cận kiến thức cơ bản. Học sinh còn lại của lớp đi học bình thường, thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch.

Bộ trưởng GDĐT Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác kiểm tra việc tổ chức dạy trực tiếp tại các trường học ở Hải Phòng ngày 9/2.

Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác kiểm tra việc tổ chức dạy trực tiếp tại các trường học ở Hải Phòng ngày 9/2.

Tuyệt đối không kỳ thị học sinh F0

Sở GD&ĐT Hải Phòng cũng đề nghị, những ngày đầu học sinh quay lại trường, các cơ sở giáo dục cần dành thời gian phù hợp để học sinh làm quen trở lại với việc học trực tiếp.

Đối với học sinh lớp 1, phổ biến các quy định và sinh hoạt tại trường; tổ chức các hoạt động tạo hứng thú và trạng thái thỏa mái cho học sinh; hướng dẫn kiến thức phòng dịch và nguyên tắc tuân thủ trong phòng dịch… Tuyệt đối không để xảy ra việc kỳ thị đối với các trường hợp bị F0.

Tổ chức giảng dạy các nội dung cơ bản theo điều chỉnh của Bộ GD&ĐT phù hợp với điều kiện và đối tượng, tránh gây áp lực, quá tải đối với học sinh.

Các cơ sở giáo dục triển khai các biện pháp phòng chống và xử lý tình huống phát sinh theo phương án, kịch bản đã được thành phố phê duyệt. Tổ chức tập huấn, diễn tập cho phụ huynh, giáo viên, học sinh để trẻ em đến trường đảm bảo an toàn. Không xem nhẹ phòng dịch nhưng cũng không căng thẳng quá mức cần thiết, ảnh hưởng tới học tập và sinh học của học sinh.

Nguồn: https://tienphong.vn/them-2-360-giao-vien-va-hoc-sinh-hai-phong-tro-thanh-f0-post141535...

Khẩn trương hướng dẫn chuyên môn, phác đồ điều trị COVID-19 cho trẻ em dưới 12 tuổi

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 37/TB-VPCP ngày 10/2/2022 thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về công tác điều trị cho trẻ em nhiễm COVID-19.

Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan xây dựng kịch bản với các tình huống có thể xảy ra khi học sinh đến trường học tập trung trở lại; không để bị động, lúng túng, bất ngờ.

Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện, ban hành văn bản hướng dẫn về chuyên môn và phác đồ điều trị COVID-19 đối với người dưới 18 tuổi, nhất là trẻ em dưới 12 tuổi.

Bên cạnh đó, chỉ đạo, tổ chức tập huấn ngay cho các bệnh viện trên toàn quốc về công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhi mắc COVID-19, chỉ đạo và hướng dẫn các biện pháp phù hợp để hạn chế tối đa khả năng xảy ra việc khoa nhi trong bệnh viện bị lây nhiễm COVID-19, hoặc quá tải.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chủ động, hướng dẫn các địa phương lên kế hoạch huy động các tình nguyện viên tham gia thực hiện công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân nhi nhiễm COVID-19 tại các cơ sở y tế trong trường hợp cần thiết.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các Bộ, cơ quan liên quan và các địa phương tăng cường, đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông để gia đình, phụ huynh và giáo viên chủ động phối hợp, đề cao tinh thần trách nhiệm, tổ chức cho các em học sinh yên tâm đến trường học tập trung trở lại mạnh khoẻ, an toàn và hiệu quả.

Nguồn: https://giadinh.net.vn/khan-truong-huong-dan-chuyen-mon-phac-do-dieu-tri-covid-19-cho-t...

Giải thể Bệnh viện Hồi sức COVID-19 cùng bệnh viện chuyên tiếp nhận biến chủng Omicron

Ngày 10/2, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết, tình hình dịch bệnh ở TPHCM có nhiều dấu hiệu tích cực. Từ ngày 14 đến 17/2, thành phố ghi nhận ở mức 2 con số, riêng ngày 5/2 chỉ còn 24 ca mắc. Sau kỳ nghỉ Tết, từ ngày 8 đến ngày 10/2, số ca mắc tăng nhẹ, cụ thể số ca ngày hôm qua được ghi nhận là 242 ca.

Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2 sẽ tái lập công năng sau khi Bệnh viện Hồi sức COVID-19 giải thể.

Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2 sẽ tái lập công năng sau khi Bệnh viện Hồi sức COVID-19 giải thể.

“Dự báo trong vài ngày tới, số ca có thể sẽ tiếp tục tăng. Tuy nhiên, thực tế tiếp nhận, điều trị cho thấy số bệnh nhân thở máy, ca nặng, tử vong không tăng, thậm chí tiếp tục giảm sâu. Điều đó chứng tỏ quá trình điều trị của ngành y tế TPHCM đang đang đáp ứng tốt trước tình hình dịch bệnh” - bà Huỳnh Mai chia sẻ.

Trước tình hình mới, ngành y tế thành phố đã có kế hoạch cơ cấu lại các cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19. Cụ thể, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 tại Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2 (do Bệnh viện Chợ Rẫy phụ trách chuyên môn) dự kiến sẽ ngưng hoạt động trong tuần tới để trả lại công năng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân ung thư.

Tính đến ngày 10/2, tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 chỉ còn 19 trường hợp điều trị nội trú. Những ngày qua, bệnh viện chỉ tiếp nhận thêm một vài trường hợp nhập cấp cứu. Trước tình hình trên, Ban giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đã có kiến nghị Sở Y tế và UBND thành phố về việc giải thể Bệnh viện Hồi sức COVID-19.

“Bệnh viện Hồi sức COVID-19 đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, từ khi đi vào hoạt động đến nay, bệnh viện trở thành trụ cột của ngành y tế trong cuộc chiến chống dịch trên địa bàn thành phố. Khi bệnh viện chính thức giải thể các trường hợp đang điều trị tại đây sẽ được chuyển về bệnh viện dã chiến 3 tầng số 14, số 16 để tiếp tục điều trị” – Bà Huỳnh Mai nói.

Bên cạnh đó, Sở Y tế TPHCM đã có quyết định giải thể thêm nhiều bệnh viện dã chiến khác. Cụ thể, hiện nay một số bệnh viện không còn bệnh nhân gồm Bệnh viện Dã chiến số 6, số 8, số 12. Trong đó, bệnh viện dã chiến số 12 chuyên tiếp nhận, thu dung, điều trị bệnh nhân nhiễm Omicron cũng đã hoàn thành sứ mệnh của mình.

“Bệnh viện dã chiến số 12 là cơ sở duy nhất tại TPHCM được giao nhiệm vụ cách ly người nhập cảnh dương tính và người nhiễm biến thể Omicron. Tuy nhiên, hiện nay, thành phố đã có chủ trương cho phép người nhiễm Omicron điều trị tại bệnh viện tư nhân (nếu có nhu cầu) hoặc tại nhà. Do đó, Bệnh viện Dã chiến số 12 sẽ chính thức giải thể” – Bà Huỳnh Mai nói.

Để đảm bảo công tác phòng chống dịch, chủ động ứng phó với mọi diễn biến có thể xảy ra, TPHCM vẫn duy trì 3 bệnh viện dã chiến 3 tầng gồm Bệnh viện số 13, số 14 và số 16. Trong đó, các trung tâm hồi sức COVID-19 tại bệnh viện số 14 và 16 vẫn đảm bảo 600 giường hồi sức. Ngoài ra, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới và Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn sẵn sàng cung ứng mỗi bệnh viện 200 giường hồi sức COVID-19. Trong tình huống dịch bệnh diễn biến phức tạp, Sở Y tế sẽ kích hoạt các bệnh viện dã chiến, hoạt động trở lại trong 24 giờ.

Bên cạnh đó, các bệnh viện dã chiến thu dung cấp quận huyện, cơ sở thu dung tại các khu chế xuất Linh Trung, khu Công nghệ cao vẫn tiếp tục hoạt động. Ngành y tế sẽ triển khai việc phục hồi công năng một số bệnh viện theo kế hoạch, thành lập khoa, đơn vị COVID-19 để chăm sóc người bệnh, phục hồi chức năng, hỗ trợ bệnh nhân hậu COVID-19.

Nguồn: https://tienphong.vn/giai-the-benh-vien-hoi-suc-covid-19-cung-benh-vien-chuyen-tiep-nha...

TPHCM: Một trường hợp nghi nhiễm biến chủng Omicron trong cộng đồng

Sáng 11/2, nguồn tin của Báo Tiền Phong cho biết, ngành y tế thành phố đang khẩn trương điều tra dịch tễ, khoanh vùng xử lý nguy cơ lây nhiễm của một trường hợp nghi nhiễm biến chủng Omicron trong cộng đồng.

Được biết, đây là trường hợp của một bệnh nhân nam ngụ tại quận Bình Thạnh, có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, nghi nhiễm biến chủng Omicron. Quá trình điều tra dịch tễ bước đầu ghi nhận, trước khi được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 bệnh nhân có tiếp xúc với nhiều người trong gia đình.

Ngành y tế đang khẩn trương thực hiện các bước điều tra dịch tễ, khoanh vùng nguy cơ lây nhiễm.

Ngành y tế đang khẩn trương thực hiện các bước điều tra dịch tễ, khoanh vùng nguy cơ lây nhiễm.

Hiện người bệnh và các F1 đã được cách ly y tế, theo dõi sức khỏe theo quy định. Ngành y tế đang tiếp tục thực hiện xét nghiệm để xác định nguy cơ của các trường hợp F1, kịp thời khoanh vùng xử lý, tránh nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng.

Trước đó, tại buổi họp báo về tình hình dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn TPHCM (ngày 10/2) BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế cho biết, trên địa bàn TPHCM đã ghi nhận 92 trường hợp nhiễm biến chủng Omicron. Ngoài 5 trường hợp là chùm ca bệnh được phát hiện trong cộng đồng, tất cả những bệnh nhân còn lại đều là người nhập cảnh. Thành phố chưa ghi nhận trường hợp nhiễm biến chủng Omicron tử vong.

Nguồn: https://tienphong.vn/tphcm-mot-truong-hop-nghi-nhiem-bien-chung-omicron-trong-cong-dong...

TPHCM sắp tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 – 11 tuổi

Theo Phó Chủ tịch Dương Anh Đức, đến nay, việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 chưa đạt được mục tiêu 80% người tiêm mũi 3. Các quận huyện, TP Thủ Đức cần chủ động, khẩn trương bằng mọi cách tìm ra những người chưa tiêm đủ để tiêm ngay càng sớm càng tốt. Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM khẩn trương phối hợp với các quận huyện, có kế hoạch tổ chức tiêm vắc xin cho các em đến thời hạn phải tiêm và sớm triển khai tiêm chủng cho các em từ 5-11 tuổi theo tinh thần của Chính phủ là tự nguyện, không bắt buộc. Ông yêu cầu vận động các phụ huynh, gia đình để đạt được tỷ lệ tiêm cao nhất, đặc biệt là đối với nhóm trẻ béo phì, có bệnh nền…

Theo ông Dương Anh Đức, bắt đầu từ ngày 14/2, học sinh trên địa bàn thành phố sẽ trở lại trường học trực tiếp. Sở GD-ĐT cần phối hợp với Sở Y tế và các quận huyện làm tốt công tác chuẩn bị đảm bảo sức khỏe cho các em học sinh, thầy cô giáo để đảm bảo quy trình tốt cho công tác dạy và học. “Phải có cơ chế cập nhật thông tin thường xuyên, trao đổi thống nhất với ngành y tế để phối hợp nhịp nhàng, không để xảy ra những sự cố đáng tiếc, đảm bảo môi trường học tập cho các em học sinh an toàn nhất. Các trường mầm non phải được quan tâm đặc biệt, tạo sự yên tâm cho cha mẹ các cháu làm việc, sản xuất” - ông Đức yêu cầu.

Lãnh đạo UBND TPHCM cũng lưu ý các cơ quan, đơn vị và địa phương chủ động phát hiện sớm các ổ dịch có nguy cơ cao, đặc biệt là những hộ gia đình vừa đi du lịch dài ngày trong đợt nghỉ Tết từ những địa phương khác trở về TPHCM để rà soát, vận động khai báo trung thực, khi có triệu chứng cần xét nghiệm để xử lý sớm. Theo Phó Chủ tịch Dương Anh Đức, những ngày gần đây, số ca tử vong chủ yếu là những người nguy cơ cao. Đa số các ca tử vong là từ các tỉnh, thành phố khác chuyển về TPHCM điều trị, trong đó người chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ liều chiếm tỷ lệ cao. Do đó, ngành Y tế TPHCM cùng các quận huyện cần tiếp tục chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ cao để nâng cao hiệu quả phòng chống dịch bệnh.

Theo Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng, tính đến 11 giờ ngày 10/2, TPHCM đã tiêm được gần 20 triệu mũi vắc xin, trong đó có 8.106.421 trường hợp tiêm mũi 1, 7.294.716 trường hợp tiêm mũi 2, 661.269 trường hợp tiêm mũi bổ sung và 3.919.001 trường hợp tiêm mũi nhắc lại.

Nguồn: https://tienphong.vn/tphcm-sap-tiem-vac-xin-cho-tre-tu-5-11-tuoi-post1415391.tpo

TP HCM: Thêm 1 nơi khám hậu COVID-19 cho người dân

Bệnh viện Gia An 115 TP HCM ngày 10-2 đã triển khai đưa vào hoạt động Phòng khám hậu COVID-19 và Phòng khám hô hấp, nhằm hỗ trợ tốt nhất cho người bệnh, đặc biệt là những người bệnh gặp các di chứng sau khi mắc COVID-19.

Tại Phòng khám hậu COVID-19, những người bệnh sau nhiễm SARS-CoV-2 có tình trạng khó thở, mệt mỏi, ho, đau ngực, mất vị giác, rối loạn tâm lý… sẽ được tư vấn, tiếp nhận khám, điều trị và theo dõi chặt chẽ các triệu chứng hiện có. 

Tập luyện cho bệnh nhân hậu COVID-19.

Tập luyện cho bệnh nhân hậu COVID-19.

Ngoài ra, những bệnh nhân có vấn đề về phổi và chức năng hô hấp, mắc các bệnh lý phổi – hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ngưng thở khi ngủ, cai thuốc lá, lao phổi, ho khạc máu, ho kéo dài, khó thở… sẽ được tiếp nhận tại Phòng khám hô hấp để các bác sĩ chuyên môn khám và đưa ra hướng điều trị phù hợp nhằm giúp cải thiện hiệu quả tình trạng bệnh.

TS-BS Trương Vĩnh Long, Giám đốc Bệnh viện Gia An 115, cho biết trong thời gian qua, bên cạnh tham gia điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19, bệnh viện cũng đã tiếp nhận, điều trị cho nhiều ca bệnh gặp các triệu chứng hậu COVID-19. 

Nhiều trường hợp mắc hội chứng hậu COVID-19 với các biểu hiện như khó thở, hụt hơi, mệt mỏi, đuối sức, giảm khả năng đi lại, khó tập trung suy nghĩ, rối loạn giấc ngủ, khó khăn khi thực hiện các hoạt động sống hàng ngày… đã được các bác sĩ hướng dẫn các bài tập. Tuy nhiên, số lượng người bệnh đến bệnh viện để khám do các triệu chứng hậu COVID-19 đang có xu hướng tăng lên.

Từ thực tế đó, bệnh viện quyết định triển khai một phòng khám riêng để phục vụ nhu cầu của người bệnh. Phòng khám này sẽ là nơi khám, tầm soát và điều trị toàn diện các di chứng của COVID-19, giúp những người bệnh phục hồi sức khỏe và nâng cao chất lượng sống, đặc biệt là những người từng bị COVID-19 mức độ nặng, nguy kịch. 

"Với việc đưa vào hoạt động phòng khám này, chúng tôi hy vọng sẽ cùng với nhiều bệnh viện khác trên địa bàn TP HCM tạo nên một mạng lưới để làm tốt công tác thăm khám và chăm sóc sức khỏe cho những người bệnh mắc hội chứng hậu COVID-19", BS Long thông tin.

Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/tp-hcm-them-1-noi-kham-hau-covid-19-cho-nguoi-dan-202202102...

Test nhanh phát hiện 2.177 ca mắc COVID-19, 457 ca cộng đồng

Sáng 11-2, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Nghệ An cho biết trong 12 giờ qua (từ 18 giờ ngày 10-2 đến 6 ngày 11-2), tỉnh Nghệ An ghi nhận 901 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 162 ca cộng đồng; 739 ca đã được cách ly từ trước (721 ca là F1, 18 ca từ ngoại tỉnh có dịch về).

Theo cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An địa phương có số ca mắc Covid -19 mới cao nhất trong 12 giờ qua: TP Vinh: 243, huyện Hưng Nguyên: 151, huyện Nghi Lộc: 140, huyện Quỳnh Lưu: 77.

Lực lượng chức năng Nghệ An lấy mẫu test nhanh COVID-19 người dân.

Lực lượng chức năng Nghệ An lấy mẫu test nhanh COVID-19 người dân.

Trước đó, vào tối ngày 10-2, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Nghệ An thông tin trong 12 giờ (từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 10-2), tỉnh Nghệ An ghi nhận 1.276 ca mắc COVID-19, trong đó có 295 ca cộng đồng; 981 ca đã được cách ly từ trước (967 ca là F1, 14 ca từ ngoại tỉnh có dịch về). 

Như vậy, trong 24 giờ qua (từ 6 giờ ngày 10-2 đến 6 giờ ngày 11-2), trên địa bàn tỉnh Nghệ An phát hiện 2.177 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 457 ca cộng đồng.

Lũy kế từ đầu mùa dịch đến nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã ghi nhận 26.281 ca mắc COVID-19... Lũy kế số bệnh nhân điều trị đã khỏi bệnh, ra viện: 14.238 người, số bệnh nhân tử vong: 52 người, bệnh nhân hiện đang điều trị: 11.991 người.

Liên quan đến số ca mắc COVID-19 tại tỉnh Nghệ An tăng nhanh sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2022, ông Nguyễn Hữu Lê, Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An, cho biết trong những ngày đầu năm mới Nhâm Dần 2022, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh Nghệ An tăng nhanh, nhiều ca bệnh không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Nguyên nhân là do số lượng người dân trở về từ các vùng dịch gia tăng, mật độ giao lưu, mua sắm tết tăng cao. 

Cũng theo ông Lê, trước diễn biến dịch phức tạp, tỉnh Nghệ An đã có văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị kiểm soát việc tập trung đông người trái quy định và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định phòng, chống dịch.

Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/test-nhanh-phat-hien-2177-ca-mac-covid-19-457-ca-cong-dong-...

Quảng Bình ghi nhận 571 ca mắc COVID-19, có tới 423 ca cộng đồng

Ngày 11-2, Trung tâm Chỉ huy phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Bình cho biết 571 là số ca mắc Covid-19 mới trong ngày (tính từ 6 giờ ngày 10-2 đến 6 giờ ngày 11-2), trong đó phần lớn ca cộng đồng, có 1 trường hợp tử vong.Kết quả này có được sau khi ngành y tế Quảng Bình thực hiện công tác giám sát, xét nghiệm và truy vết cho hơn 3.200 trường hợp.

Cụ thể số ca mắc cộng đồng được ghi nhận, TP Đồng Hới 71 trường hợp; thị xã Ba Đồn có 86 trường hợp; huyện Quảng Trạch phát hiện 79 ca; huyện Lệ Thủy 69 ca; huyện Quảng Ninh 26 ca; Minh Hóa 13 ca và Tuyên Hóa 11 ca.

Trong các khu cách ly tập trung, tại nhà, qua xét nghiệm ngành y tế Quảng Bình ghi nhận 148 trường hợp mắc COVID-19, tập trung chủ yếu ở TP Đồng Hới, thị xã Ba Đồn và huyện Quảng Trạch…

Có 1 trường hợp tử vong do COVID-19 được ghi nhận là bệnh nhân T.T.B (SN 1924; ngụ xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch). Bệnh nhân bị nhiễm SARS-CoV-2, ngoài ra còn mắc nhiều bệnh đi kèm như: suy hô hấp, suy thận.

Theo Trung tâm Chỉ huy phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Bình, những ngày sau Tết Nguyên đán, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Quảng Bình có diễn biến phức tạp; số ca mắc tăng cao. Trong 5 ngày từ 7 đến 11-2, đã có trên 2.100 ca nhiễm mới; trong đó có tới 1.720 ca cộng đồng.

Sau khi phát hiện các ca bệnh, ngành y tế cùng phối hợp với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương truy vết, cách ly, xét nghiệm để khoanh vùng, ngăn chặn dịch lây lan, bùng phát. 

Dự báo trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, ngành y tế tỉnh Quảng Bình đã xác định 1-2 tuần tới, số lượng ca bệnh sẽ tiếp tục tăng lên. Để chủ động ứng phó với các tình huống dịch, ngành đã chỉ đạo các đơn vị chủ động các giải pháp về cách ly, xét nghiệm, điều trị. Tiếp tục rà soát, xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ để phát hiện sớm các ca bệnh trong cộng đồng, khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.

Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/quang-binh-ghi-nhan-571-ca-mac-covid-19-co-toi-423-ca-cong-...

Vĩnh Phúc yêu cầu tất cả người lao động phải xét nghiệm COVID-19 trước khi trở lại làm việc

Theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Vĩnh Phúc, từ ngày 7/2 đến ngày 9/2 là thời điểm số ca mắc ghi nhận cao nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh. Riêng ngày 10/2, Vĩnh Phúc ghi nhận 847 ca mắc COVID-19 mới trong ngày và 3 trường hợp tử vong

Trước việc số ca mắc COVID-19 tăng cao, UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các địa phương cần chủ động, linh hoạt hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch. Tỉnh này cho biết, mở cửa cho hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng không được chủ quan với dịch bệnh.

Xét nghiệm cho người lao động trước khi trở lại đơn vị làm việc.

Xét nghiệm cho người lao động trước khi trở lại đơn vị làm việc.

Cụ thể, Ban chỉ đạo cấp huyện chuyển trạng thái hoạt động đồng loạt song song hai cơ sở điều trị F0 tập trung và tại nhà. Trong đó, lưu ý tuyệt đối đảm bảo tránh lây nhiễm chéo, lây lan dịch bệnh trong quá trình điều trị tại nhà...

UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu ngành Y tế hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tăng cường việc xét nghiệm tầm soát để kịp thời phát hiện sớm F0; hướng dẫn thủ tục, điều kiện và cách chăm sóc y tế, tổ chức điều trị F0 tại nhà ở tất cả huyện, thành phố, đồng thời kiểm tra, giám sát việc chăm sóc, chữa trị của đơn vị y tế.

Đối với các huyện, thành phố, tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu tiếp tục tăng cường kiểm soát dịch COVID-19 bằng biện pháp 5K và vaccine; kiểm tra, rà soát đối tường chưa tiêm đủ liều để kịp thời tiêm phủ vaccine phòng COVID-19.

Ban Quản lý các khu công nghiệp, Sở Công Thương, Sở KH&ĐT… nhanh chóng triển khai, hướng dẫn, đôn đốc, đảm bảo 100% công nhân, người lao động làm việc ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn xét nghiệm trước khi trở lại đơn vị làm việc.

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/vinh-phuc-yeu-cau-tat-ca-nguoi-lao-dong-phai-xet-nghiem-covid...

Nghệ An: Chủ tịch xã bị tạm đình chỉ công tác vì lơ là trong phòng chống dịch

Ngày 11/2, thông tin từ UBND huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, đơn vị đã có quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Phạm Ngọc Duyên, Chủ tịch UBND xã Nghi Xuân vì lơ là trong công tác chống dịch.

Trước đó, ngày 8/2, Đoàn công tác do bà Trần Thị Ánh Tuyết, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra phòng chống dịch COVID-19 tại một số xã, trong đó có xã Nghi Xuân.

Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, ông Duyên không có mặt ở trụ sở xã, nhiều lần gọi điện thoại nhưng không liên lạc được với ông Duyên. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND xã Nghi Xuân còn phải chịu trách nhiệm khi tiến độ tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 trên địa bàn xã còn chậm.

Trong thời gian bị đình chỉ, công tác điều hành được giao cho Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Xuân.

Theo thống kê, xã Nghi Xuân hiện là một trong những ổ dịch lớn nhất của huyện Nghi Lộc. Chỉ trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, trên địa bàn xã đã ghi nhận 112 ca nhiễm COVID-19.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/nghe-an-chu-tich-xa-bi-tam-dinh-chi-cong-tac-vi-lo-la-trong-...

Nhiễm COVID-19 ngay trước thi đấu, Chương Thị Kiều lo lắng đội tuyển không đủ người ra sân
Chương Thị Kiều và Hải Yến đã có những trải lòng sau khi đội tuyển nữ Việt Nam giành tấm vé tham dự VCK World Cup 2023.

Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam

K.T
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h