Một nhân viên y tế ở Cà Mau đã tiêm 2 liều vaccine ngừa COVID-19 bị dương tính với SARS-CoV-2 có tham gia đội lấy mẫu trong cộng đồng,
Nhân viên y tế dương tính với SARS-CoV-2, có đi lấy mẫu trong cộng đồng
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Cà Mau, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh này vừa có báo cáo nhanh về 1 trường hợp dương tính SARS-CoV-2 vào ngày 10/9.
Bệnh nhân tên L.T.H.T. (nữ, 39 tuổi, ngụ khóm 4, phường 8, TP Cà Mau), là nhân viên y tế làm việc tại một bệnh viện trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Lực lượng y tế lấy mẫu tầm soát COVID-19 trong cộng đồng. (Ảnh minh họa)
Trước đó, bệnh nhân T. có 3 lần xét nghiệm RT-PCR và 1 lần test nhanh cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2.
Điều tra dịch tễ cho thấy, từ ngày 16 - 20/8, chị T. tham gia đội lấy mẫu cộng đồng. Từ ngày 6 - 10/9, chị T. vào nhận nhiệm vụ tại Đội 3.
Hiện tại, cơ quan chức năng đã chuyển chị T. cách ly điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, đang truy vết các trường hợp có liên quan.
Được biết, chị T. đã tiêm 2 liều vaccine ngừa COVID-19 (mũi 2 được tiêm vào ngày 19/6).
(Theo Báo Giao Thông)
Dân "chen lấn" tiêm vaccine ở Trung Văn, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu làm rõ trách nhiệm
Hình ảnh người dân chen lấn lấy phiếu tiêm vaccine Covid-19 ở phường Trung Văn, Nam Từ Liêm
Ngày 12-9, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã chỉ đạo xử lý về vụ việc để xảy ra tình trạng chen lấn, tập trung đông người tại điểm tiêm chủng ở Trường Tiểu học Trung Văn (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) xảy ra ngày 11-9.
Theo đó, sau khi kiểm tra thông tin báo chí phản ánh về vụ việc này, Bí thư Thành uỷ yêu cầu Ban Thường vụ Quận ủy Nam Từ Liêm, trực tiếp là đồng chí Bí thư Quận ủy kiểm tra, làm rõ trách nhiệm lãnh đạo cấp ủy, chính quyền phường Trung Văn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và để xảy ra việc mất an toàn nêu trên.
Bí thư Thành ủy Hà Nội đồng thời nhắc nhở toàn hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở, yêu cầu cấp ủy, chính quyền các quận, huyện, thị xã chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế tổ chức tiêm chủng bảo đảm tuyệt đối an toàn; có giải pháp giải toả ngay khi phát sinh hiện tượng tập trung đông người tại các điểm tiêm chủng.
Các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các phường, xã, thị trấn phối hợp với các lực lượng Công an, quân đội lên kế hoạch, kịch bản cho từng địa điểm tiêm chủng bảo đảm giãn cách và an toàn, không để xảy ra tình trạng nêu trên, làm ảnh hưởng đến thành quả chống dịch chung của địa phương và thành phố.
Trước đó, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhiều lần lưu ý, Chủ tịch UBND TP có văn bản nhắc nhở cấp ủy, chính quyền các địa phương phối hợp tổ chức tiêm chủng với tinh thần: Nơi nào để xảy ra tình trạng tụ tập, vi phạm giãn cách với bất kỳ lý do nào đều sẽ xử lý nghiêm khắc trách nhiệm người đứng đầu.
(Theo An Ninh Thủ Đô)
Phát hiện đôi nam nữ dùng nhiều giấy tờ đóng dấu treo qua chốt 'vùng đỏ'
Chiều 12/9, tại chốt trực vùng 1 (vùng đỏ) tại khu vực cầu Thanh Trì (Hoàng Mai, Hà Nội), tổ công tác liên ngành tại đây đã phát hiện một đôi nam nữ dùng nhiều giấy tờ đi đường không hợp lệ muốn “thông” chốt. Qua kiểm tra, tổ công tác còn phát hiện, cả 2 người này còn có giấy xét nghiệm COVID-19 hết hạn.
Cụ thể vào thời điểm 15h30 ngày 12/9, tổ công tác liên ngành số Y28B, làm nhiệm vụ tại chốt trực vùng 1 khu vực đầu cầu Thanh Trì đi Long Biên đã tiến hành kiểm tra một đôi nanm nữ đi trên xe máy BKS 99E1-010xx muốn qua chốt.
Qua kiểm tra giấy tờ, đại diện liên ngành phát hiện, nam điều khiển xe máy có tên là Nguyễn Văn Việt, quê quán tại Vũ Sơn, Kiến Xương, Thái Bình đã trình ra 2 tờ giấy đi đường, tuy nhiên xem các giấy tờ này, tổ công tác thấy rằng: cả 2 giấy đi đường của 2 người ghi thiếu nhiều thông tin, trong đó quan trọng nhất là số phát hành của giấy đi đường chưa ghi, đi từ đâu đến đâu cũng chưa có.
Do phát hiện giấy đi đường tham gia giao thông trong vùng đỏ không hợp lệ, tổng công tác đã mời cả hai người vào chốt làm việc. Tại chốt trực, anh Việt một lần nữa khẳng định anh là người làm việc tại Cty TNHH máy công trình Xuân Phương (Cty Xuân Phương – đơn vị đóng dấu đỏ trong giấy đi đường) và đã được cty cấp giấy để hai người đi lại.
Ngoài trình giấy giấy đi đường của Cty Xuân Phương cấp, tại chốt trực, tổ công tác còn phát hiện, anh Việt còn mang theo rất nhiều giấy đi đường do môt Cty khác có tên là Cty TNHH Phát triển dịch vụ vận tải Bắc Việt cũng ký, đóng dấu, trên các giấy đi đường này cũng không có số phát hành, không có thông tin người đi, địa điểm đến… Ngoài sử dụng các giấy tờ đi đường không đúng quy định trên, tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác cũng phát hiện, cả anh Việt và người đi cùng giấy xét nghiệm COVID đã hết hạn.
Nhận thấy, anh Việt và người đi cùng là chị Dương Thị Vân, quê quán: Thành Long, Hàm Yên, Tuyên Quang sử dụng giấy đi đường không đúng quy định (giấy không ghi thông tin, không số phát hành, không ghi địa điểm đi và đến…); không có xét nghiệm COVID theo quy định tại thời điểm đi ra đường, tổ công tác đã tạm giữ cả hai người và phương tiện. Sau khi hoàn thành lập biên bản hiện trường, tổ công tác liên ngành đã bàn giao người và phương tiện cho công an phường Lĩnh Nam, quận Hoàng tiếp tục thụ lý, giải quyết tiếp.
Giấy tờ đi đường không số, không ngày phát hành, không ghi thông tin người sử dụng nhưng lại được đóng dấu đỏ của Cty TNHH Phát triển dịch vụ vận tải Bắc Việt, được anh Việt trình tại chốt.
Thiếu tá Phạm Minh Quân, Đội CSGT số 14, Phòng CSGT Hà Nội – Chỉ huy chốt kiểm soát ra vào vùng 1 tại khu vực cầu Thanh Trì chiều 12/9 cho biết, những ngày qua lưu lượng người và phương tiện ra đường đang có chiều hướng gia tăng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng chốn dịch của thành phố. Do vậy, chốt trực đã yêu cầu cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ giám sát, kiểm tra chặt người và phương tiện qua lại.
Theo ông Quân, bằng công tác vừa kiểm tra giấy tờ người đi đường, vừa quét mã luồng xanh xe ô tô chở hàng lưu thông, trong những ngày qua, chốt trực đã phát hiện hàng trăm lượt người, xe muốn qua chốt nhưng giấy tờ không hợp lệ, thậm chí là giấy tờ giả.
“Với những trường hợp này, lực lượng làm nhiệm vụ kiên quyết không cho đi qua chốt, thậm chí còn giữ lại, bàn giao cho công an phường sở tại tiếp nhận, xử lý nghiêm. Việc này là vừa ngăn chặn kịp thời, vừa để cảnh báo, răn đe các trường hợp tương tự khac”, ông Quân nói.
(Theo Tiền Phong)
Vũng Tàu cho 4 huyện từng bước mở cửa hoạt động trở lại từ 15/9
Chiều 12/9, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có văn bản hỏa tốc gửi các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất Đỏ và Côn Đảo về việc cho phép một số hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ở các địa phương này hoạt động trở lại theo Chỉ thị số 15.
Theo đó, các địa phương trên được từng bước mở cửa hoạt động trở lại một số hoạt động kinh tế và theo lộ trình thời gian và theo từng cấp độ. Phương châm áp dụng là "người lao động an toàn - lộ trình an toàn - doanh nghiệp an toàn” trong khu vực “vùng xanh”; an toàn đến đâu “mở cửa” đến đó.
Việc mở cửa lại sẽ được thực hiện từng bước, từng ngành nghề, ưu tiên các lĩnh vực sản xuất kinh doanh hàng hoá, thực phẩm thiết yếu trước.
Các siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng bán lẻ phải thực hiện đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch trước khi được phép hoạt động trở lại. Chợ truyền thống mở cửa trở lại chỉ kinh doanh các hàng hóa thiết yếu khi đáp ứng đầy đủ điều kiện về phòng, chống dịch theo quy định của UBND tỉnh.
Nguồn cung cấp hàng hóa vào chợ được kiểm soát chặt tại các điểm tập kết, xét nghiệm định kỳ theo quy định đối với tiểu thương và kiểm soát số lượng người vào chợ. Người dân được phát phiếu đi chợ 2 lần/tuần, chia khung giờ theo khu phố, thôn, ấp.
Cơ sở nhỏ lẻ kinh doanh mặt hàng thiết yếu cũng phải đảm bảo đúng tiêu chí an toàn phòng, chống dịch trước khi hoạt động trở lại.
Các cơ sở dịch vụ nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống được hoạt động thông qua hình thức đặt hàng trực tuyến, không bán trực tiếp.
Cửa hàng sau khi được thẩm định đủ điều kiện sẽ gắn bảng hộ kinh doanh “xanh” hoặc hộ kinh doanh an toàn.
Cho phép thí điểm hoạt động các khách sạn có dịch vụ khép kín, có phương án đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch như Melia Hồ Tràm, Hồ Tràm Strip, Suối nước nóng Bình Châu và Six Senses Côn Đảo.
Các hoạt động giao thông vận tải thực hiện theo các hướng dẫn của tỉnh trước đây. Tập trung kiểm soát chặt các phương tiện và người theo xe, đảm bảo phòng chống dịch tại điểm xuất phát, điểm đến, các chốt kiểm soát tại cửa ngõ ra vào của các huyện.
Cảng cá vẫn tạm dừng cho đến khi được cho phép hoạt động trở lại cụ thể đối với từng cảng.
Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện trong thời gian từ 15/9 đến 30/10 và tình hình kiểm soát dịch bệnh, UBND tỉnh sẽ xây dựng phương án thực hiện cho giai đoạn từ 1/11 trở đi.
(Theo Báo Giao Thông)
Nhiều địa phương ở Nghệ An tiếp tục nới lỏng giãn cách xã hội từ 0h ngày 13/9
Chiều 12/9, UBND tỉnh Nghệ An vừa có văn bản điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
Theo đó, TP Vinh, thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc sẽ chuyển từ thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 sang giãn cách xã hội theo chỉ thị 15.
Lực lượng chức năng tại các chốt trên địa bàn TP Vinh khi thực hiện Chỉ thị 16.
Ngoài ra, 17/18 xã, thị trấn của huyện Hưng Nguyên (trừ xã Hưng Thịnh). 33/37 xã, thị trấn của huyện Diễn Châu (trừ xã Diễn Nguyên, Diễn Yên, Diễn Đoài, Diễn Hồng), 17/18 xã, thị trấn của huyện Nam Đàn (trừ xã Xuân Hòa) cũng chuyển từ cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 sang giãn cách xã hội theo chỉ thị 15.
Trên địa bàn Nghệ An ngoài các đơn vị nêu ở trên thì xã Tri Lễ, Mường Nọc (huyện Quế Phong) đang thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 vì 2 địa phương này trong những ngày vừa qua xuất hiện các ca nhiễm ngoài cộng đồng.
Như vậy, trên địa bàn có các địa phương áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 gồm: TP Vinh, thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc, Đô Lương, Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai.
Các địa phương còn lại áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị số 19.
(Theo Gia đình và Xã hội)
Bình Dương: Chuẩn bị mọi mặt cho hoạt động trong trạng thái "bình thường mới"
Nhằm chuẩn bị cho hoạt động trong trạng thái bình thường mới, Sở Công Thương tỉnh Bình Dương vừa có văn bản gửi UBND các huyện, thị, thành phố, ban giám đốc các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên toàn tỉnh về việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại.
Theo đó, Sở Công Thương tỉnh Bình Dương yêu cầu nhân viên, người lao động, tiểu thương và khách hàng đến mua sắm tại các chợ truyền thống phải được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19 hoặc ít nhất tiêm 1 mũi sau 14 ngày. Riêng đối với các trường hợp F0 khỏi bệnh phải có xác nhận của cơ quan y tế.
Các đơn vị này phải thiết lập điểm kiểm dịch bằng cách quét mã QR hoặc bố trí nhân viên kiểm tra trực tiếp các loại giấy tờ theo quy định tại cổng ra vào để kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh bằng các biện pháp khai báo y tế, giấy hoặc mã tiêm phòng theo quy định, xét nghiệm định kỳ..; tuyệt đối không tiếp nhận khách hàng không đủ điều kiện.
Các đơn vị thành lập tổ an toàn Covid-19 và tổ y tế lưu động để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh, xét nghiệm định kỳ cho nhân viên 3 ngày/lần và xử lý các trường hợp F0, truy vết F1, F2 phát sinh.
Sở Công Thương cũng khuyến khích việc đẩy mạnh hoạt động và đa dạng hình thức mua bán trực tuyến, giao hàng tại nhà, bán mang về. Các địa phương "vùng xanh" tùy tình hình thực tế cho các chợ hoạt động trở lại nhưng phải bảo đảm các tiêu chí chợ "vùng xanh".
UBND các huyện, thị, thành phố chỉ đạo các phòng, ban và UBND xã, phường, thị trấn tăng cường biện pháp quản lý, kiểm soát phòng, chống dịch bệnh tại các loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống (có giấy đăng ký kinh doanh ) hình thức bán mang đi như: Thiết lập điểm kiểm dịch bằng cách quét mã QR để người mua quét mã QR kiểm tra các thông tin tiêm phòng, khai báo y tế, xét nghiệm định kỳ…
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Hoàng Thao và Đoàn Đại biểu Quốc hội đến thăm động viên y- bác sĩ Khu Điều trị Thới Hoà
Trước đó UBND tỉnh Bình Dương đã có quy định về việc lưu thông từ ngày 11-9 giữa các huyện, thị xã "vùng xanh". Theo đó người và các phương tiện giao thông lưu thông bình thường, tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh khi qua các chốt kiểm soát dịch bệnh Covid -19 giữa 2 địa phương phương lưu thông trong nội bộ huyện, thị xã.
Đối với các huyện phía Bắc, các huyện phía Nam của tỉnh và với các tỉnh, thành phố khác phải được kiểm soát chặt chẽ tại các chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19.
UBND các huyện, thị xã "vùng xanh" cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện giao thông thông qua các chốt kiểm soát giáp ranh giữa 2 địa phương; kết hợp thực hiện tuần tra, kiểm soát lưu động với các chốt cố định nhằm đảm bảo kiểm soát con người, phương tiện vận chuyển hàng hóa, vật tư từ "vùng vàng", "vùng đỏ" về các xã, khu, ấp trên địa bàn "vùng xanh".
Riêng thị xã Bến Cát, khi đủ điều kiện "vùng xanh" có thể xem xét áp dụng các biện pháp hạn chế tụ tập đông người theo tinh thần Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ một cách nghiêm ngặt hơn (gọi tắt là áp dụng Chỉ thị 15+) trong phạm vi xã, phường. Sau đó, áp dụng Chỉ thị 15+ trong phạm vi toàn thị xã.
Việc áp dụng Chỉ thị 15+ trong phạm vi xã, phường và nội bộ thị xã do Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thị xã xem xét, quyết định. Khi đủ điều kiện, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo việc lưu thông liên huyện với các địa phương "vùng xanh". Nguyên tắc tổ chức lưu thông: Bảo vệ, giữ vững các "vùng xanh"; khóa chặt "vùng vàng", "vùng đỏ"; đảm bảo lưu thông được thông suốt.
Theo đó, tiếp tục giữ lại các chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 như hiện nay giữa các huyện "vùng xanh"; tăng cường lực lượng cho các chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 giữa "vùng xanh" với "vùng vàng", "vùng đỏ"; thực hiện điều chỉnh lại các chốt theo hướng rút bớt lực lượng ở khu vực xanh để tăng cường cho khu vực có nguy cơ và ranh giới với các "vùng đỏ", "vùng cam".
Các phương tiện giao thông được phép lưu thông qua lại giữa các "vùng xanh" trong địa bàn huyện, giữa các huyện "vùng xanh" trên cơ sở phải tuân thủ theo phương án tổ chức lưu thông của từng huyện, giữa các huyện phía Bắc. Ngoài các đối tượng đã được quy định, người dân đã được tiêm ít nhất 01 mũi tiêm vắc-xin sau 14 ngày được phép tham gia lưu thông.
Người lao động cần có thêm giấy xác nhận làm việc tại doanh nghiệp để di chuyển từ nơi ở đến nơi sản xuất khi đi qua các chốt kiểm soát. Hạn chế tối đa các đối tượng là người già, bệnh nền, trẻ em tham gia lưu thông, đồng thời bổ sung thêm đối tượng là F0 đã khỏi bệnh.
Đến cuối ngày 11-9, tỉnh Bình Dương ghi nhận 3.971 ca mắc mới, tính từ đợt dịch thứ 4 tỉnh Bình Dương ghi nhận 153.830 ca mắc Covid-19. Tính đến cuối ngày 11-9 tỉnh Bình Dương đã tiêm 1.652.881 liều vắc-xin Covid-19, trong đó 1.603.890 mũi 1 và 48.991 mũi 2.
(Theo Tiền Phong)
Giám đốc Sở Tư pháp nhiễm COVID-19, nhiều cán bộ tỉnh Đồng Nai trở thành F1
Ngày 12/9, theo thông tin từ Sở Tư pháp Đồng Nai, bà Võ Thị Xuân Đào, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai đã có kết quả xét nghiệm lần 2 PCR dương tính với SARS-CoV-2.
Tỉnh Đồng Nai đẩy nhanh xét nghiệm PCR
Theo đó, bà Võ Thị Xuân Đào ở chung nhà với trường hợp F0 (phát hiện từ 9/9) tại địa chỉ số 9, đường Phan Chu Trinh, phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa. Kết quả xét nghiệm lần 1 PCR âm tính vào lúc 20h00 ngày 9/9. Kết quả xét nghiệm lần 2 PCR dương tính vào lúc 15h00 ngày 11/9.
Cơ quan chức năng đã xác định lịch trình tiếp xúc của bà Võ Thị Xuân Đào với các trường hợp là F1 trong khoảng thời gian từ ngày 28/8 đến 9/9.
Theo đó, ngoài tiếp xúc với một số cán bộ, nhân viên Sở Tư pháp, bà Đào đã có buổi làm việc, tiếp xúc với một số cán bộ lãnh đao Ban Chỉ huy quân sự, Thành ủy, UBND TP Long Khánh; UBND huyện Long Thành, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai, Văn phòng Tỉnh ủy Đồng Nai và Viện KSND tỉnh Đồng Nai, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Đồng Nai, Ban Dân tộc.
Sở Tư pháp đã thực hiện các biện pháp, liên hệ với Trung tâm Y tế thành phố Biên Hòa để thực hiện phun hóa chất khử khuẩn toàn bộ khu vực làm việc và nơi cư trú của F0. Liên hệ các cơ quan, địa phương về lịch trình di chuyển và lập danh sách các trường hợp F1, F2 thuộc Sở Tư pháp. Thông báo đến các địa phương, đơn vị để kích hoạt phương án phòng chống dịch, xử trí khi có trường hợp F1, F2 tại địa phương, đơn vị.
(Theo Tiền Phong)
Phát hiện nhóm người trốn trong xe 'luồng xanh', 1 người nghi mắc COVID-19
Vào lúc 3 giờ ngày 12/9, lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát liên ngành số 6 tỉnh Kiên Giang (ở cuối tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, thuộc xã Giục Tượng, huyện Châu Thành) phát hiện tài xế tên Nguyễn Hữu Kiệt (42 tuổi) ngụ huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận điều khiển xe ô tô tải BKS-79C 059.02 (có đăng ký luồng xanh) nên ra hiệu lệnh dừng xe để tài xế xuống khai báo y tế.
Tại đây, Kiệt cho biết trên xe không chở người. Thấy có nghi vấn, tổ kiểm soát đã kiểm tra trên cabin và sau thùng xe tải thì phát hiện thêm 3 người là Dương Minh Phước (32 tuổi), Phan Quang Hồng Thuyết (30 tuổi) và Hoàng Văn Nam (36 tuổi) cùng ngụ tỉnh Khánh Hòa (tất cả đều có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2).
Qua làm việc, Kiệt thừa nhận trước đó đã từng chở dư người trên xe và bị chốt kiểm soát phát hiện buộc quay trở lại. Lần này, để qua mắt lực lượng chức năng, Kiệt đã khai gian đi một mình và yêu cầu những người còn lại nằm trốn trong cabin và thùng xe.
Trong đó, Kiệt và Nam là tài xế, còn Phước và Thuyết có nhiệm vụ bốc vác hàng hóa. 4 người này chạy xe tải xuất phát từ tỉnh Khánh Hòa đến nhận trái cây đưa lên xe tải tại thành phố Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận rồi chở thuê cho các chủ hàng đến TP. Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang tiêu thụ.
Qua lấy mẫu xét nghiệm nhanh tại chốt kiểm soát, mẫu của Hoàng Văn Nam có dấu hiệu dương tính SARS-CoV-2.
Hiện 4 người này này đã được Công an huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang phối hợp cùng Trung tâm y tế huyện đưa đi cách ly y tế tạm thời để chờ kết quả xét nghiệm PCR đối với Nam xem có mắc COVID-19 hay không. Sau đó tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.
Xe tải ‘luồng xanh’ chở 7 tấn hóa chất không có hóa đơn, chứng từ
Ngày 12/9, Phòng CSGT Công an tỉnh Tiền Giang cho biết vừa bàn giao xe tải mang BKS 51D-609.54 cùng khoảng 7 tấn hoá chất có liên quan về Cục Quản lý thị trường tỉnh để tiếp tục lập biên bản xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật.
Xe tải ‘luồng xanh’ chở 7 tấn hóa chất không có hóa đơn chứng từ. Ảnh: Châu Thành.
Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 4 giờ 45 phút cùng ngày, thiếu tá Nguyễn Thanh Tuấn thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Tiền Giang cùng tổ công tác chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 tại trạm thu phí Thân Cửu Nghĩa (xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) phát hiện xe ô tô tải mang BKS 51D-609.54 do tài xế Phạm Văn Đông (43 tuổi, ngụ huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) điều khiển đang lưu thông trên cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, hướng đi từ TP. Hồ Chí Minh về Tiền Giang.
Khi xe vừa đi ra trạm thu phí Thân Cửu Nghĩa, thiếu tá Nguyễn Thanh Tuấn cùng tổ công tác chặn dừng phương tiện để kiểm tra theo quy định. Qua kiểm tra, xe tải 51D-609.54 có mã QR luồng xanh, tài xế Đông có xuất trình giấy test nhanh âm tính COVID-19. Trên xe có khoảng 7 tấn hóa chất các loại được nhập từ nước ngoài. Tại thời điểm kiểm tra, tài xế Đông không xuất trình được hóa đơn, chứng từ và nguồn gốc xuất xứ.
Bước đầu qua làm việc, tài xế Đông cho biết lô hàng này được vận chuyển từ TP. Hồ Chí Minh về tỉnh Cà Mau.
Hiện vụ việc được phòng CSGT Công an tỉnh Tiền Giang bàn giao cho Cục Quản lý thị trường để tiếp tục lập biên bản xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật.
(Theo Tiền Phong)
TP HCM: Huyện Cần Giờ sẽ mở tour du lịch vào ngày 30-9
Ngày 12-9, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên đã làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Cần Giờ. Tại buổi làm việc này, ông Nguyễn Văn Nên đã có nhiều gợi mở về kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế huyện Cần Giờ.
Theo ông Nguyễn Văn Nên huyện Cần Giờ đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh nên có thể khoanh gọn từng vùng để làm ngay chương trình du lịch nội địa trong thời kỳ Covid-19. Huyện Cần Giờ chuẩn bị điểm đến an toàn, người dân đi du lịch an toàn. Bởi hiện nay, người dân TP đã trải qua hơn 3 tháng giãn cách xã hội nên muốn được đi ra ngoài tận hưởng không khí trong lành, thưởng thức vài món ăn. Huyện Cần Giờ có địa hình khép kín, biệt lập với TP nên cần triển khai sớm.
Dự kiến 30-9, huyện Cần Giờ sẽ mở tour du lịch đầu tiên sau khi công bố kiểm soát được dịch Covid-19. Ảnh: Internet
"Đây là cơ hội để Cần giờ làm 2 việc đó là: chia sẻ với cộng đồng và phát triển kinh tế du lịch dịch vụ" – ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Trong kế hoạch khôi phục kinh tế của huyện Cần Giờ, trong giai đoạn 1 (từ 16-9 đến 31-10), bên cạnh các loại hình được mở cửa theo hướng dẫn của TP thì huyện cũng đề xuất thí điểm mở thêm một số hoạt động.
Cụ thể, các hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản của người dân và phương tiện tại địa phương; tổ chức lại hoạt động chợ truyền thống, cho phép xây dựng nhà ở riêng lẻ trong dân. Đáng chú ý, huyện sẽ mở hoạt động 1 tour hoặc điểm du lịch để góp phần khôi phục lại dịch vụ, xem xét mở lại hoạt động vui chơi giải trí ngoài trời, ăn uống tại chỗ với quy mô nhỏ nhưng đảm bảo giãn cách theo quy định (dưới 20 người) tùy theo mức độ kiểm soát dịch bệnh và khuyến nghị của ngành y tế.
Về gợi ý của Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên, ông Lê Minh Dũng, Bí thư Huyện ủy Cần Giờ cho biết huyện cũng đã có kế hoạch, trong đó xây dựng tour du lịch khép kín, cung đường khép kín, hành khách không được đi ngang đi dọc mà chỉ ở trong khu vực nhất định. Dự kiến đến 30-9 có thể mở tour thí điểm đầu tiên.
(Theo Người Lao Động)
Kéo dài giãn cách theo Chỉ thị 16 đối với 6 phường của Tp.Bạc Liêu
Ngày 12/9, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu quyết định áp dụng thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội trên địa bàn tỉnh theo mức độ nguy cơ, từ ngày 13/9 đến hết ngày 19/9/2021.
Theo đó, tỉnh Bạc Liêu sẽ áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đối với 6 phường, gồm phường 1, phường 2, phường 3, phường 5, phường 7, phường 8 của Tp.Bạc Liêu.
Áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 đối với địa bàn còn lại của tỉnh Bạc Liêu, gồm phường Nhà Mát, xã Hiệp Thành, xã Vĩnh Trạch, xã Vĩnh Trạch Đông của Tp.Bạc Liêu và toàn bộ địa bàn huyện Hòa Bình, Vĩnh Lợi, Phước Long, Đông Hải, thị xã Giá Rai. Thời gian áp dụng từ ngày 13/9 đến hết ngày 19/9.
Đối với các khu vực đang thiết lập vùng cách ly y tế trên địa bàn các huyện, thị xã theo quyết định trước đây của Chủ tịch UBND tỉnh vẫn tiếp tục thực hiện cho đến hết thời gian quy định.
Trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng và UBND các huyện, thị xã, Tp.Bạc Liêu cần thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế về công tác xét nghiệm phòng chống Covid-19. Trong đó, phải tiếp tục đẩy mạnh công tác xét nghiệm tầm soát Covid-19 trong cộng đồng, trước tiên là tại các khu vực phong tỏa; các khóm, ấp, xã, thị trấn có nguy cơ rất cao và nguy cơ cao.
Bên cạnh đó, ngành y tế phải tổ chức giám sát chặt chẽ quy trình lấy mẫu của nhân viên y tế, nhất là việc đảm bảo vệ sinh an toàn dịch bệnh và việc thực hiện thao tác lấy mẫu của nhân viên y tế.
“Khi phát hiện F0 trong số những người dân đi lấy mẫu thì phải đánh giá, sàng lọc kỹ các trường hợp bị đưa vào diện F1, F2 sao cho không bỏ sót song cũng không xác định sai, thừa đối với các người dân đi lấy mẫu tại cùng thời điểm, địa điểm”, Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu còn yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong công tác phòng chống dịch. Lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”; người dân là “chiến sĩ”, là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống dịch.
Cán bộ, công chức, viên chức và các lực lượng vũ trang phải gương mẫu chấp hành quy định về công tác phòng chống dịch bệnh. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm trên lĩnh vực, địa bàn quản lý.
(Theo Người Đưa Tin)
Hà Nội: Phong tỏa xã hơn 9.000 dân sau khi 2 vợ chồng đi chợ bán rau dương tính với SARS-CoV-2
Trưa 12/9, ông Nguyễn Đình Hoa – Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ (Hà Nội) cho biết, huyện đã ra quyết định phong toả toàn bộ xã Thụy Hương nơi có 5 người dương tính với SARS-CoV-2.
Theo ông Hoa, qua truy vết, lực lượng chức năng xác định được 40 trường hợp F1 đã cho đi cách ly tập trung theo quy định. Khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho hơn 9.000 người dân trên địa bàn toàn xã Thụy Hương.
Ông Hoa cho biết, sau khi có kết quả xét nghiệm của người dân sẽ có biện pháp nới lỏng phạm vi phong toả.
Lực lượng chức năng phong toả toàn bộ xã Thụy Hương (Chương Mỹ, Hà Nội)
Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cũng cho biết, trong cuối tháng 7/2021 huyện đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu UBND xã, thị trấn vận động, tuyên truyền và cấm các hộ tiểu thương đi buôn bán nhỏ lẻ ra khỏi huyện Chương Mỹ để phòng chống dịch COVID-19, đa số người dân chấp hành tốt.
Tuy nhiên, vợ chồng anh chị N.V.T. và N.T.H. ở thôn Tân Mỹ (Thụy Hương, Chương Mỹ) vẫn đi bán rau, củ quả tại chợ Đại Từ, phường Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội).
“Khi chúng tôi thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin và lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 trên địa bàn thì phát hiện ra anh T. và chị H. dương tính với SARS-CoV-2”, ông Hoa nói.
Ông Hoa cho biết, sau được xác định dương tính với SARS-CoV-2, vợ chồng anh T. đã được đưa đi cách ly, điều trị theo quy định. Chính quyền địa phương không cấp giấy đi đường cho hai vợ chồng anh T. Giấy đi đường của 2 vợ chồng anh T. do Ban quản lý chợ Đại Từ (Hoàng Mai, Hà Nội) cấp. Sau khi vợ chồng anh T. dương tính SARS-CoV-2 lại lây nhiễm tiếp cho 2 con trai và một người chị dâu sống ngay cạnh nhà. Ngay sau đó, chính quyền đã lập biên bản để nhắc nhở 2 vợ chồng trên.
“Vợ chồng anh T. dương tính với SARS-CoV-2 sau khi đi chợ ở Đại Từ về chứ không phải dương tính rồi vẫn đi chợ”, ông Hoa cho hay.
Trước đó, ngày 11/9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, TP ghi nhận 5 ca dương tính SARS-CoV-2 tại thôn Tân Mỹ, xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ. Cả 5 người đều thuộc chùm F1 của các trường hợp ho sốt cộng đồng.
Trong đó, 4 người cùng một gia đình, gồm vợ chồng anh chị N.V.T. và N.T.H. cùng 2 con trai. Anh T. chị H. làm nghề buôn bán rau củ quả tại chợ Đại Từ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội (nơi đã ghi nhận tiểu thương mắc COVID-19). Còn một trường hợp khác là người thân của 2 vợ chồng anh T. sống ngay cạnh nhà, ngày 10/9 được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Bị nhắc nhở vì tổ chức nhậu trong khu cách ly, 3 F0 đánh người
Ngày 12/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bàu Bàng (Bình Dương) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 tháng đối với 3 đối tượng Thạch Oanh Thi (21 tuổi, quê tỉnh Trà Vinh), Lê Chí Thiện (26 tuổi, quê Bạc Liêu) và Nguyễn Hoàng Phi Dương (22 tuổi, quê Kiên Giang) để điều tra hành vi Chống người thi hành công vụ.
Theo điều tra, vụ việc xảy ra tại khu cách ly điều trị tập trung bệnh nhân F0 trường THCS Lai Hưng, xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng.
Ngày 10/9, bị can Dương đặt mua trứng vịt lộn, rượu qua mạng xã hội và được giao tại hàng rào khu cách ly điều trị không qua sự kiểm soát của ban quản lý khu cách ly. Đến khoảng 18h cùng ngày, Dương bày đồ nhậu ở sảnh trước phòng của mình và rủ thêm Thi, Thiện cùng một số bệnh nhân khác đang điều trị tại đây đến nhậu.
Phát hiện sự việc, anh Nguyễn Quốc Thịnh và anh Nguyễn Thanh Khương là dân quân cơ động làm nhiệm vụ giữ an ninh trật tự trong khu cách ly đến để nhắc nhở các bệnh nhân không được tụ tập, ăn nhậu trong khu cách ly, điều trị.
Khi bị nhắc nhở, các bị can Dương, Thi và Thiện không chấp hành mà chống đối, có lời lẽ xúc phạm với lực lượng làm nhiệm vụ. Tiếp đó, các đối tượng xông vào dùng tay, chân, ghế đánh vào người anh Thịnh và anh Khương.
Thiện và Thi sau khi tham gia đánh nhau đã bỏ trốn khỏi khu cách ly điều trị. Đến 2h ngày 11/9 thì bị lực lượng Công an huyện Bàu Bàng phối hợp Trung tâm y tế huyện bắt giữ đưa về nơi cách ly điều trị.
(Theo Dân Việt)
Lý do khiến Kiên Giang chống dịch “rớt hạng”, bị Thủ tướng phê bình
“Không có người dân nào an toàn khi vẫn còn người dân khác mắc Covid -19. Không có địa phương nào an toàn, nếu địa phương khác còn phải chống dịch…”.
Đó là phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo phòng chống Covid -19 Quốc gia do Thủ tướng chủ trì vào ngày 11/9. Cuộc họp được kết nối trực tiếp tới các điểm cầu Hà Nội, TP.HCM, Kiên Giang, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và TP Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang từng bị phong tỏa do có nhiều ca nhiễm COVID-19.
Riêng tình hình tại Kiên Giang, Thủ tướng đánh giá Kiên Giang có diễn biến phức tạp hơn, dịch bùng phát tăng cao là do tỉnh quán triệt không hết, tổ chức thực hiện không tốt các biện pháp đã có đầy đủ, rất cụ thể trong các Công điện gần đây của Thủ tướng.
Cũng theo Thủ tướng, các nguyên nhân gây bùng phát dịch tại Kiên Giang đều có bài học kinh nghiệm từ trước tại những địa phương khác, nhưng tỉnh vẫn chủ quan lơ là. Khi có dịch, Kiên Giang chưa làm tốt xét nghiệm thần tốc để phát hiện, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.
Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo Kiên Giang kiểm điểm, rút kinh nghiệm, tổ chức thực hiện thật tốt để kiểm soát dịch. Kiên Giang là tỉnh đang diễn biến phức tạp, cần nỗ lực hơn, thực hiện nghiêm, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch, nhất là trong quản lý di chuyển, cách ly, chấp hành giãn cách xã hội.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang, từ ngày 21/6/2021 đến ngày 11/9/2021 toàn tỉnh Kiên Giang có 3.244 ca mắc mới. Các địa phương có số ca mắc mới cao nhất gồm TP Rạch Giá (1.420 ca), huyện Kiên Lương (432 ca), TP Hà Tiên (313 ca), huyện Châu Thành (223 ca).
Riêng ngày 11/9 Kiên Giang có 165 ca F0 - tăng 79 ca so với ngày trước đó. Từ khi dịch bùng phát đến ngày 8/9 có 18 ca tử vong, riêng ngày 11/9 có 3 ca tử vong. Và Kiên Giang có số ca mắc mới trong cộng đồng tăng 69,7% so với tuần trước đó.
Điều này đã đẩy Kiên Giang từ nhóm 2 - nhóm đang tiếp tục lộ trình thực hiện đạt các tiêu chí kiểm soát dịch, xuống nhóm 3 - nhóm cần tiếp tục nỗ lực, triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch để có thể thực hiện được các tiêu chí kiểm soát dịch.
Các địa phương trong tỉnh Kiên Giang đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15/CT-TTg từ ngày 7/9 của Thủ tướng Chính phủ, cũng đang lên kế hoạch nới lỏng có kiểm soát một số hoạt động, dần khôi phục sản xuất kinh doanh. Đồng thời các cơ quan, ban ngành đang tăng cường các biện pháp phòng chống dịch xâm nhập từ bên ngoài vào, giữ vững thành quả chống dịch, phấn đấu đến ngày 13/9 trở lại trạng thái bình thường mới. Vậy vì sao lại “vỡ trận”?
Theo đánh giá của Ban Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Kiên Giang, sở dĩ ca mắc mới tăng cao trong tuần qua là do ổ dịch bùng phát ở nhiều lĩnh vực, ở nhiều địa phương khác nhau. Có thể kể như các ổ dịch ở Nhà máy Chế biến thủy sản huyện Kiên Lương, ổ dịch chợ Bách hóa tổng hợp Hà Tiên, ổ dịch khu dân cư xã Giục Tượng (huyện Châu Thành), Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Ung bướu tỉnh...
Từ đó, các xét nghiệm qua sàng lọc test nhanh trong cộng đồng ở các địa phương, khu dân cư thuộc TP Rạch Giá, và các huyện thị, TP trong tỉnh cũng phát hiện nhiều F0.
Phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 ngày 8/9, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Thanh Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo cũng thừa nhận các địa phương, trong đó có TP Rạch Giá gần đây bùng phát dịch mạnh cho thấy việc giãn cách thực hiện chưa nghiêm túc. Đáng lo là tình trạng “ngoài chặt trong lỏng”, “giãn cách nhưng vẫn còn qua lại giao lưu”; các địa phương chưa làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, dẫn đến doanh nghiệp vi phạm trong phòng chống dịch…
Trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang yêu cầu đối với 7 huyện , TP đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ phải thực hiện nghiêm giãn cách theo nguyên tắc “ai ở đâu ở đấy“. Triển khai thần tốc xét nghiệm sàng lọc đợt 3, phát hiện bóc tách F0 đưa đi điều trị, F1 cách ly và quản lý F2 tại nhà. Cắt đứt chuỗi lây nhiễm COVID-19 ngoài cộng đồng, kiểm soát các ổ dịch và tiến tới giảm dần ca mắc mới.
Bí thư Tỉnh ủy cũng nhấn mạnh, đối với 8 địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15, chính quyền cùng người dân tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch. Tuyệt đối không được chủ quan, xây dựng kế hoạch bảo vệ thành quả phòng chống dịch. Không để tái xuất hiện các ổ dịch mới, làm lây lan ra cộng đồng. Bí thư cấp ủy phải chịu trách nhiệm trước cấp ủy cấp trên nếu để dịch bùng phát.
Ông cũng đề nghị lãnh đạo các ngành, các địa phương phải theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh để chỉ đạo xử lý kịp thời các tình huống không để bất ngờ, bị động. Đối với những nơi tình hình phức tạp thì phải dùng các biện pháp mạnh, biện pháp cao hơn. Chỉ đạo làm tốt công tác thu dung, điều trị, hạn chế đến mức thấp nhất số ca tử vong do COVID-19.
(Theo Báo Giao Thông)
Hải Phòng yêu cầu người từ vùng dịch về cách ly tập trung tại khách sạn
UBND TP Hải Phòng vừa có thông báo về việc cách ly y tế tập trung đối với người từ vùng dịch về địa phương.
Trả lại phòng học cho nhà trường, TP Hải Phòng yêu cầu người đi từ vùng dịch vào khách sạn cách ly.
UBND TP Hải Phòng nhấn mạnh, sau khi bàn giao điểm cách ly cho các cơ sở đào tạo phục vụ dạy và học, địa phương không đủ số giường để tiếp nhận người về từ vùng dịch.
Vì vậy, từ ngày 11/9/2021, tất cả công dân đi từ vùng đang áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thành phố phải thực hiện cách ly y tế tập trung tại các khách sạn hoặc các cơ sở lưu trú do thành phố chỉ định và tự chi trả tiền lưu trú và các chi phí khác liên quan.
Về việc tiêm vaccine, chính quyền thành phố Hải Phòng ghi nhận, qua 2 ngày triển khai việc tiêm chủng phòng ngừa COVID-19 trên địa bàn thành phố, tỷ lệ tiêm vaccine của nhóm đối tượng nguy cơ lây nhiễm cao (lái xe, shipper, nhân viên khách sạn...) hiện đăng ký tiêm rất thấp.
UBND thành phố yêu cầu các đối tượng khẩn trương đi tiêm phòng vaccine trong ngày 11 và 12/9/2021 và chính quyền các quận, huyện đôn đốc, ưu tiên bố trí các đối tượng trên được tiêm trước.
Thời gian tới, thành phố sẽ xem xét có phương án ưu tiên về đi lại, hoạt động sản xuất kinh doanh đối với những người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine.
(Theo Gia đình và Xã hội)
Đà Nẵng cho mở lại tiệm sửa xe, điện nước, cửa hàng bán sách giáo khoa
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch chiều 11-9, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh giao văn phòng UBND TP khẩn trương soạn thảo phương án phòng chống dịch cho thời gian đến theo từng vùng xanh, vàng, đỏ trên tinh thần của Quyết định 2905.
Theo đó, từng vùng sẽ có biện pháp khác nhau, tinh thần là nới một số hoạt động để phục vụ người dân. Ví dụ, như ở vùng xanh sẽ cho bán mang về, tăng số lượng hoạt động ở các đơn vị sản xuất, kinh doanh.
Trước mắt, lãnh đạo TP thống nhất cho phép mở lại các tiệm sửa xe, điện nước, cửa hàng sách giao khoa, văn phòng phẩm để phục vụ học sinh năm học mới. Đồng thời, tăng số lượng xe vận tải để vận chuyển hàng hóa đến siêu thị, cửa hàng tạp hóa.
Tiệm sửa xe sẽ được cho mở cửa trở lại. Ảnh: TV.
Giao Sở Công thương khẩn trương xây dựng kịch bản mở lại các chợ, đặc biệt là chợ đầu mối nhưng tinh thần là chỉ phục vụ cho người ở Đà Nẵng. Còn người ngoại tỉnh vào thì phải đi vào những hãng xe vận tải lớn để TP kiểm soát được, không bán lẻ. Sở NN&PTNT xây dựng kịch bản mở lại Âu thuyền Thọ Quang nhưng cũng trên tinh thần tương tự.
Về công tác ứng phó với bão số 5, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, tuy bão giảm về cường độ nhưng lượng mưa thực tế rất lớn và sẽ kéo dài. Hiện trời vẫn đang mưa to, tại vịnh Đà Nẵng gió đo được là cấp 7, dự báo lượng mưa trên 300mm.
Ông Quảng yêu cầu phải hết sức tập trung, không được chủ quan vì lượng mưa rất lớn, đặc biệt tập trung ứng phó nguy cơ ngập úng cục bộ tại các khu dân cư trên các tuyến đường và khu vực thấp, trũng ở huyện Hòa Vang.
Các lực lượng ứng trực 24/24 ở các điểm có nguy cơ ngập sâu, phải có cảnh báo để người dân di chuyển đảm bảo an toàn. Tuyệt đối không được để xảy ra mất an toàn ở các khu vực ngập úng.
Ông Quảng lưu ý các địa phương cân nhắc rất kỹ việc sơ tán dân, tinh thần là hạn chế thấp nhất việc sơ tán.
“Ở thời điểm này, chúng ta chỉ xem xét sơ tán dân ở các trường hợp thực sự mất an toàn do ngập úng. Ví dụ khu quá trũng, nguy cơ ngập sâu thì xem xét sơ tán. Còn tinh thần chung là không sơ tán ồ ạt theo kế hoạch dự kiến. Việc này giao lại cho địa phương đánh giá tình hình và thực hiện cụ thể, sơ tán dân phải kèm theo điều kiện phòng chống dịch, đảm bảo giãn cách”- ông nói.
Bí thư Quảng nhấn mạnh, có khả năng trưa mai bão sẽ đổ bộ vào đất liền ở cấp 7, 8 và có kèm theo mưa lớn. Các sở ngành, quận huyện phải tính toán thời điểm có nguy cơ để quyết định các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân cũng như chuẩn bị phương án khắc phục ngay sau bão.
(Theo Pháp luật TP.HCM)
"TP.HCM có thể không kiểm soát được dịch trước 15-9, phải xin thêm thời gian"
Phát biểu kết luận tại hội nghị mở rộng của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM chiều 11-9, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, cho biết tính đến nay, TP có 103 ngày với những bước, những mục tiêu, những giải pháp cấp độ khác nhau, ngày càng nâng lên, ngày càng tăng cường, siết chặt trong việc phòng chống COVID-19.
Không thể giãn cách nghiêm ngặt quá dài, quá sức chịu đựng của dân.
Tuy nhiên, TP.HCM khó có thể quét sạch F0 trong một thời gian nhất định trên một địa bàn lớn có đặc điểm phức tạp như TP nhưng việc áp dụng các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt cũng không thể kéo dài đến quá sức chịu đựng của người dân và nền kinh tế.
Ông cho rằng quan điểm này là mới so với trước đây. TP.HCM sẽ báo cáo Trung ương để xin ý kiến. Đây là cách nhìn nhận của TP qua thực tiễn và đưa ra quan điểm như thế.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu kết luận tại hội nghị. Ảnh: Web Thành ủy TP.HCM
Theo ông Nên, việc giãn cách hay nới lỏng đến mức độ nào còn phụ thuộc vào chuyển biến tình hình dịch bệnh và nguy cơ của từng khu vực, từng địa bàn.
Có nghĩa là TP đã quét truy tìm F0 nhiều lần trong hơn 100 ngày qua. Đặc biệt, trong hơn 2 tuần qua, TP đã tập trung, tăng cường lực lượng rất mạnh với hy vọng sẽ quét, phát hiện đến F0 cuối cùng trên địa bàn. Đó là mong muốn, nhưng rất khó trong một thời gian nhất định, và dù khó cũng phải làm.
Bí thư Thành ủy cho rằng phương châm chung của TP là an toàn trên hết. Nếu có nới giãn cách, hay có mở đến mức nào đi nữa thì cũng phải đặt mục tiêu an toàn trên hết. “An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn” - ông Nên nói.
Ông cũng lưu ý về vai trò của TP.HCM với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước là không thể làm tách rời mà phải làm có sự phối kết hợp, hết sức chặt chẽ. Tuyệt đối không chủ quan, không nôn nóng, triển khai từng bước thận trọng, chặt chẽ, chắc chắn.
Trước hết, TP phải chọn địa phương làm thí điểm, bởi mỗi quận huyện cũng khá lớn để cho những thông số, những cách làm, biện pháp giải pháp, qua đó giúp TP rút kinh nghiệm.
Từng bước khôi phục hoạt động bình thường mới ở từng lĩnh vực
Trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy yêu cầu phải bám sát những trụ cột chính trong phòng chống dịch, từng bước khôi phục hoạt động bình thường mới ở từng lĩnh vực.
Trong chiến lược về y tế, từ y tế dự phòng, y tế cơ sở đến trung tâm y tế cấp quận, cấp TP phải hệ thống trở lại… Ngoài củng cố hệ thống y tế nhà nước, cần huy động, phát huy các nguồn lực bằng cơ chế chính sách.
Về chiến lược giáo dục đào tạo, đừng để trường hợp nào bị bỏ rơi, đừng để trường hợp nào không được đến trường. Xa hơn nữa, cần tận dụng môi trường này phát huy trí tuệ của học sinh.
Trong chiến lược truyền thông, tất cả là những điều người dân phải biết về quan điểm, chiến lược phòng chống dịch, cần có thông tin chính thống, nếu không người dân sẽ nghe các thông tin bị nhiễu.
Các đại biểu góp ý tại hội nghị. Ảnh: Web Thành ủy TP.HCM
Người đứng đầu Thành ủy cho rằng phải có chiến lược để tạo điều kiện thông thoáng cho mọi tổ chức, cá nhân phát huy các nguồn lực thuận lợi nhất, để có thể liên lạc, chuyển tải, giúp đỡ, không gặp bất cứ phiền phức nào. Làm sao phát huy, kiến tạo cơ chế để người dân đóng góp.
Cùng với đó phải có chiến lược, thế trận và có nền tảng quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân.
Riêng về chiến lược khoa học công nghệ, ông Nên yêu cầu phải thực hiện tốt dữ liệu về vaccine, xét nghiệm, dữ liệu F0… để phục vụ cho các hoạt động thời gian tới.
Ông đề nghị làm thêm 2 chiến lược: chiến lược công tác dân vận trong tình hình mới và chiến lược tăng cường xây dựng củng cố hệ thống chính trị vững mạnh, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
“Đích của chúng ta là hạn chế tối đa sự lây lan dịch bệnh, tăng vaccine để thực hiện miễn dịch cộng đồng” – ông Nên nói và cho rằng từng chiến lược, chú ý tính khả thi, lộ trình, đặc biệt quan tâm gắn chiến lược này với chiến lược khác, nhất là y tế với công nghệ.
Ông lưu ý là phải liên kết các chiến lược với nhau để có tính khả thi cao, phục vụ cho cuộc sống bình thường mới. Thông điệp chung là làm sao cho người dân có thông tin sớm nhất về sự chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành và các định hướng của TP.
Theo ông Nên, có thể TP.HCM không hoàn thành mục tiêu cơ bản kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15-9 theo Nghị quyết 86 của Chính phủ, mà chỉ có một số quận, huyện hoàn thành.
Do đó, TP.HCM phải “xin thêm” một thời gian nữa, có thể tới hết tháng 9-2021 để tập trung thực hiện mục tiêu theo Nghị quyết 86. Ông giao Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TP.HCM thảo luận để có văn bản sớm xin ý kiến của Chính phủ.
“Chúng ta đang trong chặng đường khó khăn, phải cố gắng tập trung để vượt qua. Khi hệ thống chính trị vượt qua thì nhân dân vượt qua, vì mình là người chèo, người cầm lái” - ông Nên nói và đề nghị toàn hệ thống cố gắng vượt qua khó khăn và tự tin rằng nếu bài bản như vậy thì sẽ thành công.
(Theo Pháp luật TP.HCM)