COVID-19 12/12: Địa phương có hơn 45.000 F0 điều trị tại nhà, người dân lo lắng nguy cơ lây nhiễm

Bảo Anh. - Ngày 12/12/2021 12:13 PM (GMT+7)

Mặc dù ca mắc COVID-19 ở Bình Dương những ngày gần đây có xu hướng giảm nhưng số bệnh nhân thu dung điều trị mỗi ngày rất lớn. Hiện, Bình Dương có khoảng 45.000 F0 điều trị tại nhà. Lo sợ lây nhiễm, tiểu thương ở các chợ làm vách ngăn giữ khoảng cách an t

10 diễn biến

Bình Dương: Hơn 45.000 F0 điều trị tại nhà, tiểu thương lo lắng lập vách ngăn phòng dịch

Ngày 11/12, ngành y tế Bình Dương thông tin, ca mắc COVID-19 ở địa phương những ngày gần đây có xu hướng giảm. Tuy nhiên, số bệnh nhân thu dung điều trị cao. Đơn cử, ngày 10/12, Bình Dương chỉ ghi nhận 381 ca mắc mới giảm 108 ca so với ngày 9/12.

Tuy nhiên, trong ngày 10/12 Bình Dương lại ghi nhận 4.676 bệnh nhân điều trị mới, 4.799 bệnh nhân xuất viện và 15 bệnh nhân tử vong. Hiện, địa phương này đang điều trị cho hơn 45.000 bệnh nhân COVID-19 tại nhà.

Việc F0 điều trị tại nhà với số lượng lớn, người dân lo lắng ngành chức năng khó kiểm soát hết, nguy cơ lây nhiễm khi F0 tự ý đi lại.

COVID-19 12/12: Địa phương có hơn 45.000 F0 điều trị tại nhà, người dân lo lắng nguy cơ lây nhiễm - 1

Để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, tiểu thương ở các chợ tại Bình Dương lập vách ngăn bằng cách dùng nylon vây quanh sạp và hạn chế tiếp xúc với người mua. Tiểu thương lo lắng bởi trước đó vào tháng 7, liên tiếp các khu chợ ở Bình Dương xuất hiện ổ dịch mới và chính quyền địa phương phải tạm thời đóng cửa chợ. Đến đầu tháng 10, khi quay lại hoạt động “bình thường mới”, một vài khu chợ lại xảy ra dịch bệnh.

“Hiện nay, khó tránh khỏi tình trạng F0 vẫn đi chợ do họ không có triệu chứng và được cách ly tại nhà. Do đó, rất dễ lây nhiễm bệnh tại các khu chợ. Chúng tôi kinh doanh kiếm sống nhưng nếu không tự bảo vệ mình thì nguy cơ trở thành F0 bất cứ lúc nào”, một tiểu thương tại chợ Bình Chuẩn (TP Thuận An) chia sẻ.

Trong khi đó, một tiểu thương ở chợ Thủ Dầu Một (TP Thủ Dầu Một) cho biết thêm: Người đến chợ không đeo khẩu trang không những không được vào chợ mà còn bị lập biên bản xử phạt. Các tiểu thương kinh doanh các mặt hàng rau, củ, thịt, cá tươi sống trong lồng chợ phải thực hiện khoảng cách, có vách ngăn bằng nylon để tránh lây nhiễm chéo dịch bệnh.

Sở Y tế tỉnh Bình Dương công bố cấp độ dịch quy mô cấp xã, phường, thị trấn. Toàn tỉnh này có 91 xã, phường, thị trấn được chia thành 3 cấp. Cấp 1 nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh có 19 xã, phường, thị trấn; cấp độ 2 nguy cơ trung bình (màu vàng) có 44 xã, phường, thị trấn và cấp độ 3 nguy cơ cao (màu cam) có 28 xã, phường, thị trấn.

Theo các địa phương, TP.Thủ Dầu Một có 14 phường thuộc cấp độ 3; TP.Thuận An có 4 phường thuộc cấp 1, 6 phường cấp độ 2; TP.Dĩ An có 7 phường cấp độ 2; TX.Tân Uyên có 10 phường, xã cấp 1, 2 phường cấp 2; TX.Bến Cát, 3 phường cấp 1, 5 phường, xã cấp 2; Huyện Bàu Bàng 1 xã thuộc cấp 1, 6 xã, thị trấn cấp 2; Huyện Bắc Tân Uyên 9 xã, thị trấn cấp 2, 1 xã cấp 3; Huyện Phú Giáo 1 xã thuộc cấp 1, 7 xã, thị trấn cấp 2 và 3 xã cấp độ 3; Huyện Dầu Tiếng 2 xã, thị trấn cấp 2, 10 xã cấp độ 3.

Nguồn: https://tienphong.vn/binh-duong-hon-45-000-f0-dieu-tri-tai-nha-tieu-thuong-lo-lang-lap-...

Khánh Hòa tiếp tục phát hiện thêm 167 ca nhiễm Covid-19

Sáng 12/12, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Khánh Hòa, Tỉnh này có thêm 456 bệnh nhân mắc Covid-19 được các y bác sĩ của các bệnh viện dã chiến điều trị khỏi bệnh. Như vậy, số bệnh nhân xuất viện từ ngày 22/7 đến nay là 14.369 ca, chiếm gần 71,5% số ca mắc.

Cũng theo báo cáo, từ 17h ngày 11/12 đến 7h ngày 12/12, tỉnh Khánh Hòa ghi nhận thêm 167 trường hợp dương tính mới với SARS-CoV-2.

Các ca bệnh được ghi nhận tại Tp.Nha Trang 76 ca, Tp.Cam Ranh 19 ca, huyện Vạn Ninh 10 ca, huyện Diên Khánh 16 ca, huyện Cam Lâm 31 ca, huyện Khánh Sơn 11 ca và huyện Khánh Vĩnh 4 ca.

Trong đó, 21 trường hợp ghi nhận trong cộng đồng tại huyện Cam Lâm (xã Cam Tân 2 ca), Tp.Cam Ranh (phường Cam Linh 1 ca, phường Cam Lộc 1 ca), huyện Diên Khánh (xã Diên Điền 1 ca, xã Diên Sơn 1 ca, xã Diên Thạnh 2 ca), huyện Khánh Sơn (xã Sơn Lâm 3 ca), huyện Khánh Vĩnh (thị trấn Khánh Vĩnh 4 ca), huyện Vạn Ninh (thị trấn Vạn Giã 2 ca, xã Vạn Hưng 1 ca, xã Vạn Long, xã Vạn Phú 2 ca).

Cùng với đó là 101 trường hợp cách ly tại nhà, 35 trường hợp ghi nhận trong khu cách ly y tế tại dân cư và 10 trường hợp ghi nhận trong khu cách ly tập trung.

Liên quan đến các trường hợp dương tính mới, ngành y tế và cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đã truy vết, cách ly 192 F1 và 61 F2.

Như vậy, từ ngày 23/6 đến 7h ngày 12/12, toàn tỉnh Khánh Hòa ghi nhận 20.110 trường hợp dương tính với SARS-Co-V-2. Có 8/9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh ghi nhận có ca mắc Covid-19.

Trong đó, nhiều nhất là Tp.Nha Trang với 9.842 ca, tiếp đến là thị xã Ninh Hòa với 4.100 ca, huyện Diên Khánh 2.191 ca, Tp.Cam Ranh 1.216 ca, huyện Vạn Ninh 1.154 ca, huyện Cam Lâm 835 ca, huyện Khánh Sơn 565 ca và huyện Khánh Vĩnh 207 ca.

Toàn tỉnh đã truy vết 26.345 F1 và 19.972 F2, thực hiện lấy 1.118.339 mẫu xét nghiệm RT-PCR và 5.587.234 mẫu test nhanh kháng nguyên.

Theo CDC Khánh Hòa, Tỉnh này có thêm 3 ca tử vong liên quan đến Covid-19. Như vậy, số ca tử vong từ ngày 20/7 đến nay là 116 ca. Số bệnh nhân đang điều trị là 5.625 người.

Về tiêm vắc-xin cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi, đến nay đã có 108.722 trẻ tiêm mũi 1, tỉ lệ 95,14% và 14.429 trẻ tiêm mũi 2, tỉ lệ 12,63%.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/khanh-hoa-tiep-tuc-phat-hien-them-ca-nhiem-covid-19-a536683....

Số ca mắc mới COVID-19 đạt kỉ lục, TPHCM vẫn đứng đầu

Ngày 11/12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 16.141 ca nhiễm mới tại 59 tỉnh, thành, có 9.478 ca trong cộng đồng. Đây là ngày có tỉ lệ bệnh nhân mắc mới và số ca cộng đồng cao nhất từ khi dịch bệnh này xuất hiện tại Việt Nam.

Trong đó TPHCM có số ca mắc nhiều nhất với 1.441 trường hợp, tiếp đó là Bình Phước 1.164. Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 14.789 ca/ngày. Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.398.413 ca nhiễm. Trong ngày ghi nhận số bệnh nhân khỏi bệnh là 1.084 ca, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 1.053.425 trường hợp. Hiện nay có 7.558 bệnh nhân nặng đang điều trị. Trong ngày cũng ghi nhận 209 ca tử vong. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 27.611 ca, chiếm tỉ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.

COVID-19 12/12: Địa phương có hơn 45.000 F0 điều trị tại nhà, người dân lo lắng nguy cơ lây nhiễm - 2

Bộ Y tế cho biết đến ngày 11/12, cả nước đã tiêm gần 132 triệu liều vắc xin phòng COVID-19. Về tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ 12-17 tuổi, Bộ Y tế cho biết các tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm được 6.815.286 liều, trong đó có 5.618.324 liều mũi 1 và 1.196.962 liều mũi 2. Tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin là 61,5% và tỉ lệ bao phủ đủ 2 liều vắc xin là 13,1% dân số từ 12 -17 tuổi.

Sở Y tế Hà Nội cho biết đã có gần 634.000 trẻ từ 12 -17 tuổi ở thủ đô tiêm mũi 1 vắc xin phòng COVID-19. Hà Nội dự kiến tiêm vắc xin cho gần 700.000 trẻ trong độ tuổi này. Như vậy, từ 23/11 đến nay, đã có hơn 91% trẻ 12-17 tuổi ở Hà Nội đã tiêm vắc xin COVID-19. Còn hơn 61.000 trẻ em trong lứa tuổi này chưa tiêm vắc xin (tính tới ngày 10/12).

Về công tác điều trị, các bệnh viện của trung ương, Hà Nội, cơ sở thu dung điều trị, trạm y tế lưu động đang tiếp nhận và điều trị cho 7.651 trường hợp F0. Trong đó, 2 bệnh viện của Trung ương là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội điều trị cho 233 bệnh nhân. 28 bệnh viện của Hà Nội điều trị cho 1.760 bệnh nhân. Trong ngày 10/12, có thêm Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn tiếp nhận điều trị 10 F0.

Cơ sở thu dung điều trị thành phố tiếp nhận điều trị cho 3.897 người, trong đó cơ sở ký túc xá Phenikaa (493), cơ sở điều trị Đền Lừ III (865), cơ sở điều trị Thượng Thanh (759), cơ sở điều trị Pháp Vân - Tứ Hiệp (1.780). Các trạm y tế của các quận, huyện điều trị cho 1.761 người mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ.

Theo thống kê của Cục Quản lí khám chữa bệnh (Bộ Y tế) có 81% bệnh nhân COVID-19 đang điều trị ở các cơ sở y tế tại Hà Nội không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Gần 1.000 bệnh nhân có triệu chứng, chiếm hơn 25%, 98 ca nặng và nguy kịch trong đó có 78 ca phải thở ô xy, gọng kính; 5 ca phải thở máy.

Nguồn: https://tienphong.vn/so-ca-mac-moi-covid-19-dat-ki-luc-tphcm-van-dung-dau-post1400538.t...

Diễn biến nóng vụ trừ tiền xét nghiệm RT-PCR với giá "cắt cổ" ở Bình Dương

Theo nguồn tin của phóng viên Báo Người Lao Động, việc các cơ quan chức năng vào cuộc nhằm xác minh có việc công ty trừ tiền xét nghiệm của công nhân giá cao hay không; xác định người bị hại, đơn vị, tổ chức thực hiện để có cái nhìn toàn diện. Từ đó, đưa ra cách xử lý phù hợp, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động.

Cụ thể, các đơn vị gồm Ban Quản lý KCN Việt Nam- Singapore, Công an VSIP và Công đoàn KCN Việt Nam- Singapore sẽ lập đoàn kiểm tra đến làm việc tại Công ty TNHH Uchiyama Việt Nam.

Theo một vị đại diện trong đoàn kiểm tra, việc thành lập đoàn đến làm việc với doanh nghiệp nhằm làm rõ có hay không doanh nghiệp trừ tiền test Covid-19 vào lương của công nhân; liệu có sự thông đồng giữa công ty và phòng khám để ép buộc công nhân phải test với giá cao… "Đây là việc làm cần thiết nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công nhân, chúng tôi sẽ thông tin đến báo chí khi có kết quả làm việc", vị này cho biết.

Thông tin phản ánh của một số công nhân

Thông tin phản ánh của một số công nhân

Như Báo Người Lao Động đã thông tin, ngày 10-11, mạng xã hội lan truyền những hình ảnh về việc rất nhiều công nhân Công ty TNHH Uchiyama Việt Nam (KCN VSIP I, KCN Việt Nam- Singapore, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) bức xúc vì bị công ty trừ tiền test RT-PCR Covid-19 quá cao.

Cụ thể, các công nhân phản ánh vào cuối tháng 10.2021, nhiều người test nhanh và phát hiện bị dương tính với SARS-CoV-2. Sau đó, công ty yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR của một đơn vị y tế ở bên ngoài và cho biết chi phí xét nghiệm sẽ được trừ vào tiền lương. Đến ngày 10-12, khi nhận lương, nhiều người bị trừ đến 1,9 triệu đồng (tương đương với 1 lần lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR), có người bị trừ 4,5 triệu đồng (3 lần xét nghiệm RT-PCR).

Danh sách những cá nhân bị trừ tiền xét nghiệm RT-PCR với giá cắt cổ ở Bình Dương lan truyền trên mạng xã hội những ngày qua

Danh sách những cá nhân bị trừ tiền xét nghiệm RT-PCR với giá "cắt cổ" ở Bình Dương lan truyền trên mạng xã hội những ngày qua

Theo danh sách thì có 57 lao động bị trừ tất cả là 152 triệu đồng. Trong khi đó, theo Sở Y tế Bình Dương, từ tháng 11.2021 trở về trước, giá xét nghiệm RT-PCR từ 1,7 triệu đồng/1 mẫu. Hiện nay, giá xét nghiệm RT-PCR của các cơ sở y tế từ 450.000 đồng đến 1,3 triệu đồng/mẫu. Doanh nghiệp và công nhân lao động có thể lựa chọn các cơ sở y tế đủ điều kiện trên địa bàn để xét nghiệm.

Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/dien-bien-nong-vu-tru-tien-xet-nghiem-rt-pcr-voi-gia-cat-coo...

Hà Tĩnh: 129 F0 không triệu chứng được điều trị tại nhà riêng

Theo đó, để giảm tải cho các cơ sở y tế, thời gian vừa qua, Hà Tĩnh đã và đang cách ly, điều trị cho 129 F0 không triệu chứng tại nhà riêng, gồm: 11 bệnh nhân tại huyện Hương Khê, 13 bệnh nhân tại huyện Can Lộc, 9 bệnh nhân tại huyện Nghi Xuân, 29 bệnh nhân tại huyện Thạch Hà, 15 bệnh nhân tại huyện Cẩm Xuyên, 6 bệnh nhân tại huyện Lộc Hà, 11 bệnh nhân tại huyện Đức Thọ, 17 bệnh nhân tại huyện Kỳ Anh, 11 bệnh nhân tại huyện Vũ Quang và 7 bệnh nhân tại huyện Hương Sơn.

Tất cả các bệnh nhân được theo dõi sát sao, đến nay đều có diễn biến sức khỏe tiến triển tốt.

Theo báo cáo của CDC Hà Tĩnh, ngày 11/12, Tỉnh này có 9 ca mắc mới, trong đó có 1 ca cộng đồng, 3 ca ở khu vực phong tỏa và 5 ca đã được cách ly.

Tỉnh này hiện còn 167 bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở: Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh; Khu cách ly F0 Mitraco, thị xã Kỳ Anh; Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh; Bệnh viện Đa khoa khu vực Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo; 129 bệnh nhân được cách ly, điều trị tại nhà.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/ha-tinh-129-f0-khong-trieu-chung-duoc-dieu-tri-tai-nha-rieng...

Thuốc điều trị COVID-19 "rao bán tràn lan", Thủ tướng có chỉ đạo mới

Ngày 11-12, Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn số 9072 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc thông tin, hướng dẫn về thuốc điều trị COVID-19.

Theo tổng hợp của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, báo chí có phản ánh việc một số loại thuốc kháng viêm, chống đông, thuốc kháng virus, thuốc điều trị COVID-19 được rao bán tràn lan và dễ dàng mua được mà không cần có đơn của bác sĩ.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý kiến chỉ đạo: Bộ Y tế đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền và hướng dẫn về các loại thuốc, biện pháp để người dân có thể mua, sử dụng theo đúng quy định và an toàn các loại thuốc không kê đơn có tác dụng điều trị tại nhà các triệu chứng thông thường, nhẹ do nhiễm COVID-19.

Nguồn: https://plo.vn/thoi-su/thuoc-dieu-tri-covid19-rao-ban-tran-lan-thu-tuong-co-chi-dao-moi...

Đà Nẵng: Phát hiện 442 ca dương tính Covid-19

Ngày 12/12, theo báo cáo nhanh của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tp.Đà Nẵng, từ 12h ngày 11/12 đến 8 giờ ngày 12/12, địa phương ghi nhận 442 ca Covid-19.

Trong đó có 304 ca đang cách ly (57 ca cách ly tập trung, 247 ca cách ly tại nhà); 32 ca trong khu phong tỏa và 106 ca chưa cách ly.

Lực lượng chức năng Tp.Đà Nẵng luôn triển khai tốt công tác khoanh vùng, cách ly các điểm dịch tễ.

Lực lượng chức năng Tp.Đà Nẵng luôn triển khai tốt công tác khoanh vùng, cách ly các điểm dịch tễ.

Phân theo nguy cơ lây lan thì trong 442 ca bệnh nêu trên có 365 ca có khả năng lây lan cho cộng đồng, 77 ca khó có khả năng lây lan. Trong số 365 ca có khả năng lây lan ra cộng đồng này nằm ở 7 quận huyện gồm: quận Liên Chiểu (126 ca), quận Sơn Trà (101 ca), huyện Hoà Vang (63 ca), quận Cẩm Lệ (29 ca), quận Thanh Khê (25 ca), quận Hải Châu (16 ca), quận Ngũ Hành Sơn (5 ca).

Cũng theo phân loại của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tp.Đà Nẵng, thì 106 ca bệnh chưa cách ly (ca cộng đồng) được phát hiện nêu trên đều là những ca bệnh có triệu chứng tự đi xét nghiệm hoặc là đối tượng được chỉ định lấy mẫu. Trong đó, tập trung số lượng đông ở các địa phương như: phường Hòa Minh, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu; phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà; phường Thạch Thang, Nam Dương, Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu; xã Hòa Sơn, Hòa Liên, huyện Hòa Vang;...

Như vậy, ngày 12/12 Tp.Đà Nẵng ghi nhận số lượng ca dương tính Covid-19 cao hơn so với những ngày trước. Cụ thể, ngày 11/12 là 188, ngày 10/12 là 198, ngày 9/12 là 180...

Ở một diễn biến khác có liên quan, hiện nhiều phường, quận ở Tp.Đà Nẵng đã nâng cấp độ dịch lên, như quận Liên Chiểu nâng từ cấp 2 lên cấp 3, riêng phường Hòa Khánh Bắc lên cấp độ 4; phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà nâng từ cấp độ 2 lên 3;...

Cùng với đó tính toàn Tp.Đà Nẵng hiện có hơn 200 điểm đang phong tỏa cứng theo các của UBND quận, huyện.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/da-nang-phat-hien-442-ca-duong-tinh-covid-19-a536715.html

Bình Dương vừa quyết định thay đổi kế hoạch tiêm mũi 3

Theo kế hoạch vừa ban hành của UBND tỉnh Bình Dương, tỉnh này sẽ tiến hành tiêm mũi nhắc lại (mũi 3) vắc-xin phòng Covid-19 cho toàn dân trên địa bàn vào đầu tháng 1-2022.

Trước đó, đại diện Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết biết địa phương đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, vắc-xin và dự kiến tiến hành tiêm vắc-xin mũi nhắc lại (mũi 3) cho người từ giữa tháng 12-2020.

Theo đó, đối tượng ưu tiên tiêm trước cho người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (tiêm đủ 2 mũi) có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, nhiễm HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng. Nhóm đối tượng này sẽ được tiêm loại vắc -xin cùng loại với liều cơ bản hoặc vắc xin Pfizer, khoảng cách với mũi tiêm cuối cùng ít nhất 28 ngày.

Tính đến ngày 11-12 tỉnh Bình Dương đã tiêm 4.309.014 liều vắc-xin trong tổng số 5.054.180 liều vắc-xin được phân bổ (trong đó có 2.464.216 liều mũi 1 và 1.844.798 liều mũi 2) cho người dân. Ngoài ra, đã tiêm được 256.706 liều vắc-xin cho đối tượng 12-17 tuổi (mũi 1: 171.687 liều, mũi 2: 85.019 liều).

Được biết, hiện qua test nhanh khi phát hiện các ca mắc Covid-19 thì có 8 đến 10% người dân chưa tiêm vắc-xin, do đó Sở Y tế tỉnh Bình Dương khuyến cáo người dân nên thực hiện tiêm đầy đủ để phòng chống dịch được tốt nhất, giảm tử vong.

Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/binh-duong-vua-quyet-dinh-thay-doi-ke-hoach-tiem-mui-3-2021...

22 người mắc Covid-19 tại một bản miền núi không rõ nguyên nhân

Tối 11-12, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Nghệ An cho biết trong 24 giờ qua (từ 18 giờ ngày 10-12 đến 18 giờ ngày 11-12), Nghệ An ghi nhận 100 ca mắc mới Covid-19 tại nhiều địa phương. Trong đó có 36 ca cộng đồng (Con Cuông: 23, Hưng Nguyên: 3, Quế Phong: 3, Kỳ Sơn: 2, TP Vinh: 1, Nghi Lộc: 1, Yên Thành: 1, Thái Hòa 1, Tương Dương 1), các trường hợp còn lại nằm trong vùng phong tỏa hoặc đã được cách ly từ trước. 

Theo cơ quan chức năng, trong 100 ca mắc mới Covid-19 tại Nghệ An có 28 ca có triệu chứng, 72 ca không có triệu chứng.

Lực lượng chức năng Nghệ An lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng cho người dân.

Lực lượng chức năng Nghệ An lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng cho người dân.

Đặc biệt, trong 36 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng ở Nghệ An có 22 ca được phát hiện tại bản Chôm Lôm, xã Lạng Khê, huyện Con Cuông. Trong đó có tới 21/22 ca không có triệu chứng. Hiện tại cơ quan chức năng đang khẩn trương truy vết những trường hợp liên quan để lấy mẫu xét nghiệm, cách ly theo quy định.

Như vậy, tính từ đầu mùa dịch đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã ghi nhận 5.652 bệnh nhân mắc Covid-19 ở 21 địa phương: TP Vinh: 980, Nghi Lộc: 528, Quỳnh Lưu: 498, Yên Thành: 469, Diễn Châu: 351, Tân Kỳ: 298, Quế Phong: 267, Quỳ Châu: 265, Nam Đàn: 231, Hưng Nguyên: 215, Hoàng Mai: 189, Đô Lương: 187, Cửa Lò: 181, Nghĩa Đàn: 173, Con Cuông: 186, Thanh Chương: 156, Tương Dương: 122, Kỳ Sơn: 122, Quỳ Hợp: 105, Anh Sơn: 75, Thái Hòa: 54... 

Lũy tích số bệnh nhân điều trị đã khỏi bệnh, ra viện: 4.521 người, số bệnh nhân tử vong: 31 người, số bệnh nhân hiện đang điều trị: 1.100 người. 

Tổng số công dân từ các tỉnh phía Nam về Nghệ An từ ngày 1-10 đến nay là 49.836 người, qua lấy mẫu xét nghiệm phát hiện 1.054 người mắc Covid-19.

Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/22-nguoi-mac-covid-19-tai-mot-ban-mien-nui-khong-ro-nguyen-n...

Hà Nội: Quận Đống Đa chuyển màu cam, học sinh có tiếp tục học trực tiếp?

Theo đánh giá cấp độ dịch mới nhất của UBND TP.Hà Nội, quận Đống Đa đã nâng từ cấp độ 2 lên cấp độ 3 (nguy cơ cao - màu cam). Trong 14 ngày vừa qua, quận này ghi nhận 1.336 F0 cộng đồng.

Các trường xây dựng phương án tổ chức dạy học linh hoạt, kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Ảnh minh họa: TTXVN

Các trường xây dựng phương án tổ chức dạy học linh hoạt, kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Ảnh minh họa: TTXVN

Ngay khi quận Đống Đa bị nâng cấp độ dịch, nhiều phụ huynh và học sinh khối 12 của quận này quan tâm về việc có tiếp tục được đến trường học trực tiếp hay không?

Theo văn bản số 4168 ngày 5/12 của sở GD&ĐT Hà Nội về việc điều chỉnh việc tổ chức dạy học trực tiếp đối với học sinh các trường THPT, Trung tâm GDNN - GDTX trên địa bàn các quận, huyện, thị xã TP, Hà Nội sẽ chỉ cho học sinh khối 12 các trường THPT, các trung tâm GDNN - GDTX tại 30 quận, huyện, thị xã có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2 đi học trực tiếp, kết hợp trực tuyến kể từ thứ Hai (ngày 6/12/2021).

Cụ thể, 50% số học sinh khối 12 đi học trực tiếp thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu; các ngày còn lại học trực tuyến. 50% số học sinh lớp 12 đi học trực tiếp thứ Ba, thứ Năm, thứ Bảy; các ngày còn lại học trực tuyến.

Căn cứ theo văn bản này, quận Đống Đa thuộc cấp độ 3, không nằm trong điều kiện mở lại trường học theo văn bản của sở GDĐT Hà Nội.

Bên cạnh quận Đống Đa, học sinh tại 6 phường/xã khác của Hà Nội gồm: Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm); Yên Viên, Yên Thường của huyện Gia Lâm; Vân Nội (huyện Đông Anh); Đội Cấn (quận Ba Đình); Quảng An (quận Tây Hồ) cũng không thể đến trường do những địa phương này nằm trong cấp độ 3.

Sau một thời gian mở cửa đón học sinh lớp 9 các huyện, thị xã và học sinh lớp 12 trên toàn thành phố đi học trở lại, phần lớn các trường học ở Hà Nội đều đáp ứng các quy định, tiêu chí đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

Các trường cũng xây dựng phương án tổ chức dạy học linh hoạt, kết hợp trực tiếp và trực tuyến, ứng phó kịp thời với các vụ việc phát sinh đột xuất, mục tiêu hỗ trợ, tạo điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh.

Theo Phó Giám đốc sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến, việc đưa học sinh trở lại trường học cần đặt vấn đề an toàn sức khỏe lên trên hết. Sở đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh để tham mưu lãnh đạo thành phố về lộ trình đưa học sinh trở lại trường học.

Dù dạy học trực tiếp hay trực tuyến, cùng với việc bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh, các trường cần duy trì công tác dạy học theo đúng tiến độ, chất lượng, quan tâm tới học sinh có hoàn cảnh khó khăn và hỗ trợ tốt nhất cho học sinh cuối cấp.

Nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ha-noi-quan-dong-da-chuyen-mau-cam-hoc-sinh...

Lộ ảnh hiếm thời trẻ của nữ đại gia là bạn thân Hồ Ngọc Hà, ở biệt thự 800 tỷ
Bức ảnh này được Bảo Linh - cháu gái của nữ tỷ phú đăng tải trên Instagram kèm dòng chú thích: "Dân chơi những năm 80".

Đại gia tỷ phú

Bảo Anh. (t/h)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19