Chị T - cán bộ tư pháp ở huyện Thường Tín, Hà Nội gặp nhiều đồng nghiệp ở cơ quan, đi chợ, tới nhiều cửa hàng... trước khi phát hiện dương tính SARS-CoV-2.
* Tiếp tục cập nhật
Tối 11/5, Sở Y tế Hà Nội thông tin TP vừa phát hiện thêm ca dương tính SARS-CoV-2 mới.
Người vừa nhận kết quả dương tính là chị P.T.T, 39 tuổi, ở xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Hà Nội. Chị T là cán bộ tư pháp xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín.
Theo kết quả truy vết dịch tễ, chị T có lịch trình phức tạp, đi nhiều nơi, gặp nhiều người.
Ngày 4/5, chị tới UBND xã Tô Hiệu làm việc. Chị có đi sau và có ngồi vào ghế của BN3093 khi BN3093 đến đóng dấu vào buổi trưa, tại đây cả 2 đều đeo khẩu trang. Ngày hôm đó, chị có tiếp xúc với các đồng nghiệp.
Buổi chiều, chị tới shop quần áo Hiền Nhung, shop Bông Chanel, shop Thắng Tuyền ở giao thông Tía, có tiếp xúc với các nhân viên các cửa hàng này. Chị đi chợ xóm bên Ba Lăng không nhớ tiếp xúc ai. Tối chị về nhà tiếp xúc với mẹ chồng, chồng và 2 con.
Ngày 5/5, sáng chị đi làm ở Phòng giao dịch 1 cửa UBND xã Tô Hiệu, có tiếp xúc với các đồng nghiệp, không nhớ tiếp xúc với ai khác, có đeo khẩu trang. Chiều chị lên trụ sở Công an huyện Thường Tín vào Đội Quản lý hành chính, có nói chuyện với 3 nhân viên.
Sau đó chị về họp chi bộ tại thôn An Định, tại đây chị có đeo khẩu trang khi tiếp xúc với mọi người, tuy nhiên chị không nhớ rõ mọi người có đeo khẩu trang không. Sau đó chị đi chợ xóm bên Ba Lăng không nhớ tiếp xúc ai. Tối chị về nhà tiếp xúc với người nhà.
Ngày 6/5, sáng bệnh nhân đi làm ở Phòng giao dịch 1 cửa UBND xã Tô Hiệu, có tiếp xúc với các đồng nghiệp, gặp một công an xã (tên T), không nhớ tiếp xúc với ai khác, có đeo khẩu trang.
Trong sáng 6/5, vợ BN3093 là BN3103 có đến phòng 1 cửa làm việc, nhưng không làm việc trực tiếp với chị T. Chị T có đi xóm bên Ba Lăng không nhớ tiếp xúc ai, tối chị về nhà.
Ngày 7/5, sáng chị tiếp tục đi làm ở UBND xã Tô Hiệu, có tiếp xúc với các đồng nghiệp, gặp chị K làm công tác dân số xã, không nhớ tiếp xúc với ai khác, có đeo khẩu trang. Tối hôm đó, khi biết mình tiếp xúc BN3093, chị tự cách ly tại nhà.
Ngày 8/5, chị được Trung tâm Y tế huyện Thường Tín lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả âm tính. Một ngày sau chị có triệu chứng sốt nhẹ, mệt mỏi, được chuyển nhập viện Bệnh viện đa khoa Thường Tín.
Ngày 11/5, bệnh viện này lấy mẫu gửi Bệnh viện Phổi Hà Nội kết quả dương tính (kỹ thuật Expert Express), mẫu bệnh phẩm chuyển Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cũng cho kết quả dương tính bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR.
Sơ bộ, nhà chức trách xác định có 4 F1 là người trong nhà và 24 người liên quan đã được lấy mẫu.
Hà Nội khẩn tìm người đến Phòng 1 cửa UBND xã Tô Hiệu từ ngày 4/5 đến 6/5
Tối 11/5, CDC Hà Nội phát đi thông báo khẩn cấp những ai đến Phòng 1 cửa UBND xã Tô Hiệu (Thường Tín) từ ngày 4 – 6/5 thì tự cách ly ngay tại nhà và liên hệ với trạm y tế.
CDC Hà Nội cho biết, đây là nơi làm việc của chị P.T.T (39 tuổi, trú tại Ba Lăng, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín).
Chị T là cán bộ tư pháp xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín.
Chị T. tiếp xúc với BN 3093 (có tiền sử dịch tễ lưu trú tại khách sạn ở Đà Nẵng) ngày 4/5 khi anh này đến làm giấy tờ.
CDC Hà Nội phát đi thông báo khẩn cấp những ai đến phòng 1 cửa UBND xã Tô Hiệu (Thường Tín) từ ngày 4 – 6/5 thì tự cách ly ngay tại nhà và liên hệ với trạm y tế.
Ngày 7/5, chị T. tự cách ly tại nhà, ngày 8/5 được TTYT huyện Thường Tín lấy mẫu xét nghiệm, kết quả âm tính với SARS-CoV-2 do CDC Hà Nội thực hiện.
Ngày 9/5, bệnh nhân có triệu chứng sốt nhẹ, mệt mỏi, được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa huyện Thường Tín.
Ngày 11/5, bệnh viện lấy mẫu gửi Bệnh viện Phổi Hà Nội làm xét nghiệm, cho kết quả dương tính (kỹ thuật EXPERT EXPRESS). Ngay sau đó, mẫu bệnh phẩm được chuyển đến CDC Hà Nội kết quả dương tính (kỹ thuật RT-PCR).
Do đó, CDC Hà Nội thông báo khẩn, những ai đã từng đến Phòng 1 cửa UBND xã Tô Hiệu từ ngày 4/5/2021 đến ngày 6/5/2021 thì tự cách ly tại nhà và liên hệ ngay với trạm y tế theo số điện thoại: 0974910746 - 0917386596 - 0988835638 – 0363805801 để được xử lý dịch tễ.
Sơ bộ đến nay, CDC xác định có 4 F1 là người trong nhà và 24 người liên quan đã được lấy mẫu.
Như vậy, tính đến tối 11/5, ổ dịch tại xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín tăng lên 11 ca.
Đi khám ở Bệnh viện K cơ sở 3 nhưng khai báo gian dối, người đàn ông bị xử phạt
Lực lượng chức năng làm việc với gia đình ông Khẩn.
Ngày 11/5, lãnh đạo UBND huyện Văn Yên (Yên Bái) cho biết, đơn vị đã ra quyết định xử phạt hành chính 15 triệu đồng với ông Vũ Đình Khẩn, xã Yên Thái, huyện Văn Yên do cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.
Cụ thể, sáng 27/4, ông Khẩn có hộ khẩu thường trú tại thôn Gốc Nhội, xã Yên Thái (Văn Yên) cùng con rể đi khám bệnh tại Bệnh viện K cơ sở 3 Tân Triều, Hà Nội. Buổi chiều, khi khám xong người này ra bến xe Mỹ Đình đi xe khách của nhà xe Tuấn Thư về xã Đào Thịnh (Trấn Yên), sau đó lấy xe máy tại nhà con rể về nhà.
Ngày 8/5, ông Khẩn đến Trạm Y tế xã Yên Thái khai báo y tế. Tại Trạm Y tế xã Yên Thái, ông được giải thích về nghĩa vụ phải khai báo y tế trung thực. Bản thân ông biết mình đang là trường hợp có liên quan đến dịch tễ Bệnh viện K nhưng vẫn cố tình khai khám ở Bệnh viện K cơ sở số 43, Quán Sứ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Sau khi xác minh, xác định ông Vũ Đình Khẩn đã có hành vi khai báo y tế gian dối, Công an xã Yên Thái lập biên bản. Ông Khẩn thừa nhận bản thân khai báo sai sự thật vì sợ phải cách ly y tế.
Bệnh viện Bạch Mai cách ly 19 nhân viên y tế tiếp xúc bệnh nhân COVID-19 vừa công bố trưa nay
Chiều 11/5, thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai cho biết, 19 nhân viên y tế có tiếp xúc với ca bệnh COVID-19 đang được cách ly tại tầng 9, Trung tâm Khám bệnh theo yêu cầu.
Trong số này có bác sĩ khám chuyên khoa nội tiết, bác sĩ siêu âm tim, bác sĩ chuyên khoa tim mạch, điện tim, nhân viên lấy mẫu máu…
Ngày 4-5/5 vừa qua, Bệnh viện Bạch Mai đã lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 toàn bệnh viện, tất cả đều âm tính. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, sáng nay bệnh viện tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm lại với 19 nhân viên nói trên, trong hôm nay sẽ có kết quả.
Trưa 11/5, Bộ Y tế công bố người đàn ông 68 tuổi quê Trực Ninh, Nam Định, điều trị ở khoa Ngoại tiết niệu thuộc Bệnh viện K cơ sở Tân Triều là BN3491.
Đáng nói, trước đó, sáng 28/4, ông được con đưa sang Bệnh viện Bạch Mai khám tim mạch để đánh giá tình trạng sức khỏe trước khi sinh thiết theo chỉ định của bác sĩ. Bệnh nhân đến khám tại Trung tâm Khám bệnh theo yêu cầu. Đến buổi chiều, ông quay lại Bệnh viện K (đi xe ô tô Grab, taxi).
Từ ngày 27/4, Khoa Ngoại Gan - Mật - Tuỵ, Bệnh viện K tiếp nhận một trường hợp từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương chuyển sang. Đến nay, liên quan đến ổ dịch Bệnh viện K, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội thống kê có 22 người dương tính, trong đó 17 người ở trong viện và 5 người ở Hà Nội (kết quả xét nghiệm do CDC Hà Nội thực hiện).
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói vì sao Hà Nội không giãn cách xã hội
Sáng 11-5, trao đổi với báo chí về việc tại sao một số tỉnh ít ca mắc Covid-19 lại thực hiện giãn cách xã hội nhưng một số nơi có nhiều ca bệnh và ổ dịch Covid-19, trong đó có TP Hà Nội, lại chưa thực hiện giãn cách xã hội?
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia sớm nhất có ca bệnh Covid-19, ngay từ đầu Việt Nam đã thực hiện chiến lược nhất quán trong công tác phòng chống dịch Covid-19 với nguyên tắc gồm 5 bước: Ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch và điều trị.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định chiến lược và nguyên tắc chống dịch của Việt Nam không có gì thay đổi - Ảnh: Đình Nam
Theo Phó Thủ tướng, đến nay dịch Covid-19 đã ghi nhận ở 26 tỉnh, thành phố với 486 ca mắc từ 27-4 đến nay. Tuy nhiên, đến giờ phút này, nước ta vẫn là một trong những nước chống dịch tốt nhất thế giới. "Điều đó thể hiện vào những vấn đề mang tính nguyên tắc, chiến lược của Việt Nam đến giờ phút này hoàn toàn đúng đắn. Chúng ta đặt ra mục tiêu mặc dù phải sẵn sàng để điều trị, nhưng đặt yêu cầu về nhiệm vụ đầu tiên là không được để số người nhiễm nhiều" - ông nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cho biết vấn đề này được quan tâm, chú trọng từ cuối năm 2019 đầu năm 2020, bởi thực tế nếu một nền y tế như Việt Nam mà nhiều người nhiễm Covid- 19 thì hậu quả khôn lường. Do đó, cả hệ thống chính trị, đặc biệt là toàn dân đã tích cực tham gia chống dịch. "Việt Nam kiên định với các bước đi, phương châm trong y tế với các nguyên tắc trên. Những nội dung này đến giờ phút này không thay đổi" - ông khẳng định.
Phó Thủ tướng cũng nêu rõ hiện Việt Nam vẫn thực hiện tốt mục tiêu kép và thực tiễn Việt Nam không những chống dịch tốt, mà kinh tế vẫn tăng trưởng. Về chi phí chống dịch của Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá vẫn là thấp, dù có tổn thất cũng lớn nhưng ít nhất nếu so sánh với nguy cơ. Điều này đã làm cho vị thế của Việt Nam đi lên trên trường quốc tế trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
Trước làn sóng dịch Covit 19 lần thứ 4 hiện nay, một số nghi ngại về việc cần thiết giãn cách xã hội hay chưa, song Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết đến thời điểm này vẫn chưa cần thiết thực hiện.
"Việt Nam khoanh vùng gọn nhất, nhanh nhất và trong trường hợp khoanh vùng nhanh nhất nhưng chưa đủ chứng cứ để khoanh gọn thì chúng ta tạm thời khoanh rộng hơn, nhưng mà phải khẩn cấp xác định những yếu tố về dịch tễ để có thể thu hẹp khoanh vùng lại" - ông nói.
Phó Thủ tướng cho rằng: "Việt Nam cần có sự điều chỉnh phù hợp với tinh thần và năng lực của Việt Nam và mỗi một lần chống dịch chúng ta cũng nhìn nhận lại một cách rất nghiêm túc. Những gì đợt dịch vừa qua, những nội dung không tốt thì đương nhiên luôn luôn có sự thay đổi".
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đến thời điểm này chiến lược và nguyên tắc chống dịch Covid-19 của chúng ta hoàn toàn không có gì thay đổi. Việt Nam đang thực hiện mục tiêu kép và đến giờ phút này thực tiễn cho thấy Việt Nam chống dịch tốt đồng thời kinh tế tăng trưởng.
"Nếu đứng ở góc độ những người thuần túy làm công tác chống dịch thì chúng tôi muốn giãn cách xã hội sớm, cách ly rộng, không cho người nhập cảnh, nhưng chúng ta phải cân nhắc. Đây chính là bản lĩnh của lãnh đạo các cấp. Do vậy, từng thời kỳ từng lúc có điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện và năng lực. Từng thời điểm nên tập trung điều gì và làm việc gì chứ không thay đổi các nguyên tắc mang tính chiến lược" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, vắc-xin là giải pháp căn cơ, lâu dài để kiểm soát dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu. Việt Nam đang nỗ lực để có vắc-xin Covid-19 cho người dân nhưng trên thế giới, vắc-xin cũng rất khan hiếm nên đến giờ phút này chúng ta mới nhận được lượng rất nhỏ.
Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế tìm kiếm, đàm phán mua để có nguồn vắc-xin sớm nhất. Do nguồn vắc-xin rất khan hiếm nên ít nhất từ giờ đến cuối năm 2021, chúng ta chưa thể có vắc-xin tiêm đại trà cho người dân, nên chưa thể có đủ miễn dịch cộng đồng, vì thế mọi người vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng bệnh giống như khi chưa có vắc-xin.
Đà Nẵng tạm dừng hoạt động vận tải khách bằng xe ô-tô đi/đến thêm 6 địa phương
Thực hiện Chỉ thị số 02/CT-BGTVT ngày 7-5 của Bộ GTVT và chỉ đạo của UBND TP Đà Nẵng về việc tăng cường thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, ngày 11-5, Sở GTVT TP đã có Công văn số 2085/SGTVT-QLVTPTNL liên quan đến hoạt động vận tải khách bằng xe ô-tô trong thời gian dịch Covid-19.
Theo đó, trước những diễn biến khó lường, phức tạp của dịch bệnh COVID- 19, để đảm bảo an toàn cho người dân đi lại, làm việc, đồng thời góp phần ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng, đảm bảo các mục tiêu vừa phòng chống dịch, vừa phát triển KT-XH…, Sở GTVT TP yêu cầu: từ 0 giờ ngày 12-5, tạm dừng hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô-tô theo tuyến cố định, xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi đi/đến các tỉnh gồm: Phú Thọ, Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Bình Thuận cho đến khi có thông báo mới theo văn bản đề nghị của các địa phương này.
Từ 0 giờ ngày 12-5, Đà Nẵng tạm dừng hoạt động vận tải khách bằng xe ô-tô đi/đên thêm 6 địa phương.
Các tuyến vận tải khác có hành trình đi qua các tỉnh nêu trên yêu cầu không được dừng, đón, trả khách sai quy định; hạn chế tối đa hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô-tô đến các tỉnh, thành được Bộ Y tế công bố có ca lây nhiễm COVID- 19 trong cộng đồng, trong trường hợp cần thiết có hoạt động vận chuyển hành khách đi/đến các địa phương này, yêu cầu các đơn vị vận tải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ GTVT và các quy định về phòng chống dịch của địa phương nơi đến, đặc biệt là không được chở quá 50% số ghế và tối đa không quá 20 người/xe.
Sở GTVT TP cũng chỉ đạo các đơn vị quản lý, khai thác bến xe khách trên địa bàn TP tiếp tục thực hiện nghiêm thông điệp “5K”: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung đông người - Khai báo y tế của Bộ Y tế và các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 theo các văn bản của Bộ Y tế, Bộ GTVT, UBND thành phố và Sở GTVT Đà Nẵng đã chỉ đạo; giao Thanh tra Sở GTVT tăng cường lực lượng phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra các phương tiện vận tải hành khách hoạt động trên địa bàn (nhất là việc dừng đỗ đón trả khách không đúng nơi quy định), xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo thẩm quyền hoặc tổng hợp báo cáo các trường hợp quá thẩm quyền. Trước đó, Sở GTVT TP cũng đã có Thông báo số 2036/TB-SGTVT về việc tạm dừng hoạt động vận tải khách bằng xe ô-tô đi/đến tỉnh Thừa Thiên Huế kể từ 0 giờ ngày 9-5.
Quảng Ngãi: Ngừng thực hiện giãn cách xã hội, cho học sinh đi học trở lại từ 12-5
Sáng 11-5, ông Đỗ Văn Phu, Giám đốc Sở GT-ĐT tỉnh Quảng Ngãi, cho biết Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi vừa có văn bản thông báo cho học sinh trên địa bàn toàn tỉnh trở lại học tập sau thời gian tạm nghỉ vì dịch Covid-19.
Theo công văn của Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi, kể từ ngày 12-5, học sinh tất cả các cấp học trên địa bàn toàn tỉnh trở lại trường học tập và kiểm tra cuối kỳ; kết thúc năm học trước ngày 20-5. Công tác tổng kết năm học không được tổ chức toàn trường; việc biểu dương, khen thưởng học sinh được tổ chức theo đơn vị lớp hoặc khối lớp do thủ trưởng các đơn vị, cơ sở giáo dục quyết định.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 với người dân thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ - nơi phát hiện ca mắc Covid-19. Ảnh: T.Trực
Riêng học sinh tại xóm Vĩnh Long và toàn thôn An Vĩnh (xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi) – nơi có ca mắc Covid-19 tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg và Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho đến khi có thông báo mới.
Trước đó, chiều 10-5, UBND tỉnh Quảng Ngãi phát đi công văn hỏa tốc về việc thay đổi các biện pháp chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Các hoạt động hội họp, sự kiện, việc hiếu, hỷ, nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng, giải đấu thể thao được tổ chức nhưng không tập trung quá 30 người/địa điểm; giữ khoảng cách tối thiểu 1m khi tiếp xúc. Các phương tiện vận tải hành khách công cộng, xe đưa đón công nhân được hoạt động bình thường và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định.
Tiếp tục tạm dừng các hoạt động: Lập thủ tục cho khách du lịch (người ngoài tỉnh và người nước ngoài) đến đảo Lý Sơn. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, cụ thể: khu vui chơi, giải trí, karaoke, mát-xa, quán bar, quán game, internet, vũ trường, rạp chiếu phim, phòng tập thể thao (gyms, yoga,…).
60 ca dương tính SARS-CoV-2 tại ổ dịch nguy hiểm Shin Young, giãn cách xã hội 1 huyện
Đến trưa 11-5, tỉnh Bắc Giang ghi nhận 64 ca dương tính SARS-CoV-2, trong đó có 60 ca bệnh liên quan đến ổ dịch Công ty TNHH Shin Young Việt Nam ở Khu công nghiệp Vân Trung, huyên Việt Yên.
Trong khi đó, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn huyện, Chủ tịch UBND huyện Lục Nam (Bắc Giang) vừa có chỉ đạo tạm thời giãn cách xã hội đối với tất cả các xã, thị trấn để truy vết, lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Thời gian bắt đầu từ 17 giờ ngày 11-5 đến khi có thông báo mới.
Theo lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, dự kiến chiều nay tỉnh sẽ thực hiện giãn cách xã hội 3 huyện Việt Yên, Lạng Giang, Lục Lam, một số thôn ở TP Bắc Giang, huyện Tân Yên, Yên Thế.
Chốt kiểm soát phòng, chống dịch tại thôn Ngọc Mai, xã Chu Điện, Lục Nam, Bắc Giang - Ảnh: Báo Bắc Giang
Trong sáng nay, UBND tỉnh Bắc Giang cũng đã ra quyết định thiết lập vùng cách ly y tế thôn Cây Đa (xã Đông Phú), thôn 15 - 16 (xã Yên Sơn) và thực hiện giãn cách xã hội toàn bộ xã Đông Phú, xã Yên Sơn theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, thời gian từ 9 giờ ngày 10-5-2021 cho đến khi có thông báo mới; Thiết lập vùng cách ly y tế một phần thôn Ngọc Mai (xã Chu Điện) và thực hiện giãn cách xã hội toàn bộ xã Chu Điện từ 0 giờ ngày 10-5-2021 cho đến khi có thông báo mới.
Trước đó, tại các thôn Cây Đa, 15 -16 và thôn Ngọc Mai đã có trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2. Đây là những công nhân đang làm cùng với bệnh nhân (F0) N.T.T (Lạng Sơn) ở Công ty SJ Tech, Khu Công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên.
Đến trưa 11-5, toàn tỉnh Bắc Ninh có thêm ca dương tính SARS-CoV-2 mới đều ở huyện Thuận Thành. Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh Bắc Ninh nhận định ổ dịch ở Thuận Thành có khả năng lan rộng.
Như vậy, toàn tỉnh Bắc Ninh hiện có 120 ca dương tính SARS-CoV-2. Riêng ổ dịch ở huyện Thuận Thành đã có 108 ca.
Ca dương tính ở chung cư Đại Thanh đi nhiều xe khách, đến nhiều bệnh viện
Sáng 11/5, Sở Y tế Hà Nội cho biết, trên địa bàn vừa phát hiện thêm 2 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Cả 2 bệnh nhân này đều liên quan đến ổ dịch Bệnh viện K cơ sở Tân Triều. Trong đó, 1 trường hợp đang ở chung cơ Đại Thanh (Tả Thanh Oai, Hà Nội), trường hợp còn lại quê ở Bắc Giang. Ngay sau khi xác định ca dương tính, lực lượng chức năng đã tiến hành điều tra dịch tễ để chủ động phòng dịch.
Trường hợp thứ nhất, bệnh nhân N.V.B (68 tuổi, quê Nam Định), hiện đang ở tầng 34, phòng 14, CT10C chung cư Đại Thanh, Tả Thanh Oai. Bệnh nhân điều trị nội trú tại Khoa Ngoại Tiết niệu, BV K3 Tân Triều, nhập viện điều trị từ ngày 27/4-6/5/2021.
Cụ thể lịch trình đi lại khám chữa bệnh như sau:
- Ngày 20/4: BN được con trai là N.V.T đưa lên BV K3 Tân Triều khám vì có đi tiểu ra máu. Bệnh nhân khám bệnh tại Khoa Tự nguyện A. Sau khi khám bệnh xong, bệnh nhân và con trai về lại Nam Định trong ngày để làm thủ tục chuyển bảo hiểm y tế.
- Ngày 26/4: Bệnh nhân được con trai đưa đi làm thủ tục chuyển BHYT (nhập viện BV Huyện Trực Ninh sau đó chuyển BV Tỉnh Nam Định).
- Ngày 27/4: Bệnh nhân cùng con trai đi từ Nam Định lên Bệnh viện K3 (đi xe tuyến Trực Ninh-Yên Nghĩa). Sau khi làm thủ tục nhập viện, bệnh nhân được vào khoa Ngoại Tiết niệu điều trị (Tầng 6, phòng 612). Buổi chiều bệnh nhân được đi nội soi đại tràng.
- Sáng 28/4: Bệnh nhân được con trai đưa sang BV Bạch Mai khám tim mạch để đánh giá tình trạng sức khỏe trước khi sinh thiết. Bệnh nhân đến khám tại khoa Khám bệnh theo yêu cầu, được làm siêu âm tim, điện tim, đến buổi chiều thì quay lại viện K3 sau khi có đầy đủ kết quả (đi xe ô tô grab, taxi).
Ca dương tính mới liên quan đến Bệnh viện K, liên tục di chuyển nhiều nơi, đến nhiều bệnh viện.
- Khoảng 17h chiều 28/4, bệnh nhân chưa có lịch sinh thiết nên được bác sĩ cho về nhà nghỉ lễ 30/4. Bệnh nhân bắt xe tuyến Giao Thủy-Nam Định tại cổng BV K3 để đi về quê, xuống tại Ngặt Kéo sau đó có người nhà ra đón.
- Từ 29/4-3/5: Bệnh nhân ở nhà (nhà chỉ có 2 vợ chồng, các con ở xóm khác)
- Chiều 3/5: Bệnh nhân tự bắt xe Đại Duy (xe tuyến Trực Ninh-Yên Nghĩa, đi từ Nam Định lúc 15h30) để lên Hà Nội. Sau đó bệnh nhân vào nhà con gái ở CT10C Đại Thanh, Tả Thanh Oai để nghỉ.
- Sáng 4/5: Bệnh nhân vào thẳng khoa Ngoại tiết niệu, con trai sáng cùng ngày đi từ Nam Định lên thẳng bệnh viện rồi vào viện chăm bố.
- Chiều 4/5: Khoảng 15h30 bệnh nhân có đi sinh thiết u tại P214 Khoa Chẩn đoán hình ảnh (Anh Tĩnh và Chị Thúy đưa đi).
- Ngày 05/5: Bệnh nhân ở tại bệnh viện theo dõi, còn con trai đi về quê Nam Định (đi xe Anh Khôi, tuyến Yên Nghĩa-Giao Thủy, bắt xe tại cổng viện lúc khoảng 8h)
- Sáng 6/5: Một người con trai khác từ TP.HCM ra bệnh viện chăm bố. Buổi chiều cùng ngày do thời tiết nóng bức khó chịu nên bệnh nhân xin phép bác sĩ cho ra về nhà con gái ở gần viện, sáng hôm sau lại quay lại.
- Tối 6/5: Khoảng 18h bệnh nhân được cho về nhà con gái.
- Sáng 7/5: do bệnh viện bị phong tỏa nên bệnh nhân không vào viện được, bệnh nhân liên hệ được bác sĩ hướng dẫn cho phép ở nhà tự cách ly, khi nào có lịch mổ bệnh sẽ liên hệ lại sau. Sau đó bệnh nhân quay lại nhà con gái để nghỉ ngơi và tự cách ly, không ra ngoài (từ 7/5-9/5).
- Chiều 9/5, sau khi biết tin những người liên quan đến viện K phải khai báo y tế, bệnh nhân được con gái đưa ra TYT xã Tả Thanh Oai để khai báo y tế, được TYT hướng dẫn về nhà cách ly theo dõi sức khỏe.
- Sáng 10/5: Bệnh nhân xuất hiện sốt nhẹ, 37,5-37,8 độ C, kèm theo ho ít, hơi đau rát họng và đau đầu. Bệnh nhân trạm y tế xã cho cách ly riêng phòng tại trạm y tế và được lấy mẫu gửi CDC xét nghiệm. Đến tầm 22h30, bệnh nhân được xe cấp cứu 115 chuyển đến cách ly riêng phòng tại BV Đa khoa Thanh Trì.
Trong suốt thời gian ở bệnh Viện K3, chỉ có các con của bệnh nhân vào thăm và chăm sóc, bệnh nhân cũng không gặp người quen trong viện hay người của Khoa Gan mật tụy xuống thăm.
Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân N.V.C, 31tuổi, quê ở Bắc Giang, là người nhà điều trị tại Khoa Ngoại Gan - Mật - Tụy. Kết quả điều tra dịch tễ như sau:
- Từ ngày 16/4, bệnh nhân chăm người nhà tại khoa Gan Mật Tụy, bệnh viện K cơ sở Tân Triều.
- Ngày 06/5, bệnh nhân được bệnh viện K lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc, kết quả âm tính và được cách ly tại viện K cơ sở Tân Triều.
- Ngày 08/5, bệnh nhân được TTYT Ứng Hòa đến hỗ trợ bệnh viện K lấy mẫu xét nghiệm lần 2, kết quả âm tính.
- Chiều ngày 08/5, bệnh nhân được chuyển vào khu cách ly tập trung Thành An, Thanh Trì ở cùng phòng với bệnh nhân 3426.
- Ngày 10/5, sau khi bệnh nhân 3426 có kết quả xét nghiệm dương tính, bệnh nhân được xác định là đối tượng F1 nên được TTYT Thanh Trì lấy mẫu xét nghiệm lần 3, kết quả dương tính SARS-CoV-2 ngày 11/5, xét nghiệm CDC Hà Nội thực hiện.
Hiện bệnh nhân đang được liên hệ để chuyển cách ly và điều trị tại bệnh viện Nhiệt Đới Trung Ương cơ sở Đông Anh.
Malaysia ban hành lệnh hạn chế đi lại toàn quốc ngăn ngừa COVID-19 lây lan
Lệnh cấm đi lại có hiệu lực từ 10-5 và dự kiến kéo dài đến ngày 6-6, đi kèm theo đó là hàng loạt các biện pháp khác như đóng cửa các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao như: công viên, nơi sinh hoạt cộng đồng,... Sắp tới là thời gian lễ Hari Raya Aidilfitri tại Malaysia, vốn là dịp sum họp gia đình hoặc gặp gỡ bạn bè. Năm ngoái, giới chức Malaysia cũng có lệnh cấm gần tương tự trước dịp lễ này.
Một trạm kiểm tra thân nhiệt ở Malaysia
Theo quy định của lệnh cấm, người dân chỉ được phép qua lại giữa các bang, thậm chí là giữa các quận khi có giấy phép, đồng thời là cả giấy khám sức khỏe trong vòng 1-2 ngày trở lại. Tình hình dịch nCoV ở Malaysia hiện cũng đang chuyển biến phức tạp, với trung bình 3.800 trường hợp nhiễm mới mỗi ngày. Các chuyên gia y tế cảnh báo, số trường hợp nhiễm có thể lên tới 7.000 vào cuối tháng 5.
Điều đáng nói là trong số gần nửa triệu ca nhiễm toàn quốc thời điểm hiện tại nhiều trường hợp đang trong tình trạng nguy kịch, khiến hệ thống y tế đang trở nên quá tải. Nếu không nhanh chóng có các biện pháp thích hợp thì rất dễ rơi vào tình trạng mất kiểm soát, nhiều bệnh viện đã chạm ngưỡng 90% bệnh nhân.
“Có khả năng bệnh nhân 3298 bị lây nhiễm tại Đà Nẵng sau khi rời khỏi TP.HCM”
Trước thông tin một nam thanh niên ở Đà Nẵng (bệnh nhân 3298) có lịch trình dày đặc ở TP. HCM trong dịp nghỉ lễ, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. HCM (HCDC) cho biết, khả năng cao nhất là bệnh nhân bị lây nhiễm tại Đà Nẵng sau khi rời khỏi TP. HCM.
Theo HCDC, tối ngày 9/5, Bộ Y tế thông tin về bệnh nhân 3298 tại TP. Đà Nẵng. Đây là BN nam, 25 tuổi, địa chỉ tại quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng, là F1 của BN3219. Bệnh nhân từng vào TP. HCM trên chuyến VN113 Đà Nẵng - Hồ Chí Minh ngày 30/4, và trở về Đà Nẵng ngày 4/5 trên chuyến VN136 Hồ Chí Minh - Đà Nẵng. Ngày 8/5, bệnh nhân này dương tính với SARS-CoV-2.
Tổ chức lấy mẫu xét nghiệm giám sát tại quán cà phê (ảnh: HCDC)
Trong thời gian ở tại TPHCM từ ngày 30/4-4/5, Bệnh nhân đi cùng với các người bạn đang sinh sống tại TP.HCM, làm việc tại một số đơn vị y tế trên địa bàn TP. HCM, trong đó có nhân viên của HCDC.
Bệnh nhân này và 6 người bạn đã đi đến nhiều nơi tại TP.HCM trong các ngày kể trên. Sau khi nhận được thông tin, TP. HCM đã khẩn trương triển khai truy vết các các địa điểm mà bệnh nhân này đã đến. Ngay trong đêm ngày 9/5, thành phố đã tiến hành truy vết và xét nghiệm khẩn các trường hợp tiếp xúc gần, trong đó có 6 người bạn của bệnh nhân và 2 người khác. Ngày 10/5, các trường hợp này đã cho kết quả đều âm tính.
Hiện nay, qua truy vết các điểm bệnh nhân đến đã cách ly lấy mẫu xét nghiệm 57 trường hợp, đang chờ kết quả 49 người còn lại.
Theo HCDC, trường hợp lây nhiễm của BN3298, có 3 giả thuyết đặt ra. Giả thuyết thứ nhất, sau khi từ TP. HCM về Đà Nẵng, người này bị lây nhiễm tại gia đình sau đó xét nghiệm dương tính. Giả thuyết thứ 2, lây nhiễm tại gia đình ở Đà Nẵng nhưng không có triệu chứng. BN đi vào TP. Hồ Chí Minh sau đó trở về Đà Nẵng cũng không có triệu chứng nhưng do yếu tố dịch tễ gia đình có chị dâu dương tính nên được xét nghiệm và có kết quả dương tính vào ngày 08/5/2021.
Giả thuyết thứ 3, bệnh nhân lây nhiễm trong quá trình đến các địa điểm tại TP. Hồ Chí Minh. Khi trở về Đà Nẵng do có yếu tố dịch tễ với người chị dương tính ở Đà Nẵng nên được xét nghiệm và cho kết quả dương tính. Đây là giả thuyết ít xảy ra nhất vì các địa điểm bệnh nhân đến đều không có yếu tố dịch tễ.
HCDC cho rằng: Giả thuyết thứ nhất nhiều khả năng xảy ra nhất vì có yếu tố dịch tễ rõ ràng về nguồn lây và 6 trường hợp tiếp xúc gần là nhóm bạn đi chơi chung tại TP. HCM có kết quả xét nghiệm âm tính.
Tuy nhiên, để đảm bảo việc phòng chống lây nhiễm trong cộng đồng trong trường hợp xảy ra ở giả thuyết 2 và 3, thành phố vẫn triển khai thực hiện truy vết đầy đủ tất cả những trường hợp tiếp xúc tại nơi mà bệnh nhân đã đến trong thời gian lưu trú tại TP.HCM.
HCDC cho biết sẽ công bố các điểm cần truy vết để người dân khai báo y tế đầy đủ. Những ai đã từng đến các địa điểm mà HCDC thông báo, cần khai báo tại y tế địa phương để được hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện các biện pháp y tế cần thiết.
Quảng Trị họp khẩn, chỉ đạo "nóng" trong đêm sau khi phát hiện 2 ca nghi mắc Covid-19
Sáng 11-5, Tiểu ban Truyền thông Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh Quảng Trị cho biết trong tối 10-5, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức họp khẩn để triển khai những biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 sau khi trên địa bàn TP Đông Hà ghi nhận 2 trường hợp nghi dương tính với SARS-CoV-2.
Theo đó, ngay sau khi tiếp nhận thông tin 2 ca nghi mắc Covid-19 (cùng ngụ tại phường 3, TP Đông Hà), ngày 9-5, CDC Quảng Trị đã khẩn trương vận chuyển mẫu xét nghiệm vào Viện Pasteur Nha Trang để xét nghiệm khẳng định.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam (bên trái) yêu cầu TP Đông Hà thực hiện những biện pháp cấp bách để chống dịch Covid-19
Trong lúc chờ kết quả xét nghiệm, Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TP Đông Hà đã kịp thời triển khai ngay các biện pháp cần thiết như điều tra dịch tễ, khoanh vùng phát hiện F1, F2 và thiết lập tạm thời địa bàn cách ly y tế đối với các hộ dân trong khu vực có khả năng lây nhiễm cao.
Bước đầu, cơ quan chức năng xác định có 34 F1 ở TP Đông Hà và các huyện Cam Lộ, Đakrông, Hải Lăng; 233 F2 liên quan đến 2 trường hợp nghi mắc Covid-19 trên. Hiện nay, việc truy vết F2 đang gặp khó khăn vì lịch trình di chuyển của 2 trường hợp này dày đặc, đến nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người.
Để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm, ông Hoàng Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu TP Đông Hà tổ chức triển khai thực hiện cách ly y tế đối với khu vực lân cận số nhà 19 đường Phù Đổng Thiên Vương, khu phố 2 và khu phố 5 (phường 3) và các hộ dân trong khu vực lân cận số nhà 282 Quốc lộ 9, khu phố 6 (phường 3, TP Đông Hà) kể từ 11 giờ ngày 10-5.