Cả 2 trường hợp dương tính này có lịch trình phức tạp nên cơ quan y tế vô cùng vất vả khi truy vết, điều tra.
11 diễn biến
2 giáo viên mầm non nhiễm Covid-19, xác định 238 F1
Lịch trình phức tạp
Sáng 13/12, ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An cho biết, chính quyền địa phương và các lực lượng y tế đang tích cực điều tra, truy vết các trường hợp liên quan đến 2 ca nhiễm Covid-19 cộng đồng trên địa bàn.
Giáo viên Trường mầm non bản Xằng Trên, xã Mỹ Lý nhiễm Covid-19.
Bệnh nhân thứ nhất là L.T.Q., nữ, sinh năm 1982, xã Lạng Khê, huyện Con Cuông, hiện đang là giáo viên Trường mầm non bản Xằng Trên, xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn. Bệnh nhân có tiếp xúc với bệnh nhân Q.T.Đ, xã Lạng Khê, huyện Con Cuông được công bố ngày 10/12. Ngay sau khi bệnh nhân nhận được thông tin Q.T.Đ. có kết quả khẳng định dương tính, chị L.T.Q. đến trung tâm y tế khai báo và làm test nhanh cho kết quả dương tính. Sau đó, bệnh nhân được lấy mẫu gửi CDC cho kết quả khẳng định. Bệnh nhân có triệu chứng ho, sổ mũi, rát họng.
Bệnh nhân thứ hai là L.T.T., nữ, sinh năm 1980, xã Lạng Khê, huyện Con Cuông. Bệnh nhân là giáo viên Trường mầm non cơ sở chính Keng Đu, huyện Kỳ Sơn. Bệnh nhân có tiếp xúc với bệnh nhân Q.T.Đ. được công bố ngày 10/12. Ngay sau khi bệnh nhân nhận được thông tin bệnh nhân Q.T.Đ. có kết quả khẳng định dương tính, chị L.T.T. đến trung tâm y tế khai báo và làm test nhanh cho kết quả dương tính.
“Ngay sau khi phát hiện ca nhiễm, Ban Chỉ đạo và Trung tâm Chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 huyện Kỳ Sơn phối hợp với xã Mỹ Lý, xã Keng Đu và các tổ truy vết cộng đồng đã hết sức khẩn trương thực hiện tất cả các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19”, ông Thò Bá Rê nói.
Lịch trình của các bệnh nhân khá phức tạp khi tiếp xúc với nhiều người nên công tác xét nghiệm vô cùng vất vả. Quá trình truy vết, cơ quan chức năng đã xác định được 238 F1 có tiếp xúc trực tiếp với 2 trường hợp cộng đồng này. Trong đó, tại bản Xằng Trên, xã Mỹ Lý có 96 F1 tiếp xúc với bệnh nhân L.T.Q.
“May mắn đến thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm Covid-19 mới. Tuy nhiên, các nhân viên y tế vẫn đang tích cực lấy mẫu truy vết các F1 liên quan để gửi về CDC tỉnh xét nghiệm”, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho hay.
Trèo đèo, vượt núi lấy mẫu xét nghiệm
Bác sĩ Sầm Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn cho biết, cả 2 ca nhiễm cộng đồng mới được phát hiện đều ở khu vực miền núi vô cùng khó khăn, xa xôi và rất khó di chuyển.
“Ở điểm lấy mẫu thứ nhất tại bản Xằng Trên, xã Mỹ Lý, nơi xuất hiện F0 là cô giáo L.T.Q., với quãng đường từ trung tâm y tế huyện vào đây khoảng 64 km. Ngay sau khi nhận được thông báo, 10 nhân viên của trung tâm y tế huyện đã đi xe máy, trong giá rét của núi rừng biên giới, mang theo sinh phẩm để tiến hành lấy mẫu”, ông Hải nói.
Còn điểm lấy mẫu thứ hai tại xã Keng Đu, quãng đường từ trung tâm y tế huyện vào cũng hơn 80km. Do địa hình phức tạp, số lượng F1 nhiều nên đích thân Giám đốc Trung tâm y tế đã có mặt để chỉ đạo công tác lấy mẫu.
“Ban ngày chỉ khoảng 2 tiếng rưỡi là vào đến nơi nhưng ban đêm do sương mù nên phải hơn 4 tiếng chúng tôi mới vào được đến xã Keng Đu để lấy mẫu. Trường hợp F0 là giáo viên mầm non nên có rất nhiều F1 là các cháu nhỏ, phải chờ đến sáng để đến tận nhà của các cháu mới lấy được mẫu”, bác sĩ Sầm Văn Hải cho biết.
Ông Lỳ Bá Thái, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Phó trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện Kỳ Sơn cho biết, công tác chống dịch của lực lượng tuyến đầu hết sức vất vả, đặc biệt đối với địa bàn các huyện vùng cao như Kỳ Sơn thì vất vả thêm bội phần.
“Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện Kỳ Sơn đánh giá cao sự vào cuộc của các lực lượng tuyến đầu và chia sẻ với những khó khăn của đội ngũ y tế trong công tác lấy mẫu, truy vết. Huyện sẽ tập trung mọi lực lượng để nhanh chóng khống chế ổ dịch, không để dịch bệnh bùng phát”, ông Lỳ Bá Thái cho hay.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/nghe-an-2-giao-vien-mam-non-nhiem-covid-19-xac-dinh-238-f1-a... Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/nghe-an-2-giao-vien-mam-non-nhiem-covid-19-xac-dinh-238-f1-a536767.html
Một quận ở Hà Nội dừng bán hàng ăn uống tại chỗ, khuyến cáo dân hạn chế ra đường
UBND quận Đống Đa (Hà Nội) vừa có văn bản gửi các phòng, ban, UBND 21 phường và các cơ quan, đơn vị liên quan về việc điều chỉnh các biện pháp hành chính tương ứng cấp độ 3 để phòng chống dịch Covid-19.
Theo đó, tình hình dịch trên địa bàn quận Đống Đa trong tuần qua có nhiều diễn biến phức tạp, xuất hiện các khu vực dân cư có số ca mắc tăng nhanh tại các phường: Khâm Thiên, Trung Phụng, Quốc Tử Giám, Văn Miếu, Phương Liên, Khương Thượng và Thổ Quan.
Đặc biệt, UBND TP Hà Nội đã có thông báo đánh giá dịch ở quận Đống Đa thuộc cấp độ 3, trong đó có 7 phường cấp độ 3, 13 phường cấp độ 2 và một phường cấp độ 1.
Để kịp thời triển khai các biện pháp an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn, đồng thời ngăn chặn dịch lây lan diện rộng, UBND quận Đống Đa yêu cầu từ 12 giờ ngày 13-12, các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát chỉ được phép bán hàng mang về, đóng cửa trước 21 giờ hàng ngày.
Hạn chế các hoạt động hội họp, sự kiện tập trung trên 20 người trong một phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện. Những người được tham gia các hoạt động phải là người đã tiêm đủ liều vắc-xin hoặc khỏi bệnh Covid-19, có kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ.
Yêu cầu dừng triệt để các nghi lễ, tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng. Các hoạt động kinh doanh buôn bán tại chợ cóc, chợ tạm sẽ bị cấm…
UBND quận Đống Đa giao UBND 21 phường tuyên truyền, vận động người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết. Trường hợp ra khỏi nhà phải tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch (đeo khẩu trang, không tập trung đông người, thực hiện khai báo y tế). Khi có dấu hiệu nghi ho, sốt, khó thở… phải thông báo ngay cho cơ quan y tế để được hướng dẫn, khám và điều trị kịp thời.
Các phường khẩn trương thực hiện rà soát, lên danh sách người trên 50 tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, người chống chỉ định tiêm vắc-xin, người chưa được tiêm vắc-xin để có biện pháp phù hợp; hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho các đối tượng này.
UBND quận Đống Đa cũng khuyến cáo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh… trên địa bàn hạn chế tiếp khách, làm việc trực tiếp tại đơn vị, tăng cường hoạt động làm việc trực tuyến.
Các trường THPT, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tạm dừng tổ chức dạy học trực tiếp, chuyển sang dạy và học theo hình thức trực tuyến cho đến khi có thông báo mới…
Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/mot-quan-o-ha-noi-dung-ban-hang-an-uong-tai-cho-khuyen-cao-d... Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/mot-quan-o-ha-noi-dung-ban-hang-an-uong-tai-cho-khuyen-cao-dan-han-che-ra-duong-20211213151714581.htm
Số ca Covid-19 cao kỷ lục, Đà Nẵng thành lập các trạm y tế tại các khu công nghiệp
Chiều 12/12, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP.Đà Nẵng cho biết, trong ngày Đà Nẵng ghi nhận 442 ca mắc Covid-19, gồm 57 ca cách ly tập trung, 247 ca cách ly tạm thời tại nhà, 32 ca trong khu phong tỏa và 106 ca chưa cách ly.
Đáng chú ý, có 316/442 ca mắc Covid-19 trong ngày có khả năng lây cho cộng đồng, tập trung ở một số địa phương như quận Liên Chiểu (117 ca), quận Sơn Trà (93 ca), huyện Hòa Vang (44 ca), quận Cẩm Lệ (24 ca), quận Thanh Khê (21 ca), quận Hải Châu (12 ca) và quận Ngũ Hành Sơn (5 ca).
Quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) là địa phương ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19 nhất trong ngày với 133 trường hợp. Ảnh: D.B
Các chuỗi lây nhiễm đáng chú ý trong ngày gồm: Công ty Matrix (65 ca); Công ty Thuận Phước (17 ca); khu vực Nại Tú 1, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà (12 ca); thôn Phú Thượng, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang (11 ca); chợ Đống Đa (8 ca)…
Quận Liên Chiểu là địa phương ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19 nhất trong ngày với 133 trường hợp.
Hiện toàn thành phố có 261 khu vực phong tỏa trên toàn thành phố, 17 cơ sở cách ly tập trung.
Tại buổi kiểm tra và làm việc với quận Liên Chiểu về công tác phòng, chống dịch sáng 12/12, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho biết, hiện nay dịch bệnh diễn biến phức tạp, quận Liên Chiểu đang ở mức độ nguy cơ rất cao. Dịch đã nhiễm trong cộng đồng, diễn ra ở những nơi có nguy cơ cao như chợ, khu công nghiệp, khu dân cư, đồng thời tốc độ gia tăng của F0 cao hơn đợt dịch trước.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đề nghị Quận ủy, UBND quận, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 quận Liên Chiểu phải xác định mục tiêu quan trọng thời gian tới là kiểm soát, kiềm chế sự gia tăng của dịch bệnh. Trong đó phải đánh giá, phân tích sâu mức độ dịch hiện nay, đánh giá nguy cơ thời gian tới để đưa ra các biện pháp và mục tiêu phù hợp.
Từng phường cũng phải đánh giá nguy cơ từng khu vực, đưa ra các biện pháp thích hợp để phòng, chống dịch, không trông chờ, ỷ lại sự chỉ đạo của cấp trên. Trong quá trình phong tỏa khi phát hiện F0, địa phương phải linh hoạt, chia nhỏ và không phong tỏa kéo dài, tránh tạo gánh nặng cho chính quyền, gây bức xúc trong nhân dân.
Trước mắt, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đề nghị địa phương tập trung dập các ổ dịch hiện có, ngăn chặn sự lây lan ra diện rộng. Đặc biệt, tập trung xử lý triệt để các khu phong tỏa nhằm sàng lọc hết F0, tiếp tục rà soát lại các đối tượng chưa tiêm vaccine phòng Covid-19, nhất là người có nguy cơ cao để tiêm vaccine một cách triệt để.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị quận Liên Chiểu huy động tối đa lực lượng cho công tác phòng, chống dịch. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, xử lý nhằm nâng cao ý thức của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, tuân thủ tuyệt đối từng cấp độ dịch.
Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cũng thống nhất việc thành lập các trạm y tế tại các khu công nghiệp. Việc này không cần làm đề án, chỉ xây dựng kế hoạch và thực hiện nhanh, vừa làm vừa hoàn thiện.
Nguồn: https://danviet.vn/so-ca-covid-19-cao-ky-luc-da-nang-thanh-lap-cac-tram-y-te-tai-cac-kh... Nguồn: https://danviet.vn/so-ca-covid-19-cao-ky-luc-da-nang-thanh-lap-cac-tram-y-te-tai-cac-khu-cong-nghiep-20211212154949406.htm
TPHCM: 'Đi từng ngõ gõ từng nhà' chích vắc xin COVID-19
Là địa phương triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 sớm nhất cả nước, đến ngày 12/12, toàn TPHCM đã chích được hơn 14.800.000 mũi cho người dân. Vắc xin COVID-19 cơ bản đã được bao phủ 2 mũi cho nhóm có chỉ định chích ngừa từ 12 tuổi trở lên.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Y tế từ ngày 1/11 đến ngày 7/12 thành phố có 1.581 ca tử vong do COVID-19 (194 ca chuyển đến từ các tỉnh). Trong đó, 1.435 ca (tỷ lệ 91,0%) có mắc các bệnh nền (tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh thận mạn, tim mạch...); độ tuổi từ 18-50 là 167 ca, độ tuổi 51 đến 65 là 460 ca; trên 65 tuổi là 495 ca. Đáng lưu ý có 828 ca tử vong từ 18 tuổi trở lên được ghi nhận chưa tiêm vắc xin ngừa COVID-19, chiếm tỷ lệ 56% trong tổng số ca tử vong được ghi nhận.
Tỷ lệ tiêm vắc xin ngừa COVID-19 ở TPHCM đã đạt mức cao, cơ bản bao phủ cho nhóm từ 12 tuổi trở lên
Theo nhận định của Sở Y tế TPHCM, dù Thành phố đã tổ chức tiêm chủng với số lượng lớn vắc xin COVID-19 nhưng vẫn còn nhiều trường hợp chưa tiêm chủng. Do đó, tăng độ bao phủ vắc xin cho mọi người dân, đặc biệt đối với nhóm nguy cơ cao là hành động cần thiết và cấp bách trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và xuất hiện biến chủng Omicron.
Bên cạnh đó, sau giai đoạn giãn cách, thành phố đã tiếp nhận số lượng lớn người dân từ các tỉnh trở lại sinh sống, làm việc, học tập. Trong đó, có những người chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc xin. Đây là nhóm nguy cơ cần được quản lý, kiểm soát và can thiệp để hạn chế sự lây lan và bùng phát dịch COVID-19.
Thành phố xác định việc tổ chức đảm bảo độ bao phủ vắc xin cho mọi người dân hiện nay tiếp tục là một trong những chiến lược then chốt, quan trọng để phòng, chống dịch bệnh, giúp bảo vệ người dân giảm nguy cơ mắc bệnh hoặc diễn biến nặng do COVID-19 và bảo vệ cộng đồng tại TPHCM. Thành phố đặt mục tiêu bao phủ vắc xin tuyệt đối đến mỗi người dân, đặc biệt là những người thuộc nhóm nguy cơ cao.
Theo đó, trong quyết định được ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TPHCM phê duyệt (ngày 9/12) về chiến lược y tế trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, ngành y tế sẽ ưu tiên tiêm vắc xin cho người dân quay về thành phố từ các địa phương khác. Nhân viên y tế sẽ "đi từng ngõ, gõ từng nhà" tiêm vắc xin không bỏ sót bất kỳ ai, đặc biệt là những người thuộc nhóm nguy cơ cao.
Thành phố sẽ xây dựng dữ liệu lớn về tiêm vắc xin phòng COVID-19 và tăng cường truyền thông vận động người dân tham gia tiêm vắc xin phòng COVID-19. Để sớm đạt độ bao phủ vắc xin cho toàn dân sinh sống trên địa bàn, TPHCM sẽ mở rộng độ bao phủ vắc xin cho trẻ em đến 3 tuổi ngay khi được Bộ Y tế phê duyệt và triển khai mũi tiêm tăng cường. Dữ liệu tiêm vắc xin sẽ được tích hợp vào hồ sơ sức khỏe điện tử, “hộ chiếu vắc xin", phục vụ công tác cảnh báo dịch và các hoạt động nghiên cứu liên quan đến vắc xin COVID-19.
Theo thông báo cấp độ dịch trên địa bàn TPHCM, toàn thành phố đang thuộc vùng vàng ở cấp độ 2, tương đương với nguy cơ trung bình của dịch COVID-19. Đối với cấp huyện, có 8 địa phương cấp độ 1 là quận 6, 7, 8, Tân Bình, Tân Phú và huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn. 13 địa phương cấp độ 2 là quận 1, 3, 5, 10, 11, 12, Bình Tân, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, TP Thủ Đức và huyện Cần Giờ, Nhà Bè. Quận 4 vẫn duy trì cấp độ 3. Với cấp phường, xã, thị trấn, có 115/312 địa phương cấp độ 1; 176/312 địa phương cấp độ 2 và 21/312 địa phương cấp độ 3. So với tuần trước, TPHCM có 36 phường xã giảm cấp độ dịch và 24 phường xã tăng cấp độ dịch.
Nguồn: https://tienphong.vn/tphcm-di-tung-ngo-go-tung-nha-chich-vac-xin-covid-19-post1400794.t... Nguồn: https://tienphong.vn/tphcm-di-tung-ngo-go-tung-nha-chich-vac-xin-covid-19-post1400794.tpo
Bộ Y tế cho phép Hà Nội sử dụng kết quả test nhanh để xác định F0
Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Sở Y tế Hà Nội liên quan việc xét nghiệm xác định người mắc COVID-19 và cho người bệnh ra viện.
Bộ Y tế vừa cho biết, ngày 5/12, Bộ Y tế nhận được công văn của Sở Y tế Hà Nội đề nghị cho ý kiến về việc sử dụng kết quả test nhanh kháng nguyên xác định người nhiễm SARS-CoV-2 và xác định tình trạng khỏi bệnh, cho ra viện.
Khu vực cach ly. (Ảnh minh họa)
Theo Bộ Y tế, tình hình dịch COVID-19 ở Hà Nội diễn biến phức tạp, số mắc có xu hướng tăng. Để thích ứng tình hình mới và bảo đảm an toàn, linh hoạt phù hợp với điều kiện và nguồn lực của địa phương, Sở Y tế căn cứ cấp độ dịch, khả năng đáp ứng và các hướng dẫn của Bộ Y tế để xác định ca bệnh theo hướng dẫn.
Theo đó, có 3 trường hợp để xác định một người nhiễm SARS-CoV-2.
Thứ nhất là người có xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2 bằng RT-PCR.
Thứ 2 là trường hợp bệnh nghi ngờ có kết quả test nhanh kháng nguyên dương tính. Test nhanh do Bộ Y tế cấp phép và do nhân viên y tế thực hiện hoặc người nghi nhiễm thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế.
Thứ 3, là những người không có triệu chứng, có yếu tố dịch tễ hoặc tiếp xúc gần với trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc xác định mắc COVID-19 trong khoảng 14 ngày và có kết quả test nhanh kháng nguyên dương tính với 2 loại test nhanh khác nhau (test nhanh do Bộ Y tế cấp phép và do nhân viên y tế thực hiện). Trong trường hợp chỉ có kết quả dương tính với một loại test nhanh thì cần phải có xét nghiệm RT-PCR để khẳng định.
Về đề xuất của Hà Nội liên quan sử dụng kết quả xét nghiệm test nhanh kháng nguyên để xác định tình trạng khỏi bệnh và cho ra viện, theo Bộ Y tế, với người bệnh COVID-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ đủ điều kiện cách ly, điều trị tại nhà theo quy định sẽ được dỡ bỏ cách ly, điều trị tại nhà khi thời gian cách ly, điều trị đủ 10 ngày. Ngoài ra, ca bệnh có kết quả test nhanh âm tính do nhân viên y tế thực hiện hoặc người bệnh tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên (test nhanh do Bộ Y tế cấp phép).
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch hoặc Trạm Y tế nơi quản lý người bệnh chịu trách nhiệm xác nhận khỏi bệnh cho người bệnh.
Còn với người bệnh điều trị các cơ sở thu dung, điều trị, nếu là người bệnh Covid-19 đơn thuần hay người có bệnh nền/bệnh kèm theo, thì các triệu chứng lâm sàng cần phải hết trước ngày ra viện từ 3 ngày trở lên; có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính hoặc Ct từ 30 trở lên hoặc test nhanh âm tính vào trước ngày ra viện.
Người bệnh COVID-19 đơn thuần sau khi ra viện cần ở tại nhà, tự theo dõi trong 7 ngày. Với người có bệnh nền/bệnh kèm theo, sau khi được xác định khỏi COVID-19, được chuyển sang khoa điều trị bệnh kèm theo/ bệnh nền (nếu cần) tại buồng riêng của khoa đó để tiếp tục điều trị và được sàng lọc, theo dõi theo quy định đối với người bệnh nội trú.
Nguồn: http://danviet.vn/bo-y-te-cho-phep-ha-noi-su-dung-ket-qua-test-nhanh-de-xac-dinh-f0-502... Nguồn: http://danviet.vn/bo-y-te-cho-phep-ha-noi-su-dung-ket-qua-test-nhanh-de-xac-dinh-f0-50202113129583962.htm
Bình Định ghi nhận thêm 393 ca Covid-19, có 301 ca cộng đồng
Sáng 13-12, Tiểu ban Tuyên truyền, Vận động phòng chống Covid-19 tỉnh Bình Định đã thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 ở địa phương này.
Theo đó, tính đến sáng cùng ngày, Bình Định ghi nhận thêm 393 ca Covid-19 mới, nâng tổng số ca mắc ở địa phương này lên 7.716. Trong đó có 301 ca lây nhiễm trong cộng đồng.
TP Quy Nhơn vẫn là địa phương của tỉnh Bình Định tiếp tục ghi nhận số trường hợp mắc Covid-19 cao nhất với 195 ca, tiếp theo là thị xã An Nhơn và huyện Phù Mỹ mỗi địa phương 62 ca, huyện Tuy Phước 35 ca, huyện Phù Cát 26 ca, huyện Tây Sơn 9 ca…
Về cấp độ dịch, Bình Định có 7 địa phương nguy cơ rất cao, gồm phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn; xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước; xã Cát Lâm, huyện Phù Cát; xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ; xã Canh Liên, huyện Vân Canh và 2 xã Bình Tường, Tây Phú, huyện Tây Sơn.
Tính từ ngày 28-6 đến nay, Bình Định đã ghi nhận 7.716 ca Covid-19. Trong đó, 3.958 ca đã khỏi bệnh, 29 ca tử vong và 3.729 ca đang điều trị tại các cơ sở y tế trong tỉnh và nhà riêng.
Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/binh-dinh-ghi-nhan-them-393-ca-covid-19-co-301-ca-cong-dong... Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/binh-dinh-ghi-nhan-them-393-ca-covid-19-co-301-ca-cong-dong-20211213100527118.htm
Đồng Nai đã có hơn 1.000 bệnh nhân tử vong do COVID-19
Sáng 13-12, theo báo cáo nhanh của Trung tâm Chỉ huy điều hành phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Đồng Nai, trong tuần qua tỷ lệ ca mắc mới giảm hơn 29%, ca mắc cộng đồng giảm hơn 23%. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong tăng hơn 120%.Sáng cùng ngày, Đồng Nai ghi nhận thêm 328 ca bệnh mới, trong đó có 168 ca sàng lọc trong cộng đồng gồm có TP Biên Hòa với 102 ca, TP Long Khánh 7 ca, huyện Nhơn Trạch 9 ca, huyện Trảng Bom 17 ca và Vĩnh Cửu với 33 ca.
Trong một tuần ngày qua, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 2.778 ca mắc mới, giảm 29,11% so với 7 ngày trước đó. Số ca mắc trong cộng đồng cũng giảm 23,33%. Thêm 139 bệnh nhân tử vong, tăng hơn 120% so với tuần trước. Tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 tử vong tính đến hết ngày 12-12 là 1.005 ca.
Theo Trung tâm Chỉ huy điều hành phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, trong tuần qua có 10/11 huyện, thành phố ghi nhận ca nhiễm (trừ huyện Cẩm Mỹ), nhiều nhất tại Biên Hòa chiếm 66,37% tổng số ca mắc mới toàn tỉnh.
Dự kiến tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, khó kiểm soát số lượng ca nhiễm do việc duy trì các hoạt động kinh tế - xã hội. Nguồn lây chủ yếu ở các địa điểm có nguy cơ lây lan cao như chợ dân sinh, siêu thị, cơ sở sản xuất, khu nhà trọ. Ngoài ra, đối tượng trẻ em dưới 18 tuổi sẽ có nguy cơ lây nhiễm cao khi đến trường trở lại.
Nguồn: https://plo.vn/suc-khoe/dong-nai-da-co-hon-1000-benh-nhan-tu-vong-do-covid19-1033313.ht... Nguồn: https://plo.vn/suc-khoe/dong-nai-da-co-hon-1000-benh-nhan-tu-vong-do-covid19-1033313.html
Đắk Lắk: Bốn ca mắc COVID-19 tử vong trong ngày, lên kế hoạch tiêm vắc xin mũi 3
Sáng 13/12, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk thông tin toàn tỉnh ghi nhận 9.312 ca mắc COVID-19 kể từ đầu đợt dịch thứ 4; trong đó, 54 trường hợp tử vong, 2.428 ca đang điều trị, còn lại đã khỏi bệnh.
Bốn ca vừa tử vong mới đây vào ngày 12/12. Các bệnh nhân đều trên 60 tuổi, có bệnh nền nặng, dù được chăm sóc, điều trị kịp thời song không qua khỏi. Hiện tại, Đắk Lắk đã cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19 nhưng Sở Y tế khuyến cáo người dân không được chủ quan, lơ là với dịch bệnh ngay cả khi đã tiêm 2 mũi vắc xin. Bởi thời gian qua, ngành y tế ghi nhận nhiều trường hợp mắc COVID-19 dù đã tiêm 1-2 mũi vắc xin ngừa bệnh dịch.
Ngoài ra, trong số ca bệnh mắc mới mỗi ngày, Đắk Lắk vẫn còn ghi nhận ca bệnh ngoài cộng đồng khá nhiều tại TP. Buôn Ma Thuột, Krông Ana- địa phương vừa lên cấp độ dịch 3 (vùng nguy cơ cao) theo Nghị quyết 128 của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện Đắk Lắk đã hoàn thành tiêm vắc xin mũi 1 đạt 97,3%, mũi 2 đạt 60,1% cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên. Tỉnh này cũng triển khai tiêm vắc xin phòng dịch COVID-19 cho nhóm đối tượng từ 12-17 tuổi (chủ yếu học sinh THCS, THPT, giáo dục thường xuyên và giáo dục nghề nghiệp) với trên 190.000 học sinh.
Đắk Lắk đang triển khai thí điểm chăm sóc F0 không triệu chứng, có đủ điều kiện điều trị tại nhà, khu vực thí điểm là TP. Buôn Ma Thuột. F1 trên toàn tỉnh được cách ly tại nhà nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của Bộ Y tế.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp nhận thêm nguồn vắc xin từ Bộ Y tế để đảm bảo tiêm đủ 2 mũi vắc xin cho người dân từ 18 tuổi trở lên trước ngày 20/12. Từ đầu năm 2022, tỉnh sẽ tiếp tục có kế hoạch tiêm vắc xin nhắc lại liều thứ 3, trong đó ưu tiên tiêm cho lực lượng ở tuyến đầu chống dịch, tiếp đến là người 65 tuổi trở lên, những người có bệnh nền…
24 giờ, thế giới ghi nhận thêm 417.000 ca mắc COVID-19 mới
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 417.000 ca mắc COVID-19 và trên 3.800 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã vượt 270 triệu ca, trong đó trên 5,32 triệu ca tử vong.
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Anh (48.854 ca), Pháp (43.848 ca) và Mỹ (trên 38.000 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (1.132 ca), Ukraine (238 ca) và Mexico (235 ca).
Trong bối cảnh danh sách các nước phát hiện những trường hợp nhiễm biến thể Omicron tiếp tục dài thêm, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 12/12 cho biết những dữ liệu ban đầu cho thấy biến thể Omicron dễ lây hơn chủng Delta và làm giảm hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19, nhưng lại gây ra ít triệu chứng nghiêm trọng hơn.
Giám đốc Viện Nghiên cứu Sức khỏe châu Phi của Nam Phi, ông Willem Hanekom, cũng cho rằng biến thể Omicron gây các triệu chứng bệnh nhẹ hơn so với các biến thể như Delta và Beta, dù tốc độ lây lan của biến thể này rất nhanh.
Tính đến ngày 9/12, biến thể Omicron đã xuất hiện tại 63 quốc gia, trong đó tốc độ lây lan nhanh hơn được ghi nhận tại Nam Phi, nơi chủng Delta ít phổ biến hơn, và tại Anh, nơi Delta là chủng chủ đạo của các các lây nhiễm COVID-19.
Lâm Đồng thí điểm điều trị F0 có triệu chứng nhẹ tại nhà
Sáng 13/12, Sở Y tế Lâm Đồng ghi nhận 149 ca COVID-19 mới, trong đó có 85 ca trong cộng đồng. Huyện có số ca COVID-19 mới trong cộng đồng nhiều nhất là Lạc Dương với 20 ca, tiếp đến là Di Linh 19 ca, TP Đà Lạt 14 ca, TP Bảo Lộc 11 ca…
Là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về số người dương tính với SARS-CoV-2 (1.486 ca), huyện Đức Trọng tiên phong thí điểm điều trị F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ tại nhà.
Trước mắt, Đức Trọng triển khai điều trị F0 tại nhà trên địa bàn thị trấn Liên Nghĩa và các xã Hiệp Thạnh, Phú Hội và Ninh Gia; trong đó, ưu tiên áp dụng cho các F0 có nhu cầu và điều kiện để quản lý, chăm sóc tại nhà hoặc cả gia đình đều bị nhiễm COVID-19.
Phòng Y tế huyện kiểm tra tình hình triển khai các nội dung liên quan đến việc thành lập và hoạt động của các trạm y tế lưu động; tổ chức chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng ở các địa phương thực hiện thí điểm.
Trung tâm Y tế huyện đảm bảo nguồn nhân lực y tế tại các trạm y tế cấp xã, trạm y tế lưu động tại các địa phương thí điểm; thiết lập đường dây liên hệ, sẵn sàng hỗ trợ tư vấn, giúp đỡ F0 đang điều trị tại nhà; đảm bảo cơ số thuốc điều trị để cấp phát cho F0; lấy mẫu xét nghiệm và khám bệnh, kê đơn điều trị tại nhà.
UBND các xã, thị trấn thực hiện thí điểm phát huy tinh thần 4 tại chỗ, phối hợp với ngành chức năng chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn lực để đưa các trạm y tế lưu động vào hoạt động; thực hiện tốt việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải lây nhiễm theo quy định.
Trên địa bàn huyện Bảo Lâm, xã Lộc An được chọn triển khai thí điểm cách ly, điều trị tại nhà cho người nhiễm COVID-19 không có triệu chứng lâm sàng, không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu oxy; không thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, thở khò khè; người đã tiêm đủ 2 mũi hoặc 1 mũi vắc xin phòng COVID-19 sau 14 ngày...
Điều kiện để được điều trị tại nhà là nhà ở riêng lẻ, nơi cách ly phải có đường để xe ô tô cứu thương đến được; phòng cách ly đảm bảo khép kín, có nhà vệ sinh, nhà tắm dùng riêng, có dụng cụ đo thân nhiệt cá nhân. Mặt khác, người nhiễm COVID-19 có thể tự chăm sóc cho bản thân, có khả năng liên lạc với nhân viên y tế để được theo dõi, giám sát và khi có tình trạng cấp cứu. Trường hợp người nhiễm không thể tự chăm sóc, gia đình phải cử người hỗ trợ.
Chỉ trong mười mấy ngày qua, xã Lộc An ghi nhận hơn 100 trường hợp mắc COVID-19. Sau khi tiến hành thẩm định, ban ngành chức năng đã ban hành quyết định thực hiện thí điểm cách ly, điều trị, chăm sóc tại nhà đối với 16 trường hợp F0 không triệu chứng.
Nguồn: https://tienphong.vn/dak-lak-bon-ca-mac-covid-19-tu-vong-trong-ngay-len-ke-hoach-tiem-v... Nguồn: https://tienphong.vn/dak-lak-bon-ca-mac-covid-19-tu-vong-trong-ngay-len-ke-hoach-tiem-vac-xin-mui-3-post1400783.tpo
Bình Thuận còn bao nhiêu xã, phường có dịch COVID-19 ở cấp độ 4?
Ngày 12/12, tỉnh Bình Thuận ghi nhận thêm 256 ca dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó, huyện Đức Linh 49 ca, huyện Hàm Tân 38 ca, huyện Hàm Thuận Nam 38 ca, huyện Tuy Phong 33 ca ngoài cộng đồng, huyện Tánh Linh 29 ca, thành phố Phan Thiết 25 ca, huyện Hàm Thuận Bắc 18 ca, huyện Bắc Bình 16 ca, thị xã La Gi 10 ca.
Theo thông báo về cấp độ dịch của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, tỉnh Bình Thuận có 5 huyện, thị dịch ở cấp độ 2 gồm thị xã La Gi, huyện Hàm Thuận Bắc, huyện Hàm Tân, huyện Đức Linh, huyện Phú Quý; 5 huyện, thành phố có dịch cấp độ 3 gồm thành phố Phan Thiết, huyện Tuy Phong, huyện Bắc Bình, huyện Hàm Thuận Nam, huyện Tánh Linh. Với cấp xã thì Bình Thuận có 21 xã, phường, thị trấn cấp độ 1; 44 xã, phường cấp độ 2; 52 xã, phường cấp độ 3 và 7 xã, phường cấp độ 4.
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Thuận cho biết, cấp độ dịch là cơ sở để các sở ban ngành, huyện, thị, thành phố triển khai các biện pháp “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo lĩnh vực và địa bàn phụ trách. Ngoài các biện pháp ứng phó tương ứng, tiêm bao phủ vắc xin mũi 2 ở các địa phương cũng phải được tăng tốc. Đồng thời, mỗi người dân tuân thủ nghiêm thông điệp 5K mọi lúc mọi nơi, dù đã được tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19.
Bà Rịa-Vũng Tàu mong người dân ủng hộ việc tiêm vắc xin phòng COVID-19
Cùng ngày, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, tính từ 18h ngày 11/12 đến 18h ngày 12/12/2021, tỉnh này ghi nhận 381 ca nghi mắc COVID-19 mới, đang chờ Bộ Y tế cấp mã bệnh nhân.
Cụ thể, thành phố Vũng Tàu 92 ca; Thành phố Bà Rịa ghi nhận 52 ca;Thị xã Phú Mỹ 48 ca; Huyện Châu Đức ghi nhận 50 ca; Huyện Đất Đỏ 36 ca; Huyện Long Điền ghi nhận 29 ca; Huyện Xuyên Mộc 64 ca.
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết thêm, diễn biến dịch COVID-19 còn phức tạp, chủng virus Omicron đang lây lan mạnh tại nhiều quốc gia và có thể xuất hiện thêm các biến chủng mới. Do đó, các địa phương tuyệt đối không lơ là, mất cảnh giác trong việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch; nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tổ COVID-19 cộng đồng, vai trò của lực lượng công an cơ sở trong quản lý, kiểm soát người từ địa phương khác về địa bàn; người dân được đề nghị tiếp tục ủng hộ công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; chấp hành nghiêm nguyên tắc 5K; thực hiện khai báo y tế và chấp hành việc cách ly theo quy định.
Nguồn: https://tienphong.vn/binh-thuan-con-bao-nhieu-xa-phuong-co-dich-covid-19-o-cap-do-4-pos... Nguồn: https://tienphong.vn/binh-thuan-con-bao-nhieu-xa-phuong-co-dich-covid-19-o-cap-do-4-post1400682.tpo
Thêm 234 F0, Hải Phòng ban hành hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19
Ngày 13/12, Theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch Hải Phòng, tính từ ngày 27/4 đến nay thành phố ghi nhận 2.535 ca COVID-19.
Trong đó, riêng ngày 12/12 ghi nhận 234 ca dương tính SARS-CoV-2. Trong đó, huyện Thủy Nguyên (60 ca), An Dương (42 ca), quận Lê Chân (23 ca), Ngô Quyền (21 ca) và 10 quận huyện khác đều ghi nhận thêm nhiều ca bệnh.
Sở Y tế Hải Phòng cũng ban hành hướng dẫn tạm thời biện pháp phòng chống dịch COVID-19 áp dụng từ 12h ngày 12/12.
Theo đó, người vào thành phố Hải Phòng không phải xuất trình kết quả xét nghiệm SARS-COV-2.
Đối với hành khách từ các địa phương về lưu trú tại Hải Phòng trên các chuyến bay thương mại nội địa: thực hiện cách ly tại nhà 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ 2, thứ 7.
Đối với công dân từ các địa phương về Hải Phòng bằng các phương tiện khác quy định như sau:
Đối với người ở vùng đỏ
Người mới khỏi COVID-19, cách ly tại nhà 7 ngày. Xét nghiệm vào ngày thứ 7.
Người Tiêm đủ vắc xin (thẻ xanh trên sổ SKĐT hoặc giấy chứng nhận, mũi 2 đã qua 14 ngày) thực hiện cách ly tập trung 7 ngày. Xét nghiệm vào ngày thứ 1 và thứ 7.
Người chưa tiêm đủ vắc xin, tiêm mũi 2 chưa đủ 14 ngày thực hiện cách ly tập trung 14 ngày. Xét nghiệm vào ngày thứ 1, thứ 7 và 14.
Người già yếu, bệnh nặng, trẻ nhỏ thực hiện cách ly tại nhà 14 ngày. Xét nghiệm vào ngày thứ 1, thứ 7 và 14.
Đối với người ở vùng cam
Người mới khỏi COVID-19, cách ly tại nhà 7 ngày. Xét nghiệm vào ngày thứ 7.
Người Tiêm đủ vắc xin (thẻ xanh trên sổ SKĐT hoặc giấy chứng nhận, mũi 2 đã qua 14 ngày) thực hiện cách ly tập trung 7 ngày. Xét nghiệm vào ngày thứ 7.
Người chưa tiêm đủ vắc xin, tiêm mũi 2 chưa đủ 14 ngày thực hiện cách ly tập trung 14 ngày. Xét nghiệm vào ngày thứ 7 và 14.
Người già yếu, bệnh nặng, trẻ nhỏ thực hiện cách ly tại nhà 14 ngày. Xét nghiệm vào ngày thứ 7.
Đối với người ở vùng vàng
Người mới khỏi COVID-19, cách ly tại nhà 7 ngày. Xét nghiệm vào ngày thứ 7.
Người Tiêm đủ vắc xin (thẻ xanh trên sổ SKĐT hoặc giấy chứng nhận, mũi 2 đã qua 14 ngày) tự theo dõi sức khỏe 7 ngày.
Người chưa tiêm đủ vắc xin, tiêm mũi 2 chưa đủ 14 ngày tự theo dõi sức khỏe14 ngày.
Đối với người ỏ vùng xanh
Người mới khỏi COVID-19, cách ly tại nhà 7 ngày. Xét nghiệm vào ngày thứ 7.
Người Tiêm đủ vắc xin (thẻ xanh trên sổ SKĐT hoặc giấy chứng nhận, mũi 2 đã qua 14 ngày) tự theo dõi sức khỏe 7 ngày.
Người chưa tiêm đủ vắc xin, tiêm mũi 2 chưa đủ 14 ngày tự theo dõi sức khỏe14 ngày.
Những người trên thực hiện 5k theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Thực hiện khai báo y tế tại các xã, phường, thị trấn nơi cư trú.
Nguồn: http://danviet.vn/them-234-f0-hai-phong-ban-hanh-huong-dan-phong-chong-dich-covid-19-50... Nguồn: http://danviet.vn/them-234-f0-hai-phong-ban-hanh-huong-dan-phong-chong-dich-covid-19-5020211312122456677.htm
Số ca mắc Covid-19 cao "kỷ lục", Hà Nội tìm khẩn người từng đến phòng khám, massage, quán bún
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 quận Ba Đình (Hà Nội) vừa có thông báo khẩn tìm người đến hàng loạt các địa điểm do liên quan ca mắc Covid-19. Cụ thể, tất cả những người từng đến các địa điểm sau nhanh chóng liên hệ với cơ quan y tế:
Từ ngày 1/12 đến 6/12 tại địa chỉ số 2 Hồ Giám, Đống Đa.
Hàng ngày từ 1/12 đến 10/12 từ 4h đến 11h: tại quán nước chè tại P107 nhà I, khu 7,2ha, phường Vĩnh Phúc.
Nhân viên y tế phát loa thông báo người dân phòng chống dịch, tiến hành xét nghiệm ở phường Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội đợt tháng 9 vừa qua. Ảnh: Gia Khiêm
Ngày 5/12, tại các điểm:
Từ 9h30-10h30 tại quán cafe mùa hè - D3 Giảng Võ.
Trưa tại quán bún chả - 14 Đoàn Thị Điểm.
17h-18h tại siêu thị Vinmart - Số 23 Cửa Bắc.
Ngày 6/12, tại các điểm:
Sáng 9h tại Trung tâm massage trị liệu AIA Hàn Quốc, đường Nguyễn Văn Lộc, Hà Đông.
Từ 15h45 - 16h15 có đến Phòng khám đa khoa Hàng Bún tại 123 Nghĩa Dũng.
Ngày 7/12, tại các điểm:
Từ 9h-10h và từ 13h30-14h30 tại khoa nội tiết bệnh viện Thanh Nhàn.
Từ 10h-10h15, tại quán bún số 77/16 phố Hai Bà Trưng.
Từ 12h-14h tại Lẩu cua đồng Hương xưa - D19, BT8, KĐT Việt Hưng, Long Biên.
Từ 15h30-17h30 tại quán Trà chanh Bụi phố số 114 Đào Tấn.
Ngày 8/12, tại các điểm:
Hàng rau ở cuối chợ ngõ 6 Vĩnh Phúc.
Từ 8h đến 10h30 tại tòa nhà HL Tower, phố Duy Tân, quận Cầu Giấy (chương trình hiến máu tính nguyện).
Từ 19h-20h30 tại quán Chai Talay số 5 Khương Trung.
Từ 19h - 20h tại siêu thị Vinmart 31 Tân Ấp.
Ngày 9/12: tại Văn phòng Cộng đồng Y-nest coworking tầng 4 số 505 Minh Khai.
Ngày 10/12, tại quán cắt tóc - ngõ 36 Đào Tấn.
Ngày 11/12: tại hàng rau cuối chợ ngõ 6 Vĩnh Phúc, hàng cà chua ở đầu nhà C khu 7,2ha; hàng hoa quả ở nhà D khu 7,2ha.
Từ ngày 6/12 đến nay: Hàng ngày tại nhà hàng Bò King beefsteak, 45 Đào Tấn từ 9h đến 21h.
Quận Ba Đình đề nghị, tất cả những người từng đến các địa điểm trên tự cách ly tại nhà và liên hệ ngay với trạm y tế gần nhất hoặc gọi điện thoại đến CDC Hà Nội số 0969.082.115 hoặc số 0949.396.115 (CDC Hà Nội).
CDC Hà Nội khuyến cáo, người dân khi có một trong các biểu hiện như: sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác, cần liên hệ ngay với trạm y tế phường, xã nơi cư trú để được hướng dẫn và làm xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí, nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh Covid-19.
Trước đó, ngày 12/12, CDC Hà Nội thông tin ghi nhận thêm 895 ca mắc Covid-19, trong đó, 357 ca cộng đồng. Đây là ngày ghi nhận số ca mắc cao nhất kể từ đầu dịch ở Hà Nội và lần thứ 2, thành phố ghi nhận hơn 800 ca mắc trong 24h. Đây cũng là lần đầu tiên, Hà Nội ghi nhận hơn 300 ca cộng đồng phát hiện trong 24h.
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021)18.448 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 6.902 ca, số mắc là người đã được cách ly 11.546 ca.
Nguồn: https://danviet.vn/so-ca-mac-covid-19-cao-ky-luc-ha-noi-tim-khan-nguoi-tung-den-phong-k... Nguồn: https://danviet.vn/so-ca-mac-covid-19-cao-ky-luc-ha-noi-tim-khan-nguoi-tung-den-phong-kham-massage-quan-bun-20211213092716033.htm